Vấn đề nôn trớ khi bé uống sữa có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, phân biệt thành nôn trớ sinh lý (trào ngược) và nôn trớ do bệnh lý. Mẹ cần phân biệt rõ để có biện pháp giải quyết thích hợp.
Nôn trớ sinh lý (trào ngược dạ dày)
Đây là tình trạng thường gặp ở khoảng 60% trẻ sơ sinh và những em bé khỏe mạnh. Đặc điểm của nó là bé không nôn nhiều, không nôn đột ngột, thường chỉ nôn ra thức ăn lỏng...
Nguyên nhân của hiện tượng này thường là do các cơ quan trong cơ thể bé chưa phát triển hoàn thiện. Khi mới sinh, dạ dày của bé vẫn nằm ngang, cơ thắt thực quản dưới chưa hoàn chỉnh, dạ dày bé nhỏ; thức ăn trong giai đoạn này của bé thường có dạng lỏng, và bé thường nằm nhiều, điều này khiến thức ăn ở trong dạ dày bé ứ đọng lâu, dễ gây ra tình trạng nôn trớ.
Tình trạng nôn trớ sinh lý thường giảm đi khi bé đạt đến 12 - 18 tháng tuổi.
Bên cạnh đó, nôn trớ sinh lý còn có thể do những tác động từ bên ngoài như:
Bé bú quá nhiều
Dạ dày của bé vẫn còn nhỏ, hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện, nếu bé bú quá nhiều trong một lần có thể gây ra tình trạng nôn trớ.
Nguyên nhân này thường xảy ra nhiều hơn ở trẻ bú bình, khi lượng sữa xuống nhanh và lớn, bé không tự ngừng bú, có thể bú nhiều hơn nhu cầu thực tế.
Đối với trẻ bú bình, mẹ có thể chia nhỏ lượng sữa thành nhiều lần bú cho bé, giúp bé không bú quá nhiều trong một lần.
Nếu bé được bú mẹ, hãy cho bé bú theo nhu cầu. Cách bú: bắt đầu bằng bên trái (bé nằm nghiêng về bên phải), sau đó chuyển sang bên phải (bé nằm nghiêng về bên trái). Điều này giúp sữa dễ đi xuống dạ dày, giảm nguy cơ trào ngược.
Đặt bé nằm ngay sau khi bú
Nếu đặt bé nằm ngay sau khi bé đã bú no, có thể dễ gây ra tình trạng trào ngược dạ dày.
Tốt nhất, giữ trẻ ở tư thế đầu cao trong 15 - 20 phút, vỗ nhẹ lưng bé để giúp bé ợ hơi, sau đó đặt bé nằm nghiêng về bên trái và kê đầu bé cao, tránh đùa nhiều với bé sau khi bú.
Tư thế ngủ không đúng
Tư thế ngủ không đúng cũng có thể tăng nguy cơ trào ngược dạ dày.
Mẹ nên nâng cao đầu bé lên góc 30 độ. Ở tư thế này, thức ăn trong dạ dày bé sẽ không bị trào ngược lên khi bé ngủ.
Bé nuốt nhiều không khí khi bú bình hoặc ngậm ti giả
Khi bú bình, hãy đảm bảo sữa ngập hết bầu vú của bình sữa, tránh bé bú sâu và nuốt phải nhiều không khí vào dạ dày, điều này có thể làm tăng nguy cơ trào ngược.
Việc sử dụng ti giả cũng có thể đưa nhiều không khí vào dạ dày của bé, làm cho bé dễ bị nôn trớ sau khi sử dụng ti giả sau khi bú.
Pha sữa không đúng cách
Nhiệt độ nước không đủ để hoà tan sữa làm cho sữa khó tiêu, dạ dày bé phải làm việc vất vả hơn và dễ gây ra tình trạng khó chịu, nôn trớ.
Sữa mới không phù hợp với bé
Bé có thể phản ứng dị ứng với một thành phần nào đó trong sữa, gây rắc rối cho hệ tiêu hóa của bé. Ngoài ra, bé có thể có các dấu hiệu dị ứng khác như tiêu chảy, khó tiêu hoặc đi ngoài nhiều, hoặc có các biểu hiện khác của dị ứng...
Nôn trớ do bệnh lý
Thường là tình trạng nôn trớ kéo dài, kèm theo các dấu hiệu bất thường khác như đau bụng, chướng bụng, co giật, tiêu chảy, hoặc có máu khi nôn trớ…
Bé có thể đang mắc các bệnh như viêm dạ dày, ngộ độc, tắc ruột, nhiễm trùng đường tiểu, lồng ruột (khi một phần ruột di chuyển và vào trong một phần khác của ruột), hẹp phì đại môn vị (một bệnh liên quan đến đường tiêu hóa bẩm sinh ở trẻ),…
Khi trẻ bị nôn trớ và có các dấu hiệu bất thường khác, cha mẹ không nên tự ý cho bé dùng bất kỳ loại thuốc nào, thay vào đó nên sớm đưa bé đến cơ sở y tế để xác định nguyên nhân cụ thể và điều trị.
Nôn trớ không phải là hiện tượng hiếm gặp ở trẻ nhỏ, nhưng nếu ba mẹ biết cách chăm sóc trẻ đúng cách, có thể giảm thiểu tình trạng nôn trớ do trào ngược. Đối với những trường hợp nôn trớ kèm theo các dấu hiệu bất thường, nên đưa trẻ đi thăm khám ngay.