Bệnh Celiac là một rối loạn tự miễn gây ra do cơ thể không thể xử lý gluten, loại protein có trong lúa mì, lúa mạch và các loại ngũ cốc khác.
Bệnh Celiac gây ra tình trạng tổn thương ở các nhung mao trong ruột non, làm giảm khả năng hấp thụ dinh dưỡng và dẫn đến suy dinh dưỡng.
Tổn thương do bệnh Celiac thường tiến triển từ từ và không rõ ràng, với các triệu chứng có thể khác nhau giữa các cá nhân.
Triệu chứng
Biểu hiện của bệnh Celiac ở người trưởng thành
Các biểu hiện của bệnh Celiac có thể rất đa dạng và bao gồm:
- Đau bụng.
- Cảm giác đầy hơi hoặc no bụng.
- Táo bón.
- Tiêu chảy.
- Kích thích khí ga.
- Ợ nóng.
- Buồn nôn.
- Phân có màu nhạt và mùi hôi đặc trưng.
Theo thời gian, những triệu chứng khác có thể xuất hiện như:
- Thiếu máu.
- Đau xương hoặc khớp.
- Phát ban ngứa.
- Đau đầu.
- Mệt mỏi.
- Xương trở nên yếu.
- Thay đổi tâm trạng.
- Loét miệng và các vấn đề về răng miệng.
- Giảm cân.
Phụ nữ bị bệnh Celiac có thể gặp phải chu kỳ kinh nguyệt không đều, mãn kinh sớm hoặc sảy thai.
Biểu hiện của bệnh Celiac ở trẻ em
Trẻ em mắc bệnh Celiac thường gặp các vấn đề về đường tiêu hóa nhiều hơn so với người lớn, bao gồm:
- Cảm giác đầy hơi hoặc chướng bụng.
- Táo bón.
- Tiêu chảy.
- Phân nhợt nhạt và có mùi hôi đặc trưng.
- Đau bụng hoặc nôn mửa.
- Giảm cân.
- Thiếu máu.
- Men răng bị hỏng.
- Tuổi dậy thì muộn.
- Thay đổi tâm trạng hoặc cáu kỉnh.
- Tăng trưởng chậm.
Yếu tố nguy cơ
Hiện tại, nguyên nhân chính xác gây bệnh Celiac vẫn chưa được xác định, tuy nhiên, một số yếu tố nguy cơ có thể làm tăng khả năng mắc bệnh này bao gồm:
- Có người thân trong gia đình mắc bệnh Celiac.
- Viêm tuyến giáp Hashimoto.
- Bệnh tiểu đường type 1.
- Hội chứng Down.
- Viêm khớp dạng thấp.
- Bệnh đa xơ cứng (MS).
- Viêm gan tự miễn.
- Bệnh lupus.
- Hội chứng ruột kích thích (IBS).
- Không dung nạp lactose.
- Ung thư ruột.
Biến chứng
Nếu không được điều trị, bệnh Celiac có thể dẫn đến suy dinh dưỡng kéo dài, làm xương yếu hoặc mềm, men răng suy giảm, chậm phát triển, cũng như gặp khó khăn trong việc giữ thăng bằng và phối hợp.
Tình trạng viêm mạn tính do bệnh Celiac không được điều trị có thể dẫn đến việc không dung nạp các thực phẩm khác như lactose, loại đường tự nhiên có trong sản phẩm từ sữa.
Các tổn thương và sẹo trong ruột do bệnh này có thể dẫn đến tình trạng hẹp và tắc nghẽn.
Chẩn đoán
Bệnh Celiac thường khó chẩn đoán vì triệu chứng của nó không đặc trưng và dễ nhầm lẫn với nhiều vấn đề tiêu hóa khác.
Bác sĩ thường sẽ xem xét tiền sử bệnh và các triệu chứng gần đây. Người bệnh có thể cần thực hiện xét nghiệm máu để kiểm tra kháng thể đối với gluten (tế bào lympho), được gọi là xét nghiệm huyết thanh.
Sinh thiết để xác định tổn thương hoặc nội soi để kiểm tra các dấu hiệu của bệnh Celiac.
Điều trị
Cách hiệu quả nhất để điều trị bệnh Celiac là tuân theo chế độ ăn không gluten, giúp ruột non hồi phục dần dần.
Người bệnh nên loại bỏ hoàn toàn thực phẩm có lúa mì, lúa mạch đen hoặc lúa mạch. Thay vào đó, ưu tiên sử dụng tinh bột từ cơm, khoai tây, khoai lang, ngô, đậu, quả hạch, rau củ tươi, thịt, cá, gia cầm...
Bác sĩ có thể chỉ định thuốc dựa trên mức độ viêm của người bệnh. Người bệnh cũng có thể cần bổ sung vitamin hoặc khoáng chất nếu gặp tình trạng thiếu máu hoặc thiếu dinh dưỡng nghiêm trọng.
Anh Chi (Theo WebMD)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |