Benjamin Graham | |
---|---|
Sinh | London, Vương quốc Anh | 8 tháng 5, 1894
Mất | 21 tháng 9, 1976 Aix-en-Provence, Pháp |
(82 tuổi)
Học vị | Đại học Columbia |
Nghề nghiệp | Nhà kinh tế học |
Benjamin Graham (8 tháng 5 năm 1894 - 21 tháng 9 năm 1976) là một chuyên gia tài chính, doanh nhân, và nhà đầu tư nổi tiếng người Anh-Mỹ. Ông được xem là người sáng lập trường phái đầu tư giá trị. Graham bắt đầu giảng dạy về phương pháp này tại Trường Columbia vào năm 1928 và cùng David Dodd viết cuốn sách nổi tiếng Phân tích chứng khoán (Security Analysis). Những học trò nổi bật của ông gồm Warren Buffett, William J. Ruane, Irving Kahn, Walter J. Schloss và nhiều người khác. Warren Buffett coi Graham là người có ảnh hưởng lớn thứ hai trong cuộc đời mình. Warren Buffett và Irving Kahn thậm chí đã đặt tên đệm cho con trai của mình là Howard Graham Buffett và Thomas Graham Kahn.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Columbia vào năm 1914, khi đó ông mới 20 tuổi, Benjamin Graham bắt đầu sự nghiệp tại phố Wall và sau đó thành lập đối tác Graham-Newman. Sau khi tuyển dụng Warren Buffett, một cựu sinh viên của ông và sau này là người quản lý của Berkshire Hathaway, ông tiếp tục giảng dạy tại trường cũ của mình và sau đó tại Trường Quản lý Anderson thuộc Đại học California, Los Angeles.
Cuộc đời và sự nghiệp
Thời niên thiếu
Tên khai sinh của Benjamin Graham là Benjamin Grossbaum, và ông có nguồn gốc Do Thái. Gia đình ông di cư đến New York khi ông mới một tuổi. Trong thời gian đó, những tên họ gốc Đức không được ưa chuộng, nên ông được đổi tên thành Graham. Cha ông là một nhà buôn đĩa sứ và tượng nhỏ. Ban đầu, gia đình ông sống khá đầy đủ, nhưng sau khi cha ông qua đời vào năm 1903, cuộc sống của ông trở nên khó khăn. May mắn thay, ông nhận được học bổng tại đại học Columbia và tốt nghiệp vào năm 1914 với thành tích đứng thứ hai trong lớp. Ông được mời dạy các môn Anh ngữ, Triết học và Toán học nhưng đã chọn làm việc trên phố Wall và cuối cùng thành lập công ty riêng, Graham-Newman Partnership.
Sự nghiệp
Benjamin Graham để lại hai tác phẩm vĩ đại: 'Phân tích chứng khoán' (Security Analysis, xuất bản năm 1934, cùng David Dodd) và 'Nhà đầu tư thông minh' (The Intelligent Investor, xuất bản năm 1949, tái bản lần 4 bởi Jason Zweig vào năm 2003). 'Phân tích chứng khoán' được coi là cuốn sách kinh điển cho các nhà đầu tư nghiêm túc kể từ khi xuất bản. 'Nhà đầu tư thông minh' được Warren Buffet đánh giá là 'cuốn sách hay nhất về đầu tư từng được viết.' Benjamin Graham nhấn mạnh rằng bất cứ ai tham gia thị trường chứng khoán cần phải phân biệt rõ ràng giữa đầu tư và đầu cơ. Trong 'Phân tích chứng khoán', ông định nghĩa đầu tư và đầu cơ như sau: 'Đầu tư là quá trình, thông qua phân tích kỹ lưỡng và cẩn trọng, có thể bảo đảm an toàn vốn và mang lại lợi nhuận hợp lý. Tất cả các hoạt động không đáp ứng yêu cầu này đều được coi là đầu cơ.'
Benjamin Graham cũng khuyên các nhà đầu tư nên coi cổ phiếu như là phần sở hữu của công ty. Do đó, họ không nên quá lo lắng về những biến động khó lường của thị trường, vì trong ngắn hạn, thị trường chỉ là công cụ biểu quyết, hoàn toàn phụ thuộc vào ý kiến của các nhà đầu tư. Trong dài hạn, thị trường chính là thước đo giá trị thực của cổ phiếu. Ông phân biệt giữa nhà đầu tư bị động và nhà đầu tư chủ động. Nhà đầu tư bị động, hay còn gọi là nhà đầu tư phòng vệ, sẽ đầu tư một cách thận trọng, tìm kiếm những chứng khoán có giá trị và giữ chúng lâu dài. Ngược lại, nhà đầu tư chủ động là người có thời gian, đam mê và kiến thức sâu rộng hơn để tìm kiếm các cơ hội đầu tư đặc biệt trên thị trường. Graham khuyến nghị những nhà đầu tư này cần đầu tư thời gian và công sức vào việc phân tích tài chính của công ty. Khi giá thị trường thấp hơn giá trị nội tại, biên an toàn sẽ hình thành, và đó là thời điểm thích hợp để đầu tư.
Benjamin Graham nhận định: 'Đầu tư thông minh nhất là khi nó cũng có tính kinh doanh nhất,' và Warren Buffet xem đây là tuyên ngôn quan trọng nhất về đầu tư. Graham cho rằng một nhà đầu tư không đúng hay sai vì người khác đồng ý hay phản đối; một nhà đầu tư đúng khi đánh giá và phân tích của anh ta là chính xác. Graham yêu thích hình tượng Ngài Thị Trường, người thường xuyên gõ cửa để đề nghị mua và bán chứng khoán với các mức giá khác nhau. Thông thường, giá của Ngài Thị Trường rất hợp lý, nhưng đôi khi lại trở nên nực cười. Các nhà đầu tư có thể chấp nhận hoặc từ chối giá mà Ngài Thị Trường đưa ra, tùy theo quyết định của họ. Ngài Thị Trường không quan tâm đến ai, mỗi ngày lại đưa ra một mức giá mới. Các nhà đầu tư không nên dựa vào sự thay đổi kỳ quặc của Ngài Thị Trường để xác định giá trị chứng khoán. Thay vào đó, họ nên tập trung vào hoạt động của công ty và cổ tức nhận được, thay vì quá chú trọng vào những hành động bất thường của Ngài Thị Trường.
Graham đã chỉ trích mạnh mẽ các công ty thời bấy giờ về việc làm rối loạn và làm gián đoạn công tác công bố báo cáo tài chính, gây khó khăn cho các nhà đầu tư trong việc đánh giá chính xác tình hình tài chính của doanh nghiệp. Ông ủng hộ việc phân chia cổ tức cho cổ đông thay vì để doanh nghiệp giữ lại toàn bộ lợi nhuận sau thuế. Benjamin Graham cũng kịch liệt phản đối quan điểm cho rằng: 'Một số chứng khoán là cơ hội mua tuyệt vời bất kể giá cả, bởi vì chúng có triển vọng tăng giá lâu dài, vì vậy không cần xem xét tình hình hoạt động thực tế của công ty.' Những quan điểm của Graham vẫn giữ nguyên giá trị thực tiễn cho đến ngày nay.
Di sản
Gần đây, cách tiếp cận của Benjamin Graham về 'Ngài Thị Trường' đã gặp phải sự thách thức lớn từ MTP (Lý thuyết Danh mục Cổ phiếu Hiện đại). Nền tảng của MTP dựa trên giả thuyết thị trường hiệu quả (EMH), cho rằng không có khả năng cá nhân có thể liên tục 'đánh bại' thị trường. Do đó, MTP bác bỏ khả năng có bất kỳ sự chênh lệch nào giữa giá thị trường và giá trị thực của một chứng khoán.
Tuy nhiên, lịch sử đã ghi nhận nhiều học trò của Graham thành công vượt trội về lợi nhuận đầu tư. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng cổ phiếu giá trị thường vượt trội hơn cổ phiếu tăng trưởng và toàn thị trường nói chung trong hầu hết các khoảng thời gian dài.
Trích lời Warren Buffet:
'…mỗi ngày ông đều hy vọng thực hiện 'một điều gì đó lạ lùng, một điều gì đó sáng tạo, một điều gì đó rộng lượng.'…Nhưng trong ba điều ông mong muốn, sự rộng lượng là điều ông thể hiện tốt nhất…'
'...Trong một lĩnh vực mà nhiều thứ có thể trở nên lỗi thời chỉ sau vài tuần hoặc vài tháng kể từ khi công bố, các nguyên tắc của Ben vẫn giữ vững – giá trị của chúng thường được tăng cường và hiểu biết hơn trong những thời kỳ khủng hoảng tài chính, những cơn bão phá vỡ các nền tảng trí thức yếu hơn.'
Sách
Phân tích chứng khoán (Security Analysis) hợp tác cùng David Dodd, Nhà đầu tư thông minh (The Intelligent Investor)