(Tổ Quốc) - Có tồn tại sự sống trên Mặt Trăng - vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái Đất hay không?
HY VỌNG THAY ĐỔI 'QUAN ĐIỂM' THẾ KỶ
Mặt Trăng đã lâu được coi là nơi không thể sống và không có sự sống, nhưng sứ mệnh sắp triển khai của NASA có thể sẽ thay đổi 'quan điểm' đã kéo dài hàng thế kỷ này.
Sau nhiều năm nghiên cứu về sự sống ngoài hành tinh, Prabal Saxena - một nhà khoa học hành tinh tại Trung tâm Du hành Vũ trụ Goddard của NASA, đã tiết lộ rằng sự sống của vi sinh vật có thể tồn tại trong các môi trường khắc nghiệt như trên Mặt Trăng - vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái Đất chúng ta.
Tuyên bố này phần nào thể hiện mong muốn của NASA trong hành trình tái khám phá Mặt Trăng ở quy mô rộng lớn hơn và chi tiết hơn. Mong muốn này được đặt hoàn toàn trong Chương trình Artemis mà cơ quan này đang thực hiện từng bước một.
NASA cho biết sự sống của vi sinh vật có thể tồn tại trong môi trường khắc nghiệt ở cực Nam Mặt Trăng. Nguồn: Michael/Getty image/iStockphoto
Space.com đưa tin, sứ mệnh Artemis 3 của NASA trên Mặt Trăng, dự kiến bắt đầu vào cuối năm 2025, có thể tiết lộ liệu các vi sinh vật có thể sống sót trong các miệng hố va chạm siêu lạnh, bị che khuất vĩnh viễn ở cực Nam Mặt Trăng sau các chuyến bay trước đó (Apollo 11 năm 1969) hay không.
Tại Hội thảo về các địa điểm hạ cánh tiềm năng của Artemis 3, nhà khoa học NASA Prabal Saxena cho biết: 'Artemis 3 hứa hẹn giải đáp bí ẩn lớn nhất trên Mặt Trăng, rằng liệu sự sống có tồn tại ở đây hay không. Một trong những điểm đáng chú ý mà nhóm của chúng tôi đã phát hiện là, dựa trên nghiên cứu gần đây về phạm vi mà một số vi sinh vật có thể tồn tại, có thể có những miệng hố va chạm tiềm năng (không bị bức xạ Mặt Trời thiêu đốt) để vi sinh vật tồn tại và phát triển. Hiện, chúng tôi đang nghiên cứu để tìm hiểu những sinh vật cụ thể nào có thể sống được ở những khu vực như vậy'.
Cho đến nay, NASA đã xác định được 13 khu vực tiềm năng gần cực Nam của Mặt Trăng cho sứ mệnh Artemis 3 - cuộc đổ bộ lên Mặt Trăng có người lái đầu tiên trong thế kỷ 21 kể từ sứ mệnh Apollo 17 diễn ra vào năm 1972.
Bao gồm:
Vành đai Faustini A
Khu vực gần miệng hố va chạm Shackleton
Connecting Ridge
Kết nối Rặng Mở Rộng
Vành đai de Gerlache 1
Vành đai de Gerlache 2
Vành đai de Gerlache-Kocher
Massif Haworth Malapert
Massif Leibnitz
Thềm Beta
Vành đai Nobile 1
Vành đai Nobile 2
Vành đai Amundsen
Sự lựa chọn của họ về 13 điểm hạ cánh này là vì chúng là các khu vực che khuất vĩnh viễn, không bị bức xạ từ Mặt Trời và có khả năng chứa đựng nước đá. Ngoài ra, chúng còn giàu tài nguyên và có địa hình chưa được khám phá bởi con người.
NASA đã xác định 13 khu vực tiềm năng để hạ cánh cho sứ mệnh Artemis 3. Nguồn: NASA
Các chuyên gia tin rằng nếu có vi sinh vật tồn tại trên Mặt Trăng, chúng có thể đã đến từ thiên thạch ngoài không gian. Tuy nhiên, cũng có khả năng rằng các vi sinh vật có thể có nguồn gốc từ Trái Đất, chúng có sự sống bền bỉ, chịu được điều kiện khắc nghiệt và đã 'trải qua' chuyến đi trên tàu đổ bộ Mặt Trăng Apollo 11 vào năm 1969.
Heather Graham, một nhà địa hóa học hữu cơ tại Trung tâm Du hành Vũ trụ Goddard của NASA, cho biết với Space.com: 'Chúng tôi coi con người Trái Đất là người sứ giả có khả năng nhất để mang sự sống lên Mặt Trăng. Tất nhiên, điều này được dựa trên dữ liệu phong phú về lịch sử khám phá và tác động của con người lên Mặt Trăng trong thế kỷ 20'.
Dù hiện tại không có vi sinh vật trên Mặt Trăng, nhưng các loài có khả năng chống lại bức xạ như Tardigrades (hay còn gọi là gấu nước) hoặc vi khuẩn Deinococcus radiodurans có thể được mang đến qua Chương trình Artemis của NASA.
Các nhà khoa học NASA tin rằng những loài này không chỉ có thể sống sót sau chuyến đi mà còn có thể phát triển mạnh mẽ trên Mặt Trăng.
Artemis 3 là một phần quan trọng của Chương trình Artemis thế kỷ 21 của NASA, với mục tiêu tái đổ bộ Mặt Trăng. NASA mong muốn khám phá Mặt Trăng một cách chi tiết hơn, quy mô lớn hơn và biến nó thành một cơ sở nghiên cứu cho các nhà khoa học và một trạm trung chuyển để thực hiện các nhiệm vụ lên sao Hỏa.
'Các chuyến bay thử nghiệm lên Mặt Trăng trong Artemis 2 sẽ chứng minh khả năng cần thiết để đưa con người lên đó và thực hiện các sứ mệnh dài hạn trong nhiều thập kỷ. Kinh nghiệm từ việc khám phá Mặt Trăng sẽ là cơ sở cho việc chuẩn bị cho bước tiếp theo, là việc khám phá sao Hỏa' - NASA đã nói.
Bài viết được tham khảo từ: NASA, Chron, Space.com