Phiên bản Tây du ký năm 1927 là tác phẩm đầu tiên được chuyển thể từ tiểu thuyết của Ngô Thừa Ân.
Những người yêu thích Tây du ký thường biết đến bản phim kinh điển năm 1986. Nhưng ít ai biết rằng, đã có một phiên bản khác ra đời từ năm 1927.
Theo Thepaper, phiên bản Tây du ký này có tên Động Bàn Tơ, được sản xuất tại Thượng Hải (Trung Quốc) vào những năm 1920. Đây được coi là bộ phim đầu tiên chuyển thể từ tiểu thuyết thần thoại của Ngô Thừa Ân.

Bộ phim được thực hiện dưới dạng phim câm, đen trắng, với sự đạo diễn của Đản Đỗ Vũ và sự tham gia của Ân Minh Châu - vợ của Đản Đỗ Vũ.
Dự án này giúp vợ chồng Đản Đỗ Vũ - Ân Minh Châu nhận được khoản thù lao lên đến 50.000 NDT. Vào thời điểm đó, mỗi gia đình ở Thượng Hải chỉ chi tiêu khoảng 30 đồng mỗi tháng. Số tiền lớn này đã được họ sử dụng để mua trang thiết bị để sản xuất các bộ phim tiếp theo.
Năm 1929, sau thành công của phần một, Đản Đỗ Vũ tiếp tục làm phần hai. Nhưng cả hai phần đều bị cấm chiếu vì diễn viên mặc quá táo bạo và có nhiều cảnh bị cho là 'làm hại thuần phong mỹ tục'.

Gần như không ai biết về tác phẩm này cho đến năm 2011, khi Thư viện quốc gia Na Uy kiểm tra lại kho phim cổ họ có 9000 cuộn.
Trong quá trình kiểm tra, Thư viện quốc gia Na Uy phát hiện một cuộn phim ghi bằng tiếng Trung, được biết đây là bộ phim châu Á đầu tiên được trình chiếu tại quốc gia này. Sau đó, họ nhận ra rằng bộ phim này dựa trên tiểu thuyết nổi tiếng Tây du ký của Ngô Thừa Ân.
Cuộn phim này có cả phụ đề tiếng Trung và tiếng Na Uy, được xem là bản sao duy nhất còn tồn tại vì không thể tìm thấy bản gốc. Do đã được lưu trữ quá lâu, nhiều thước phim đã bị hư hại nặng nề. Vì vậy, các chuyên gia ở Na Uy đã phải phục chế lại trước khi trao trả cho Cục lưu trữ Điện ảnh Trung Quốc từ năm 2014.

Thạc sĩ Thang Duy Kiệt, trường Nhân văn học Đại học Đồng Tế, Thượng Hải, đánh giá bộ phim Tây du ký: Động Bàn Tơ thuộc loại 'bom tấn' thập niên 1920, đánh dấu sự đột phá trong việc sử dụng kỹ xảo và hiệu ứng mỹ thuật.
Phần phim kể về thầy trò Đường Tăng gặp nạn với 7 con yêu tinh nhện. Các diễn viên đóng vai yêu tinh nhện đều là nam giới. Họ mặc ít vải, cảnh quay không có tiếng động, mang màu sắc kinh dị khiến nhiều khán giả sợ hãi.
Bởi vì là bản phim câm, việc đánh giá nội dung và tình tiết của Tây du ký phiên bản năm 1927 là rất khó khăn. Tuy nhiên, qua hình ảnh trong phim, có thể thấy trình độ diễn xuất của các diễn viên hàng đầu trong nền điện ảnh Trung Quốc.

Khi các hình ảnh trong phim được công bố, nhiều người xem đã bất ngờ với mức độ 'bạo dạn' của các diễn viên thời kỳ đó. Trong nhiều phân cảnh, diễn viên cả nam lẫn nữ đều không ngần ngại khoe da thịt trên màn ảnh rộng.
Một số người tin rằng, điều này hoàn toàn dễ hiểu vì vào thời điểm đó, văn hóa phương Tây đã tiếp tục tràn ngập vào Trung Quốc, và các diễn viên cũng phải thích nghi bằng cách ăn mặc theo thị hiếu của công chúng.