Có nhiều giả thuyết cho rằng vào năm 1989, Liên Xô đã phát hiện ra khoảng 20.000 tàn tích thành phố cổ hình kim tự tháp trên Sao Kim, dường như đã bị bỏ hoang từ lâu.
Các nhà khoa học cho biết, trước đây Sao Kim là một hành tinh có điều kiện tiến hóa sự sống giống như Trái Đất. Với sự phát triển nhanh chóng của khoa học, giới nghiên cứu đã phát hiện ra rằng có rất nhiều dạng sống, không nhất thiết là sự sống dựa trên carbon. Và cũng có thể có những dạng sống sở hữu khả năng thích nghi với nhiệt độ cao.
Vào năm 2020, một bài báo trên tạp chí Nature Astronomy đã thu hút sự chú ý của mọi người trên toàn thế giới, đề cập rằng có một lượng lớn phosphine trong bầu khí quyển của Sao Kim, điều đó có nghĩa là có thể có rất nhiều sự sống trên Sao Kim!
Sự kết hợp của những điều trên khiến cho nhiều người tự hỏi, liệu có thực sự tồn tại một nền văn minh cổ đại trên Sao Kim? họ ở đâu? Biến mất hay đã đến một hành tinh khác? Hay đã đến Trái Đất? Sao Kim có phải là hành tinh quê hương của loài người?
Sao Kim là một hành tinh có thể sống được vào thời cổ đại, tại sao môi trường bây giờ lại khắc nghiệt như vậy?
Khối lượng của Sao Kim chiếm 80% khối lượng của Trái Đất, thể tích là 88% so với Trái đất và bán kính của nó là 6.073 mét, gần như bằng với bán kính của Trái Đất là 6.371 mét. Vì vậy, Sao Kim được biết đến là 'ngôi sao chị em' của Trái Đất.
Sau khi NASA nghiên cứu về Sao Kim, họ phát hiện rằng nhiệt độ của Sao Kim đã dao động trong khoảng từ 20°C đến 50°C trong suốt 3 tỷ năm và có một đại dương nguyên thủy, tạo điều kiện cho sự tiến hóa của sự sống.
Ban đầu, Sao Kim có từ trường, nhưng dưới tác động của một số yếu tố, từ trường của Sao Kim đã biến mất. Gió Mặt Trời mạnh mẽ liên tục thổi bay khí hydro trong bầu khí quyển của Sao Kim, trong khi khí oxy vẫn được giữ lại trên Sao Kim vì nó nặng hơn.
Theo thời gian, nước trên Sao Kim giảm dần. Nguyên tố oxy và cacbon tạo thành khí cacbonic, ban đầu không phải là vấn đề lớn. Nhưng khi hoạt động núi lửa của Sao Kim mạnh mẽ, lượng khí cacbonic khổng lồ bên trong 'thoát' ra thế giới bên ngoài, gây ra hiệu ứng nhà kính mạnh mẽ.
Cuối cùng, hiệu ứng nhà kính của Sao Kim đã mất kiểm soát hoàn toàn. Nước ở dạng lỏng đã bốc hơi hoàn toàn và sự sống có thể đã bị hủy diệt.
Dữ liệu từ tàu thăm dò Sao Kim cho thấy, nồng độ hiện tại của carbon dioxide trong bầu khí quyển của Sao Kim cao tới 96,5% và áp suất khí quyển bề mặt gấp 91 lần so với Trái Đất. Dưới ảnh hưởng của hiệu ứng nhà kính cực đoan này, Sao Kim đã đạt đến trạng thái cân bằng nhiệt, và nhiệt độ bề mặt trung bình cao tới 464°C.
Sao Kim có nhiều phosphine, điều này có nghĩa là có sự sống?
Báo cáo này đã được xuất bản trên tạp chí Nature Astronomy vào tháng 9 năm 2020 và nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học vì theo hiểu biết hiện tại của nhân loại, phosphine là một hợp chất hóa học giữa phosphor và hydro có liên quan mật thiết đến sự sống.
Ngoài quá trình tổng hợp nhân tạo, hợp chất này là sản phẩm bài tiết của vi khuẩn kỵ khí. Lấy con người làm ví dụ, sau khi cơ thể con người được chôn cất, vi khuẩn kỵ khí trong hài cốt sẽ tạo ra hydrocacbon, hydro sunfua và phosphine trong quá trình phân hủy.
Cũng có thể hiểu rằng phosphine là sản phẩm của quá trình phân hủy xác sinh vật.
Vào thời điểm đó, nhiều người đã suy đoán liệu có tồn tại sự sống trên Sao Kim hay không. Tuy nhiên một nghiên cứu mới đã bác bỏ khả năng có thể tồn tại sự sống trên Sao Kim.
Giáo sư Jonathan Lunine, tác giả của nghiên cứu mới, cho biết: 'Phosphine trên Sao Kim không phải là bằng chứng về sự sống, mà nó là bằng chứng về hoạt động núi lửa hiện tại hoặc gần đây'.
Nhóm nghiên cứu giải thích rằng, các vụ phun trào núi lửa đã đẩy một lượng nhỏ phosphide từ lòng đất lên bề mặt Sao Kim dưới dạng bụi núi lửa. Sau đó, lượng phosphide này phản ứng với axit sulfuric để tạo thành phosphine.
Theo nhóm nghiên cứu, hình ảnh radar của Sao Kim từ tàu vũ trụ Magellan của NASA vào những năm 1990 cho thấy một số đặc điểm địa chất có thể hỗ trợ lý thuyết này. Ngoài ra, trong sứ mệnh tàu quỹ đạo Pioneer Venus của NASA vào năm 1978, các nhà khoa học đã phát hiện các biến thể của sulfur dioxide trong bầu khí quyển của Sao Kim, cho thấy có thể có hoạt động của núi lửa.
Sự thật về 20.000 kim tự tháp thời tiền sử trên Sao Kim
Tháng 1 năm 1989, Liên Xô gửi tàu thăm dò đến Sao Kim. Khi các nhà khoa học nhận được hình ảnh quét radar từ tàu thăm dò, họ đã kinh ngạc khi thấy Sao Kim có một lượng lớn tàn tích giống như kim tự tháp.
Các nhà vật lý thiên văn và chuyên gia hình ảnh đã xác định các hình ảnh và loại trừ các yếu tố ngẫu nhiên như lỗi máy dò và sự can thiệp khí quyển của Sao Kim. Họ xác định có tới 20.000 tàn tích đô thị trên bề mặt Sao Kim!
Tuy nhiên, những thông tin này chỉ là tin đồn và không có cơ sở khoa học. Thực tế, Liên Xô không từng phóng một tàu thăm dò đến Sao Kim vào tháng 1 năm 1989. Chương trình thăm dò Sao Kim của Liên Xô đã kết thúc vào năm 1984.
Vào ngày 21 tháng 12 năm 1984, Liên Xô đã phóng vệ tinh Vega 2 để thăm dò Sao Kim và Sao chổi Halley. Vega 2 đã hạ cánh an toàn vào ngày 15 tháng 6 năm 1985 trên Cao nguyên Aphrodite của Sao Kim sau khi bay được nửa năm.
Vega 2 phát hiện áp suất tại vị trí hạ cánh Sao Kim gấp 91 lần áp suất bình thường của khí quyển Trái Đất, tương đương với áp suất ở độ sâu 900 mét dưới lòng đại dương của Trái Đất.
Điều đáng lo ngại hơn là Vega 2 đo được nhiệt độ bề mặt Sao Kim lên đến 463°C, và sau đó tàu đổ bộ Vega 2 đã bị phá hủy hoàn toàn sau 56 phút làm việc trên Sao Kim.
Từ những hình ảnh gửi về từ tàu thăm dò 'Venera 9' và 'Venera 13' của Liên Xô, không có dấu hiệu của bất kỳ tòa nhà hình kim tự tháp nào trên bề mặt Sao Kim.
Ngoài ra, Sao Kim thường xuyên chịu mưa axit và gió mạnh. Ngay cả nếu có các công trình kiến trúc trên bề mặt, chúng cũng không thể tồn tại lâu dưới điều kiện khắc nghiệt của Sao Kim.