
Việc đặt câu hỏi phỏng vấn là một kỹ năng quan trọng không chỉ với ứng viên mà còn với chính nhà tuyển dụng. Hiệu quả của cuộc phỏng vấn và sự đồng thuận của hai bên phụ thuộc rất nhiều vào điều này. Hãy cùng Glints khám phá cách đặt câu hỏi phỏng vấn thông minh dưới đây nhé.
Những kỹ thuật đặt câu hỏi sau đây sẽ giúp các nhà tuyển dụng phát triển khả năng đặt câu hỏi trong cuộc phỏng vấn của họ.
Trong một cuộc phỏng vấn, câu hỏi thường được sắp xếp từ dễ đến khó hoặc từ đơn giản đến phức tạp nhất. Hãy xây dựng một cấu trúc logic cho các câu hỏi của bạn, từ việc giới thiệu bản thân, kinh nghiệm làm việc, cho tới các câu hỏi sâu hơn về hành vi và tình huống giả định. Tuỳ thuộc vào ngành nghề, các câu hỏi sẽ được tinh chỉnh để phù hợp với từng lĩnh vực khác nhau.
Thay vì hỏi những câu có thể trả lời đơn giản như 'có' hoặc 'không', hãy sử dụng câu hỏi mở để khuyến khích ứng viên trả lời chi tiết và tự do hơn. Điều này giúp bạn lắng nghe và hiểu được ứng viên nhiều hơn, cung cấp thông tin quan trọng về họ. Dưới đây là một số ví dụ về câu hỏi mở:
- Bạn có thể chia sẻ về quá trình bạn đã trải qua để đạt được thành công trong công việc hiện tại không?
- Bạn mường tượng công việc lý tưởng của mình như thế nào?
- Hãy kể về một tình huống mà bạn đã quản lý căng thẳng thành công.

Với câu hỏi thăm dò, bạn thúc đẩy ứng viên suy nghĩ sâu hơn về câu trả lời của họ và cung cấp thông tin rõ ràng hơn. Kỹ thuật này hữu ích khi bạn muốn ứng viên suy nghĩ sâu hơn về câu trả lời hoặc khi bạn cảm thấy cần thêm thông tin từ họ.
Một số mẫu câu hỏi bao gồm:
- Bạn nghĩ gì khi nói…?
- Theo bạn, gốc rễ của vấn đề nằm ở đâu?
- Làm sao bạn biết làm như vậy là đúng/sai?
- Tại sao bạn nghĩ như vậy?
“Câu hỏi dẫn dắt là các câu hỏi nhằm khuyến khích hoặc hướng người trả lời vào một câu trả lời mà người hỏi mong muốn”.
Kỹ Thuật Đặt Câu Hỏi Dẫn Dắt
Một số ví dụ về câu hỏi dẫn dắt:
- Bạn nghĩ gì đã giúp công ty chúng tôi dẫn đầu trong ngành này?
- Bạn có tin rằng việc tỉ mỉ, chi tiết là yếu tố quan trọng trong công việc không?
- Bạn đã sử dụng sản phẩm của chúng tôi chưa?
Với những câu hỏi như vậy, bạn đã cung cấp hướng trả lời tốt cho ứng viên. Hãy sử dụng cách hỏi này một cách công bằng và cẩn thận.
Câu hỏi xoáy tương tự như câu hỏi về tình huống. Ứng viên có thể cảm thấy hơi lo ngại với loại câu hỏi này do tính nhạy cảm của chúng. Tuy nhiên, bạn có thể nhanh chóng đánh giá được thái độ làm việc và khả năng giao tiếp của ứng viên. Ví dụ:
- Bạn cho biết điểm yếu của mình là gì và làm thế nào nó ảnh hưởng đến công việc?
- Nếu công ty yêu cầu bạn hoàn thành công việc vào thứ sáu và giao hàng vào thứ bảy, bạn sẵn lòng thực hiện không?
Với mỗi ứng viên, cách bạn hỏi phỏng vấn và gặp gỡ tinh tế hay không cũng ảnh hưởng đến hình ảnh của họ về công ty. Có nhiều trường hợp ứng viên không hài lòng, thậm chí cảm thấy không được tôn trọng bởi những người phỏng vấn.
Vì thế, khi đặt câu hỏi phỏng vấn, nhà tuyển dụng cần chú ý đến những điểm sau đây:
Tôn trọng là gì? Dù bạn là một chuyên viên nhân sự có nhiều kinh nghiệm, mới bắt đầu trong lĩnh vực này hoặc đang tiến triển, thì việc thể hiện sự lịch sự và tôn trọng đối với ứng viên là rất quan trọng. Tuỳ thuộc vào đối tượng, bạn cần điều chỉnh cách nói chuyện và tạo môi trường phù hợp nhất.
Cần diễn đạt những câu hỏi thiết thực một cách tế nhị nhất. Tránh những câu hỏi quá ngắn gọn hoặc những câu hỏi mà thông tin đã có trong CV của ứng viên.
Cách hỏi phỏng vấn sâu khác hoàn toàn so với việc không đọc CV hay sơ yếu lý lịch của ứng viên, rồi đặt những câu hỏi rất cơ bản như “Tên bạn là gì?” hay “Bạn bao nhiêu tuổi?”.
Một điểm trừ lớn khi hỏi phỏng vấn là những câu hỏi về các vấn đề nhạy cảm, không liên quan đến công việc hoặc đánh giá kỹ năng, kinh nghiệm chuyên môn. Ví dụ như hỏi về tình trạng hôn nhân, gia đình thân thích, v.v.

Hơn nữa, một người phỏng vấn không nên tập trung quá nhiều vào việc nói chuyện về công ty mà bỏ qua việc hiểu rõ về ứng viên, điều này có thể tạo ấn tượng không tốt.
Bạn cần phải rõ ràng về mục đích của mỗi câu hỏi và thể hiện sự chuyên nghiệp, nghiêm túc nhất có thể.
Cách hỏi phỏng vấn tốt không đảm bảo thành công trong buổi phỏng vấn. Bạn cũng phải lắng nghe ứng viên một cách cẩn thận và tôn trọng ý kiến của họ. Thay vì chỉ trích, bạn nên đưa ra ý kiến một cách chân thành và lịch sự.