1. Nguyên tắc dinh dưỡng cho người đái tháo đường
Nguyên tắc dinh dưỡng giúp người mắc bệnh đái tháo đường xây dựng chế độ ăn hàng ngày đa dạng sẽ dễ dàng hơn, tuy nhiên không có nguyên tắc dinh dưỡng cụ thể và phù hợp cho tất cả các bệnh nhân. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh, sức khỏe cũng như sở thích ăn uống mà chế độ ăn của từng người sẽ khác nhau.
Người mắc bệnh đái tháo đường cần chú ý đặc biệt đến chế độ ăn
Tuy nhiên cần đảm bảo mục tiêu của chế độ ăn là duy trì đường huyết ổn định, giảm nguy cơ biến chứng do đái tháo đường.
Dưới đây là một số điều cần lưu ý:
-
Bổ sung đủ nước cho cơ thể với lượng từ 40ml/kg trọng lượng mỗi ngày.
-
Ăn đủ 3 bữa mỗi ngày, tốt nhất chia thành 4 - 5 bữa ăn để giảm lượng thức ăn hấp thu cùng lúc làm đường huyết tăng hoặc khi đêm bị đói.
-
Lưu ý ăn đúng giờ để tránh đói hoặc no quá mức.
-
Ăn uống cân đối đảm bảo năng lượng cho nhu cầu cơ thể hàng ngày cũng như đảm bảo sức khỏe, không nên kiêng cữ quá mức khiến bạn hạ đường huyết hoặc thiếu hụt dinh dưỡng.
-
Tránh ăn quá no hoặc quá ít mỗi bữa.
Người mắc bệnh đái tháo đường cần chia nhỏ các bữa ăn
Khi tuân thủ những lưu ý trên, người mắc bệnh đái tháo đường có thể kiểm soát đường huyết ổn định, điều này là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe và phòng tránh biến chứng.
2. Người mắc bệnh đái tháo đường nên ăn gì?
Người mắc bệnh đái tháo đường nên ăn gì? Dưới đây là những loại thực phẩm được các chuyên gia khuyến nghị cho người mắc bệnh đái tháo đường:
2.1. Thực phẩm thuộc nhóm tinh bột
Nhóm thực phẩm này cung cấp lượng lớn năng lượng cho người mắc bệnh đái tháo đường không kèm theo hoặc chỉ kèm theo lượng ít vitamin. Người mắc bệnh được khuyến nghị chỉ nên tiêu thụ các loại thực phẩm chứa lượng vừa đủ tinh bột như: cơm hàng ngày, xôi, các loại gạo lứt, khoai lang,... tùy theo sở thích ăn uống và nhu cầu năng lượng.
Các loại củ chứa nhiều tinh bột như khoai sắn, bánh mì, bánh gạo,... có thể làm tăng đường huyết nhanh chóng nên người mắc bệnh nên hạn chế. Nếu tiêu thụ, cần giảm lượng cơm hoặc thực phẩm cung cấp tinh bột khác để tránh gặp biến chứng.
2.2. Thực phẩm giàu chất đạm và Vitamin
Nhóm thực phẩm này bao gồm: trứng, thịt, cá, sữa,... cung cấp lượng lớn chất đạm, sắt và Vitamin, đảm bảo năng lượng cho cơ thể hoạt động. Người mắc bệnh đái tháo đường vẫn cần cung cấp đủ lượng chất đạm và Vitamin hàng ngày, nếu không sẽ bị thiếu dinh dưỡng và gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Thực phẩm giàu đạm và Vitamin cũng không cần phải kiêng quá mức với người mắc bệnh đái tháo đường có cân nặng bình thường.
Thức ăn giàu protein cung cấp lượng lớn năng lượng mỗi ngày
Còn những người mắc bệnh thừa cân hoặc béo phì cần chú ý hơn trong việc chọn lựa thực phẩm, nên ưu tiên sử dụng thịt nạc như: thịt ức gà, thịt trắng, thịt không nhiều mỡ, tránh ăn da gà, vịt,... Thay vào đó, có thể chọn nguồn protein từ thực vật tốt cho sức khỏe và cân nặng hơn như sữa đậu nành, đậu phụ, đỗ, đậu,...
2.3. Thực phẩm giàu chất xơ và chất chống ôxy hóa
Trong chế độ ăn của người mắc bệnh đái tháo đường, không thể thiếu nhóm thực phẩm giàu chất xơ và chất chống ôxy hóa như: các loại rau xanh, hoa quả,... Những chất dinh dưỡng này không chỉ cung cấp năng lượng và các chất theo nhu cầu cơ thể mà còn có vai trò kiểm soát đường huyết tốt, ngăn chặn sự tăng đường huyết đột ngột sau khi ăn.
Các loại rau củ nên chế biến bằng cách luộc hoặc hấp, ngoài ra có thể ăn các món rau sống từ nguồn rau quả sạch. Trong đó, các loại rau quả sau được khuyến khích cho người mắc bệnh đái tháo đường do có tác dụng kiểm soát đường huyết và ngăn ngừa biến chứng tốt: rau muống, mướp đắng, bí xanh, rau ngót, tảo,...
Bệnh nhân đái tháo đường nên tiêu thụ khoảng 14g chất xơ mỗi 1000 kcal hàng ngày.
2.4. Thực phẩm cung cấp chất béo
Tỉ lệ chất béo được khuyến nghị trong khẩu phần ăn hàng ngày nên chiếm khoảng 25% tổng lượng năng lượng cung cấp, không nên vượt quá 30%. Để duy trì đường huyết ổn định và ngăn ngừa biến chứng về xơ vữa động mạch, bệnh nhân đái tháo đường nên hạn chế acid béo bão hòa, thay vào đó là sử dụng các nguồn dầu thực vật.
Tỉ lệ chất béo trong khẩu phần ăn chỉ nên chiếm khoảng 25% tổng năng lượng
Bổ sung đủ lượng chất béo hàng ngày cũng giúp cơ thể hấp thu được những Vitamin tan trong dầu. Các thực phẩm được khuyến nghị sử dụng trong chế độ ăn của người mắc bệnh bao gồm: dầu ô liu, dầu đậu nành,... Ngược lại, cần hạn chế sử dụng mỡ động vật để chế biến thức ăn, cũng như tránh xa các loại nội tạng động vật, óc, thực phẩm chế biến sẵn,...
3. Người mắc bệnh đái tháo đường nên hạn chế những thực phẩm nào?
Bên cạnh việc tăng cường bổ sung các thực phẩm tốt, người mắc bệnh đái tháo đường cần hạn chế để kiểm soát đường huyết và ngăn ngừa biến chứng bệnh tốt, bao gồm:
-
Thực phẩm chứa nhiều muối: xúc xích, lạp xưởng, thịt khô, thực phẩm đóng hộp, thực phẩm nhanh.
-
Thực phẩm chứa nhiều đường tinh chế, hấp thu nhanh như: kẹo, bánh ngọt, mứt, các loại đồ uống ngọt, trái cây khô,...
-
Đồ uống chứa cồn như: rượu, bia,...
-
Giảm lượng muối sử dụng trong việc chế biến thức ăn hàng ngày, chỉ nên sử dụng khoảng 2300 mg/ngày.
Người mắc bệnh đái tháo đường cần kiểm soát việc hấp thu muối hàng ngày
Cùng với chế độ ăn uống, người mắc bệnh đái tháo đường cũng cần đặc biệt chú ý đến chế độ tập luyện thể thao hàng ngày để tăng cường sức khỏe, đàn hồi của mạch máu, ngăn ngừa thừa cân, béo phì,...
Những người tuân thủ tốt chế độ dinh dưỡng được khuyến nghị sẽ kiểm soát được đường huyết ổn định, từ đó đạt được sức khỏe tốt như người bình thường. Việc tái khám định kỳ là rất quan trọng để bác sĩ nắm được tình hình sức khỏe, bệnh lý của bạn và kịp thời can thiệp điều trị nếu có dấu hiệu bất thường.