'Thật sự hỗn loạn', một giám đốc điều hành giấu tên chia sẻ với FT khi tham vọng của các hãng xe điện Trung Quốc đối mặt với khó khăn trước Tesla tại thị trường Châu Âu.
Theo báo cáo của Financial Times (FT), cảng biển Châu Âu đang bị tràn ngập bởi lượng xe điện Trung Quốc, biến nơi đây thành bãi đỗ xe khi chuỗi cung ứng chậm và gặp khó khăn.
Nhiều quan chức điều hành cảng cho biết sự ùn tắc của dòng xe điện Trung Quốc là nguyên nhân chính dẫn đến việc các cảng biển trở thành bãi đỗ xe. Nhiều công ty đặt hàng nhưng không có yêu cầu vận chuyển tiếp do nhu cầu giảm, dẫn đến nhiều xe điện bị bỏ lại tại cảng.
Một số công ty gặp khó khăn về hậu cần do thiếu tài xế hoặc phương tiện vận chuyển.
'Các hãng xe điện ưa chuộng sử dụng cảng biển như kho chứa thay vì lưu kho tại đại lý', đại diện cảng Antwerp-Bruges, cửa khẩu nhập khẩu xe hơi lớn nhất Châu Âu cho biết.
Đại diện cảng cho biết họ đang gặp khó khăn để xử lý tình trạng tắc nghẽn của các chuyến xe điện Trung Quốc chất đầy trong kho.
Một số giám đốc điều hành giấu tên cho biết với FT rằng các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc không bán được nhiều xe điện ở Châu Âu như kỳ vọng, dẫn đến tắc nghẽn tại các cảng biển.
'Các hãng xe điện Trung Quốc đang biến các cảng biển Châu Âu thành bãi đỗ xe', một giám đốc chuỗi cung ứng ô tô ở Châu Âu nói với FT.
Hỗn loạn
Theo FT, nhiều xe điện mang thương hiệu Trung Quốc đã nằm lại các cảng biển Châu Âu tới 18 tháng, khiến quản lý cảng phải yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu trình kế hoạch vận chuyển tiếp.
Tuy nhiên, các chuyên gia phân phối ô tô ở Châu Âu cho rằng nhiều hãng xe chỉ dỡ hàng tại cảng và lưu kho cho đến khi có thể bán được đến đại lý hoặc người tiêu dùng, mà không có kế hoạch chi phí thêm về lưu kho hoặc vận chuyển.
'Thật sự hỗn loạn', một giám đốc điều hành giấu tên nói với FT.
Tổng thư ký Hiệp hội xe hơi Trung Quốc (CPCA) Cui Dongshu thừa nhận rằng việc di chuyển xe điện từ cảng biển Châu Âu là khó khăn do chi phí cao.
'Chúng tôi cần thay đổi phương thức xuất khẩu ô tô theo kiểu giật cục này, nếu không các doanh nghiệp trong nước sẽ gặp bất lợi,' ông Cui nhận xét.
Công ty vận tải BLG Logistics tại cảng Bremerhaven, Đức, nơi có hoạt động giao thương sôi động thứ 2 ở Châu Âu, cho biết họ mất nhiều thời gian hơn khi vận chuyển xe điện Trung Quốc do chính phủ Đức dừng trợ cấp từ tháng 12/2023, lo ngại về tác động đến các nhà máy địa phương.
Kế hoạch xuất khẩu thất bại
Theo FT, sự ùn tắc tại các cảng Châu Âu diễn ra sau khi các hãng xe điện Trung Quốc như BYD, Great Wall tăng xuất khẩu sang Châu Âu do sản lượng dư thừa và nhu cầu chậm lại ở nội địa.
Nhu cầu về xe điện ở Châu Âu không cao như mong đợi, người tiêu dùng ưa chuộng các hãng xe nổi tiếng như Tesla. Ngoài ra, các nhà hoạch định chính sách Châu Âu đã ngừng trợ cấp cho xe điện Trung Quốc vì lo ngại ảnh hưởng đến các thương hiệu nội địa.
Năm 2023, Trung Quốc đã tăng xuất khẩu ô tô 58% so với năm trước, vượt Nhật Bản để dẫn đầu về xuất khẩu ô tô trên toàn cầu, định hình lại thị trường xe hơi thế giới.
Trong hai tháng đầu năm nay, thị trường xuất khẩu chính của xe điện Trung Quốc gồm Bỉ, Anh, Đức và Hà Lan.
Tuy nhiên, tham vọng của các hãng xe Trung Quốc gặp nhiều trở ngại lớn. Vượt qua cạnh tranh, các thương hiệu Trung Quốc phải nỗ lực xây dựng bộ máy vận hành, phân phối và logistic từ đầu ở Châu Âu.
Vì là khách hàng mới, các hãng xe điện Trung Quốc khó tìm được đối tác vận tải ưu tiên đơn hàng để vận chuyển sản phẩm từ cảng biển Châu Âu.
Nguồn tin của FT cho biết khó khăn về thiếu phương tiện vận chuyển hàng hóa là vấn đề rất phổ biến đối với các hãng xe điện Trung Quốc do phần lớn đơn vận chuyển đã được đặt trước bởi Tesla.
'Mọi thương hiệu xe điện mới đều sẽ gặp vấn đề này. Nếu bạn không có quy mô lớn, không là khách hàng thường xuyên hoặc giá trị đơn hàng thấp, các hãng vận tải sẽ không ưu tiên cho bạn,' nguồn tin của FT cho biết.
Sự tắc nghẽn tại các cảng biển khiến việc dỡ hàng của nhiều tàu chở hàng khác bị chậm trễ.
Trên thực tế, sự bùng nổ xuất khẩu xe điện của Trung Quốc làm hệ thống logistic toàn cầu không theo kịp, gây tắc nghẽn, và cuộc xung đột ở Biển Đỏ càng làm tình hình thêm nghiêm trọng.
*Nguồn: Financial Times