Biến đổi thường xuyên là những thay đổi ở kiểu hình của cùng một kiểu gen, xuất hiện trong đời sống cá thể dưới tác động trực tiếp của môi trường, không do sự biến đổi trong kiểu gen (không liên quan đến nền tảng di truyền).
Thí dụ
Một loài động vật có bộ lông dày màu trắng vào mùa đông để hòa vào tuyết; vào mùa hè, lông thưa hơn và chuyển sang màu vàng hoặc xám. Sự thay đổi bộ lông của các loài này tương ứng với điều kiện môi trường, đảm bảo cho sự thích nghi theo mùa.
Chồn ermine: Theo National Geographic, loài chồn này có bộ lông màu nâu hạt dẻ vào mùa hè và chuyển sang màu trắng để ngụy trang trong tuyết vào mùa đông.
Một số loài thực vật ở nước ta như cây bàng, cây xoan rụng lá vào mùa đông để giảm thoát hơi nước.
Cây hoa anh thảo (Primula sinensis) đỏ thuần chủng khi trồng ở 35 °C thì ra hoa màu trắng. Thế hệ sau trồng ở 20 °C lại cho hoa màu đỏ. Trong khi đó, giống hoa trắng thuần chủng trồng ở cả 20 °C và 35 °C đều ra hoa màu trắng. Điều này xảy ra do kiểu gen AA tạo thành ở 35 °C là thường biến. Nhiệt độ ảnh hưởng đến màu trắng của hoa, còn kiểu gen aa không bị biến đổi, nên màu trắng không di truyền.
Ở cây rau dừa nước (Ludwigia Adscendens): phần thân mọc trên bờ có đường kính nhỏ và chắc, lá nhỏ; phần thân mọc ven bờ có thân và lá lớn hơn; phần thân mọc trên mặt nước có đường kính lớn hơn và rễ biến thành phao, lá to hơn.
Liên hệ giữa kiểu gen, môi trường và kiểu hình
Nghiên cứu về thường biến cho thấy, bố mẹ không truyền cho con những tính trạng (kiểu hình) có sẵn mà truyền kiểu gen quy định phản ứng trước môi trường.
Kiểu hình (tính trạng hoặc tập hợp các tính trạng) là kết quả của sự tương tác giữa kiểu gen và môi trường. Các tính trạng chất lượng phụ thuộc chủ yếu vào kiểu gen, ít chịu ảnh hưởng của môi trường. Ví dụ: giống lúa nếp cẩm trồng ở miền núi hay đồng bằng đều cho hạt gạo bầu tròn và màu đỏ. Lợn Ỉ Nam Định nuôi ở miền Bắc, miền Nam hay các vườn thú châu Âu vẫn có lông đen. Hàm lượng lipid trong sữa bò không bị ảnh hưởng nhiều bởi kỹ thuật nuôi dưỡng. Các tính trạng số lượng (cần cân, đong, đo, đếm để xác định) thường chịu ảnh hưởng lớn từ môi trường tự nhiên hoặc điều kiện trồng trọt và chăn nuôi, nên biểu hiện rất khác nhau. Ví dụ: số hạt lúa trên một bông của một giống lúa, lượng sữa vắt trong một ngày của một giống bò phụ thuộc vào điều kiện nuôi trồng. Vì vậy, trong sản xuất phải chú ý tới ảnh hưởng khác nhau của môi trường đối với từng loại tính trạng.
Mức độ phản ứng
Cùng một kiểu gen quy định tính trạng số lượng nhưng có thể phản ứng thành nhiều kiểu hình khác nhau tùy vào điều kiện môi trường. Tuy nhiên, khả năng phản ứng khác nhau hay thường biến có giới hạn do kiểu gen quyết định.
Ví dụ: Giống lúa DR2 được tạo ra từ một dòng tế bào (2n) có thể đạt năng suất tối đa gần 8 tấn/ha/vụ trong điều kiện canh tác tốt nhất, còn trong điều kiện bình thường chỉ đạt trung bình 4,5 - 5,0 tấn/ha.
Tầm quan trọng
Thường biến là biến dị đồng loạt theo một hướng xác định đối với nhóm cá thể có cùng kiểu gen và sống trong điều kiện giống nhau. Các biến đổi này tương ứng với môi trường. Thường biến không do biến đổi kiểu gen gây ra nên không di truyền. Tuy nhiên, nhờ thường biến, cơ thể phản ứng linh hoạt về kiểu hình, đảm bảo thích ứng trước các thay đổi nhất thời hoặc theo chu kỳ của môi trường.
- Sách giáo khoa Sinh học lớp 12 hoặc SGK Sinh học lớp 9.
Tài liệu tham khảo
- Kho bài giảng điện tử về Thường biến
[[Danh mục