Tư duy nhị phân (Binary thinking) là một trong số những tư duy xuất hiện trong cuộc sống thường ngày dù con người có nhận thức được hay không. Sự tác động của tư duy này thường sẽ dẫn đến biểu hiện bên ngoài về hành động, lời nói và cử chỉ có thể gây ra những hiệu ứng tiêu cực trong nhiều tình huống cuộc sống. Không chỉ thế, việc áp dụng tư duy nhị phân trong bài thi IELTS Speaking cũng có thể mang lại một số tác động đến không chỉ tâm lý mà còn chiến thuật trả lời câu hỏi của thí sinh trong phòng thi. Bài viết sẽ đưa ra góc nhìn tổng quan và cơ bản nhất của tư duy nhị phân (Binary thinking) và những điều thí sinh cần tránh trong quá trình ôn luyện IELTS Speaking.
Tổng quan về tư duy nhị phân (Binary thinking)
Q: “Do you have any hobbies?” (Bạn có sở thích nào không)
A: “Of course, yes. And I think it is really foolish if you don’t have any hobbies” (Dĩ nhiên là có, và tôi nghĩ sẽ thật ngốc nghếch nếu chúng ta không có bất kì sở thích nào).
Đây là một trong những ví dụ cơ bản nhất của Binary thinking được sử dụng khi trả lời câu hỏi: thay vì nói thêm về những thói quen của mình hoặc các thông tin liên quan, đối tượng lại sử dụng câu khẳng định phê phán những người có câu trả lời trái ngược. Theo đó, người trả lời đã gần như chia tất cả mọi người trên thế giới thành hai loại: những người có thói quen (giống bản thân mình) và những người không có thói quen (ngốc nghếch).
Định nghĩa về ý thức nhị phân
Từ ví dụ trên, định nghĩa về Binary thinking được trình bày như sau:
Theo Clay Drinko (2020), Binary thinking (hay còn gọi là tư duy lưỡng phân) xảy ra khi những khái niệm, ý kiến, nhận định và những vấn đề phức tạp, trừu tượng được đơn giản hóa một cách thái quá trở thành một mệnh đề gồm hai khả năng xảy ra, thường sẽ là đúng hoặc sai, có hoặc không. Và khoảng trống giữa hai nhận định này thường bị bỏ qua hoặc cho là không đáng kể.
Vấn đề của tư duy nhị phân là sự không chính xác khi nhìn nhận vấn đề. Trong thực tế, khoảng trống giữa hai cực của vấn đề (gọi là khoảng cách xám ‘gray area’) có tồn tại, và luôn tồn tại trong mọi tình huống. Và khi có tư duy nhị phân, con người sẽ có xu hướng đặt ra các giả thuyết hoặc quy chụp.
Tại sao con người thường có khuynh hướng suy nghĩ nhị phân
Tư duy nhị phân giúp con người tiết kiệm thời gian suy nghĩ: tư duy tốn rất nhiều năng lượng của con người và cũng là hoạt động được thực hiện thường xuyên trong ngày. Bằng tư duy nhị phân, con người có thể dành ít nỗ lực hơn do đã tối giản hóa tất cả những vấn đề họ gặp phải thành hai phương án: có hoặc không, đúng hoặc sai, có thể hoặc không thể.
Tư duy nhị phân có phần bị ảnh hưởng do truyền thông và các phương tiện thông tin đại chúng: ngày nay, sự phát triển của truyền thông cụ thể là một số bộ phim có xu hướng dẫn khán giả đến tư duy nhị phân do cách xây dựng nhân vật rõ ràng giữa người tốt và người xấu. Điều này, dù là cố tình hay vô tình, đều khiến người xem hình thành suy nghĩ phân định rạch ròi chỉ có hai trường phái đối lập trong mọi hoàn cảnh.
Tư duy nhị phân giúp con người cảm thấy tốt hơn về bản thân mình: do chỉ nhìn nhận tất cả quan điểm đưa ra là tốt hay xấu, con người sẽ có xu hướng đánh giá những gì trái ngược với mình theo hướng quy chụp và tiêu cực bằng những giả thuyết tự đặt ra.
Phân loại suy nghĩ nhị phân và tác động của tư duy này trong kỳ thi IELTS Speaking
Sự thật nhị phân (lưỡng phân sự thật):
Đây là loại tư duy thường xảy ra khi một số người cho rằng tình huống chỉ có hai đáp án đúng hoặc sai. Tuy nhiên điều này làm mất tính toàn diện của vấn đề bởi thực tế những trường hợp ‘đúng một phần’, ‘sai một phần’ hoặc ‘đúng sai tùy trường hợp’ có tồn tại. Và khi kiến thức của con người đang còn là giới hạn, việc cho rằng vấn đề đúng hoặc sai hoàn toàn sẽ dẫn đến những câu trả lời không toàn diện, thậm chí là không chính xác.
Trong bài thi Speaking, loại tư duy này thường được biểu hiện như sau:
-
Q: “Do you think the government should imprison all people committing a crime?” (Bạn có nghĩ chính phủ nên bỏ tù tất cả những người phạm tội hay không?)
A: “Yes, I think so. All of these people deserve a sentence so that they can know about the consequences of their wrongdoings” (Có, tôi nghĩ vậy. Tất cả họ nên nhận mức án tù để có thể biết thêm về những hậu quả do hành động sai trái bản thân đã gây ra)
Mặc dù câu trả lời vẫn được tính là có khá đầy đủ nội dung về mặt hình thức lẫn ý tưởng, tuy nhiên lại không mang tính thực tiễn cao do trong thực tế đây là một tình huống gần như bất khả thi. Và sự nhận định của người trả lời trong trường hợp này sẽ có thể coi là chưa toàn diện.
Lợi ích nhị phân (lưỡng phân tốt xấu):
Đây là xu hướng tư duy khi cá nhân coi một vấn đề là hoàn toàn tốt hoặc hoàn toàn xấu, tích cực hoặc tiêu cực, đúng đắn hoặc sai trái về mặt đạo đức. Trong khi đó, các xu hướng hoặc vấn đề đều có những mặt tốt và mặt xấu riêng và quyền quyết định mặt nào ảnh hưởng đáng kể hơn phụ thuộc vào trải nghiệm của mỗi người.
Trong bài thi Speaking, tư duy lưỡng phân tốt xấu thường dẫn đến câu trả lời như sau:
Q: “Do you think it is good for children to play online games?” (Bạn có nghĩ rằng trẻ em chơi trò chơi điện tử là tốt không).
A: “Absolutely no. I think children will be addicted to this form of entertainment, which distracts them from studying. In this case, children are likely to ignore homework and get lower academic results” (Hoàn toàn không. Tôi nghĩ trẻ em sẽ bị nghiện loại hình trò chơi này, điều này khiến chúng xao nhãng học hành. Trong trường hợp này, trẻ em sẽ có thể bỏ bê bài tập về nhà và có kết quả học tập không tốt)
Trên thực tế, chơi trò chơi điện tử vẫn được chứng minh là mang lại cho trẻ em khá nhiều lợi ích về thể chất và tinh thần, và người lớn phải giới hạn tần suất chơi của trẻ để có thể đảm bảo được khối lượng thời gian học và giải trí. Tuy nhiên đối với cách trả lời trên, trò chơi điện tử được cho là có ảnh hưởng hoàn toàn tiêu cực đến trẻ em, và là nguyên nhân dẫn đến kết quả học tập không tốt.
Nhận biết nhị phân (lưỡng phân nhận diện):
Đây là xu hướng tư duy phân loại cho rằng chỉ có một yếu tố duy nhất là tác nhân và gây ra vấn đề hoặc tạo nên xu hướng đó.
Xét ví dụ trong bài thi Speaking như sau:
Q: “What do people use computers for?” (Mọi người thường dùng máy tính vào việc gì?)
A: “I think they use computers to play games. I have seen many friends of me who are keen on online games and spend most of their time sitting in front of their computers to compete with their online opponents” (Tôi nghĩ họ dùng máy tính để chơi trò chơi điện tử. Tôi đã thấy nhiều bạn bè mình rất thích chơi điện tử trên mạng và dành hầu hết thời gian của họ ngồi trước máy tính để tranh đấu với đối thủ qua mạng).
Trong câu trả lời này rất nhiều ứng dụng và chức năng khác nhau của máy tính cũng đã bị bỏ sót và chỉ đưa ra chức năng chơi trò chơi – một công dụng chỉ phổ biến với một nhóm người nhất định trong cộng đồng.
Trong bài thi IELTS Speaking, thí sinh mang lối tư duy nhị phân thường trả lời câu hỏi một cách phiến diện. Điều này có thể cản trở thí sinh tăng điểm, đặc biệt với phần Speaking part 3, khi thí sinh được yêu cầu trả lời một số câu hỏi thảo luận thay vì trình bày một ý tưởng phân cực. Đồng thời, do sự thiếu linh hoạt của tư duy nhị phân, thí sinh thường khó trả lời những câu hỏi có phạm vi nằm ngoài vùng Đúng - Sai. Đây cũng là lý do nhiều thí sinh gặp khó khăn trong việc nghĩ ý tưởng.
Làm thế nào để tránh suy nghĩ nhị phân trong kỳ thi IELTS Speaking
Phương pháp tư duy khả năng (Probabilistic thinking): phương pháp này mở ra gợi ý với mỗi người khi đưa một nhận định. Theo đó, thay vì chắc chắn đúng hoặc sai, người nói cần thu hẹp phạm vi để nhận định trở nên chính xác hơn.
Ví dụ:
Q: “Do you have a hobby?”
A: “Well, for the most part, I think most people will take up their own hobby to enjoy their free time.” (Tôi nghĩ rằng hầu như mọi người sẽ có sở thích để có thể tận hưởng trong thời gian rảnh rỗi).
Có thể thấy thay vì phân loại những người có sở thích và không có sở thích, việc nói về phần lớn mọi người đều có sở thích và đi sâu hơn vào nhận định này sẽ giúp câu trả lời trở nên hợp lý hơn về mặt ngữ nghĩa.
Phương pháp tư duy xám (Grey thinking): các vấn đề đều có mặt tốt và mặt xấu, việc quy chụp cho một xu hướng là tốt hoặc xấu hoàn toàn có thể dẫn đến sự thiếu chính xác trong câu trả lời, và trong một số trường hợp có thể gây ra sự hiểu lầm không đáng có.
Ví dụ:
Q: “Do you think it is good for children to play online games?”
A: “Well to some extent, playing games can help children develop strategic thinking skills, which would be of great importance when they work as a part of a team. However, spending too much time in front of the screen can cause eye-related diseases” (Trong một phạm vi nào đó thì việc chơi trò chơi có thể giúp trẻ em hình thành tư duy chiến thuật, điều này sẽ rất quan trọng khi chúng làm việc nhóm. Tuy nhiên, việc dành quá nhiều thời gian trước màn hình có thể gây ra các bệnh về mắt).
Bằng cách liệt kê mặt tốt và mặt xấu của vấn đề, câu trả lời không chỉ được xây dựng với ý tưởng toàn diện hơn mà còn có độ dài nhất định về mặt hình thức.
Phương pháp tư duy đa yếu tố (Multi-factor thinking): thay vì đơn giản hóa hoặc đánh giá sai đặc điểm của đối tượng, việc phân tích các yếu tố liên quan tác động đến chủ thể giúp thí sinh có thể đưa ra câu trả lời chi tiết và cụ thể hơn.
Ví dụ:
Câu hỏi: “Mọi người sử dụng máy tính để làm gì?”
Trả lời: “Tôi nghĩ điều này phụ thuộc vào từng trường hợp. Nếu chúng ta nói về giới trẻ, họ thường sử dụng máy tính để đăng nhập vào tài khoản mạng xã hội để giữ liên lạc với bạn bè hoặc cập nhật tin tức. Đối với nhân viên văn phòng, máy tính có thể là một công cụ mạnh mẽ giúp họ xử lý các loại công việc văn phòng một cách hiệu quả”