Bodh Gaya | |
---|---|
Bodh Gaya | |
Quốc gia | Ấn Độ |
Bang | Bihar |
Dân số (2001) | |
• Tổng cộng | 30,883 |
Múi giờ | IST (UTC+05:30) |
Mã bưu chính | 824231 |
Bồ Đề Đạo Tràng hay Bồ Đề Già Da, tiếng Việt là Bồ Đề Đạo Tràng hay Bồ Đề Già Da, tên khác là Giác Thành (chữ Hán: 覺城), là một thành phố ở quận Gaya, Bihar, Ấn Độ. Đây là địa điểm nổi tiếng do là nơi Đức Phật đã giác ngộ dưới cây bồ đề. Đối với Phật giáo, Bodh Gaya là một trong bốn nơi quan trọng nhất trong cuộc đời của Phật Thích-ca Mâu-ni, còn 3 nơi khác đó là Kushinagar, Lâm-tỳ-ni (Lumbini) và Sarnath. Vào năm 2002, ngôi đền Mahabodhi (Đại giác ngộ tự) ở Bodh Gaya đã trở thành Di sản thế giới.
Lịch sử
Hành hương Phật giáo |
tới địa điểm linh thiêng của Đức Phật |
---|
Tứ thánh địa Phật giáo |
|
4 địa điểm kế tiếp |
|
Địa điểm khác |
|
Địa điểm kế tiếp |
|
Vào khoảng năm 500 TCN thái tử Tất-đạt-đa Cồ-đàm, khi đó đã là một nhà tu hành đi khất thực, đến bờ sông Falgu ở gần thành phố Gaya. Ở đây,Đức Phật đã ngồi thiền dưới bóng cây bồ đề. Sau 49 ngày đêm thiền định, Đức Phật đã đạt được giác ngộ và sự thấu hiểu.
Các đệ tử của Tất-đạt-đa Cồ-đàm bắt đầu thăm viếng nơi Đức Phật đã đạt được sự giác ngộ vào ngày rằm trong tháng Vaisakh (tháng 4 - tháng 5), theo lịch Ấn Độ. Theo thời gian, nơi này được gọi là Bồ Đề Đạo Tràng (Bồ Đề Đạo Tràng), ngày Đức Phật đạt giác ngộ là được gọi là Buddha Purnima (ở Việt Nam gọi là Ngày Đức Phật thành đạo), và cây nơi Đức Phật ngồi thiền gọi là Cây Bồ Đề (Bodhi - nghĩa là Tỉnh thức, Giác ngộ).
Lịch sử của Bodh Gaya đã được ghi chép lại trong nhiều tài liệu. Trong đó, quan trọng nhất là tài liệu của các nhà sư Trung Quốc Pháp Hiển (法顯) và Huyền Trang, những người hành hương đến thánh địa này vào các thế kỷ 4 và 7 để thỉnh kinh. Nơi đây là trái tim của văn hóa Phật giáo trong suốt hàng thế kỷ cho đến khi nó bị Thổ Nhĩ Kỳ đánh chiếm vào thế kỷ 13.
Chùa Mahabodhi
Chùa Mahabodhi nằm trong quần thể công trình nằm cách Patna 96 km, có tọa độ ,
Cội bồ đề
Sau khi Phật nhập niết bàn, cội Bồ-đề nguyên thủy mà Đức Phật ngồi bên khi ngài giác ngộ vẫn còn sống đến thời của vua Asoka và được nhà vua xây rào bảo vệ. Bên cạnh đó, nhà vua cũng đã nhân rộng cây quý này bằng cách chiếc nhánh của nó và gửi đến những địa điểm khác trên cả nước. Vì sùng kính đức Phật, vua Asoka chăm sóc cây Bồ-đề này rất cẩn thận, hàng ngày nhà vua đến thăm cây Bồ-đề và xem như một báu vật quốc gia. Do lòng ghen tỵ, quý phi của nhà vua là bà Tissarakkhā đã sai người lén chặt cây Bồ-đề và thiêu hủy nó. Vua Asoka đã trồng lại cây Bồ-đề từ một nhánh cây được chiết từ cây ở Sri Lanka (cây này lớn lên từ cành chiết gửi tặng cho vua Devanampiya Tissa trước đó). Có tài liệu khác thì ghi rằng cây bồ đề thứ 2 này mọc ra từ mầm nhú lên từ gốc của cây bị chặt.
Cây Bồ-đề thứ hai bị phá vào thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên trong cuộc bức hại Phật giáo của vua Pushyamitra Shunga. Sau đó, cây bồ đề lại tiếp tục được trồng lại. Tuy nhiên, có tài liệu khác cho rằng Pushyamitra Shunga đã không phá hủy cây.
Cây Bồ-đề thứ ba bị phá vào khoảng năm 600, do vua Sasanka xứ Ganda (Bengal, trị vì 590 - 625) ra lệnh. Vua Sasanka theo ngoại đạo nên không thích Phật giáo, ông đã truyền lệnh chặt cây thiêng này đồng thời đem đốt toàn bộ gốc rễ. Khi nghe tin, vua Purnavarama (Phú Lâu Na Bạt Ma) của Maghada (Ma-kiệt-đà), người nối dõi cuối cùng của vua Asoka đã vật mình xuống đất vì đau buồn, ông than thở: 'Mặt trời của trí tuệ đã lặn, không còn gì để lại ngoài cội bồ-đề, và ngay cả nó ngày nay cũng đã bị hủy diệt, nơi nào sẽ cung cấp cho nguồn sống tâm linh.' Năm 620, vua Purnavarma đã trồng lại cây Bồ-đề. Ngoài ra, vua còn cho xây bức tường cao hơn 7m để tránh kẻ xấu tàn phá cây Bồ-đề. Cây bồ đề này đã được Đường Tam Tạng mô tả trong nhật ký khi ông đến thăm nơi đây.
Khoảng 600 năm sau, cây Bồ-đề thứ tư bị phá. Quân đội Hồi giáo của Muhammad Bakhtiyar Khalji (Muhammad của Ghor) đã xâm chiếm Ấn Độ, phá hủy toàn bộ các Thánh tích Phật giáo, trong đó tòa tháp Maha Bodhi và cây Bồ-đề thiêng liêng. Mặc dù vậy, cây Bồ-đề lại tiếp tục hồi sinh. Ngay nơi gốc cây đã bị tàn phá, một chồi non đã nhú lên và phát triển nhanh chóng, cành lá sum suê.
Đến đầu thập niên 1870, cây Bồ-đề thứ năm đã bị khô chết, rồi trong một cơn bão năm 1876, cây Bồ-đề đã bị đổ. Vào năm 1881, ngài Alexander Cunningham người Anh đã sử dụng hạt giống từ cây Bồ-đề thứ năm và trồng lại chính nơi cây gốc đã từng ở đó. Về sau ở nơi đó, chồi non lại tiếp tục nảy nở và phát triển, kế thừa từ mạch sống của cây Bồ-đề tổ tiên. Cội Bồ-đề này đã lớn lên và phát triển đến ngày nay, cách tháp chính khoảng 5m.
Ngoài ra, một cành chiết từ cây bồ đề nguyên thủy đã được vua Asoka gửi tặng cho vua Devanampiya Tissa (Thiên-Ái-Đế-Tu) tại Sri Lanka vào năm 247 trước Tây lịch. Con gái của vua Asoka là Tỳ-kheo-ni Sanghamitta (Tăng-già-mật-đa) đã sang Sri Lanka (Tích Lan) với mục đích thành lập ni đoàn Phật giáo đã mang nhánh bồ-đề này qua Tích Lan, đem đến trồng ở Anuradhapura, tại đây nó đã phát triển thành một cây to. Sau này người dân Tích Lan đã gọi cây bồ-đề này là 'Sri-Maha Bodhi', nghĩa là 'Cây Bồ Đề Vĩ Đại Cát Tường'. Cho tới nay, trải qua gần 2.300 năm, Cây Bồ Đề Vĩ Đại vẫn sống tươi tốt và được người Sri Lanka coi là quốc bảo. Rất nhiều nhánh từ cây này đã được chiết để gửi đi trồng ở chùa chiền khắp nơi trên thế giới.
Như vậy, cùng chung với số phận thăng trầm của lịch sử Phật giáo ở Ấn Độ, cây bồ-đề cũng đã nhiều lần bị chặt đốt, thiêu hủy do thiên tai vô thường tác động và do những người muốn xóa tan vết tích của nó. Thế nhưng trải qua bao nguy khốn, dòng dõi hậu duệ của cây bồ đề vẫn không tuyệt diệt mà vẫn tiếp tục bám trụ và đâm chồi nảy lộc, đời sau nối tiếp đời trước che bóng mát cho nơi Phật đã ngồi khi thành đạo. Mặc dù trải qua nhiều lần sinh diệt, nhưng vị trí cây bồ đề ngày hôm nay so với gốc cây ban đầu vẫn không có sự thay đổi chuyển dịch, vẫn định vị như gốc cây bồ đề nguyên thủy, nơi khoảng 2.600 năm về trước, thái tử Tất Đạt Đa đã giác ngộ thành Phật. Với lịch sử hiển hách này, có thể nói cây bồ-đề tựa như một biểu tượng cao cả cho những tín đồ Phật giáo đã truyền đời nhau suốt 2.600 năm bảo tồn Chánh pháp mà Phật Thích Ca truyền dạy cho thế gian.
Trùng tu
Vào khoảng năm 250 TCN, vua Asoka của đế quốc Maurya đã xây dựng một đền thờ để kỷ niệm việc Phật Thích Ca thành đạo tại Bodh Gaya, mặc dù đền này đã không còn tồn tại. Sau đó, một công trình kiến trúc khác đã được xây dựng lại tại địa điểm này vào thế kỷ thứ 2 TCN và đã được tu bổ nhiều lần. Khi quân đội Hồi giáo xâm chiếm Ấn Độ, họ đã phá hủy hoàn toàn các di tích Phật giáo, bao gồm cả tháp Đại Giác và cây Bồ-đề thiêng liêng.
Năm 1875, vua Mindon Min của Miến Điện đã đề nghị và được chính phủ Ấn Độ và giáo hội Mahant Ấn giáo chấp thuận để tu bổ lại tháp Đại Giác đã bị bỏ hoang suốt nhiều năm. Tuy nhiên, công trình tu bổ lần đầu tiên của người Miến Điện không đúng theo truyền thống, dẫn đến sự can thiệp của chính phủ Ấn Độ vào năm 1880, khi ông J.D Beglar được bổ nhiệm để tu bổ lại hoàn toàn ngôi tháp. Ông Cunningham và tiến sĩ Rajendra Lal Mitra cũng tham gia với vai trò cố vấn trong công việc này. Công tác khôi phục đã dựa trên cơ sở của ngôi tháp cổ xưa và được thực hiện như một công trình từ thời Trung cổ. Việc phục chế và nâng cấp ngôi tháp hiện nay đã hầu hết đúng với bản mô phỏng của ngôi đền ban đầu.
Năm 1880, Alexander Cunningham phát hiện nền móng của tòa Kim cương (Vajrasana) lộ ra trên sân sau của tường đại tháp. Điều này đã khiến ông nghĩ rằng có thể có một số dấu vết liên quan đến cây bồ-đề nguyên thủy (cây Bồ-đề mà Đức Phật đã ngồi giác ngộ). Vì vậy, Cunningham đã đào một đoạn ngắn về phía tây của tòa Kim cương (Vajrasana) và phát hiện ra rằng tòa Kim cương (Vajrasana) thực chất nằm dưới vị trí hiện tại của cây bồ-đề. Tầng trên cùng là lớp đá hoa cương, lớp giữa là đá cát và lớp dưới cùng là thạch cao. Trong phòng này có một ngai vàng bằng đá basan, mặt bằng là đá xanh đặt trên một sàng đá hoa cương. Khi di chuyển sàng này, ông phát hiện thêm một ngai vàng thứ hai phía sau ngai vàng đầu tiên, cách nhau bốn lớp thạch cao. Ông cũng khám phá ra hai rễ lớn của cây bồ-đề cổ.
Tuy nhiên, sau khi hoàn thành việc tu bổ, ngôi tháp Đại Giác và khu vực xung quanh vẫn thuộc quyền sở hữu của giáo hội Mahant, nhưng họ chỉ quản lý các di tích với mục đích lợi nhuận từ sự thăm viếng của các tín đồ Phật giáo, chứ không có ý định tu bổ hay cúng kính. Cuộc vận động để khôi phục lại quyền quản lý tại khu vực tháp Đại Giác bắt đầu từ tháng 1 năm 1891, khi đại sư Anagarika Dharmapala đến thăm địa điểm này. Ngài Dharmapala ghi nhận vào ngày 21/1/1891 như sau: 'Ở ngôi đền của Mahant, hai bên cửa có những tượng Phật đang thiền hoặc đang pháp thoại. Tôi đã cảm thấy vô cùng sung sướng khi chạm đến Kim Cương Tòa, nơi Thế Tôn đã giác ngộ. Đây là nơi vô cùng thiêng liêng, không gì có thể sánh kịp. Đây là nơi mà dưới gốc Bồ-đề, Thái Tử Sĩ Đạt Ta đã thành Phật.'
Anagarika Dharmapala đã kiên quyết ngăn chặn mọi hoạt động ngoại đạo tại thánh địa này và thành lập Hội Đại Giác Ngộ, Bồ-đề Đạo Tràng (The Buddha Gaya Mahabodhi Society) vào ngày 31 tháng 5 năm 1891. Sau nhiều năm đấu tranh và thu hút sự ủng hộ từ các tín đồ Phật giáo trên toàn thế giới, vào năm 1952, chính phủ Ấn Độ đã thành lập một ủy ban quản lý khu vực Bồ-đề Đạo Tràng và các di sản khác. Ủy ban này bao gồm 8 thành viên, gồm có 4 người Ấn giáo và 4 người Phật giáo, với một chủ tịch là quận trưởng Gaya.
Các đặc điểm chính
Đại Giác Ngộ Tự là một công trình kiến trúc đá với một shikhara ở trung tâm. Bên trong ngôi đền có một tháp bảo tàng theo phong cách Miến Điện. Được phục chế bởi các Phật tử Miến Điện, vì vậy, trong điêu khắc và kiến trúc, nó mang nhiều nét Miến Điện. Mặt trước của tháp trung tâm và bốn tháp góc được trang trí với các bức tượng Phật giáo. Tại Bodh Gaya ngày nay, ngoài rất nhiều chùa từ các quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam còn có bốn chùa: Việt Nam Phật Quốc Tự của thầy Huyền Diệu, chùa Độ Sanh của một tu sĩ Mỹ gốc Việt, chùa Viên Giác của một tu sĩ Đức gốc Việt và Tịnh Xá Kỳ Hoàn của thầy Thích Giác Viên từ Vũng Tàu.