Hổ phách thường có nhiều màu sắc, nhưng màu phổ biến nhất là vàng nâu, được xem như 'kho lưu trữ' của các loài côn trùng cổ đại với khả năng bảo quản hoàn hảo.
Chú bọ ngựa bị mắc kẹt trong miếng hổ phách chỉ cao 3cm và đã bị đóng băng hàng triệu năm. Miếng hổ phách độc đáo này đã được bán thông qua Đấu giá di sản với giá 6.000 USD vào năm 2016. Nó đến từ Cộng hòa Dominican và là một trong những miếng hổ phách hiếm hoi bảo quản được loài bọ ngựa từ thời tiền sử.

Thực tế, miếng hổ phách này có nguồn gốc từ loài cây Hymenaea protera đã tuyệt chủng, một cây họ đậu thời tiền sử. Hầu hết hổ phách ở Trung và Nam Mỹ được hình thành từ nhựa của loài cây này.
Miếng hổ phách này được xác định niên đại từ Thế Oligocen hoặc Thế Tiệm Tân, một thế địa chất kéo dài từ khoảng 33,9 đến 23 triệu năm trước.
Thế Eocen hoặc Thế Thủy Tân là một đơn vị phân chia chính trong niên đại địa chất và là thế thứ hai của kỷ Paleogen trong đại Tân Sinh. Thế Eocen kéo dài từ khi kết thúc thế Paleocen cho tới khi bắt đầu thế Oligocen.

Và điều đáng ngạc nhiên là loài bọ ngựa thời tiền sử không khác biệt nhiều so với những loài hiện đại.
Ngày nay, có hơn 2.400 loài bọ ngựa sống chủ yếu ở vùng khí hậu nhiệt đới. Nhưng những loài bọ ngựa đầu tiên, xuất hiện từ 135 triệu năm trước, đã sống trong môi trường lạnh hơn cả Siberia ngày nay. Một số hóa thạch ban đầu thậm chí cho thấy những con bọ ngựa cổ đại cũng có gai ở hai chân trước, giống như những con bọ ngựa hiện đại.

Mẫu hổ phách cổ nhất được tìm thấy trong kỷ Carbon (cách đây khoảng 345 triệu năm). Mẫu hổ phách chứa hóa thạch cổ nhất được tìm thấy cách đây khoảng 146 triệu năm.
Các quốc gia vùng Baltic và Dominica là hai nguồn chính cung cấp hổ phách trên thế giới. Hổ phách vùng Baltic thì cổ hơn nên được ưa chuộng trên thị trường, nhưng hổ phách ở Dominica thì lại chứa nhiều xác côn trùng hơn.
Ở vùng Baltic, mỏ hổ phách lớn nhất nằm ở phía tây Kaliningrad thuộc Nga. Ngoài ra, hổ phách còn được tìm thấy ở Lithuania, Estonia, Latvia, Ba Lan và Đức, và đôi khi trôi dạt vào bờ biển Baltic của Đan Mạch và Na Uy.
Các nguồn hổ phách khác nằm ở các quốc gia như Myanma, Liban, đảo Sicily, Mexico, Rumani và Canada.
