Holotrichia sauteri | |
---|---|
Phân loại khoa học | |
Giới (regnum) | Animalia |
Ngành (phylum) | Arthropoda |
Phân ngành (subphylum) | Hexapoda |
Lớp (class) | Insecta |
Bộ (ordo) | Coleoptera |
Liên họ (superfamilia) | Scarabaeoidea |
Họ (familia) | Melolonthidae |
Chi (genus) | Holotrichia |
Loài (species) | Holotrichia sauteri |
Danh pháp hai phần | |
Holotrichia sauteri Moser, 1912 |
Bọ rầy, bù rầy, đuông đất, sâu đất, sùng trắng hay sùng đất (danh pháp khoa học: Holotrichia sauteri) là một loài côn trùng trong họ Melolonthinae, do Moser miêu tả vào năm 1912.
Ở Việt Nam, ấu trùng của loài này được người Cơ Tu gọi là cơ đang.
Đặc điểm
Bọ rầy không tấn công phần thân của cây mà chúng đào hang dưới gốc cây và đẻ trứng vào đó. Khi trứng nở thành ấu trùng, chúng gặm hại hệ rễ cây. Con cái của bọ rầy dùng chân để đào và xới khu vực gần gốc cây, sau đó đẻ khoảng 15 - 17 trứng vào và rồi vỗ cánh để bay đi. Chúng thường chọn các bãi bồi ven sông hoặc vùng đất pha cát với nhiều lá mục, hoặc ven sườn đồi để sinh sản.
Trứng có hình dạng tròn, đường kính khoảng 2 - 3mm. Trứng được đặt sâu trong đất và nở sau khoảng 10 - 15 ngày.
Ấu trùng nở ra sẽ bắt đầu ăn phá cây trồng, chúng thường ưa thích ăn rễ cây. Kích thước trung bình tương đương với ngón tay út, có màu sắc trắng ngà, trắng xanh hoặc vàng. Cơ thể có 3 cặp chân. Nói chung, ấu trùng sùng đất giống với kiến vương tới 99%. Ấu trùng bọ rầy mất gần 1 năm (270 - 300 ngày) để hóa nhộng. Thời gian 'nằm vùng' của chúng có thể xem là kỷ lục trong số những loài bọ cánh cứng tại Việt Nam.
Từ khi sùng đất bắt đầu nhả kén để hóa nhộng, chúng mất khoảng 10 - 15 ngày để hoàn tất chiếc kén của mình. Sau đó, chúng tốn thêm khoảng 20 - 30 ngày để hoàn toàn lột xác và bay ra khỏi kén. Vì vậy, giai đoạn nhộng của sùng đất cũng khá dài, kéo dài từ 40 - 45 ngày.
Do vòng đời của bọ rầy chủ yếu diễn ra dưới đất, tuổi thọ của bọ rầy trưởng thành thường rất ngắn, thường chưa đến một tháng. Đôi khi có con sống được lâu hơn, khoảng 1 đến 2 tháng.
Phân loài
- H. s. lutaoensis
Tác hại
Các loại cây bị bọ rầy tấn công bao gồm mía, ngô, gừng, khoai lang, bầu bí, v.v. Ấu trùng ẩn mình trong đất trong một thời gian dài và gây thiệt hại nghiêm trọng đến mùa vụ. Loài này khó điều trị hơn so với kiến vương và đuông dừa vì tổ của chúng thường nằm sâu dưới đất, gần gốc rễ cây. Đào lên để tiêu diệt chúng cũng nguy hiểm không kém việc đào cây. Theo một số nông dân, khi làm đất để trồng cây như mía, ngô, cần pha trộn đất với thuốc diệt sâu để ấu trùng nở ra sẽ bị diệt. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ hiệu quả trong vòng 1-2 mùa. Sau khi lượng thuốc trong đất giảm đi, bọ rầy lại tấn công mạnh hơn.
Công dụng
Trong các tháng mưa từ tháng 8 đến tháng 10, bọ rầy sùng đất nở rộ. Nhiều người dân ở miền Trung thường đi săn bọ rầy để sử dụng làm món đặc sản và đồng thời giúp tiêu diệt chúng.
Người dân tộc Cơ Tu coi bọ rầy là một món ăn bổ dưỡng giúp tăng cường sức khỏe nam giới trong các mối quan hệ tình dục.
Lưu ý đề phòng
- Ăn quá nhiều sùng đất có thể gây ngộ độc.
- Do ấu trùng của một số loài bọ cánh cứng sống dưới đất (như loài Sùng đất chẳng hạn), nên chúng có nguy cơ bị nhiễm thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật... Dù liều lượng nhỏ không đủ để giết chết con vật nhưng thuốc đã thẩm thấu vào cơ thể chúng. Ăn 1, 2 con không sao, nhưng 5, 7 con thì có thể gây hại.
- Ấu trùng của các loài bọ cánh cứng cũng không thể tránh khỏi sự tự nhiên, chúng có kẻ thù tự nhiên. Kẻ thù của chúng có thể là các loài động vật khác (như heo rừng thường ăn Sùng đất, hoặc ong ký sinh trên ấu trùng kiến vương) hoặc các loài nấm ký sinh. Các loài nấm này có thể chứa độc tố, khi nhiễm vào con ấu trùng thì chúng sẽ làm chết ấu trùng từ từ, từ vài ngày đến vài tuần. Vì vậy, nếu người ăn phải các con ấu trùng này và chúng đang bị nấm tấn công, nguy cơ ngộ độc là rất cao.
- Một nguyên nhân khác có thể xảy ra là ấu trùng của một loài bọ cánh cứng nào đó giống với con ấu trùng của bọ cánh cứng, và loài này có độc nên khi ăn vào có thể dễ gây ngộ độc.
Chú thích
- Dữ liệu liên quan đến Bọ rầy trên Wikispecies