Đối với người bắt đầu, việc tìm một cuốn sách phù hợp giúp bản thân người học mở rộng vốn từ, luyện tập và cải thiện kỹ năng đọc hiểu là một vấn đề quan trọng. Trong bài viết này, tác giả xin giới thiệu một bộ sách rèn luyện kỹ năng đọc hiểu cho đối tượng người mới bắt đầu mang tên: Reading Comprehension.
Bộ sách này gồm 3 quyển, trong đó, mỗi bài đọc đều xoay quanh các chủ đề khác nhau liên quan đến đời sống, xã hội và khoa học với cấp độ từ vựng và ngữ pháp đơn giản, điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người học mới bắt đầu với kỹ năng Đọc hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Key takeaways |
---|
|
Tổng quan
Về tác giả, sách được biên soạn bởi D’Arcy Adrian - Vallance và Lewis Lansford. Đồng thời, sách thuộc bản quyền nhà xuất bản Longman, một trong số các nhà xuất bản lớn về các đầu sách tiếng Anh uy tín.
Về nội dung, mỗi cuốn sách có 18 bài, trong đó mỗi bài sẽ có một bài đọc ngắn về 1 trong số các chủ đề kể trên. Bên cạnh đó, ở mỗi bài, người học sẽ có phần luyện tập theo kỹ năng tương ứng và các bài tập liên quan đến ghi nhớ từ vựng từ mức độ hiểu đến vận dụng viết thành đoạn văn.
Nội dung chi tiết
Phần 1: Làm ấm
Trong phần này, ở từng bài khác nhau, người học sẽ được cung cấp một bức tranh/ảnh liên quan đến chủ đề bài đọc. Sau đó, người học sẽ trả lời các câu hỏi phụ đi kèm liên quan đến bức ảnh đó. Như vậy, có thể thấy mục đích của phần Warm-up này giúp người học trang bị trước một số kiến thức nền về chủ đề sắp được học - đây là một hoạt động quan trọng trong quá trình đọc hiểu.
Tiếp nối phần Warm-up là một ghi chú có tên “Read better”. Nói chính xác, mục này cung cấp cho người học một kỹ thuật đọc quan trọng cho quá trình đọc hiểu, ví dụ: kỹ thuật Scanning, kỹ thuật Skimming hoặc kỹ năng dự đoán nghĩa của từ. Tuy nhiên, các kỹ thuật này không được giới thiệu ở mỗi bài. Ngoài ra, tùy từng bài sẽ có bài tập ứng dụng đi kèm giúp người học luyện tập kỹ năng được giới thiệu trong bài.
Phần 2: Bài đọc chính
Ở phần này, người học sẽ đọc các đoạn văn nhỏ trong một bài đọc dài khoảng 100-200 từ với từ vựng mức độ cơ bản liên quan đến chủ đề. Ngoài ra, vì sách dành cho trình độ cơ bản, do vậy các bài đọc này đều được viết với các cấu trúc ngữ pháp cơ bản, chẳng hạn chủ yếu dùng các câu đơn và câu ngắn.
Phần 3: Luyện tập vận dụng
Ở phần này, người học sẽ được luyện tập với các từ vựng đã được cung cấp trong bài đọc. Đa phần phần luyện tập này ở các bài có cấu trúc như sau:
Bài tập trắc nghiệm từ vựng
Bài tập viết câu
Bài tập viết đoạn văn có câu hỏi gợi ý dạng Wh-questions hoặc bài tập dạng tóm tắt.
Ưu - Nhược điểm
Ưu điểm
Vì mỗi bài tập trung 1 chủ đề, do vậy người học có thể xây dựng được vốn từ nhất định cho từng bài học
Các kỹ năng liên quan đến đọc hiểu được giới thiệu trong một số bài, điều này giúp người học biết và thực hành. Đặc biệt, xuyên suốt 3 quyển sách, các kỹ năng này đều được lặp lại giúp người học thực hành.
Có hình ảnh minh họa và trình bày rõ ràng
Bài tập đi từ cấp độ nhận biết - hiểu - vận dụng
Dưới đây là các kỹ năng về đọc hiểu được giới thiệu xuyên suốt 3 quyển sách:
Read in “chunks”: đọc theo các cụm từ
Identify the topic - Đọc hiểu nội dung đại ý của đoạn
Scanning - Kỹ thuật tìm thông tin chi tiết nhanh
Reference words - Các từ thay thế (Kỹ thuật đọc dựa vào liên kết trong đoạn)
Notice changes in time focus - Phát hiện sự khác biệt về thì (thời gian)
Make intelligent guesses - Kỹ thuật đoán nghĩa từ dựa vào ngữ cảnh
Understanding the main point - Kỹ thuật đọc hiểu ý chính
Read fluently (without stopping) - Kỹ thuật đọc trôi chảy
Skimming - Kỹ thuật đọc lướt tìm ý chính
Nhược điểm
Sách chưa có nhiều bài tập giúp tập trung vào phát triển kỹ năng đọc. Ở một số bài, sau khi giới thiệu một kỹ năng đọc hiểu, sách không cung cấp thêm bài tập luyện tập cho kỹ năng này.
Ở phần bài đọc chính, sách không có nhiều bài tập giúp người học hiểu nội dung bài.
Mặc dù có các bài tập từ vựng, nhưng các bài tập này chưa nhiều và chỉ là bài tập trắc nghiệm đơn giản, do vậy, người học không có nhiều bài tập để luyện thêm về cách sử dụng từ vựng.
Sách viết bằng tiếng Anh và chưa có nhiều hướng dẫn cụ thể cho phần viết đoạn văn, điều này có thể gây khó khăn với những người tự học và có thể gây nản đối với những người ở trình độ cơ bản nếu họ không được hướng dẫn bằng ngôn ngữ mẹ đẻ.
Tham khảo hướng dẫn sử dụng sách cho các đối tượng
Dành cho người dạy
Phần warm-up: Sử dụng hoạt động nhóm để người học thảo luận các câu hỏi.
Phần bài đọc chính: Thiết kế một số câu hỏi phụ giúp học sinh hiểu bài đọc.
Phần luyện tập: Riêng với bài thảo luận hoặc viết đoạn văn, người dạy cần có hướng dẫn cụ thể về cấu trúc đoạn văn, cung cấp một số mẫu câu và từ vựng phù hợp để người học triển khai thành một đoạn văn hoàn chỉnh.
Dành cho người tự học
Phần warm-up: Suy nghĩ và trả lời: có thể tìm thêm thông tin qua sách/báo hoặc Internet.
Phần bài đọc chính: Sử dụng một số câu hỏi wh-questions để hiểu nội dung bài:
What? - Nội dung chính của đoạn văn nói về điều gì?
Who? - Đoạn văn nói về ai?
How? - Câu chuyện diễn ra như thế nào?
Và một số câu hỏi khác tùy vào nội dung từng bài đọc.
Phân luyện tập: Chú ý lập dàn ý trước khi viết hoặc nói; tìm từ vựng và cấu trúc phù hợp để đưa vào đoạn văn cần viết và cần có người sửa bài sau khi viết.