Theo Bộ Tài chính, trong bối cảnh dịch Covid-19 đã được kiểm soát, việc tiếp tục áp dụng giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước ở thời điểm hiện tại không còn phù hợp.
Bên cạnh đó, Bộ cho rằng, nếu tiếp tục thực hiện chính sách giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thì các nước thành viên WTO có thể nhìn nhận việc này như một khoản trợ cấp của Chính phủ. Việt Nam có thể nhận được yêu cầu giải thích từ một số quốc gia không có hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước tại Việt Nam.
“Việc điều chỉnh giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thời gian qua về cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra, có tác động tích cực đối với người tiêu dùng, nhà sản xuất, phân phối ô tô nói riêng và đối với nền kinh tế nói chung…Tuy nhiên, chính sách này lại được đánh giá là có ảnh hưởng tiêu cực trong việc thực hiện các cam kết quốc tế”, Bộ Tài chính cho biết.
Theo Bộ Tài chính, trường hợp cần thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô thì phải áp dụng chung cho cả ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và ô tô nhập khẩu. Điều này sẽ dẫn đến việc giảm thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến cân đối ngân sách của địa phương.
Bộ Tài chính thông báo rằng, trong năm 2023, Bộ này cũng đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp ô tô trong nước như gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm tiền thuê đất, tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, dầu nhờn…
Chính vì lý do này, Bộ Tài chính đề nghị trong bối cảnh hiện nay, chưa đặt vấn đề tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi lệ phí trước bạ đối với ô tô, sản xuất, lắp ráp trong nước.
Trước đó, với nguyên nhân là doanh số thị trường ô tô giảm sút, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đã đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.