Bò Tây Tạng | |
---|---|
Bò Tây Tạng tại Nepal | |
Tình trạng bảo tồn | |
Sắp nguy cấp (IUCN 2.3) | |
Phân loại khoa học | |
Giới (regnum) | Animalia |
Ngành (phylum) | Chordata |
Nhánh | Craniata |
Phân ngành (subphylum) | Vertebrata |
Phân thứ ngành (infraphylum) | Gnathostomata |
Liên lớp (superclass) | Tetrapoda |
Nhánh | Synapsida |
Nhánh | Reptiliomorpha |
Nhánh | Amniota |
Nhánh | Mammaliaformes |
Lớp (class) | Mammalia |
Phân lớp (subclass) | Eutheria |
Phân thứ lớp (infraclass) | Placentalia |
Liên bộ (superordo) | Laurasiatheria |
Nhánh | Cetartiodactyla |
Bộ (ordo) | Artiodactyla |
Họ (familia) | Bovidae |
Phân họ (subfamilia) | Bovinae
|
Chi (genus) | Bos |
Phân chi (subgenus) | B. Poephagus |
Loài (species) | B. grunniens |
Danh pháp hai phần | |
Bos grunniens Linnaeus., 1766 | |
Phân loài | |
Bos grunniens grunniens, Bos grunniens mutus | |
Danh pháp đồng nghĩa | |
Poephagus grunniens |
Bò Tây Tạng (tên khoa học: Bos grunniens) là một loài bò lông dài được tìm thấy trong khu vực dãy Himalaya ở miền nam Trung Á, bao gồm cao nguyên Thanh-Tạng và vùng phía bắc tới Mông Cổ. Ngoài các quần thể lớn được nuôi nhốt, bò Tây Tạng còn có các bầy nhỏ trong tự nhiên, có thể thuần hóa. Từ gyag trong tiếng Tạng (chữ Tạng: གཡག་; Wylie: g.yag) dùng để chỉ con đực của loài này; con cái được gọi là dri hoặc nak. Trong một số ngôn ngữ, từ gyag được mượn như tiếng Anh, với từ yak dùng để chỉ cả hai giới.
Bò Tây Tạng sống thành bầy. Bò đực hoang dã cao khoảng 2–2,2 m (tính tới vai), bò cái cao khoảng 1,6 m, cả hai giới đều có lông dài và rậm để chống lạnh. Bò hoang có màu đen hoặc nâu. Bò nhà thường có màu trắng. Cả hai giới đều có sừng. Bò Tây Tạng có thể sống hơn 20 năm.
Bò hoang
Bò hoang Tây Tạng (tiếng Tạng: drong) có thể nặng tới 1.200 kg (2.520 lb) và dài khoảng 3–3,4 m từ đầu đến đuôi. Chúng thường sống thành các nhóm từ 10 đến 30 cá thể. Môi trường sống của chúng là các vùng đất cao không có cây gỗ, như đồi, núi và thảo nguyên ở độ cao từ 3.200 m (10.500 ft) đến 5.400 m (18.000 ft). Sinh lý học, bò Tây Tạng đã thích nghi với độ cao lớn, có tim và phổi lớn hơn so với bò sống ở độ cao thấp hơn, cũng như khả năng vận chuyển oxy lớn hơn qua hệ tuần hoàn. Ngược lại, chúng khó sống ở độ cao thấp. Bò Tây Tạng ăn cỏ, địa y và các loài thực vật khác. Chúng có lớp lông dày và bờm xù để giữ ấm, cũng như tiết ra một loại dầu trên lông giúp bảo vệ chống lạnh. Loại dầu này được sử dụng trong y học dân gian Nepal. Nhiều bò Tây Tạng hoang dã bị săn bắt cho thịt nên bị đe dọa. Trước đây, chúng bị sói Tây Tạng (Canis lupus chanco) săn đuổi và ăn thịt.
Hành vi
Bò Tây Tạng là loài động vật sống thành đàn, có thể bao gồm hàng trăm cá thể, mặc dù nhiều đàn nhỏ hơn nhiều. Trong đàn chủ yếu là cái và con non, với một số ít con đực trưởng thành. Những con đực thừa thường sống đơn độc hoặc trong các nhóm nhỏ hơn, trung bình khoảng sáu cá thể. Mặc dù có thể trở nên hung dữ khi bảo vệ con non hoặc trong thời kỳ sinh sản, bò Tây Tạng hoang dã nói chung tránh xa con người và có thể nhanh chóng chạy trốn xa nếu bị tiếp cận.
Bò nhà
Bò Tây Tạng nhà được nuôi chủ yếu để lấy sữa, lông và thịt, cũng như để kéo cày hoặc xe. Chúng thường được sử dụng để vận chuyển hàng hóa qua các con đèo núi cho người nông dân, thương nhân địa phương cũng như cho các đoàn thám hiểm và leo núi. Phân bò thậm chí còn được dùng làm nhiên liệu. Sữa của bò thường được chế biến thành phô mai gọi là chhurpi trong tiếng Tạng và tiếng Nepal, và byaslag trong tiếng Mông Cổ. Bơ được làm từ sữa bò Tây Tạng là thành phần của trà bơ mà người Tạng tiêu dùng với số lượng lớn, cũng như được dùng làm nến và các tượng bơ trong các nghi lễ tôn giáo.
Thường thì các con lai giữa bò Tây Tạng và Bos taurus (bò nhà), gọi là dzo hay dzopkyo trong tiếng Tạng và khainag trong tiếng Mông Cổ, được sử dụng chủ yếu để vận chuyển hàng hóa.
Lông của bò Tây Tạng mềm mại và mượt mà, có nhiều màu sắc như xám, nâu, đen và trắng. Lông dài khoảng 3 cm (1,2 inch) này được thu thập sau khi chải hoặc lột từ thân bò và được sử dụng để dệt và đan. Lông bò được sử dụng để làm các sản phẩm như dây chào, thảm và nhiều sản phẩm khác. Da của chúng cũng được sử dụng để làm giày da và túi xách.
Bò Tây Tạng nhà thường giao phối vào mùa hè từ tháng 7 đến tháng 9; bò cái có thể sinh con khi khoảng 3-4 tuổi, và thường đẻ từ tháng 4 đến tháng 6 mỗi 2-3 năm, phụ thuộc vào tình trạng cung cấp thức ăn. Chu kỳ mang thai của bò kéo dài khoảng 9 tháng. Mặc dù không có nhiều dữ liệu, nhưng cho rằng bò Tây Tạng hoang dã có thể có hành vi sinh sản tương tự. Bò con được bú mẹ khoảng 1 năm trước khi tự kiếm ăn.
Thể thao
Tại một số nơi ở Tây Tạng, đua bò Tây Tạng là một trò giải trí phổ biến trong các lễ hội truyền thống của người Tạng.
Gần đây, các hoạt động thể thao với sự tham gia của bò Tây Tạng như đua bò Tây Tạng và polo bò Tây Tạng đang được quảng bá như là những điểm thu hút du khách tại khu vực này.
Thư viện hình ảnh
Chú thích
- Buzzard, P.; Berger, J. (2016). “Bos mutus”. Sách đỏ IUCN về các loài bị đe dọa. 2016: e.T2892A101293528. doi:10.2305/IUCN.UK.2016-2.RLTS.T2892A101293528.en. Truy cập ngày 20 tháng 12 năm 2021.
- ARKive - Hình ảnh và phim về bò Tây Tạng hoang (Bos grunniens) Lưu trữ 2008-09-15 tại Wayback Machine
- h2g2 Yaks Edited Guide Entry
- Hiệp hội bò Tây Tạng quốc tế (IYAK)
- Hiệp hội bò Tây Tạng châu Âu (EYAK) Lưu trữ 2007-09-28 tại Wayback Machine
- Bài về nhân giống bò Tây Tạng trong lưu trữ của FAO
- Bò Tây Tạng: Động vật chính thức của Tây Tạng
- AnimalInfo.Org: Animal Info - Wild Yak
Sợi | |||||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
Tự nhiên |
| ||||||||
Sợi tổng hợp |
| ||||||||
|