Bò vàng miền Nam hay còn gọi là bò vàng là một giống bò u da lông vàng được tìm thấy ở Nam Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan cũng như ở Philippines. Chúng là hậu duệ của giống bò lai giữa Bos taurus và Bos indicus. Chúng có tên gọi bò Vàng vì phần lớn chúng có sắc lông màu vàng. Đây là giống bò gốc làm nền để phái sinh ra nhiều giống bò khác ở Trung Quốc, Việt Nam (bò vàng Việt Nam), Philippines.
Nhìn chung, giống bò vàng miền Nam có tầm vóc nhỏ, chúng là giống bò có khả năng thích nghi cao, chống chịu được bệnh tật và thường được dùng để phục vụ cho việc lấy sức kéo, chuyên chở là chính, hiện nay một số giống phái sinh còn được lai tạo để cho ra con lai với bò Sindhi đỏ nhằm mục đích hướng thịt chẳng hạn như ở Việt Nam (phong trào Sind hóa đàn bò, Nâu hóa đàn bò).
Đặc tính
Giống bò Vàng có chung màu lông vàng, nhưng cũng biểu thị sự đa dạng về ngoại hình như màu sắc lông, kích thước cơ thể và được nuôi ở hầu hết các khu vực. Đặc điểm chung nhất của giống là lông màu vàng, da mỏng, lông mịn, kích thước nhỏ. Bò Vàng có điểm mạnh là chịu đựng khổ cực tốt, có khả năng chống lại bệnh tật cao, thích nghi với nhiều loại khí hậu khác nhau.
Ngoại hình
Bò vàng miền Nam thường có lông màu vàng ở vùng bụng, dưới cánh và đùi màu vàng nhạt, da mỏng, lông mịn, ngoại hình cân đối, có kích thước nhỏ. Trọng lượng khi sinh là 14–15 kg, con trưởng thành cái nặng từ 160–200 kg, con đực nặng từ 250–300 kg. Trọng lượng trung bình của giống bò vàng từ 2 đến 5 tuổi là 199,06 kg, dao động từ 105 kg đến 356 kg. Thân hình cân đối, con cái thường có chiều cao trước thấp hậu cao, con đực thường có chiều cao thấp hậu cao.
Đầu con cái mảnh, sừng ngắn, nhỏ, con đực to, sừng dài hướng về phía trước, trán phẳng hoặc hơi lõm, con đực mõm ngắn, con cái tương đối dài, mạch máu và gân mặt rõ ràng, mắt to nhanh nhẹn, mắt sáng sủa. Cổ con cái mảnh, cổ con đực to, dày, thường có lông đen. Yếm kéo dài từ hông đến vú, cổ có nhiều nếp nhăn nhỏ, yếm kéo dài từ hông đến xương ức. Da có nhiều nếp nhăn. Vú của con đực cao, con cái không. Lưng và mông thẳng, hơi rộng. Bắp thịt phát triển nở nang. Mông hơi nghiêng, hẹp và ngắn. Ngực phát triển tốt, sâu nhưng hơi lép. Bụng to, tròn nhưng không sệ. Bốn chân mảnh, cứng cáp; 2 chân trước thẳng, 2 chân sau đi chút xíu.
Đặc biệt với giống bò vàng Việt Nam, sự đa dạng về ngoại hình được thể hiện rõ nhất là về trọng lượng. Trọng lượng trung bình của giống bò vàng Việt Nam từ 2 đến 5 tuổi là 199,06 kg, dao động từ 105 kg đến 356 kg. Trọng lượng của giống bò vàng Việt Nam ở các địa phương khác nhau cũng khác nhau như bò nuôi tại Nghệ An nặng nhất (221,70 kg); tiếp theo là bò nuôi tại Phú Yên (211,78 kg); Lạng Sơn (209,26 kg); Bà Rịa-Vũng Tàu (191,98 kg) và nhỏ nhất là bò nuôi tại Thanh Hoá (189,80 kg). Sự khác biệt giữa các giá trị trung bình về trọng lượng của giống bò vàng Việt Nam nuôi tại các tỉnh rất rõ rệt.
Trọng lượng trung bình của bò đực là 220,80 kg, trong khi đó bò cái chỉ có 189,10 kg và sự khác biệt này giữa 2 giới là rất rõ rệt. Ngoài trọng lượng, kích thước của một số chiều đo của bò cũng thay đổi qua từng tháng tuổi. Ở tháng đầu tiên, đầu năm đầu tiên, các chiều đo phát triển mạnh, đặc biệt là chiều dài và sau đó là chiều cao của vú. Từ 24 tháng tuổi trở đi, các chiều dài phát triển chậm và ổn định đến khi đến 60 tháng tuổi. Tuỳ thuộc vào điều kiện chăn nuôi, thói quen và trình độ chăn nuôi mà trọng lượng và kích thước của các chiều đo của bò có thể thay đổi một chút.
Cơ thể
Giống bò Vàng có những ưu điểm nổi bật như chịu đựng tốt trong điều kiện nhiệt đới nóng ẩm, khả năng thích nghi với nhiều vùng khí hậu và phương pháp chăn nuôi tận dụng, sinh trưởng nhanh, ít đầu tư; bò sinh sản sớm và khả năng cày kéo tốt. Tuy nhiên, giống bò này có tầm vóc nhỏ, không phù hợp với chăn nuôi thâm canh và hiệu quả kinh tế thấp do sinh trưởng chậm, năng suất thịt và sữa thấp, tỷ lệ thịt xẻ thấp.
Sức kéo trung bình của bò cái là 380-400 N, con đực là 440-490 N. Sức kéo tối đa của bò cái từ 1000 đến 1500 N, con đực từ 1200 đến 1800 N. Bò Vàng có khả năng làm việc lâu dài trên các loại đất nhẹ, di chuyển nhanh chóng. Chủ yếu được sử dụng để cày kéo và làm nguồn lực kéo xe ở vùng nông thôn, phù hợp với nhiều địa hình và loại đất khác nhau.
Vì tầm vóc nhỏ, khả năng cung cấp thịt của bò vàng không cao. Tỷ lệ thịt xẻ thường dao động từ 38-42%, tỷ lệ thịt tinh từ 30-33%. Đối với đực castrated và bò giống, tỷ lệ thịt xẻ có thể lên đến 53-55%; thịt tinh từ 38-40%. Năng suất thịt không cao, tỷ lệ thịt xẻ từ 40-44%. Tuổi sinh sản lần đầu tiên khoảng từ 20 đến 24 tháng. Tỷ lệ đẻ hàng năm dao động từ 50 đến 80%. Tuy có vú đẹp, cân đối nhưng khả năng cho sữa của bò vàng không cao, chỉ đạt khoảng 2 kg/ngày trong thời gian 4-5 tháng (đủ cho bê bú). Sữa của bò vàng thơm ngon, có tỷ lệ mỡ cao, thường đạt 5% (5-5,5%).
Hệ tiêu hóa
Dạ dày của bò có cấu trúc phức tạp bao gồm 4 túi dạ cỏ, dạ tổ ong, dạ lá sách và dạ múi khế. Dạ cỏ là túi lớn nhất chiếm 2/3 dung tích của dạ dày, đây là nơi diễn ra hàng loạt phản ứng sinh học để phân giải và hấp thu thức ăn. Từ thượng vị, dạ dày có một rãnh thực quản hình lòng máng chạy qua dạ cỏ, dạ tổ ong và dạ lá sách. Dạ tổ ong nối tiếp dạ cỏ thông qua một miệng lớn, bao gồm nhiều ngăn nhỏ để tăng bề mặt tiếp xúc với thức ăn và giữ lại các vật lạ. Dạ lá sách gồm nhiều lá to nhỏ khác nhau giống như những trang sách giúp ép nát thức ăn thành dạt lỏng đi vào dạ múi khế.
Dạ múi khế có nhiều nếp gấp bên trong để tăng diện tích hấp thụ và có cơ quan tiêu hóa như dạ dày đơn của lợn. Hệ vi sinh vật trong dạ cỏ của bò bao gồm vi khuẩn, nguyên sinh động vật và nấm. Số lượng vi khuẩn dao động từ 10^9 đến 10^10 trong mỗi ml dung dịch, với hơn 60 loài vi khuẩn đã được xác định. Số lượng vi khuẩn của từng loài phụ thuộc nhiều vào khẩu phần ăn của bò. Nguyên sinh động vật ít hơn nhiều so với vi khuẩn, chỉ khoảng 10^6 trong mỗi ml dung dịch, nhưng do kích thước lớn hơn nên tổng khối lượng sống tương tự như vi khuẩn.
Sinh sản
Ngoài những ưu điểm về khả năng chịu đựng khó khăn và kháng bệnh cao, bò vàng cũng có điểm mạnh về sinh sản là trưởng thành nhanh, dễ đẻ. Bò vàng có khả năng sinh sản tốt, từ 18-24 tháng tuổi bò đã bắt đầu động dục và có thể phối giống, từ 30-34 tháng tuổi là thời điểm đẻ lứa đầu tiên, chu kỳ đẻ hàng năm một lứa và đẻ hai lứa trong ba năm là phổ biến. Khả năng sinh sản mạnh mẽ là đặc điểm quan trọng nhất của bò vàng.
Bò đực
Bò đực trưởng thành về sinh lý sớm, từ 10-12 tháng tuổi đã có phản xạ nhảy và theo bò cái động dục, từ 15-18 tháng tuổi đã có thể phối giống, tuy nhiên khả năng phối giống tốt nhất là từ 2-5 tuổi. Bò đực thể hiện tính hăng mạnh mẽ, có phản xạ phóng tinh mạnh mẽ và nhanh chóng. Một con bò đực có thể phối giống trực tiếp với khoảng 50 bò cái mỗi năm.
Thường thì tần suất phối giống là 2-3 lần mỗi tuần tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và dinh dưỡng, cũng như phụ thuộc vào mùa sinh sản, nhưng tốt nhất là phối giống 2 lần mỗi tuần. Do hạn chế về tầm vóc, bò đực vàng ít được chú ý đầu tư vào công nghệ thụ tinh nhân tạo, thay vào đó chủ yếu được sử dụng cho công việc cày kéo và sản xuất thịt. Với xu hướng cải tạo đàn bò đực theo hướng nâng cao tầm vóc và khả năng sinh sản.
Bò cái
Bò cái từ 15-18 tháng tuổi đã bắt đầu động dục, một số trường hợp có thể động dục từ khi 1 năm tuổi. Thông thường, bò cái đầu đẻ từ 30-36 tháng tuổi, đôi khi có trường hợp đẻ từ khi 2 năm tuổi. Trọng lượng khi đầu động dục trung bình từ 140-150 kg và khi đẻ lần đầu khoảng 170-180 kg. Chu kỳ động dục trung bình là 21 ngày (dao động từ 17-24 ngày). Tổng thời gian động dục (từ khi bắt đầu đến khi kết thúc) trung bình là 30 giờ (dao động từ 18-36 giờ).
Thời gian chịu đực (là thời gian bò cái đứng im để cho bò đực nhảy phối giống tự nhiên) trung bình là 15 giờ (dao động từ 12-18 giờ). Bò cái rụng trứng 12-14 giờ sau khi kết thúc chịu đực. Thời gian mang thai trung bình của bò vàng là 280-282 ngày (dao động từ 250-310 ngày). Thời gian động dục lại sau khi đẻ trung bình từ 90-120 ngày (dao động từ 30-180 ngày). Vì vậy, khoảng cách giữa hai lần đẻ trung bình là 420-450 ngày (dao động từ 400-540 ngày).
Sinh trưởng
Quá trình sinh trưởng và phát triển của đàn bò vàng tại các địa phương gần như giống nhau. Bê trong 3 tháng đầu có tốc độ tăng trọng nhanh, đạt khoảng 390-433g/ngày vào tháng đầu tiên, nhưng giảm xuống còn khoảng 321-338g/ngày vào hai tháng tiếp theo. Từ tháng thứ 3 đến tháng thứ 6, tốc độ tăng trọng của bê tiếp tục giảm, phù hợp với việc lượng sữa mẹ giảm dần và bê dần chuyển từ tiêu hóa men sang tiêu hóa vi sinh vật từ cỏ. Sau 6 tháng tuổi, tăng trọng của bê lại bắt đầu tăng dần và đến 60 tháng tuổi, trọng lượng bò tăng ít và ổn định. Trọng lượng trung bình của bò đực là 237-314 kg, bò cái là 196-162 kg.
Các nhóm
Giống bò Vàng phương Nam đã được phân loại và lựa chọn giống ở nhiều quốc gia khác nhau, cho ra đời những giống bò đa dạng mặc dù chung tính trạng và thể trạng tương đồng
Trung Quốc
Giống bò này còn được gọi là bò vàng không u Trung Quốc, tuy nhiên Trung Quốc cho rằng bò vàng phương Nam không chỉ là kết quả của sự lai giống giữa hai nhóm bò này mà còn có máu của bò bản địa Trung Quốc. Họ chỉ gọi nó là bò vàng (hoàng ngưu), là một trong ba giống bò chính của Trung Quốc cùng với giống bò Trung tâm và giống bò phương Nam. Giống bò vàng không u Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc lai tạo giống bò vàng Việt Nam, và giống ở Phúc Kiến là nền tảng cho việc tạo ra giống bò vàng của Philippines. Tại vùng Quảng Đông, món ngẩu pín là một món đặc sản nổi tiếng.
Philippines
Ở Philippines, giống bò vàng cũng được gọi là giống bò bản địa của quốc gia này do việc lai tạo với giống bò vàng phương Nam được nhập khẩu từ Phúc Kiến, với những đặc điểm tương đồng. Tại Philippines, giống bò này đã được bản địa hóa trong thời kỳ thực dân Tây Ban Nha.
Với sự lai tạo, giống bò này đã trở nên đa dạng về màu sắc, từ màu trắng, cam đến màu nâu đậm. Có nhiều giống có tầm vóc lớn hơn và những giống có tầm vóc nhỏ hơn. Các dòng giống bò vàng được công nhận tại Philippines bao gồm:
- Ilocano ở Nam Luzon
- Batangas ở tây bắc Luzon
- Iloilo ở Panay
- Batanes trên đảo Batanes giữa Luzon và Đài Loan
Ở Việt Nam
Bò địa phương (bò vàng) có nguồn gốc từ bò Ấn Độ (Bos Indicus) và bò vàng Trung Quốc không có u, do quá trình buôn bán, trao đổi mà du nhập vào Việt Nam. Có nguồn gốc từ nhiều giống bò của các nước lân cận như Lào, Campuchia, Mianma, Ấn Độ và Trung Quốc nhưng chủ yếu được hình thành từ hai giống bò Trung Quốc và Ấn Độ. Qua nhiều đời tạp giao giữa các giống bò trên đã hình thành nên giống bò vàng Việt Nam.
Giống bò vàng phương Nam này được phân lập và cải tạo thành nhiều giống bò khác nhau phân bố rải rác khắp đất nước từ Bắc tới Nam và gọi chung là Bò vàng Việt Nam (hay bò nội, bò ta, bò cỏ) với các giống bò như bò địa phương (bò Thanh Hóa, bò Nghệ An), bò H'Mông (bò Mèo), bò Phú Yên (bò Cóc), bò Bảy Núi (bò cu, bò phèn). Bò nội thường có sắc lông màu vàng, vàng nhạt hoặc vàng cánh dán và không có thiên hướng sản xuất rõ rệt.
Những giống bò vàng này nhìn chung thành thục sớm, mắn đẻ, khả năng thích nghi cao, chịu đựng kham khổ tốt, ít bệnh tật. Giống bò vàng Việt Nam nặng khoảng 250 kilôgam, sản lượng thịt bò vàng Việt Nam đạt khoảng 45-50% tỷ lệ thịt. Ngoại hình xấu, vóc người thấp ngắn, mình lép, mông lép, ngực lép, trán lõm. Tầm vóc nhỏ bé, không thể dùng làm nền để lai tạo với các giống bò chuyên thịt (bò lai Sind) hoặc sữa. Khả năng sản xuất thấp về mọi mặt, giá trị kinh tế thấp.
Hà Giang
Vùng Hà Giang có phân bố của nhóm bò H'Mông. Bò H’Mông hay còn gọi là bò u Cao Bằng vì những con đực nhìn giống như bò tót, có thể nặng tới 700 kg. Chúng là một giống bò độc đáo có thân hình vạm vỡ, u vai nhô cao như bò tót, cơ bắp cuồn cuộn to hơn bất cứ giống bò nội địa nào của Việt Nam. Bò vùng cao đa số có màu lông vàng nhạt, một số ít màu cánh gián, hoặc đen nhánh.
Tai to, lưng võng, mông dài, chân cao, vai có u gồ lên, rất thuận tiện cho việc cầy kéo, sản xuất, bò có tầm vóc cao to bình quân nặng từ: 450 – 500 kg. Là giống bò có sức vóc sản xuất tốt, thịt ăn mềm ngon. Giống bò đực có thế lên tới 400–600 kg. Bò đực trưởng thành có khối lượng cơ thể đạt 400–450 kg, bò cái trưởng thành có khối lượng cơ thể đạt 250–280 kg, tỉ lệ thịt xẻ khá cao lên đến 52,12%, tỉ lệ thịt tinh (thịt lọc) đạt 40,33% so với bò vàng Việt Nam tỉ lệ này là 42% và 33%.
Bò H’Mông là đối tượng của những cuộc chọi bò, một nét văn hóa ở vùng Cao Bằng nhân dịp đầu xuân. Lễ hội chọi bò huyện Bảo Lâm được tổ chức hằng năm vào ngày 20 tháng Giêng âm lịch, nhằm phát triển, bảo tồn và quảng bá nét đẹp bản sắc văn hóa các dân tộc địa phương. Bò phải có vóc dáng to lớn, thể chất khỏe mạnh, béo tốt, màu sắc đặc trưng. Phải có bộ chân dài, bắp đùi to, da mịn, lông mỏng mượt, khoẻ mạnh, cặp sừng cân đối, yếm ngực sâu, sườn nở, mông vai rộng, dáng đẹp kèm theo cả tiêu chí sinh đẻ đều đặn đúng quy chuẩn, các con sinh ra phải đều khoẻ, đẹp. Những chú bò chọi sau khi kết thúc lễ hội sẽ được chủ nhân giữ lại để chăm sóc, dùng làm sức kéo cày bừa, huấn luyện để mùa lễ hội năm sau trổ tài chứ không bị mổ bán như tại các lễ hội chọi trâu ở các tỉnh khác. Nhờ đó mà đồng bào giữ được giống bò tốt, lai tạo ra nhiều con giống có chất lượng, phát triển đàn bò ngày càng nhiều hơn
Lạng Sơn
Bò Vàng Lạng Sơn là nhóm bò phân bố ở vùng Lạng Sơn, giáp Trung Quốc. Trọng lượng trung bình của bò Vàng Việt Nam nuôi tại Lạng Sơn từ 2 đến 5 năm tuổi dao động từ 209,26 kg, cao nhất là 235 kg (bò đực) đến thấp nhất là 183,60 kg (bò cái). Đối với từng giới tính, bò cái nặng khoảng 183,60 kg và bò đực nặng khoảng 235,00 kg, có khi con cái nặng từ 180–230 kg và con đực từ 300–350 kg. Bò Vàng Lạng Sơn có thân hình trung bình, kết cấu vững chắc, chiều cao vai đạt 100–104 cm; chiều cao khum là 111–113 cm.
Thanh Hóa
Bò vàng Thanh Hóa là một giống bò lâu đời của địa phương, được coi là giống bò quý của Việt Nam và đã được đưa vào danh mục nguồn gen vật nuôi quý hiếm cần được bảo tồn và phát triển. Giống bò vàng chủ yếu được nuôi tại các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, với tầm vóc nhỏ hơn so với các giống bò ngoại. Khối lượng mỗi con bò trưởng thành chỉ đạt từ 160 kg đến 220 kg. Tuy nhiên, với nhiều ưu điểm như dễ nuôi, thích nghi tốt với điều kiện khí hậu khắc nghiệt, khả năng kháng bệnh cao, bò vàng có khả năng sinh sản tốt và thịt thơm ngon. Tuy nhiên, giống đực của bò vàng có tầm vóc nhỏ hơn và đang đối mặt với nguy cơ mất đi nguồn gen thuần chủng.
Giống bò Vàng Thanh Hóa có thân hình nhỏ hơn so với các nhóm bò Vàng Việt Nam khác. Bò vàng Thanh Hóa có thân hình chữ nhật dài, đầu bò cái mảnh mai hơn bò đực, sừng ngắn, trán phẳng hoặc hơi lõm, mõm bò đực ngắn hơn bò cái, mạch máu nổi rõ trên mặt, mắt lớn nhanh nhẹn. Cổ bò cái thon gọn hơn bò đực. Yếm của bò kéo dài từ hông đến ức, da cổ và yếm có nhiều nếp nhăn nhỏ. Bò đực có núm vú, mặc dù không lớn, trong khi đó, bò cái không có núm vú; lưng hông thẳng, một chút rộng, bắp thịt phát triển; mông hơi thẳng, ngắn và chắc.
Ngực tương đối sâu nhưng chắc, bụng to tròn, không chảy xệ; bốn chân chắc khỏe, thẳng tắp, hai chân trước thẳng, hai chân sau một số con có chân khéo léo. Trọng lượng trung bình từ 2 đến 5 năm tuổi là 189,80 kg, bò cái là 184,40 kg và bò đực là 195,10 kg, trong khi đó, trọng lượng trưởng thành ở bò cái từ 180–200 kg và bò đực từ 250–320 kg. Bò Thanh Hóa đẻ sớm, phối giống lần đầu vào khoảng 22-24 tháng tuổi. Đặc điểm nổi bật của bò là khả năng chịu đựng tốt trong điều kiện dinh dưỡng kém, chịu nóng tốt.
Nghệ An
Bò Nghệ An có thân hình lớn nhất trong số các nhóm bò Vàng Việt Nam, với trọng lượng lên tới 200,00 kg (bò cái) và 243,30 kg (bò đực) từ 2 đến 5 tuổi. Hình dáng đặc trưng là trước thấp, sau cao ở bò cái và ngược lại ở bò đực là trước cao, sau thấp. Màu lông chủ yếu là màu vàng sậm, chiếm 75%, còn lại có màu vàng nhạt hoặc vàng đen. Da mỏng, lông mịn. Đầu bò đực thô mập và đầu bò cái mảnh mai. Trán rộng phẳng, đôi khi có vết lõm nhỏ trên trán, mắt lồi, mõm rộng; tai to ngửa. Sừng bò đực dày, dài hình trụ, màu sắc đen, sừng bò cái nhỏ, cong về phía trước. Cổ bò đực dày, tròn, cổ bò cái thon dài, yếm to kéo dài từ hông đến xương mỏ ác. Bò đực có núm vú vai cao hơn bò cái.
Vùng này còn có giống bò U đầu rìu, là giống bò có nguồn gốc từ Nghệ An, Hà Tĩnh, chủ yếu tập trung tại huyện Nam Đàn (tỉnh Nghệ An), huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) và một số địa phương lân cận. Bò có lông từ vàng đến nâu nhạt, cao khoảng 110–115 cm. Đặc điểm nổi bật là ở con đực có núm vú vai màu đen hình cái rìu nên được gọi là “u đầu rìu”. Mặt thanh, sừng ngắn và to ở bò đực, nhỏ ở bò cái; tai nhỏ, thẳng, yếm thẳng và gọn; lông thưa, ngắn và mịn; đuôi dài, đầu đuôi màu đen.
Phú Yên
Bò Vàng Phú Yên là biểu tượng của giống bò Vàng Việt Nam ở vùng Duyên hải miền Trung, được phân bố từ Đà Nẵng, Quảng Nam đến Ninh Thuận, Bình Thuận. Giống bò Vàng Phú Yên có lông nâu-vàng trên toàn thân, với bò đực có màu sắc đậm hơn so với bò cái. Giống bò Vàng Việt Nam nuôi ở tỉnh Phú Yên được coi là xuất sắc nhất của Việt Nam. Bò Vàng Phú Yên thích nghi tốt trong khí hậu nhiệt đới nóng và khô, phát triển tốt trong điều kiện thức ăn khan hiếm của địa phương.
Bò có sự phát triển cân đối, chắc chắn, đầu ngắn nhỏ, thân dài và lưng rộng, ngực rộng sâu. Bò Vàng Phú Yên có tầm vóc trung bình đến lớn, có khối lượng cao hơn so với giống bò Vàng Việt Nam nuôi tại các địa phương như Lạng Sơn, Bà Rịa-Vũng Tàu, Thanh Hoá, nhưng nhỏ hơn so với giống bò Vàng Việt Nam nuôi tại Nghệ An. Trọng lượng của bò Vàng Phú Yên từ 2 đến 5 năm tuổi là 187,90 kg cho bò cái và 235,70 kg cho bò đực, có khi đạt 200–230 kg ở 5 năm tuổi và 220–250 kg.
Hiện nay, tại Phú Yên, giống bò đang phát triển theo hướng lai (Sind hóa đàn bò), chỉ còn huyện Sông Hinh với gần 30.500 con bò trong đó bò lai chiếm hơn 78% tổng đàn, hay Tuy An có hơn 41.300 con bò nhưng chỉ có 28,2% là bò lai. Dự kiến Phú Yên sẽ tập trung vào việc lai tạo giống bò ở các huyện có số lượng bò thịt lớn, tuy nhiên bò nội vẫn chiếm tỉ lệ lớn, cải tiến đàn bò thịt theo hướng loại bỏ bò nội chất lượng kém. Cũng có ý kiến cho rằng cần lựa chọn và tinh lọc giống bò Phú Yên thuần chủng hướng tới xây dựng thương hiệu giống bò Phú Yên, xác định những đặc điểm cơ bản về nguồn gốc, ngoại hình, khả năng sinh sản và phát triển để đăng ký chất lượng và quảng bá rộng rãi.
Vũng Tàu
Nhóm Bò Vàng Bà Rịa-Vũng Tàu đại diện cho giống bò Vàng Việt Nam ở Đông Nam Bộ, phân bố rộng từ Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương đến Tây Ninh. Bò Bà Rịa-Vũng Tàu có lông màu vàng, ít khi có màu vàng sáng hoặc vàng cánh gián đậm. Chúng to hơn các nhóm bò địa phương như Thanh Hoá và Lạng Sơn, nhưng nhỏ hơn so với nhóm bò Vàng Nghệ An và Phú Yên. Trọng lượng trung bình từ 2 đến 5 tuổi của bò cái là 189,20 kg và bò đực là 194,70 kg. Bò có yếm cổ ngắn.
An Giang
Là giống bò nội địa của Việt Nam được nuôi ở vùng Bảy Núi, An Giang. Chúng có sự lai tạo gần gũi với các giống bò trắng ở Campuchia. Bò đua bản địa Bảy Núi có dáng nhỏ nhắn, thân hình gọn gàng, nhanh nhẹn và bền bỉ, với đôi chân sau mạnh mẽ. Phần ngực rộng, phần bụng thon gọn hướng về mông, đôi chân cao với bốn móng tốt, chân sau bước rộng hơn chân trước khoảng hai tấc. Chúng có xương cơ và phân bố xương rất đặc biệt, giúp cho bò có sức mạnh và khả năng di chuyển nhanh chóng.
Bò có đôi mắt sáng, hai sừng cong hướng về phía trước. Trên mặt bò có xoáy thẳng, xoáy ót giữa hai sừng nằm phía trước dây xỏ mũi khi thắt lại. Trên lưng có xoáy ngay giữa, cách cái gu bò khoảng một tấc. Những xoáy lông trên trán, thân và cạnh tai là đặc điểm chỉ có ở loài bò cu lông vàng có nguồn gốc từ Bảy Núi. Lông mượt bám sát da, ít thấm nước và chịu lạnh tốt. Bò Bảy Núi có sắc lông vàng ưu thế, sắc vàng tự nhiên, với lông, móng và sừng đều màu vàng được gọi là bò Phèn.