Trong hành trình của mỗi người, sẽ đến những lúc phải dừng lại và quyết định hướng đi tiếp theo. Đối với nhiều người, đó là thời điểm khó khăn với sự rối ren bên ngoài và hỗn loạn trong tâm trí. Có thể so sánh thời điểm ấy với một bài thi quan trọng đầy áp lực, đòi hỏi sự tỉnh táo và nhận biết để vượt qua.
Những thách thức
Trong các giai đoạn của cuộc hành trình, chúng ta sẽ đối mặt với nhiều thời điểm quan trọng cần quyết định một cách nghiêm túc, bao gồm:
- “Cuối cùng, thời gian học trò sắp kết thúc, không còn việc đi học hàng ngày, giờ đây tôi cần phải chọn lựa hướng đi cho tương lai nghề nghiệp của mình”.
- “Làm công việc này 10 năm rồi, muốn chuyển sang môi trường mới”.
- “Người yêu đã đề cập đến việc kết hôn nhiều lần, tôi cảm thấy hơi bối rối và lo lắng, liệu tôi đã sẵn sàng cho cuộc sống hôn nhân với nhiều trách nhiệm như vậy?”.
- “Cuộc sống hôn nhân làm tôi kiệt sức về cả thể chất, tinh thần và tiền bạc, tôi muốn thoát ra, phải làm sao?”
- “Nhà tôi nghèo quá, muốn giàu!”…
Có thể thấy những “cánh cửa” cuộc sống rất đa dạng, thường được chia thành hai nhóm chính. Nhóm đầu tiên là các mốc thời gian cụ thể trong cuộc sống mỗi người, thường là các độ tuổi như 19, 20, 25, 30, 35… Nhóm thứ hai bao gồm những người đang đối diện với tình huống cần thay đổi, bao gồm môi trường làm việc, mối quan hệ và cần sự chuyển biến mới. Trong mỗi giai đoạn, quan trọng là phải ra quyết định đúng đắn, lựa chọn sao cho phù hợp để xây dựng tương lai mà chúng ta mong muốn. Tuy nhiên, nhiều khi sự bối rối và lo lắng đã dẫn đến khủng hoảng và kéo dài tình trạng tiêu cực, khó khăn trong việc cải thiện thực tế.
Nguyên nhân gây ra hoang mang khi phải đưa ra quyết định trong những thời điểm quan trọng
Ở độ tuổi 18, đôi mươi, tâm trạng thường gặp là cảm thấy mình nhỏ bé giữa vô vàn lựa chọn. Nhiều người trẻ rơi vào tình trạng không biết mình muốn gì, thích gì, cần làm gì tiếp theo. Hậu quả là nhiều người chọn hướng đi theo sự sắp xếp của cha mẹ hoặc chọn đại, học đại cho xong, muốn đến đâu thì đến. Do không lựa chọn cẩn thận, không quan tâm đến nhu cầu, sở thích, mong muốn và năng lực cá nhân, nhiều người phải loay hoay trong thời gian dài để bắt đầu lại.
Nhiều người đã đi làm nhiều năm và muốn thay đổi môi trường làm việc thường gặp cảm giác hoang mang, lo sợ vì có nhiều rào cản ngăn cản. Liệu từ bỏ công việc hiện tại có phải là quyết định đúng đắn? Công việc mới liệu có đem lại nguồn thu nhập và đảm đương được như mong muốn không?
Các quyết định thay đổi trong mối quan hệ tình yêu, hôn nhân gia đình hay mong muốn làm giàu thường gây ra lo sợ về rủi ro khi rời khỏi môi trường cũ.
Và điều chung cho tất cả các trường hợp trên đó là sự thiếu chuẩn bị cho các giai đoạn quan trọng trong cuộc sống. Tuổi 18,20, nhiều người hoang mang khi chưa hiểu rõ bản thân và cuộc sống bên ngoài. Rất có thể, trước đó, nhiều người chẳng có dự tính, chuẩn bị gì cho tương lai, phải đợi đến khi phải chọn lựa mới lo lắng, hỗn loạn.
Trong mối quan hệ tình cảm, hôn nhân gia đình, trước khi quyết định kết hôn hoặc ly hôn, ta đã sống cuộc sống như thế nào, đã chuẩn bị những gì để ra quyết định, để bước vào một cuộc sống mới? Trong công việc, trong hành trình nhiều năm làm việc, ta đã học được những kinh nghiệm gì, đã đủ vững về tài chính để phòng tránh các rủi ro có thể xảy ra chưa…
Làm thế nào để vượt qua những thách thức một cách nhẹ nhàng
Thứ nhất, chấp nhận thực tế rằng những “ngưỡng cửa” này là một phần tất yếu của cuộc sống. Trong hành trình dài, mọi người đều trải qua các thay đổi, và có một cuộc sống mới. Công việc và gia đình đều sẽ thay đổi, và điều này là không tránh khỏi.
Bên cạnh việc chấp nhận thực tế, cần nhận ra rằng suy nghĩ và hình dung của mỗi người sẽ có sai số so với thực tế. Dù thế giới phức tạp và rộng lớn, bạn vẫn là một phần của nó. Sự sợ hãi trước những rào cản có thể gặp phải trong việc theo đuổi ước mơ cũng là một phần của quá trình chinh phục.
Nếu nhận ra rằng cuộc đời là một hành trình dài, không phải lúc nào cũng đầy khó khăn hoặc hạnh phúc, mọi thứ sẽ trở nên đơn giản hơn. Có thể xem những khó khăn trước mắt như một bài toán mà cuộc sống đặt ra, và nhiệm vụ của bạn là giải quyết nó.
Thứ hai, quay về bên trong và lắng nghe, tự nhận diện chính mình. Sự yếu đuối, hoang mang, lo sợ trước một thực tại nào đó, rất có thể là ta đã bỏ quên chính bản thân. Quay về bên trong để nhận diện bản thân, bạn là người hướng nội hay hướng ngoại, thích ăn món gì, thích đến những nơi như thế nào, thích nói chuyện với những người có tính cách thế nào… những điều này chỉ có mình bạn biết và bạn cần tìm ra để biết thực sự là mình muốn gì.
Về chủ đề này, các giáo lý của đạo Phật rất gần gũi và có thể giúp ích phần nào cho bạn. Các hoạt động như thiền, yoga, đọc sách… sẽ giúp bạn cải thiện các yếu tố liên quan đến thể lực, nội lực và nhận diện được sức mạnh cá nhân, ta tuyệt vời hơn ta nghĩ rất nhiều.
Thứ ba, chuẩn bị và lên kế hoạch từ trước. Trước khi đến giai đoạn phải đứng trước những cánh cửa kia, ta đã phải có những chuẩn bị cơ bản nhất như: kỹ năng ra quyết định, các kiến thức nền tảng để có nội lực vững vàng, không bị xao động bởi quá nhiều lựa chọn.
Thứ tư, sự trợ giúp từ gia đình và cộng đồng. Điều này thực sự cần thiết ở giai đoạn trước độ tuổi 20, gia đình và nhà trường cần có nhiều hoạt động nhằm giúp mỗi đứa trẻ khám phá chính bản thân mình và nhận diện được sở thích, sở trường của bản thân.
Thứ năm, tự chịu trách nhiệm. Những người đạt đến ngưỡng phải ra quyết định để thay đổi thường đã đủ điều kiện và tiêu chuẩn về độ tuổi, sức khỏe, khả năng ra quyết định và có thể tự chịu trách nhiệm về mọi hành động, mọi việc mình làm. Đó cũng là lý do chẳng ai bắt đứa trẻ 5 tuổi phải chọn trường, chọn nghề, lập gia đình hay làm giàu cả. Vậy nên, với mỗi quyết định bạn đưa ra dù đúng hay sai thì bạn cần có sự chịu trách nhiệm ở trong đó.
Thứ sáu, hãy hành động thay vì lưỡng lự. Dù bạn đã chuẩn bị, có kỹ năng và cảm xúc như thế nào, thời gian vẫn trôi và sẽ đến thời điểm quan trọng bạn phải quyết định. Hãy thở sâu, lắng nghe cả con tim và lý trí để đưa ra quyết định. Chọn đúng là tuyệt vời, nhưng nếu chọn sai, vẫn có cơ hội làm lại.
Việc bạn chưa biết mục tiêu, chưa chuẩn bị đủ về nội lực, kỹ năng, kiến thức trước khi quyết định, có lúc không phải là lỗi của bạn. Hoang mang, lo sợ, khủng hoảng... là những cảm xúc phổ biến mà bất kỳ ai cũng đã trải qua. Cảm xúc luôn thay đổi, một thời điểm hoang mang có thể trở thành quyết định mạnh mẽ.
Tác Giả: My Space