Bollinger bands là gì?
Bollinger bands là một công cụ kỹ thuật giao dịch kết hợp giữa đường trung bình động MA (Moving Average) và độ lệch chuẩn. Cấu trúc chỉ báo này bao gồm một đường trung bình động ở giữa và hai đường biên trên, dưới.
Khoảng cách giữa đường MA và các dải Bollinger được xác định bởi biến động giá. Khi giá chứng khoán biến động mạnh, dải Bollinger sẽ mở rộng và ngược lại khi giá biến động ít hơn, dải Bollinger sẽ thu hẹp lại.
Công thức tính Bollinger bands
Cách tính Bollinger bands cũng rất đơn giản như cấu trúc của nó. Cụ thể như sau:
Dải giữa là đường trung bình động trong 20 ngày (SMA20), được tính bằng giá trị trung bình của giá đóng cửa.
Dải trên = SMA20 ngày + 2 x Độ lệch chuẩn trong 20 ngày.
Dải dưới = SMA20 ngày – 2 x Độ lệch chuẩn trong 20 ngày.
Dải Bollinger bands siết chặt
Dải bollinger bands siết chặt là khi khoảng cách giữa dải trên và dải dưới của đường SMA thu hẹp, gọi là hiện tượng “thắt nút cổ chai”, biểu thị giai đoạn giá cổ phiếu biến động thấp. Các chuyên gia cho rằng đây là tín hiệu cho thấy giá sẽ biến động mạnh trong tương lai và có thể tạo cơ hội giao dịch cổ phiếu. Tuy nhiên, trong trường hợp này, dải bollinger bands không dự báo được hướng giá sẽ tăng hay giảm
Dải bollinger bands bứt phá
Thông thường, 90% thời gian giá sẽ dao động trong khoảng giữa hai dải trên và dưới. Dải bollinger bands bứt phá xảy ra khi giá cổ phiếu vượt qua dải trên hoặc dưới, cho thấy sự biến động mạnh mẽ của giá. Tuy nhiên, cũng giống như khi dải bollinger bands siết chặt, chỉ báo này không cho biết giá sẽ đi lên hay đi xuống
Cách sử dụng Bollinger bands
Bollinger bands rất hữu ích để xác định xem một cổ phiếu có đang bị mua vào quá mức hoặc bán ra quá mức.
Khi giá cổ phiếu đạt hoặc vượt qua dải trên, có thể xuất hiện hiện tượng mua quá mức.
Khi giá cổ phiếu đạt hoặc thấp hơn dải dưới, có thể xuất hiện hiện tượng bán quá mức.
Nhược điểm của bollinger bands
Bollinger bands không phải là một hệ thống giao dịch độc lập. Chúng chỉ là một chỉ báo cung cấp thông tin về biến động giá, vì vậy có thể có sai lệch. Để tăng độ chính xác khi sử dụng phân tích kỹ thuật để dự đoán xu hướng giá, các nhà đầu tư có thể sử dụng đồng thời với các chỉ báo phân tích khác như RSI, MACD…