Khi nhắc đến Disney, mọi người thường nghĩ đến điều gì? Có thể là Walt Disney – một trong hai người sáng lập ra Disney Brothers Cartoon Studio, công ty tiền thân của Disney hiện nay? Hoặc có thể là chú chuột Mickey, chú vịt Donald và chú chó Pluto? Hoặc là công viên Disneyland được gọi là nơi hạnh phúc nhất trên Trái Đất? Hoặc là những bộ phim hoạt hình đã trở thành huyền thoại của thương hiệu Disney?
Dù bạn nghĩ tới điều gì đầu tiên đi nữa, cuốn sách Cuộc Chiến Disney của James B. Stewart sẽ mang lại góc nhìn mới mẻ về Disney, từ phía trong và trong lĩnh vực kinh doanh giải trí.
James B. Stewart (1952) là một tác giả nổi tiếng, người đã viết nhiều cuốn sách về thế giới tài chính của phố Wall và thế giới chính trị của Washington. Ông đã giành giải Pulitzer vào năm 1988 với một tác phẩm về sự sụp đổ của thị trường chứng khoán và giao dịch nội gián ở Mỹ. Hiện tại, Stewart là người phụ trách chuyên mục Common Sense – một chuyên mục sâu rộng về phân tích lĩnh vực kinh doanh của tờ New York Times, là một nhà báo của tờ New Yorker và đã viết chín cuốn sách. Ông đã nảy ra ý tưởng viết một cuốn sách về Disney từ năm 2001 vì “sau khi tham gia vào vụ kiện chống độc quyền chống lại các kênh truyền hình, ngành kinh doanh giải trí và Hollywood đã thu hút tôi”, nhưng đến hai năm sau, ông mới thuyết phục được giám đốc điều hành của công ty lúc đó là Michael Eisner. Cuốn sách này đã được xuất bản vào năm 2005 và đã giành giải sách kinh doanh hay nhất tại Giải thưởng Gerald Loeb (một giải thưởng dành cho nhà báo về lĩnh vực kinh doanh, tài chính và kinh tế) vào năm 2006.
Cuộc Chiến Disney (Disney War), đúng như cái tên của nó, là một cuốn sách phi hư cấu về cuộc chiến bên trong công ty giải trí và truyền thông lớn nhất nước Mỹ - Disney. Cuộc nội chiến này bắt đầu từ năm 1984, khi Michael Eisner và Jeffrey Katzenberg gia nhập vào ban lãnh đạo của công ty, đưa nó lên từ tình trạng bất ổn sau khi Walt Disney và Roy O. Disney qua đời. Cách viết truyện cuốn hút và khách quan cùng với những chiến lược kinh doanh đã đặt ra vì sự phát triển mạnh mẽ của thương hiệu Disney đã khiến cuốn sách này trở thành một trong những tài liệu tham khảo tốt nhất cho những ai đam mê kinh doanh trong ngành công nghiệp giải trí. Nhưng nếu bạn không quan tâm đến kinh doanh, cũng không sao cả. Chỉ cần bạn yêu thích những bộ phim như The Little Mermaid (Nàng Tiên Cá), Beauty and the Beast (Người Đẹp Và Quái Vật), Lion King (Vua Sư Tử) hay Toy Story (Câu Chuyện Đồ Chơi) thì Cuộc Chiến Disney vẫn có thể khiến bạn đắm chìm vào từng trang sách và bị mê hoặc bởi những câu chuyện về quá trình ra đời của chúng trong khoảng thời gian hai mươi năm Eisner nắm quyền điều hành.
Nội dung
Ngày 24 tháng Chín năm 1984, Michael Eisner bước vào công ty Walt Disney với vị trí chủ tịch kiêm tổng giám đốc điều hành khi xưởng phim này đang gặp rắc rối lớn với dòng phim chuyển thể, phim gia đình và chi phí đổ vào các công viên giải trí tăng vọt. Trước đó, Eisner đã có kinh nghiệm làm việc tại mạng truyền hình và radio ABC (giám đốc sản xuất phim và phụ trách phát triển) và tập đoàn truyền thông Paramount (tổng giám đốc và sản xuất chương trình truyền hình). Mặc dù xuất thân từ ngành truyền hình nhưng ông cùng Barry Diller đã phối hợp tạo ra nhiều bộ phim huyền thoại như 48 Hrs (48 Giờ), Saturday Night Fever (Cơn Sốt Đêm Thứ Bảy), Flashdance (Vũ Điệu Tình Yêu),… Ông nổi tiếng với khả năng duy trì chi phí sản xuất ở mức khiêm tốn để kiếm lợi nhuận, nhưng ngân sách thấp chưa bao giờ là mục tiêu của ông. Eisner từng thẳng thắn bộc lộ quan điểm của mình trong bản ghi nhớ về dạng công thức thành công của phim ảnh trong Hollywood trên cả khía cạnh nghệ thuật lẫn thương mại. Bản ghi nhớ này về sau trở thành kinh thánh ở Paramount và khiến ông trở thành “một thiên tài phân tích của ngành kinh doanh điện ảnh”.
Các thành viên hội đồng quản trị của Disney đã mong chờ một người trong nội bộ công ty bước lên vị trí chủ tịch và tổng giám đốc điều hành bởi truyền thống của họ là không thuê người mới từ bên ngoài. Có lẽ họ cho rằng người dẫn dắt Disney nên là người hiểu rõ và nắm vững mục tiêu cũng như cách thức hoạt động của công ty. Sau này, trong cuốn tự truyện của mình, Eisner cũng thừa nhận ông còn chưa từng xem phim hoạt hình do Disney sản xuất, chưa từng đến Disneyland và ông “không thích Walt cho lắm” bởi hai người đến từ hai thế giới hoàn toàn khác biệt.
“Walt đến từ vùng đồng bằng trung tâm Chicago và Kansas. Còn tôi sinh ra ở New York.Walt thuộc về số đông, một người Thiên Chúa giáo chính thống; còn tôi chỉ là thiểu số, một người Do Thái. Walt sống trong những ngôi nhà lớn, trong nông trại, giữa cộng đồng người Mỹ thực thụ. Còn tôi lớn lên trong một căn hộ của một tòa nhà cao tầng. Tuổi thơ của Walt là những tháng ngày đi bộ tới trường trên những con đường bụi bặm, vượt qua những đồng cỏ, cố làm sao tránh được lũ chó dữ và bò cho đến những đứa trẻ hay bắt nạt. Tôi đi bộ dọc đại lộ Công viên tới phố 78, qua đèn đỏ và những cửa hàng bánh kẹo lộng lẫy sắc màu, tránh những đứa hay bắt nạt để đến Allen-Stevenson, một trường tư chỉ dành chon am sinh. Tôi phải đeo cà vạt khi tới lớp. Tôi ăn tối hàng ngày với đông đủ các thành viên trong gia đình, dưới ánh nến, trong trang phục chỉnh tề, cổ vẫn đeo cà vạt. Tôi ngờ là Walt không như thế.”
Nhưng sự cố gắng đem luồng gió mới cho Disney bằng việc thành lập xưởng phim Touchstone hướng tới đối tượng khán giả người lớn và có mức độ rủi ro cao của Ron Miller – con rể của Walt Disney và là tổng giám đốc công ty lúc bấy giờ - đã giúp Eisner trở thành ứng cử viên sáng giá cho vị trí dẫn dắt Disney vượt qua khó khăn. Ông cũng nhận được sự ủng hộ từ Roy E. Disney – cháu trai của Walt và là người duy nhất mang họ Disney còn lại trong công ty, người nhận ra đã đến lúc cần phải thay đổi hướng hoạt động của Disney.
Sau khi chính thức trở thành chủ tịch kiêm tổng giám đốc điều hành, Michael Eisner cùng Frank Wells và Jeffrey Katzenberg “nhanh chóng bắt tay vào cải tạo Disney, đặc biệt là xưởng phim, quyết định ép nó vào khuôn mẫu giống như Paramount”, bắt đầu một thời kì hoàng kim mới: Thế Giới Kì Diệu Của Disney. Eisner xóa bỏ hoàn toàn quá trình làm việc thong thả và những buổi chiều chơi cờ trong xưởng phim, hình thành văn hóa “thích nghi thì sống sót” (hai người sẽ được giao cùng một công việc, chỉ có người thắng thế mới được giữ lại).
Jeffrey Katzenberg là học trò của Eisner từ thời còn ở Paramount. Trong mắt Eisner, ông là một người có phần hơi thô thiển nhưng lại rất thông minh, sôi nổi, được việc và quan trọng nhất, tuyệt đối trung thành với Eisner. Katzenberg mặc dù không được lòng các họa sĩ ở Disney vì trong mắt họ, ông là một trong những kẻ “chẳng có chút hiểu biết nào về phim hoạt hình” nhưng lại là người đầu tiên nhận ra phim hoạt hình chính là tài sản quý giá và lập mục tiêu làm sống lại thương hiệu hoạt hình kinh điển của Disney. Ông lên kế hoạch cứu vãn xưởng phim với Roy E. và dành hàng giờ để tìm hiểu về kho lưu trữ dữ liệu hoạt hình (mà ông coi là “đài tưởng niệm bản ngã Walt Disney”) cũng như sự nghiệp làm phim của Walt một cách hệ thống.
Ông cũng phát hiện ra một cuốn sách do hai học trò ưu tú của Walt viết có tựa đề The Art of Animation (Nghệ Thuật Hoạt Hình). Cứ 4 đến 6 tháng Katzenberg lại đọc lại nó một lần. Ông dành nhiều giờ trong kho dữ liệu, thường là vào lúc sáng sớm hoặc tối muộn khi không còn ai quấy rầy; ông chỉ ngủ khoảng 5 tiếng mỗi đêm. Katzenberg xem đó như là sự trải nghiệm việc học hành chính quy mà ông chưa bao giờ có được, đồng thời là khoảng thời gian yên bình, tạm rời xa những căng thẳng bận rộn ở xưởng phim.
Eisner, ngược lại, chẳng có chút hứng thú nào với xưởng phim hoạt hình đang thua lỗ. Ông quan tâm đến lĩnh vực phim chuyển thể và chương trình truyền hình quen thuộc hơn. Ông tự ứng cử mình vào vị trí người kể chuyện trong chương trình hàng tuần của Disney. Bên cạnh đó, công viên giải trí cũng là lĩnh vực ông phải đảm nhận khi bước chân vào Disney bởi đó là hoạt động kinh doanh duy nhất còn duy trì được lợi nhuận. Mặc dù chưa từng đến Disneyland nhưng với niềm đam mê kiến trúc, Eisner bắt đầu có những dự án táo bạo và tham vọng về quy mô và tầm ảnh hưởng của Disney trong ngành giải trí trên toàn thế giới. Trong số đó phải kể đến dự án tham vọng nhất, Disney’s America, với quyết tâm thể hiện rõ sự phát triển của nước Mỹ qua các giai đoạn lịch sử. Ông từng phát biểu về dự án này như sau:
“Công việc khó khăn nhất không phải là kể những câu chuyện lịch sử quan trọng, cũng không phải là tạo trải nghiệm kì thú cho khách tham quan; công việc khó khăn nhất là chúng ta phải đạt được cả hai mục tiêu này và kiên quyết không để hai mục tiêu đó lấn át nhau… Chúng ta phải nỗ lực liên tục để tạo ra trải nghiệm hấp dẫn suốt cả ngày, khiến du khách mỉm cười và rơi nước mắt, để họ tự hào về những ưu điểm và giận dữ trước những khuyết điểm của đất nước.”
Frank Wells phải đảm nhiệm tất cả những công việc mà Eisner không muốn làm, những công việc quản trị nhàm chán. Nhưng ông và Eisner trở thành bộ đôi hoàn hảo nhất và ăn ý nhất.
Stanley Gold đã đúng khi dự cảm rằng kỹ năng cùng cá tính của Eisner và Wells sẽ bổ sung một cách hoàn hảo cho nhau. Mối quan hệ công việc giữa họ diễn ra êm đẹp, trong đó Wells nhận lấy hầu hết gánh nặng của nhiệm vụ quản trị hoạt động của công ty và giải quyết các vấn đề về tài chính, trong khi đó Eisner chăm lo các hoạt động mang tính sáng tạo, từ sản xuất phim, chương trình truyền hình đến mở rộng các công viên giải trí theo chủ đề. Eisner và Wells cũng thoải mái qua lại văn phòng của nhau. Eisner cảm thấy mình có thể hoàn toàn tin tưởng Wells. Là người khôn ngoan và biết suy xét nên ngay từ đầu Wells không bao giờ nuôi tham vọng tiếm quyền hay lấn át vai trò của Eisner. Ông là một nhà quản lý đồng thời là một nhà thương thuyết bẩm sinh. Khi ai đó gặp vấn đề với Eisner, Wells sẽ là người được cầu cứu. “Chuyện đó để tôi lo,” Wells thường nói thế, và hầu như lúc nào ông cũng xử lý êm xuôi mọi việc.
Chỉ sau bốn năm đầu dẫn dắt Disney, Eisner và Wells đã mang về cho công ty tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận ròng lên đến 80%, cổ phiếu tăng gấp 4 lần và thu nhập từ hoạt động kinh doanh tăng vọt lên gần 800 triệu đô la. Sự tăng trưởng bất ngờ này của Disney đã thu hút cả giới báo chí. Nhưng những thành công với Down and Out in Beverly Hills, Pretty Woman, The Little Mermaid (Nàng Tiên Cá), Beauty and the Beast (Người Đẹp Và Quái Vật), Aladdin và ý tưởng kinh doanh băng đĩa hoạt hình, chuỗi cửa hàng bán lẻ cũng không thể che dấu được những rạn nứt đầu tiên trong cách hoạt động và đánh giá của Eisner, đồng thời cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến mối quan hệ trung thành, tận tụy với ông của Katzenberg đổ vỡ.
Sự phấn khích lan tỏa khắp Disney nhờ thành công của Pretty Woman cùng những mối bận tâm về Dick Tracy đã giúp che đậy sự thực phũ phàng rằng, trong cả năm đó, công thức thành công của Disney về cơ bản đã thất bại hoàn toàn. Chuỗi dài gần như liên tục các bộ phim thành công đã bất ngờ kết thúc. Lần đầu tiên, một vài nhà điều hành của các xưởng phim bắt đầu nghi ngờ khả năng đánh giá của Eisner, nó đã không còn đúng trong mọi trường hợp nữa. Sau cùng thì ông ta đã một mực bênh vực Dick Tracy và ruồng bỏ Pretty Woman. (…) Tin tức lan truyền và thái độ của giới bình luận, từ lâu vẫn là động lực thúc đẩy khán giả tới rạp đã bắt đầu nhường bước cho những chiến dịch quảng cáo ồn ào chớp nhoáng, những ngôi sao lớn và những bộ phim “bom tấn” thu hút lượng khán giả khổng lồ mỗi dịp ra mắt vào cuối tuần.
Vương Quốc Vỡ Mộng là hình ảnh ngành công nghiệp giải trí tràn ngập sự tự mãn, oán hận, không rõ ràng và dối trá. Có lẽ cái chết của Frank Wells, cuộc phẫu thuật tim và những đả kích từ truyền thông (Eisner luôn nghĩ Katzenberg đứng sau đám phóng viên nhà báo) đã khiến Eisner ngày càng trở nên hoài nghi và không muốn ai lấy mất vị trí của mình tại Disney. Ông muốn cho mọi người thấy ông vẫn còn khỏe mạnh và sẵn sàng quay trở lại cuộc đua bất cứ lúc nào.
Sau khi Katzenberg rời khỏi Disney vì mâu thuẫn lớn, Eisner đưa Michael Ovitz về thay thế và bổ nhiệm ông làm tổng giám đốc nhưng lại không vạch định rõ ràng mối quan hệ cộng sự giữa họ. Mối quan hệ của Eisner và Ovitz mau chóng trở thành mối quan hệ đơn phương. Eisner thậm chí đã có ý định sa thải Ovitz từ trước khi ông nhậm chức. Ovitz tuy được bổ nhiệm làm tổng giám đốc nhưng lại có quá ít quyền hành. Ông dường như trở nên ám ảnh với những việc mình có thẩm quyền quản lý. Dù rất cố gắng nhưng cuối cùng, ông vẫn phải rời khỏi Disney trong sự nhục nhã.
“Tôi vô cùng tức giận,” Ovitz nhớ lại. “(…) Tôi vẫn luôn nói với Eisner rằng nếu ông ấy muốn làm gì đó hoặc nói gì đó với tôi, ông ấy nên nói trực tiếp với tôi và không nên viết thư cho mọi người, cũng không nên nói chuyện với các ủy viên hội đồng quản trị, không nên nói sau lưng tôi và bảo những người có nghĩa vụ báo cáo với tôi phải báo cáo ông ấy và yêu cầu họ không cần làm theo lệnh của tôi, bởi việc đó ngầm phá hoại chút ít quyền lực cỏn con của tôi… tâm can tôi bị giằng xé… vì sự thực là tôi bị sa thải, vì sự thực là Litvack muốn ngồi vào ghế của tôi và ông ta công khai mong muốn điều đó, vì sự thực là Eisner, người bạn mà tôi vẫn luôn coi là tốt nhất và tin tưởng nhất, đã phản bội tôi… vì sự thực là những việc mà ông ấy làm với tôi khi tôi vắng mặt là những điều không thể tin được.”
Những căng thẳng tại Disney bắt đầu leo thang khi thành tích èo uột trong năm 1996 của xưởng phim đã gây thua lỗ 180 triệu đô la, dẫn đến kế hoạch cắt giảm chi tiêu trong năm năm. Kế hoạch này đã gây không ít khó khăn cho những dự án phim về sau của Disney. Tuy nhiên, thật may mắn rằng trong thời kì này, Toy Story 2 được ra mắt và thu về tổng số tiền hơn 80 triệu đô la. Bộ phim có được thành công rực rỡ này là nhờ quyết định phát hành phim ngoài rạp của Joe Roth. Thế mà mâu thuẫn giữa Eisner và các nhà làm phim cùng ban giám đốc vẫn không ngừng tăng cao, cùng lúc đó là phiên tòa giải quyết bất đồng về khoản tiền thưởng của Jeffrey Katzenberg và sự bất ổn của ABC.
Chưa dừng lại ở đó, ngày 11 tháng Chín năm 2001, vụ khủng bố tấn công tại Trung tâm Thương mại Thế giới làm dấy lên một mối lo ngại khác: Liệu Disneyland có trở thành mục tiêu tiếp theo?
Cuộc Chiến Disney bắt đầu nhen nhóm sau những cải cách không thành của Eisner nhằm giải quyết những vấn đề đang xảy ra trong nội bộ công ty. Roy E. Disney và Stanley Gold, một lần nữa, thực hiện kế hoạch lật đổ quyền cai trị của bộ máy lãnh đạo đã lỗi thời. Từ khi Ron Miller lên nắm quyền, Roy E. là người tận tụy với công ty Disney hơn ai hết trong gia đình, là người đau đáu tâm can nhất vì phim hoạt hình Disney. Ông nhận ra đã đến lúc Disney phải thay đổi và bước sang một thời kì mới. Trong bức thư gửi Eisner sau khi đã buộc phải từ chức,
Roy nêu rõ những “thất bại” của Eisner: các chương trình phát sóng trên khung giờ vàng của ABC; kênh Family; cách “quản lý vi mô” khiến đội ngũ nhân viên “mất hết tinh thần làm việc”; “sự rụt rè” khi xây dựng các công viên giải trí mới “với giá rẻ”; “chảy máu chất xám sáng tạo”; mối quan hệ kém cỏi với các đối tác sáng tạo như Pixar và Miramax; và thiếu kế hoạch lựa chọn người kế nhiệm.
Ở cuối thư, ông viết:
Michael ạ, tôi hoàn toàn tin rằng ông mới là người nên ra đi, không phải tôi. Theo đó, một lần nữa tôi kêu gọi ông từ chức hoặc nghỉ hưu. Công ty Walt Disney xứng đáng có được tập thể lãnh đạo mới, giàu năng lượng trong thời điểm đầy thử thách này trong lịch sử, tương tự như năm 1984, khi tôi chủ trương tái cấu trúc công ty và nhờ đó ông đã được đầu quân về làm việc tại đây. Tôi đã, đang và sẽ luôn luôn trung thành và sung kính công ty do bác Walt và cha Roy của tôi thành lập, và tôi cũng trung thành và tôn trọng đội ngũ nhân viên tận tâm và các cổ đông trung thành của chúng ta. Tôi không biết liệu ông và các ủy viên hội đồng quản trị có hiểu hết nỗi đau đớn mà tôi và đại gia đình Disney của tôi phải chịu đựng khi tôi đưa ra quyết định này hay không…
Nhận xét cá nhân
Tôi đã muốn có Cuộc Chiến Disney ngay khi trông thấy nó trong một hiệu sách tại Đinh Lễ lần đầu tiên. Vì một là, đây là cuốn sách về lĩnh vực kinh doanh giải trí. Tôi đã mong chờ những cuốn sách như thế này bằng tiếng Việt từ rất lâu rồi. Và hai là, được biết về quá trình sản xuất một bộ phim là một trải nghiệm thú vị, nhất là với một đứa quan tâm (hơi thái quá) đến công việc đằng sau bức màn danh vọng hào nhoáng như tôi. Các bạn không thể biết được tôi đã sung sướng thế nào khi thấy tựa đề cuốn sách này trong danh sách những cuốn cần review đâu. Có thể đây chỉ là sự tình cờ nhưng nó có ý nghĩa rất lớn và là điều may mắn giúp định hình tương lai của tôi.
Vậy nên, xin phép được dành vài câu để cảm ơn Bookademy đã tạo điều kiện cho tôi được cầm Cuộc Chiến Disney trên tay dù chỉ là tạm thời. Nếu không tham gia Bookademy chắc phải rất lâu nữa tôi mới có thể tiếp cận những thông tin hữu ích và tuyệt vời này, mà cũng có thể là không bao giờ cũng nên. Thực sự cảm ơn rất nhiều.
Quay lại phần nhận xét, đầu tiên hãy bàn đến bìa sách. Tôi thực sự không nhớ rõ màu bìa khi tôi thấy Cuộc Chiến Disney lần đầu tiên, nhưng tôi nghĩ màu đỏ như hình quảng cáo sẽ hợp với cuốn sách này hơn. Ý tôi là, màu đỏ tạo cảm giác gay cấn và hợp với nội dung đấu đá, trả thù, tranh giành quyền lực chức vụ hơn màu thực tế hiện nay chứ? Mảng màu sắc khiến tôi hơi thất vọng một chút nhưng tôi rất thích phần hình bìa. Thật may không phải bìa của bản tiếng Anh.
Về độ dày, đây là một cuốn sách 663 trang chưa tính bìa. Với nội dung xuyên suốt những năm Michael Eisner điều hành Disney (từ 1984 đến 2003) thì 663 trang không phải là quá nhiều. Tuy nhiên nếu các cậu thuộc dạng đọc năm ngày liên tục nhưng chỉ đọc được gần một nửa như tôi thì có lẽ các cậu sẽ cần khoảng hai tuần để đọc xong nó. Nhưng đừng cả ngày chỉ ôm sách đọc nhé vì nói thật là đến tôi còn thấy nản đấy… Hãy đọc cuốn sách này lúc các cậu thư giãn và thoải mái nhất.
Cuối cùng, về bản dịch, thật tệ là Cuộc Chiến Disney vẫn còn những lỗi chính tả và lỗi xưng hô không đáng. Tôi mong ban biên tập sẽ để ý kĩ hơn vấn đề này trong lần tái bản (nếu có).
Kết
Cuối tháng Chín năm 2005, Michael Eisner rời khỏi công ty Disney. Trong hai mươi năm, Eisner từ người hùng vực dậy xưởng phim đang có nguy cơ sụp đổ, là chiếc bánh ngon ngọt béo bở trước mắt các công ty lớn thành kẻ độc tài khi chỉ muốn giữ khư khư chiếc ghế quyền lực của mình. Ông đã phạm sai lầm khi tỏ ra không tôn trọng mọi cộng sự và đối tác làm ăn của Disney và trên hết, là đã buộc Roy E. Disney phải từ chức. Tuy nhiên, kỉ lục về những thành tích của ông trong thời gian cống hiến cho Disney vẫn là điều chúng ta cần học hỏi. Michael Eisner có thể là tấm gương cho bất kì ai trong giới kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực kinh doanh giải trí, về cả khía cạnh tích cực lẫn tiêu cực.
Vậy cuối cùng thì Disney là Thế Giới Kì Diệu hay Vương Quốc Vỡ Mộng? Có lẽ chỉ những người trong cuộc mới có thể trả lời chúng ta. Nhưng có một điều chắc chắn, với những đứa trẻ (và có thể là cả người lớn nữa) Disney vẫn sẽ là thế giới thần tiên tràn ngập hạnh phúc.
Tác giả: Thu Trang - Bookademy.