“Những con kiến tạo hình hành vi của chúng bằng cách trao đổi các chất hóa học. Trái lại, con người tạo ra hành vi của họ bằng cách đối diện, nhìn vào mắt, ra hiệu bằng cử chỉ và phát ra âm thanh từ miệng. Giao tiếp giữa con người thực sự là một kỳ quan của thế giới. Hàng ngày, chúng ta giao tiếp với nhau một cách không tự ý. Và giao tiếp này đạt đến đỉnh điểm mạnh mẽ nhất khi chúng ta hùng biện trước công chúng”
TED Talks là những bài diễn thuyết đầy cảm hứng được ghi lại tại các sự kiện của tổ chức phi lợi nhuận TED. Các diễn giả được TED mời đều là những người xuất sắc trong lĩnh vực của họ và chia sẻ 'những ý tưởng đáng giá' với công chúng. Trong số những người nổi tiếng đã xuất hiện có cả người sáng lập Google - Larry Page, cựu Tổng thống Bill Clinton, tỷ phú Bill Gates, giáo sư Ken Robinson và một số nhân vật đã đoạt giải Nobel… Các bài diễn thuyết của TED đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người trên toàn thế giới.
Ngoài kiến thức hữu ích, những câu chuyện đầy động lực, TED Talks còn được yêu thích bởi chúng ta học được cách diễn thuyết từ các diễn giả nổi tiếng, chính vì thế TED Talks – Phong cách diễn thuyết kiểu TED1 sẽ mang lại cho độc giả bí quyết diễn thuyết trước đám đông theo chuẩn TED.
Hùng biện trước công chúng đã tồn tại từ bao lâu? Câu trả lời sẽ khiến bạn ngạc nhiên. Đó là một nghệ thuật đã có từ hàng ngàn năm trước và đã ghi sâu trong tâm trí của chúng ta. Các nhà nghiên cứu tin rằng hàng ngàn năm trước, họ đã phát hiện ra những nơi hội họp cộng đồng, nơi có già làng, người lãnh đạo của bộ lạc, dưới ánh lửa cháy bập bùng trong đêm, với sự sáng suốt, thông thái của mình bắt đầu câu chuyện trong khi hàng trăm cặp mắt xung quanh đang nhìn về họ. Những câu chuyện mà họ kể có sự kết nối và dành cho tất cả thành viên trong bộ lạc của họ, và điều đó đã truyền cảm hứng, động lực, tình đoàn kết… khiến mọi người có thể cùng nhau làm việc, sinh sống và chiến đấu để bảo vệ cuộc sống của họ.
Vẫn cho đến thời điểm này, điều đó vẫn giữ nguyên giá trị và ngày càng được phát triển. Sức mạnh của ngôn ngữ trong kỷ nguyên Internet ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn. Các bài thuyết trình từ TED không chỉ giới hạn ở phòng họp với 1000 người mà còn lan rộng đến hàng triệu người trên khắp thế giới, cùng thảo luận, chia sẻ, và ngày càng trở nên mạnh mẽ và chất lượng hơn.
Nếu làm đúng, một bài thuyết trình có thể truyền cảm hứng và thay đổi nhận thức của người nghe. Một bài thuyết trình đúng sẽ có sức mạnh lớn hơn bất kỳ cuốn sách hay văn bản nào. Viết đưa ra cho chúng ta ngôn từ, nhưng thuyết trình đem lại cho chúng ta một bộ công cụ hoàn toàn mới. Khi nhìn vào ánh mắt của diễn giả, lắng nghe giai điệu trong giọng nói của họ, cảm nhận sự nhạy bén, trí tuệ và đam mê, chúng ta đang sử dụng các kỹ năng tiềm ẩn trong tiềm thức đã được luyện qua hàng trăm nghìn năm. Những kỹ năng này có thể kích thích, tăng cường quyền lực và truyền cảm hứng cho chúng ta.
TED Talks – Phong cách thuyết trình kiểu TED sẽ cung cấp cho bạn những công cụ để tạo ra những bài diễn thuyết truyền cảm hứng. Không có quy tắc cố định hoặc một kiểu thuyết trình duy nhất, chỉ có những công cụ hỗ trợ mà thôi. Mỗi người sẽ có một phong cách thuyết trình riêng phù hợp với bản thân mình, và với những công cụ được giới thiệu trong cuốn sách này, bạn chắc chắn sẽ thuyết phục hàng triệu người, giống như các diễn giả TED đã làm.
Bạn đã sẵn sàng chưa?
Hãy cùng TED Talks – Phong cách thuyết trình kiểu TED khơi lửa!
Nền tảng
Kỹ năng thuyết trình - những kỹ năng bạn có thể phát triển
Từ thời còn là sinh viên, chắc hẳn những lần phải thuyết trình trước lớp đã mang lại cho bạn rất nhiều bài học và kinh nghiệm. Tôi là sinh viên của một trường đại học mà kỹ năng thuyết trình là điều bắt buộc mà tất cả sinh viên phải có, vì mọi môn học đều yêu cầu thuyết trình nhóm. Bạn có biết không, sau bốn năm học ở đây, từ việc lần đầu cầm micro đứng trước lớp với trạng thái run rẩy, đến việc trở thành người lưu loát và tự tin trong việc trả lời câu hỏi từ sinh viên ngồi dưới, đó là một quá trình rèn luyện đầy chăm chỉ nhưng cũng đầy áp lực. Và trong cuốn sách này, tôi biết được rằng, ngay cả những diễn giả nổi tiếng thế giới cũng từng bắt đầu thành công của mình bằng những bỡ ngỡ, lo lắng và cả những hy vọng, hy vọng được nhận phản hồi tích cực.
Tất cả chúng ta đều đã trải qua cảm giác sợ hãi khi phải hùng biện hoặc thuyết trình trước đám đông. Thực tế, các cuộc khảo sát về những nỗi sợ phổ biến nhất cho thấy hùng biện trước công chúng là một trong những nỗi sợ được đề cập nhiều nhất, vượt qua cả nỗi sợ rắn, sợ độ cao - và thậm chí cả sự chết.
Tại sao lại như vậy? Không có con nhện nào lớn lên, lông lá nào cất giấu trong chiếc micro, cũng không có nguy cơ nào khiến bạn có thể bị văng khỏi sân khấu mà tử vong. Người tham dự cũng không đe dọa bạn bằng cây chĩa. Vậy tại sao bạn lại cảm thấy lo lắng?
...
Bởi bạn đặt nhiều hy vọng vào bài diễn thuyết của mình - không chỉ là những trải nghiệm ngay lúc đó mà còn là danh tiếng lâu dài.
Xây dựng ý tưởng - Giá trị ẩn chứa trong mỗi bài diễn thuyết xuất sắc.
“Nhiệm vụ hàng đầu của bạn khi làm nhà hùng biện là chia sẻ những điều thực sự quan trọng với bạn và để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm trí của khán giả. Chúng ta có thể gọi điều này là một ý tưởng. Một quá trình tạo ra, một khía cạnh mà bạn có thể bám vào, điều chỉnh, và thậm chí thay đổi một chút”
Để trở thành một nhà hùng biện xuất sắc và có ảnh hưởng, điều quan trọng không phải là sự tự tin hay cách thể hiện trên sân khấu, mà chính là ý tưởng. Bạn muốn chia sẻ câu chuyện gì, muốn nó được truyền đạt như thế nào, muốn người nghe hiểu nó như thế nào, và phản ứng của họ sẽ ra sao, tất cả đều phụ thuộc vào ý tưởng.
Những cạm bẫy thường gặp: Bốn phong cách thuyết trình cần tránh
Có những phong cách thuyết trình có thể truyền cảm hứng và động viên cho người nghe, nhưng cũng có những phong cách khiến khán giả cảm thấy chán chường vì tính lặp lại, thiếu ý tưởng và mục đích không mang lại giá trị cho người nghe.
Vì vậy, hãy chú ý đến 4 phong cách thuyết trình cần tránh này để không mắc phải sai lầm
Phong cách tiếp khách
Đôi khi, những người thuyết trình chỉ đặt kế hoạch để nhận mà không muốn chia sẻ. Hãy nhớ rằng điều này có thể làm cho bài diễn thuyết của bạn bị gián đoạn, hoặc khán giả có thể không tôn trọng bạn và rời khỏi, vì bạn không thuyết trình với mục đích mang lại giá trị cho họ. Cái giá bạn phải trả là mất đi danh tiếng, và dĩ nhiên, những bài thuyết trình quảng cáo như vậy sẽ không được TED đăng tải lên Internet.
Chuẩn bị cẩu thả
Bạn có biết không, trong một hội nghị của TED, một diễn giả đã bắt đầu bằng cách nói: “Trên đường đi đến đây, tôi đang suy nghĩ không biết nên chia sẻ điều gì với các bạn…” và tiếp tục với những điều thiếu sâu sắc. Ngay từ câu đầu tiên, diễn giả này đã thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp và không tôn trọng khán giả của mình. Làm thế nào mà một diễn giả khi thuyết trình trên sân khấu của TED lại không chuẩn bị câu chuyện của mình, không có ý tưởng hay suy nghĩ về mong muốn của khán giả. Điều này khiến khán giả cảm thấy họ không được tôn trọng, TED không được tôn trọng, và chính diễn giả này cũng không coi trọng danh tiếng của mình.
Sự nhạt nhẽo
Thường thì những công ty hoặc tổ chức chỉ hấp dẫn với những người làm việc bên trong, nhưng nếu bạn sử dụng lịch sử thành lập, thời kỳ hoàng kim hoặc câu chuyện xung quanh nó để thuyết trình, thì sẽ rất tẻ nhạt với những người khác. Điều bạn cần là ý tưởng, một ý tưởng chính và chia sẻ cho người nghe một giá trị nào đó thay vì chỉ là những câu chuyện về lịch sử thành lập và phát triển của công ty.
“Vào năm 2005, chúng tôi thành lập một bộ phận mới tại Dallas trong tòa nhà văn phòng này, và mục tiêu của bộ phận này là điều tra để tìm ra cách giảm chi phí tiêu thụ điện năng, vì vậy tôi đã bổ nhiệm Phó Chủ tịch Hank Boreham vào nhiệm vụ này… (Ngáp)
So sánh đoạn trên với đoạn dưới: “Vào năm 2005, chúng tôi đã phát hiện một sự thật đáng kinh ngạc. Một văn phòng trung bình có thể giảm đến 60% chi phí tiêu thụ điện năng mà không ảnh hưởng đến hiệu suất hoạt động. Hãy để tôi chia sẻ phương pháp này với các bạn…”
Một cách trình bày khiến người nghe mong đợi với sự hào hứng. Cách khác chỉ làm giảm đi sự quan tâm của họ. Một là hiệu quả như việc tặng họ một món quà, hai là phục vụ lợi ích cá nhân một cách rời rạc.
Truyền cảm hứng giả dối
Điều đáng tiếc với một diễn giả là khi họ quá quan tâm đến việc có nhận được sự hoan nghênh từ khán giả hay không, và đôi khi điều đó khiến họ thêm vào bài thuyết trình của mình những câu chuyện hài hước, những chi tiết không đáng kể nhưng mang tính giải trí, và sau đó họ nhận được sự hoan nghênh từ khán giả mà không ai dưới khán đài đứng dậy tán dương.
Là một diễn giả, điều bạn cần làm là khơi gợi cảm hứng trong khán giả để họ tin rằng họ có một giấc mơ, và giấc mơ đó không phải là điều đến dễ dàng, chúng đến từ máu, mồ hôi và nước mắt.
“Việc truyền cảm hứng giống như tình yêu vậy. Bạn không thể đạt được điều đó bằng cách theo đuổi quá mạnh mẽ…Tương tự, khi truyền cảm hứng, nếu bạn cố gắng gượng ép và thu hút sự chú ý của mọi người chỉ bằng sự cuốn hút của bản thân mình, bạn chỉ có thể thành công một thời gian ngắn, nhưng cuối cùng bạn sẽ bị phát hiện và khán giả sẽ bỏ bạn”.
CÁC CÔNG CỤ HÙNG BIỆN
Liên kết: Tạo sự cá nhân hóa trong bài thuyết trình
Hãy tạo kết nối bằng cách nhìn vào mắt khán giả ngay từ khi bắt đầu thuyết trình, cùng với một vài nụ cười. Khoa học đã chứng minh rằng chỉ cần một cái nhìn chăm chú từ hai bên có thể kích hoạt hoạt động đồng bộ trong hệ thần kinh, đó thực sự là việc nhận biết trạng thái cảm xúc của nhau.
Tại TED, lời khuyên quan trọng nhất chúng tôi dành cho các diễn giả khi thuyết trình là thường xuyên tạo kết nối bằng cách nhìn vào mắt của khán giả. Hãy truyền đạt bằng sự ấm áp, chân thành, và hãy là chính bạn. Điều này sẽ mở cánh cửa cho họ tin tưởng, yêu mến bạn, và bắt đầu chia sẻ niềm đam mê cùng bạn.
Khi đặt chân lên sân khấu, hãy chỉ nghĩ về một điều duy nhất: Sự hồi hộp thật sự của bạn trước cơ hội được chia sẻ đam mê với những người ngồi đó, chỉ cách bạn vài bước chân. Đừng vội vàng mở màn luôn. Hãy đi ra dưới ánh đèn, chọn một vài người và nhìn vào mắt họ, chào hỏi và mỉm cười. Sau đó, hãy bắt đầu phần diễn thuyết của bạn.
Kể chuyện: Sức hấp dẫn không thể chối từ của câu chuyện
Tuy nhiên, hãy luôn tỉnh táo để biết rằng bạn đang kể một câu chuyện, một câu chuyện mang ý nghĩa thực sự chứ không phải là một câu chuyện lỏng lẻo không có nội dung. Bởi trong mỗi câu chuyện, người nghe sẽ tìm thấy một chi tiết nào đó gắn với họ, nó kích thích cảm xúc và tạo liên kết giữa diễn giả và khán giả.
Những yếu tố nào tạo nên một câu chuyện hay? Công thức cổ điển thường gặp là: Nhân vật chính trong câu chuyện đặt ra một mục tiêu cụ thể nhưng gặp phải những trở ngại bất ngờ và cuối cùng là giải pháp cho tình huống khó khăn đó. Nhân vật chính vượt qua những khó khăn, dẫn đến cao trào của câu chuyện, và kết thúc.
Tuy nhiên, khi chia sẻ một câu chuyện trên sân khấu, bạn cần nhấn mạnh vào bốn điểm chính sau:
- Câu chuyện cần tập trung vào một nhân vật mà khán giả của bạn có thể đồng cảm.
- Tạo cảm giác căng thẳng bằng cách khơi gợi sự tò mò, kích thích về mặt xã hội hoặc đề cập đến những nguy hiểm thực tế.
- Miêu tả chi tiết một cách hợp lý. Thiếu chi tiết sẽ làm cho câu chuyện trở nên vô hồn. Quá nhiều chi tiết sẽ làm cho câu chuyện trở nên rườm rà.
- Kết thúc bằng một giải pháp làm hài lòng mọi người, có thể là sự hài hước, sự cảm động hoặc làm sáng tỏ vấn đề.
QUY TRÌNH CHUẨN BỊ
Hình ảnh: Những slide này phá hủy bài thuyết trình của bạn!
Ngày nay, với tiến bộ của công nghệ, việc sử dụng slide trong các bài thuyết trình đã trở nên phổ biến hơn, với hy vọng tạo sự hấp dẫn cho người nghe và giúp họ theo dõi nội dung. Tuy nhiên, không phải slide nào cũng đẹp và hiệu quả, đôi khi chúng lại làm mất sự chú ý của khán giả vào diễn giả.
Thậm chí, ngay cả một slide văn bản đơn giản cũng có thể làm suy giảm uy tín của bài thuyết trình của bạn. Thay vì một slide với nội dung: 'Hố đen có kích thước lớn đến nỗi không một ánh sáng nào có thể thoát ra', bạn nên sử dụng một slide với câu hỏi: 'Hố đen là gì?' và sau đó truyền đạt thông tin bằng lời nói. Cách này sẽ khơi dậy sự tò mò của khán giả và làm cho nội dung trở nên hấp dẫn hơn.
Huấn luyện: Đợi đã, tôi cần tập luyện
Cho dù ý tưởng của bạn có mới mẻ đến đâu, dù bạn sử dụng công cụ gì đi chăng nữa, nếu không tập luyện thì bạn sẽ không thể trình diễn một cách thành công.
“Khi Clay Shirky đến văn phòng của TED để thuyết trình về một vấn đề gây tranh cãi về bản quyền, tôi ngạc nhiên trước khả năng của anh ấy, anh ấy thuyết trình một cách trôi chảy về nội dung phức tạp mà không cần đọc từ bản thảo, thậm chí không cần ghi chú. Tôi hỏi anh ấy làm thế nào để có được khả năng đó. Câu trả lời là: Luyện tập nhiều lần”.
TRÊN SÂN KHẤU
Trang phục biểu diễn: Tôi nên mặc gì?
Trước mặt hàng trăm, hàng nghìn người và có thể bài diễn thuyết của bạn sẽ được đăng trên Internet, vì vậy trang phục là điều bạn cần chú ý trước tiên. Trang phục sáng màu và bắt mắt sẽ thu hút sự chú ý từ khán giả và ống kính máy quay. Hãy mặc trang phục mà bạn cảm thấy thoải mái và tự tin, đồng thời che đi những khuyết điểm trên cơ thể.
“Nếu bạn vẫn không chắc chắn về trang phục nên mặc, hãy đặt lịch đi mua sắm với một người mà bạn tin tưởng vào gu thẩm mỹ của họ. Đôi khi cách bạn nhìn vào hình ảnh của mình trong gương không phản ánh đúng như cách người khác nhìn bạn”.
Đổi mới cách trình bày: Lợi hại và rủi ro của những bài diễn thuyết sáng tạo
Đó là khi bạn cố gắng tạo ra những bài diễn thuyết đa dạng hơn, không chỉ là lời nói và slide. Hãy luôn giữ tinh thần sáng tạo với các ứng dụng công nghệ thông minh, và đừng bao giờ quên rằng nội dung vẫn là quan trọng nhất.
Tác giả: Xoan Nguyễn - Bookademy