Tôi thường đến nhà thờ dù không phải là tín đồ Cơ Đốc. Những lời cầu nguyện và không khí trang nghiêm luôn mang lại sự thoải mái cho tôi, khiến tôi ghé thăm giáo đường vào mỗi chiều chủ nhật. Tôi cũng rất ấn tượng với một quan niệm của đạo Cơ Đốc: Đối với các tín đồ ngoan đạo, cái chết chỉ là sự khởi đầu cho một cuộc sống mới, và khi ai đó rời khỏi thế gian, trở về vòng tay của Chúa, đó là một niềm hạnh phúc.
Có lẽ, đây cũng là cảm nhận của tôi khi đọc “Vẻ đẹp của những điều còn lại” của Steve Leder - sự trang nghiêm, thông tuệ và dễ chịu - như đang tham dự một buổi lễ và cất tiếng hát ngợi ca.
Thực tế rằng con người chết theo cách họ đã sống, nghĩa là chúng ta có thể lên kế hoạch cho cái chết của mình. Hầu hết chúng ta sẽ có thời gian dài để làm điều đó. Hiểu đúng về cái chết giúp câu chuyện về đám tang không còn buồn bã, với tiếng khóc và lời ai điếu. Có điều gì mạnh mẽ hơn tình yêu và cái chết? Đó là tình yêu cuộc sống và sự điềm tĩnh khi đối mặt với cái chết.
Ta phải chấp nhận một sự thật rằng, không ai biết khi nào tử thần sẽ đến - giống như thần Hades trong thần thoại Hy Lạp với chiếc mũ tàng hình - di chuyển xuyên thời gian và không gian, hiện diện khắp mọi nơi với nhiều hình dạng khác nhau.
Khi đọc “Ông già và biển cả” của Hemingway, tôi không ngừng nghĩ về hình ảnh ông lão chiến đấu với con cá kiếm. Cuộc chiến quyết liệt giữa biển khơi không phải để chiến thắng mà để khẳng định sự tồn tại. Cái chết cũng như thế. Người thông thái bình thản trước sự thật “rồi cũng có một ngày mình sẽ rời xa nhân thế” chắc chắn là người đã chuẩn bị sự bình thản cho mọi điều trong đời, dù đó là may mắn hay bất hạnh, niềm vui hay nỗi khổ đau. Bi kịch và đau buồn xảy đến với tất cả chúng ta - đó là điều ta không thể biết trước cũng như không thể kiểm soát. Tôi nghĩ mình có thể học được nhiều điều từ sự đau buồn, như vẻ đẹp của bóng tối và ý nghĩa của ánh sáng.
'Số mệnh của con người là để nhìn lại, không phải để biết trước.' (Biên niên ký chim vặn dây cót)
Người đã dùng hết quỹ thời gian cuộc đời trên nhân thế sẽ không bị lãng quên. Người ở lại sẽ nhớ họ trong từng kỷ niệm nhỏ bé nhất. Trong bữa ăn, ta nhớ món ăn người đó yêu thích; khi qua cửa hàng hoa, ta nhớ đến loài hoa người đó thích cắm mỗi chiều… Nói như vậy không có nghĩa người ở lại phải bi lụy và buồn thương. Tôi tin rằng ta chỉ làm được điều này khi lòng bình thản, học cách chấp nhận rằng một ngày cái chết sẽ chia cách ta với một người trên cõi đời này.
Vậy hãy cứ cười khi còn có thể, hãy nói lời yêu thương dù hôm nay chẳng phải ngày kỷ niệm gì, và hãy thản nhiên đón nhận những điều không hạnh phúc. Giống như ông lão Santiago quyết định mài lưỡi giáo và tiếp tục ra khơi chiến đấu, hành trình chấp nhận cái chết cũng là hành trình khám phá vẻ đẹp rực rỡ của cuộc sống.