Sau 4 tháng kể từ ngày Bugatti và Rimac chính thức hợp nhất, liên doanh Bugatti Rimac đã chính thức hình thành với trụ sở chính tại Sveta Nedelja, Croatia.
Mate Rimac – CEO cùng người sáng lập Rimac sẽ đảm nhiệm vai trò điều hành trong liên doanh. CEO hiện tại của Bugatti, Stephan Winkelmann, sẽ chuyển sang tập trung hơn vào Lamborghini – thương hiệu mà ông đã được bổ nhiệm làm Chủ tịch kiêm CEO từ tháng 12 năm 2020. Chủ tịch của Bugatti Rimac sẽ là Oliver Blume, hiện là Chủ tịch của Porsche.
Tập đoàn Rimac nắm giữ 55% cổ phần của Bugatti Rimac trong khi phần còn lại được kiểm soát bởi Porsche – đối tác chiến lược của liên doanh này và cũng là thương hiệu được tập đoàn mẹ Volkswagen giao quản lý Bugatti. Bên cạnh đó, họ còn một đối tác chiến lược danh tiếng khác là Hyundai.
Mặc dù hợp nhất trong một liên doanh, Bugatti và Rimac vẫn giữ nguyên kênh sản xuất và bán hàng riêng biệt. 135 nhân viên hiện tại của Bugatti và 300 nhân viên của Rimac không bị ảnh hưởng bởi quá trình hợp nhất này. Cơ sở riêng của Bugatti vẫn đặt tại Molsheim, Pháp trong khi Rimac tạm thời sử dụng cơ sở tại Zagreb, Croatia – cách trụ sở chính mới của liên doanh không xa. Ngoài ra, họ còn một đội nghiên cứu gồm 180 người làm việc tại Wolfsburg, Đức.
Hiện vẫn chưa rõ dự án đầu tiên của Bugatti Rimac là gì nhưng CEO mới Mate Rimac hứa hẹn đó sẽ là một sản phẩm 'vô cùng xuất sắc' – điều mà không ít khách hàng từ cả hai phía đều kỳ vọng. Bugatti đã khẳng định vị thế hàng đầu trong làng siêu xe truyền thống, trong khi Rimac đã chứng tỏ khả năng của mình với siêu xe điện Rimac Nevera vừa ra mắt, đã phá vỡ nhiều kỷ lục.
Với sự tham gia của Rimac, hầu như chắc chắn rằng siêu xe đầu tiên của Bugatti Rimac sẽ sử dụng hệ thống truyền động điện – có thể là cấu hình hybrid sạc điện.