Cá lóc đồng | |
---|---|
Tình trạng bảo tồn | |
Ít quan tâm (IUCN 3.1) | |
Phân loại khoa học | |
Giới (regnum) | Animalia |
Ngành (phylum) | Chordata |
Lớp (class) | Actinopterygii |
Bộ (ordo) | Anabantiformes |
Họ (familia) | Channidae |
Chi (genus) | Channa |
Loài (species) | C. striata |
Danh pháp hai phần | |
Channa striata (Bloch, 1793) | |
Danh pháp đồng nghĩa | |
|
Cá lóc dòng còn được gọi là cá lóc, cá tràu, cá quả, cá chuối đen, cá lóc đen, cá chuối sộp (danh pháp khoa học: Channa striata) là một loài cá lóc bản địa của vùng Nam Á và Đông Nam Á, chúng thường sinh sống ở các đồng ruộng. Cá lóc dòng là một nguồn thực phẩm quan trọng đối với các cư dân bản địa và đã được du nhập vào một số vùng đảo thuộc Thái Bình Dương.
Phân bố
Loài cá này được ghi nhận có mặt tại khu vực Pakistan, Ấn Độ, Nepal, Sri Lanka, Bangladesh, Myanmar, Malaysia, Indonesia, Lào, Campuchia, Việt Nam, Thái Lan và Hoa Nam. Có thể tìm thấy ở Bhutan.
Mô tả
Vây lưng: Tia gai = 0, tia mềm = 38-43. Vây hậu môn: Tia gai = 0, tia mềm = 23 - 27. Cơ thể hình trụ gần giống; đầu dẹp; vây đuôi thuôn tròn. Bề mặt phần lưng và hai bên hông có màu sắc sậm lắm đốm với màu đen và màu nâu nhạt. Phần bụng màu trắng. Đầu to giống như đầu rắn. Miệng rộng, có nhiều răng. Vảy lớn.
Sinh học
Cá trưởng thành sống trong ao hồ, sông, suối, thích nghi với nơi có nước đọng và bùn nhiều ở đồng bằng. Thường gặp ở đầm lầy, và cũng sống ở dòng nước sông sâu (1–2 m). Phổ biến trong vùng đồng bằng nước ngọt. Sống trong sông lớn, suối, ruộng ngập nước và khu vực nước đọng bao gồm cả kênh mương chảy chậm. Trong mùa khô, sống dưới đáy bùn của ao, hồ, kênh mương và đầm lầy, giữ ẩm cho da và hệ thống hô hấp.
Thức ăn bao gồm cá, ếch, rắn, côn trùng, giun, nòng nọc và động vật giáp xác. Trong lưu vực sông Mê Kông, chúng di cư từ sông chính hoặc những vùng thường xuyên ngập lụt sang các khu vực nước ngập mưa, trở lại sông chính khi khô. Mùa đông và mùa khô, thịt và bụng chứa các sán lá ấu trùng Isoparorchis hypselobargi. Ngoài ra, cá bị nhiễm ký sinh trùng như Pallisentis ophicephali trong ruột và Neocamallanus ophicepahli trong túi đồng hành (ruột tịt).
Sử dụng
Được chế biến thành các món ăn như prahok (mắm bò hóc), mam-ruot và mắm cá lóc ở Campuchia. Là loài cá cung cấp thực phẩm chính ở Thái Lan, Đông Dương và Malaysia. Thịt cá lóc không xương màu trắng, da sẫm màu thích hợp cho các món xúp và thường bán riêng. Tại Hawaii, đã ghi nhận các cá thể lớn dài hơn 150 cm. Có vai trò kinh tế quan trọng trong nuôi thả và đánh bắt cá hoang dã tại Nam Á và Đông Nam Á.
Tại Việt Nam
Ở Việt Nam, cá lóc đồng hoang dã được đánh giá cao hơn so với cá lóc nuôi, vì chất lượng của chúng. Giá của cá lóc nuôi thường giảm khi chất lượng kém hơn so với cá lóc đồng tự nhiên. Cá lóc nuôi thường có màu sáng và thịt không thơm, không dai bằng cá lóc đồng và thường có nhiều mỡ hơn. Ngược lại, cá lóc đồng có màu sắc sậm hơn và thường bị rong rêu, trọng lượng thường dưới 1 kg/con nên nhiều người buôn bán gian lận bằng cách làm giả cá lóc đồng thành cá lóc nuôi. Trong ẩm thực, cá lóc đồng là nguyên liệu chính cho nhiều món ăn ngon. Ở miền Nam, có nhiều cách chế biến như:
Nướng trui
Cá lóc đồng nướng trui là một món ăn dân dã đặc trưng của miền Nam Việt Nam, với hương vị độc đáo và cách chế biến đơn giản. Món ăn này liên quan mật thiết đến quá trình khai hóa đất của người Nam bộ Việt Nam. Đặc điểm của món cá lóc nướng trui là cá không cần sơ chế, không đánh vảy, không cạo nhớt, không mổ bụng và không tẩm ướp gia vị.
Cá lóc đồng sau khi bắt lên, rửa sạch, được xuyên que từ miệng đến đuôi, sau đó vùi vào đống rơm khô và đốt lửa cho đến khi cá chín. Sau khi nướng, cạo bỏ lớp vẩy cháy để lộ ra thịt cá trắng và thơm. Cá lóc nướng trui có thể được chế biến cầu kỳ trên lửa than hồng, rưới mỡ hành, cá chín ăn với mắm me và cuốn với bánh tráng, rau thơm.
Khô cá
Khô cá lóc đồng là món ăn được làm từ cá lóc tẩm gia vị của vùng Miền Tây như muối, bột ngọt, hạt tiêu, tẩm màu bằng ớt trái lớn, ướp cá khoảng 30 phút. Sau đó phơi nắng gắt 3 đến 4 ngày. Cá khô sau khi nướng, khi đập cho khô mềm, tơi để dễ xé nhỏ. Khô cá lóc được dùng để làm gỏi như gỏi xoài, gỏi dưa leo, gỏi lá sầu đâu, gỏi đu đủ. Ngoài ra, còn có thể chiên, kho ăn rất ngon và lạ miệng.
Món khác
Ngoài ra, có thêm món cá lóc đồng kho lạt với cà, Cháo rau đắng kèm cá lóc đồng, cá lóc đồng làm sạch, bỏ vào nồi khi nước sôi, nêm gia vị vừa miệng, rau đắng đã sẵn sàng trong tô, đổ nước canh và cá vào. Món này đã trở thành nổi tiếng: 'Rau đắng kèm cá lóc đồng/Rượu đắng nhưng lại ngọt lòng dân quê'. Ngày xưa, cá lóc ở miền Tây không phải là hiếm. Chỉ cần mua hoặc câu được là có ngay bữa cơm với món cá lóc đồng tươi ngon.
Cá lóc đồng được chế biến thành nhiều món ngon như canh chua cá lóc, cháo rau đắng cá lóc, hay món cá lóc khô tộ đậm đà. Cá lóc khô ở Bạc Liêu không còn xương như ở Sóc Trăng và một số nơi khác. Đồng Tháp mùa mận chín, phải có nguyên liệu là cá lóc đồng lớn để chế biến món cá lóc đồng hấp mận. Ngoài ra, có món bánh canh gạo và cá lóc đồng hay bánh canh cá lóc phổ biến.
Chú thích
Liên kết ngoài
- Đến Tam Nông thưởng thức khô cá lóc
- Làng nghề khô cá lóc sôi động vào mùa
- Nghề làm khô cá lóc mang lại thu nhập ổn định
- Nghề làm khô cá lóc tại Chợ Mới
- Khô cá lóc Tân Mỹ Lưu trữ 2015-09-24 tại Wayback Machine