Cá nhà táng | |
---|---|
Kích cỡ cá nhà táng so với người bình thường | |
Tình trạng bảo tồn | |
Sắp nguy cấp (IUCN 3.1) | |
Phân loại khoa học | |
Giới (regnum) | Animalia |
Ngành (phylum) | Chordata |
Lớp (class) | Mammalia |
Bộ (ordo) | Cetacea |
Phân bộ (subordo) | Odontoceti |
Họ (familia) | Physeteridae |
Chi (genus) | Physeter Linnaeus, 1758 |
Loài (species) | P. macrocephalus |
Danh pháp hai phần | |
Physeter macrocephalus Linnaeus, 1758 | |
Vùng phân bổ của cá nhà táng (màu xanh) | |
Danh pháp đồng nghĩa | |
|
Cá nhà táng (danh pháp hai phần: Physeter macrocephalus, tiếng Anh: sperm whale), là một loài động vật có vú sống trong môi trường nước ở biển, thuộc bộ Cá voi, phân bộ Cá voi có răng và là thành viên duy nhất của chi cùng tên. Cá nhà táng đã từng có tên khoa học là Physeter catodon. Nó là một trong ba loài còn tồn tại của siêu họ Cá nhà táng cùng với cá nhà táng nhỏ (Kogia breviceps) và cá nhà táng lùn (Kogia sima).
Một con cá nhà táng đực lớn có thể dài tới 20,7m và nặng 83 tấn. Nó là loài động vật có răng lớn nhất trên thế giới với những chiếc răng dài đến 24 cm. Đối với những con đực, đầu có thể dài đến bằng 1/3 tổng chiều dài thân mình - nói đến đầu thì cá nhà táng là loài động vật có bộ não lớn nhất trên thế giới. Nó phân bổ toàn thế giới trên khắp các đại dương. Cá nhà táng chủ yếu ăn mực - thậm chí các loài mực khổng lồ và mực Nam Cực khổng lồ cũng là nạn nhân của nó - nhưng đôi khi chúng cũng đánh chén các loài cá. Chúng là loài động vật có vú lặn sâu thứ nhì thế giới, sau cá voi mõm khoằm Cuvier. Và âm thanh lách cách của cá nhà táng cũng là loại âm thanh lớn nhất được tạo ra bởi các loài động vật. Âm thanh này được dùng để định vị vật cản, mục tiêu cũng như trong các mục đích khác. Cá nhà táng sống trong các nhóm nhỏ gọi là 'đơn vị xã hội'. Các đơn vị của cá cái và cá con sống tách biệt với cá đực trưởng thành. Cá cái hợp tác với nhau để bảo vệ con cũng như giúp nhau cho con bú. Cứ cách ba đến sáu năm thì cá nhà táng sinh con một lần và thời gian chăm con có thể kéo dài đến hơn 10 năm. Cá nhà táng có rất ít kẻ thù tự nhiên, rõ ràng có rất ít sinh vật đủ mạnh để tấn công một con cá nhà táng trưởng thành khỏe mạnh; tuy nhiên một bầy cá hổ kình có thể tiêu diệt những con cá nhà táng con. Tuổi thọ của cá nhà táng có thể lên tới hơn 70 năm.
Trước đây, cá nhà táng được gọi là 'cá răng' (cachalot, từ tiếng Pháp có nghĩa là 'răng'). Trong suốt từ đầu thế kỷ 18 đến cuối thế kỷ 20, cá nhà táng thường xuyên bị săn bắt để lấy các sản phẩm như dầu cá - dùng để làm nến, xà phòng, mỹ phẩm, dầu máy,... - và long diên hương. Đánh bắt cá voi đã là một ngành công nghiệp lớn trong thế kỷ XIX, như được tường thuật trong tiểu thuyết Moby Dick. Do kích thước lớn, đôi khi cá nhà táng có thể chống trả lại những kẻ săn bắt nó, điển hình như vào năm 1820 một con cá nhà táng đã tấn công và đánh chìm chiếc tàu săn cá voi mang tên Essex. Hiện nay, IUCN xếp cá nhà táng vào danh sách loài dễ thương tổn.
Tên gọi
Tên tiếng Anh của cá nhà táng (sperm whale) là cách gọi tắt của từ spermaceti whale (cá voi tinh dịch, ở đây dầu cá nhà táng (spermaceti) từng bị tưởng nhầm là tinh dịch của cá voi). Dầu cá nhà táng là một chất lỏng hơi sệt, giống sáp, được tìm thấy trong túi dầu nằm ở phía trước hộp sọ của cá, cũng như ở mô sáp, một mô nằm ở phía trên sọ và dưới túi dầu. Lớp vỏ bao gồm một chất sáp mềm màu trắng bão hòa với dầu tinh dịch (spermaceti). Mô sáp bao hàm các khoang chứa chất sáp tương tự như trong dầu cá và các mô liên kết xen giữa.
Trước đây, cá nhà táng cũng được gọi là 'cá răng' (cachalot). Từ 'cachalot' bắt nguồn từ một từ tiếng Pháp có nghĩa là 'răng' hay 'răng to' (từ này vẫn còn được bảo tồn trong tiếng Gasconha dưới một phiên bản là từ cachau (từ này hoặc là bắt nguồn từ ngôn ngữ Roman hay ngôn ngữ Euskara). Từ điển từ nguyên học của Corominas nói rằng nguồn gốc của từ này không rõ ràng, tuy nhiên nó có thể đến từ một từ bình dân của tiếng La tinh là cappula, số nhiều của cappulum, có nghĩa là cán kiếm. Theo từ điển Encarta, từ cachalot đến với tiếng Anh thông qua từ cachalote của tiếng Tây Ban Nha hay tiếng Bồ Đào Nha và có thể là đến từ từ cachola của tiếng Bồ Đào Nha, có nghĩa là 'đầu to'. Thuật ngữ này cũng được dùng trong tiếng Nga (кашалот - kashalot) cũng như nhiều thứ tiếng khác.
Phân loại và tên khoa học
Cá nhà táng thuộc về Bộ Cá voi, phân bộ Cá voi có răng (bao hàm cá heo và các loài cá voi có răng khác) và là thành viên duy nhất của họ Cá nhà táng (Physeteridae) và của chi cùng tên (Physeter). Hiện có hai loài 'cá nhà táng' có mối quan hệ gần gũi với nó, đó là cá nhà táng nhỏ (Kogia breviceps) và cá nhà táng lùn (K. simus) của họ Cá nhà táng nhỏ (Kogiidae) và chi cùng tên (Kogia). Trong một số hệ thống phân loại khác, cá nhà táng nhỏ/lùn và cá nhà táng 'lớn' được xếp vào siêu họ Cá nhà táng.
Cá nhà táng là một trong những loài vật đầu tiên được mô tả trong tác phẩm Systema Naturae của Linnaeus vào năm 1758. Linnaeus lúc đó cho rằng chi Cá nhà táng có 4 loài, nhưng không lâu sau đó giới khoa học nhận ra rằng chỉ có một loài cá nhà táng duy nhất tồn tại. Hai tên khoa học P. catodon và P. macrocephalus - 2 trong 4 tên mà Linnaeus dùng để gọi các 'loài' cá nhà táng - được đề cử và hiện nay chúng vẫn được dùng song song, tuy nhiên gần đây giới khoa học chủ yếu dùng tên gọi macrocephalus làm tên chính thức và catodon chỉ là tên đồng nghĩa ít dùng.
Mô tả
Kích thước
Kích thước trung bình | Chiều dài | Cân nặng |
---|---|---|
Con đực | 15 mét (49 ft) | 40.000 kilôgam (39 tấn Anh; 44 tấn Mỹ) |
Con cái | 12 mét (39 ft) | 17.000 kilôgam (17 tấn Anh; 19 tấn Mỹ) |
Con non | 4 mét (13 ft) | 1.000 kilôgam (0,98 tấn Anh; 1,1 tấn Mỹ) |
Cá nhà táng là loài cá voi có răng to nhất trên thế giới, với cá đực có thể dài từ 13,5-17.5m, và nặng từ 43-65 tấn. Trong khi đó thì loài cá voi có răng lớn thứ nhì là cá voi có mỏ baird chỉ dài 12,8 mét (42 ft) và nặng 39 tấn Mỹ (35.000 kg). Bảo tàng cá voi Nantucket hiện vẫn còn giữ một xương hàm cá nhà táng dài tới 5,5 mét (18 ft). Theo bảo tàng, chiếc hàm đó thuộc về con cá nhà táng dài 80 foot (24 m), còn con cá nhà táng đâm chìm chiếc tàu săn cá voi Essex (một trong những cảm hứng cho tiểu thuyết Moby-Dick) được cho là dài 85 foot (26 m). Tuy nhiên, các thông số trên cũng như các khẳng định khác về những con cá voi đực trưởng thành dài hơn 80 foot (24 m) gặp phải những ý kiến không đồng tình.
Việc săn cá voi quy mô lớn - nhất là sau thế chiến thứ hai có lẽ đã khiến kích thước trung bình của cá nhà táng giảm đi vì những con cá đực lớn thường bị các tay thợ săn truy lùng. Hiện nay, cá nhà táng đực thường không dài quá 20,7 mét (68 ft) và nặng quá 83.000 kilôgam (82 tấn Anh; 91 tấn Mỹ). Một số trường hợp bắt gặp những con dài từ 21,5-24,5m, một số ý kiến khác cho rằng thật ra việc săn bắt quá mức không ảnh hưởng gì đến kích thước cá nhà táng đực và trên thực tế kích thước của chúng đáng ra phải tăng lên do mật độ cá thể giảm đi và vì vậy số lượng thức ăn chia theo đầu cá sẽ tăng lên.
Cá nhà táng là loài cá voi có hiện tượng dị hình giới tính rõ rệt nhất. Lúc mới sinh thì cá đực và cá cái to như nhau nhưng cá đực trưởng thành dài hơn 30% tới 50% và nặng gấp 2 lần cá cái.
Ngoại hình
Cá nhà táng có hình dạng cơ thể đặc biệt và khó lẫn với các loài khác. Cụ thể, đầu của chúng rất lớn và có dạng khối, có thể chiếm từ 1/4 đến 1/3 chiều dài cơ thể. Lỗ thở hình chữ S nằm rất gần phía trước đầu và hơi chệch về phía bên trái cơ thể. Cấu trúc này khiến cá nhà táng có một thân hình rất bệ vệ, nhất là ở phía trước.
Đuôi của cá nhà táng có hình tam giác và rất dày. Khi cá chuẩn bị lặn sâu để tìm kiếm thức ăn, chúng vung đuôi lên cao khỏi mặt nước. Cá nhà táng không có vây lưng mà thay vào đó là một số lằn gợn nhỏ mọc trên lưng, trong đó gờ to nhất được dân săn cá voi gọi là 'bướu' và thường dễ lầm lẫn với vây lưng của một loài cá hay cá voi nhỏ hơn.
Cá nhà táng không có da nhẵn mượt như phần lớn các loài cá voi to xác khác, trái lại da lưng của chúng nhăn nheo, sần sùi và thường bị liên tưởng đến hình ảnh của một trái mận khô. Thông thường da cá nhà táng có màu xám tuyền, mặc dù dưới ánh mặt trời chúng có thể trông như màu nâu. Cá nhà táng bạch tạng cũng đã từng được ghi nhận.
Hàm và răng
Răng dưới của cá nhà táng rất hẹp và được hỗ trợ từ trên xuống. Con vật có từ 18 đến 26 chiếc răng mỗi bên ở hàm dưới và những chiếc này khớp với các lỗ trên hàm trên, nơi không có răng. Răng của cá nhà táng có hình nón và có thể nặng đến 1 kilôgam (2,2 lb) mỗi chiếc. Chiều dài của chúng khoảng 24 cm, sức cắn của chúng lên đến 7-11 tấn và có một số chức năng nhất định trong đời sống của cá nhà táng, mặc dù có vẻ như chúng không thực sự cần thiết cho việc săn mồi như mực; người ta đã từng phát hiện ra các cá thể ăn tạp không có răng. Một giả thuyết đưa ra rằng răng của cá nhà táng được sử dụng trong các cuộc xung đột giữa các con đực. Cá đực trưởng thành thường có các vết sẹo trên cơ thể, có vẻ như là do cắn. Dấu vết của răng đã thoái hóa cũng xuất hiện trên hàm trên, mặc dù chúng hiếm khi nổi lên bên trong miệng.
Hô hấp và khả năng lặn sâu
Cá nhà táng, cùng với cá voi sát thủ và cá voi xanh, là những loài động vật có khả năng lặn sâu nhất trên hành tinh. Cá nhà táng được cho là có thể lặn sâu tới 3 kilômét (1,9 mi) và có thể nín thở dưới nước trong tối đa 90 phút. Tuy nhiên, thường thì chúng chỉ lặn sâu khoảng 400 mét (1.300 ft) và nín thở được trong khoảng 35 phút. Đôi khi trong quá trình lặn sâu, cá nhà táng bị vướng vào những cáp dưới nước và chết dạt dưới đáy biển cho đến khi những cải tiến về lắp đặt và bảo trì cáp dưới nước được áp dụng.
Lối sống đặc biệt khiến cá nhà táng phải thích nghi sự biến thiên lớn và đột ngột về áp suất của nước khi nó lặn sâu xuống lòng biển. Lồng ngực của con vật rất linh hoạt giúp phổi có thể co rút lại và làm giảm lượng nitơ hấp thu; quá trình biến dưỡng cũng giảm đi nhằm tiết kiệm oxy. Hàm lượng myoglobin, chất mang oxy chủ yếu ở các cơ, của cá nhà táng cao hơn rất nhiều so với các động vật sống trên đất liền. Máu của con vật cũng có nồng độ hồng cầu - tế bào mang hemoglobin - rất cao và vì vậy có thể chứa rất nhiều oxy. Máu chứa oxy được vận chuyển trực tiếp đến não và các nội quan tối cần thiết khi nồng độ oxy xuống thấp. Ở đây, túi dầu ở đầu cá nhà táng cũng tham gia trong việc điều chỉnh sức nổi của con vật.
Mặc dù thích nghi tốt với việc lặn sâu, việc lặn nhiều lần liên tiếp cũng để lại tác hại lâu dài với cá nhà táng. Bộ xương của những cá thể cá nhà táng có tồn tại những lỗ nhỏ li ti, triệu chứng của bệnh khí ép hay còn gọi là bệnh thợ lặn. Những bộ xương của cá già có nhiều lỗ trong khi cá con thì không có. Từ đây có thể suy luận rằng bệnh khí ép là một vấn đề đáng kể của cá nhà táng và việc nổi lên mặt nước đột ngột có thể gây hậu quả tai hại cho con vật.
Giữa những lần lặn sâu, cá nhà táng phải nổi một thời gian chừng 8 phút để hít thở, chuẩn bị cho lần lặn kế tiếp. Cá nhà táng, cũng như các loài cá voi có răng khác, thở qua một lỗ thở hình chữ S trên đỉnh đầu. Trong những khoảng thời gian nghỉ lấy hơi như vậy, con vật hít thở chừng 3-5 lần mỗi phút, tuy nhiên ngay sau khi mới nổi lên thì con số này là khoảng 6-7 lần mỗi phút. Mỗi lần thở cá nhà táng phun ra một cột nước có thể cao tới 2 mét (6,6 ft) hay hơn và chéo một góc 45 độ cùng với một tiếng động chói tai. Trung bình, cá cái và cá con hít thở một lần cách nhau 12,5 giây trước khi lặn, còn cá đực trưởng thành là 17,5 giây.
Bộ não và trí thông minh
Não của cá nhà táng là bộ não lớn nhất trong số tất cả các động vật còn tồn tại hay đã tuyệt chủng từng được biết, nặng tới 8 kilôgam (18 lb), tuy nhiên chỉ số hình thành não bộ của con vật không phải hạng cao, nhìn chung là thấp hơn so với cá heo và nhiều loài cá voi khác, thấp hơn vượn người và thấp hơn rất nhiều so với con người.
Chức năng của phức hợp mũi và dầu cá nhà táng
Trước đây, phần phức hợp mũi của cá nhà táng (bao gồm cả túi dầu cá, cơ quan sản sinh dầu cá và các nội quan đi kèm) được con vật dùng trong việc tông phần đầu của chúng vào kẻ địch hay được dùng để điều chỉnh sức nổi của bản thân; tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cho thấy phức hợp này chính là một trong những hệ thống định vị bằng sóng âm mạnh nhất trong tự nhiên.
Do ánh sáng bị hấp thu dần dần khi nó đi xuyên qua môi trường nước, hầu như từ đô sâu vài trăm mét trở đi thì lòng biển trở nên tối om om và tầm nhìn cũng bị hạn chế. Vì vậy, cá nhà táng và các loài cá voi có răng khác đã phát triển một hệ thống định vị bằng tiếng vọng để tìm thức ăn cũng như tránh vật cản trong lòng biển tối đen. Phương pháp tương tự cũng được các loài thuộc phân bộ Dơi nhỏ áp dụng khi săn mồi trong đêm tối. Cụ thể, trong lúc bơi lặn cá nhà táng liên tục phát ra những âm thanh lách cách có dải tần rộng và sóng âm của các âm thanh này lan tỏa theo một hướng xác định. Những âm thanh này phát ra ở hai môi phát âm (còn gọi là 'môi khỉ' hay 'mõm hát') ở chót đầu của mũi, ngay phía trước lỗ thở. Sóng âm này sẽ chạy ngược về mũi xuyên qua cơ quan chứa dầu của cá nhà táng. Phần nhiều năng lượng âm thanh từ đây lại dội về một túi khí nằm tựa vào hộp sọ và sau đó di chuyển xuống mô sáp, tại đây âm thanh được tập trung tại một cấu trúc hình thấu kính của mô. Một phần âm thanh sẽ dội ngược về cơ quan dầu cá và chạy tới trước mũi, lúc này nó lại dội ngược về cơ quan dầu cá thêm lần nữa. Âm thanh cứ dội đi dội lại như thế nhiều lần chỉ trong một phần nghìn giây và tạo nên một cấu trúc nhấp đa xung. Cấu trúc này giúp cho các nhà nghiên cứu có thể đo đạc cơ quan dầu cá nhà táng chỉ dựa vào âm thanh con vật phát ra và thông số về kích thước của cơ quan này theo mối tương quan với kích thước của toàn con vật, các nhà sinh học có thể đo lường các con cá nhà táng dựa theo việc ghi nhận âm thanh do chúng phát ra. Hàm dưới của cá là nơi chủ yếu thu nhận tiếng vọng dội lại và một đường ống dẫn liên tục chứa đầy chất béo đảm nhiệm vai trò chuyển âm thanh nhận được vào tai trong.
Môi phát âm của cá nhà táng được cung cấp không khí thông qua đường ống mũi bên phải, trong khi đường ống bên trái điều chỉnh lỗ phun khí. Theo giả thuyết, hai đường ống này có nguồn gốc từ hai lỗ mũi của tổ tiên sống trên cạn của cá nhà táng, đã tiến hóa để thích nghi với đời sống dưới nước.
Môi phát âm của cá nhà táng chịu trách nhiệm trong việc điều chỉnh sức nổi của chúng. Trước khi lặn xuống, nước lạnh được tuôn vào túi dầu và làm co lại mạch máu, làm giảm lưu lượng máu và nhiệt độ ở khu vực này. Do đó, dầu cá và sáp ở đầu con vật cứng lại, tăng tỉ trọng tương đối và tạo ra một lực hút hướng xuống dưới giúp cá nhà táng lặn ít tốn sức hơn. Trong quá trình săn mồi, việc tiêu thụ oxy cùng với việc giãn nở mạch máu sản sinh nhiệt và làm tan chảy, giãn nở dầu cá nhà táng, giúp tăng sức nổi và khiến cá nổi lên dễ dàng. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cho thấy thuyết này hàm chứa nhiều khuyết điểm, tỉ như không tính đến cấu trúc cơ thể cá dùng cho việc trao đổi nhiệt thực chất.
Trong tác phẩm Moby Dick của Herman Melville, khoang chứa dầu của cá nhà táng đã tiến hóa để con vật có thể tông đầu vào nhau trong các cuộc tỉ thí. Tuy nhiên, hiện nay không có bằng chứng nào về hành vi này. Ngoại trừ một số trường hợp nổi tiếng như việc các tàu săn cá voi Essex và Ann Alexander bị đánh đắm bởi các con cá nhà táng, giả thuyết này không được ủng hộ mạnh mẽ trong các tài liệu khoa học hiện nay.
Sinh thái, hành vi và vòng đời
Phân bố
Cá nhà táng có phân bố rộng khắp thế giới, ưa thích vùng nước sâu hơn 1.000 mét và sống ở cả vùng biển nhiệt đới và ôn đới, với chỉ có con đực sống ở các vĩ độ cao hơn.
Cá nhà táng hiện diện từ cực đến xích đạo, trên các đại dương và kể cả Địa Trung Hải. Tuy nhiên, chúng không được ghi nhận ở biển Đen và sự hiện diện ở biển Đỏ chưa chắc chắn. Nguyên nhân có thể là do lối vào chật hẹp và độ sâu thấp của hai biển này, cũng như lớp nước dưới nó có oxy thấp và nhiều hidro sulfua.
Cá nhà táng tập trung nhiều ở các vùng thềm lục địa và hẻm núi do sự xói mòn của dòng thủy lưu. Chúng cũng xuất hiện ở các vùng biển sâu ngoài khơi, nhưng lại gần bờ hơn ở các khu vực có thềm lục địa hẹp. Ví dụ như quần đảo Açores và đảo Dominica là nơi có mật độ lớn cá nhà táng.
Cá nhà táng sinh sản
Tuổi thọ của cá nhà táng có thể lên tới 70 hoặc hơn, là loài có chiến lược sinh sản phù hợp với môi trường ổn định. Chúng sinh sống lâu, cha mẹ chăm sóc con cái kỹ lưỡng và trưởng thành muộn.
Quá trình sinh sản của cá nhà táng vẫn còn nhiều bí ẩn. Có bằng chứng cho thấy cá đực có vai trò xã hội quan trọng và cá cái cũng có sự lựa chọn quan trọng. Thai kỳ kéo dài từ 14 đến 16 tháng và mỗi lứa sinh ra một con. Thời kỳ nuôi con kéo dài từ 19 đến 42 tháng, tuy nhiên có một số ít cá nhà táng con có thể cai sữa ở tuổi 13. Cá con cũng có thể bú sữa từ các cá cái khác ngoài mẹ chúng. Thường thì, cá nhà táng sinh con mỗi 3 đến 6 năm một lần.
Cá nhà táng cái trưởng thành sinh dục từ 7 đến 13 tuổi, trong khi cá đực thì từ 18 tuổi trở lên. Sau khi trưởng thành, cá đực di chuyển lên vùng nước lạnh và giàu dinh dưỡng hơn, trong khi cá cái vẫn ở các vùng nước ấm hơn. Cá đực đạt kích thước lớn nhất vào khoảng 50 tuổi.
Cá nhà táng hành vi xã hội
Cá nhà táng cái thường di cư thành đàn khoảng 12 con trưởng thành cùng với con cái của chúng. Cá đực trưởng thành rời đàn khi từ 4 đến 21 tuổi. Cá đực trưởng thành đôi khi tạo thành những nhóm lỏng lẻo với các cá đồng tuổi và kích thước. Cá đực già thường sống đơn độc. Có bằng chứng cho thấy cá đực tụ tập với nhau gần bờ biển, cho thấy có sự hợp tác giữa chúng mặc dù vẫn còn nhiều điều chưa được hiểu rõ.
Kẻ thù phổ biến nhất của cá nhà táng (ngoài con người) là cá hổ kình, nhưng cũng có thể gặp cá voi hoa tiêu và cá ông chuông quấy rầy chúng. Cá hổ kình thường tấn công bầy cá nhà táng cái, đặc biệt là những con non. Trong trường hợp số lượng cá hổ kình quá đông, chúng có thể săn mồi những con cá nhà táng cái trưởng thành. Cá nhà táng đực được cho là quá lớn và mạnh mẽ để bị cá hổ kình đe dọa và không có kẻ thù nào ngoài con người. Khi bị tấn công, bầy cá nhà táng cái thường hình thành một vòng tròn bảo vệ các con non, đầu hướng vào trong và đuôi quay ra ngoài để đối phó với kẻ tấn công. Đôi khi, các cá nhà táng cái có thể đối đầu trực tiếp với kẻ thù bằng hàm răng sắc nhọn. Hành vi này được gọi là 'hoa cúc tây' và cũng được sử dụng để bảo vệ một thành viên bị thương trong bầy. Các thợ săn cá voi đã tận dụng hành vi này: họ thường tấn công một thành viên của bầy cá nhà táng để khiến toàn bộ bầy tập trung lại và dễ dàng săn bắt.
Cá nhà táng săn mồi
Cá nhà táng thường lặn từ 300 đến 800 mét (980 đến 2.620 ft) và đôi khi lên đến 1–2 kilômét (3.300–6.600 ft) để tìm kiếm thức ăn. Mỗi lần lặn như vậy có thể kéo dài hơn 1 giờ. Thực phẩm chính của chúng bao gồm một số loài động vật, đáng chú ý nhất là mực khổng lồ, mực khổng lồ Nam Cực, bạch tuộc và nhiều loài cá như cá đuối sống ở đáy biển; tuy nhiên, phần lớn trong thực đơn của cá nhà táng là các loài mực ống có kích thước trung bình. Đôi khi, các con mồi tình cờ bị nuốt phải bởi cá nhà táng. Thông tin về các loài mực ở biển sâu thường được lấy từ nghiên cứu các mẩu xác trong bụng cá nhà táng, mặc dù các nghiên cứu gần đây hướng vào phân tích phân của chúng. Tại quần đảo Galápagos, các loài mực như Histioteuthis (62%), Ancistrocheirus (16%) và Octopoteuthis (7%) nặng từ 12 đến 650 gam (0,026 đến 1,433 lb) thường là con mồi chính của cá nhà táng. Cá nhà táng có thể hợp tác khi săn bắt mực Humboldt, nhưng chưa có bằng chứng về việc chúng săn bắt mực khổng lồ Nam Cực (loài mực có thể nặng gần 500 kilôgam (1.100 lb)), mặc dù các vết sẹo trên da cá nhà táng rất có thể do chúng gây ra trong quá trình đối đầu với con mồi.
Trong một nghiên cứu trước đó về các con cá nhà táng bị bắt ở eo biển Cook bởi các tàu săn cá voi New Zealand, tỉ lệ khối lượng mực so với cá trong thức ăn là 1,69:1. Đôi khi, cá nhà táng cũng lợi dụng cơ hội 'cướp' mồi tại các khu vực hoạt động của tàu câu dầm, như cá than và cá vược Chile. Các ngư dân ở Vịnh Alaska thường phàn nàn rằng cá nhà táng thường 'xẻng' vào khu vực câu dầm của họ để 'nhặt nhạnh', dù số lượng mồi nhặt được không đáng kể so với nhu cầu của chúng. Trong một trường hợp, một con cá nhà táng đực đã chờ đợi một khoảng thời gian rất lâu để săn bắt con cá. Loài cá mập miệng to, một loại cá mập lớn hiếm thấy ở vùng biển sâu, cũng được cho là trong thực đơn của cá nhà táng. Cá mập miệng to đã từng bị quan sát bị bao vây hoặc tấn công bởi ba con cá nhà táng. Tuy nhiên, cá nhà táng có một kẻ thù lớn trong đại dương là cá voi sát thủ. Các cuộc tấn công của đàn cá voi sát thủ vào cá nhà táng, đặc biệt là những con non, đã được ghi nhận nhiều. Do đó, cá nhà táng ít khi đối đầu với cá voi sát thủ vì chúng luôn sống dưới đáy biển.
Cá nhà táng có lượng thức ăn tiêu thụ mỗi ngày là 3% trọng lượng cơ thể của chúng, tức là mỗi năm chúng ăn lượng thực phẩm lên đến 100.000.000 tấn Mỹ (91.000.000 t) — một con số lớn hơn cả lượng hải sản mà con người tiêu thụ trong cùng thời gian.
Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa rõ tại sao đầu cá nhà táng lại có kích thước lớn hơn đáng kể so với hàm dưới của chúng. Một giả thuyết cho rằng khả năng định vị bằng tiếng vọng trong việc săn mồi của chúng là nguyên nhân khiến đầu của chúng to lớn như vậy. Tuy nhiên, các loài mực - mồi chính của cá nhà táng - lại có đặc tính âm học rất giống với nước, khiến cho âm thanh không thể dội lại một cách hiệu quả. Cấu trúc môi của cá nhà táng có thể tạo ra một source level lên tới hơn 230 decibels re 1 micropascal ở khoảng cách 1 mét (3,3 ft) — tức là một âm thanh lớn nhất từ một sinh vật có thể tạo ra, mạnh hơn 10–14 dB so với tiếng súng trường mạnh nghe từ khoảng cách 1 mét (3,3 ft). Một giả thuyết khác cho rằng âm thanh này có thể được tạo ra để làm choáng con mồi, nhưng các thí nghiệm với âm thanh tương tự không gây ra thương tổn mong muốn trên con mồi.
Màu sắc lâu dài của cá nhà táng được cho là do những mảnh vỏ mực bị kẹt trong ruột của chúng, theo cách tương tự như hình thành ngọc trai. Cụ thể, những mảnh vỏ mực đã kích thích ruột non của cá nhà táng và kích hoạt quá trình tiết ra một chất bôi trơn trong ruột.
Cổng thông tin về Sinh học- Mực khổng lồ Nam Cực
- Mực khổng lồ
- Cá voi có răng
- Cá voi
Chú thích
Cước chú
- Cho đến năm 1974, loài cá voi răng sẻ chung được biết đến chung là P. catodon. Tuy nhiên, vào năm đó, Husson & Holthuis đề xuất rằng tên chính xác nên là P. macrocephalus, tên thứ hai trong chi Physeter được Linnaeus công bố đồng thời với P. catodon. Đề xuất này dựa trên lập luận rằng những tên này là đồng nghĩa được công bố đồng thời, và do đó nguyên tắc 'First Reviser' của ICZN nên được áp dụng. Trong trường hợp này, nó dẫn đến việc chọn P. macrocephalus thay vì P. catodon, quan điểm được tái khẳng định trong Holthuis, 1987. Điều này đã được các tác giả sau này chấp nhận, mặc dù Schevill (1986 và 1987) lập luận rằng macrocephalus được công bố với mô tả không chính xác và do đó chỉ có loài catodon là hợp lệ, làm cho nguyên tắc 'First Reviser' không áp dụng được. Hiện tại, tên P. catodon được sử dụng trong Catalogue of Life Lưu trữ 2009-12-10 tại Wayback Machine. Tuy nhiên, dự kiến sẽ thay đổi để tuân thủ phiên bản gần đây nhất của ITIS, mà gần đây đã thay đổi việc sử dụng từ P. catodon sang P. macrocephalus theo L. B. Holthuis, và các cuộc thảo luận gần đây (năm 2008) với các chuyên gia có liên quan (xem trang ITIS đã trích dẫn để biết thông tin bổ sung).
Nguồn dẫn
- Carwardine, Hoyt, Fordyce & Gill (1998). Whales & Dolphins: The Ultimate Guide to Marine Mammals. London: HarperCollins. ISBN 0-00-220105-4.Quản lý CS1: nhiều tên: danh sách tác giả (liên kết)
- Randall R. Reeves ... (2002). Guide to marine mammals of the world / National Audubon Society. New York: A.A. Knopf: Distributed by Random House. ISBN 0-375-41141-0.
- William F. Perrin, Bernd Würsig, J.G.M. Thewissen (Eds.) (2002). Encyclopedia of Marine Mammals. San Diego, Calif.: Academic Press. ISBN 0-12-551340-2.Quản lý CS1: nhiều tên: danh sách tác giả (liên kết) Quản lý CS1: văn bản dư: danh sách tác giả (liên kết)
- Spermaceti in candles Lưu trữ 2005-12-31 tại Wayback Machine ngày 22 tháng 7 năm 2007
- Retroposon analysis of major cetacean lineages: The monophyly of toothed whales and the paraphyly of river dolphins ngày 19 tháng 6 năm 2001
- Heptner, V. G.; Nasimovich, A. A; Bannikov, Andrei Grigorevich; Hoffmann, Robert S, Mammals of the Soviet Union, Volume II, part 3 (1996). Washington, D.C.: Smithsonian Institution Libraries and National Science Foundation
Liên kết ngoài
- Dự án cá voi sừng sắt Dominica - một chương trình nghiên cứu khoa học dài hạn tập trung vào hành vi của các đơn vị cá voi sừng sắt.
- Sổ tay Sự thật về cá voi sừng sắt của Hội đồng các loài động vật biển
- Trang web Cục Thủy sản Quốc gia Hoa Kỳ về cá voi sừng sắt
- 70South—thông tin về cá voi sừng sắt
- MarineBio: Cá voi sừng sắt, Physeter catodon
- 'Physty' - cá voi sừng sắt mắc kẹt được chăm sóc và trả về tự nhiên vào năm 1981
- ARKive Lưu trữ 2005-04-04 tại Wayback Machine—Ảnh và video.
- Whale Trackers Lưu trữ 2009-02-18 tại Wayback Machine—Một bộ phim tài liệu trực tuyến khám phá về cá voi sừng sắt ở biển Địa Trung Hải.
- Giáo sư Malcolm Clarke thảo luận về cấu trúc phân tử của cá voi sừng sắt Lưu trữ 2011-06-24 tại Wayback Machine—Clarke đã dành cả đời mình để nghiên cứu cá voi sừng sắt và mực khổng lồ.
- Trang web của Công ước về các loài di cư - Trang web về cá voi sừng sắt Lưu trữ 2012-04-02 tại Wayback Machine
- Trang web của Biên bản ghi nhớ về bảo tồn động vật biển và môi trường sống của chúng tại vùng lãnh thổ Thái Bình Dương
- Trang web chính thức của Hiệp định về bảo tồn động vật biển trong Biển Đen, Biển Địa Trung Hải và Vùng Đại Tây Dương liền kề
Tiêu đề chuẩn |
|
---|
Thẻ nhận dạng đơn vị phân loại |
|
---|
Những loài hiện hữu của Bộ Cá voi | |||
---|---|---|---|
Giới: Animalia · Ngành: Chordata · Lớp: Mammalia · Cận lớp: Eutheria · Siêu bộ: Laurasiatheria · (không phân hạng) Cetartiodactyla · (không phân hạng) Whippomorpha | |||
| |||
| |||
|