Các sự kiện dự kiến sẽ diễn ra sau khi robot khám phá của Ấn Độ hạ cánh Mặt Trăng, trong tương lai gần và xa.
Thành công của sứ mệnh Chandrayaan-3 chính thức đưa Ấn Độ trở thành quốc gia thứ tư đặt chân lên Mặt Trăng. Đất nước Nam Á còn một lý do nữa để mừng: Ấn Độ là quốc gia đầu tiên đáp thành công xuống miền Nam cực của Mặt Trăng, nơi được cho là có nước đóng băng.
Hai hệ thống, gồm thiết bị đáp bề mặt Vikram và robot khám phá Pragyan, sẽ tiến hành khảo sát để xác định xem lượng nước đóng băng tại đây có thể trở thành nguồn tài nguyên hỗ trợ cho các sứ mệnh tương lai.
Chandrayaan-3 là một sứ mệnh khoa học dự kiến kéo dài 2 tuần, cũng là thời lượng ánh Mặt Trời sẽ che phủ khu vực tàu Ấn Độ đáp xuống và cung cấp năng lượng cho các hệ thống nghiên cứu. Tàu đáp Vikram và robot khám phá Pragyan sẽ sử dụng loạt thiết bị tiên tiến để đo đạc hoạt động địa chấn, nhiệt độ cũng như thành phần khoáng vật tại miền Nam cực Mặt Trăng.
Cụ thể, Vikram và Pragyan hạ cánh xuống khu vực cao nguyên nằm ở phía Nam của hố va chạm Manzinus và phía Tây hố va chạm Boguslawsky. Khu vực này có vĩ độ tương đương với mép Nam Cực trên Trái Đất, và cũng chứa một lượng băng tương đối lớn.
Lượng nước đá này cũng là mục tiêu của các cơ quan hàng không và vũ trụ của nhiều quốc gia, bao gồm Nga, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản. Trong nửa cuối năm 2023 dự kiến sẽ có ba sứ mệnh tiếp cận khu vực Cực Nam của Mặt Trăng, trong đó có hai từ công ty tư nhân Mỹ và một từ Nhật Bản.
Trước khi hành động, cần phải nghiên cứu cẩn thận
Nói về sứ mệnh Chandrayaan-3 của Ấn Độ.
Sau khi hệ thống đáp xuống Vikram chạm vào bề mặt Mặt Trăng, nó sẽ hạ dốc một cách cẩn thận để đưa robot thăm dò Pragyan xuống. Với tốc độ di chuyển 1cm/s, robot sẽ sử dụng hệ thống camera dẫn đường để quan sát bề mặt Mặt Trăng. Theo báo Times of India, bánh của Pragyan có thiết kế đặc biệt, sẽ để lại hình cờ Ấn Độ và logo của Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) trên bề mặt Mặt Trăng.
Quá trình thử nghiệm thiết bị sử dụng trong sứ mệnh Chandrayaan-3 - Ảnh: ISRO.
Không chỉ ... mang theo một chiếc bút ký tên, Pragyan còn có trên mình một loạt thiết bị để đo đạc cấu trúc vật chất trong khí quyển (hoặc chính xác hơn, ngoại quyển - exosphere) của Mặt Trăng và gửi dữ liệu về tàu Vikram. Thiết bị đáp sẽ đo đạc mật độ ion và electron bề mặt, nhiệt độ của bề mặt Mặt Trăng đồng thời khám phá hoạt động địa chấn cũng như cấu trúc vỏ Mặt Trăng.
Vikram và Pragyan sẽ phải hoạt động trong điều kiện khắc nghiệt, với nhiệt độ giảm xuống đến -238 độ C tại khu vực Cực Nam của Mặt Trăng. Theo Bộ trưởng Jitendra Singh, Ấn Độ đã chọn khu vực này để thăm dò nhằm khám phá những bí ẩn.
Ông nói: “Chúng tôi đã nhận được hình ảnh về các hố va chạm (nơi mà vẫn ở trong bóng tối) có thể chứa nước. Nếu sứ mệnh Chandrayaan-3 có thể tìm thấy thêm dấu hiệu của nước, như hydro và oxy, nó sẽ mở ra những cơ hội nghiên cứu khoa học. Nếu có thể chiết xuất hydro từ nước, đây có thể là một nguồn năng lượng sạch lớn”.
Các sứ mệnh tương lai
Năm 1984, người Ấn Độ đầu tiên lên quỹ đạo, trên tàu vũ trụ của Liên Xô. Tuy nhiên, đất nước Nam Á chưa từng gửi con người trực tiếp lên không gian.
Với sứ mệnh Gagaanyaan, Ấn Độ dự định đưa 3 phi hành gia lên không gian bằng chính tàu vũ trụ của mình. Tuy nhiên, dự án Gagaanyaan đã bị trì hoãn vô thời hạn. Sự kiện lịch sử diễn ra tối qua là minh chứng cho sự cam kết của Ấn Độ với tương lai của khoa học và công nghệ vũ trụ.
Hiện nay, Ấn Độ đang phát triển kính thiên văn không gian để quan sát Mặt Trời mang tên Aditya-L1, dự kiến sẽ lên không vào đầu tháng 9 tới. Tiếp đó, dự án vệ tinh quan sát Trái Đất - một kết quả của sự hợp tác giữa Ấn Độ và NASA - sẽ được phóng lên quỹ đạo.
Kính thiên văn Aditya-L1 của ISRO - Ảnh: ISRO.
Trình bày về thành công của sứ mệnh Mặt Trăng, Thủ tướng Narendra Modi nhấn mạnh: “Thành tựu của Chandrayaan-3 phản ánh lòng kiến thức và khả năng của 1,4 tỷ dân Ấn Độ”. Ông đánh giá cao rằng đây là một bước ngoặt “đánh dấu một giai đoạn mới của Ấn Độ, nơi có sự phát triển đầy tiềm năng hơn”.
Tham khảo Times of India, NYT, ISRO