Phân tích kỹ thuật là công cụ quan trọng hỗ trợ các nhà phân tích xác định thời điểm phù hợp để giao dịch cổ phiếu, đưa ra các quyết định chiến lược hợp lý. Dưới đây là những chỉ báo kỹ thuật cơ bản mà các nhà đầu tư thường sử dụng.
Phân tích kỹ thuật là gì?
Phân tích kỹ thuật là việc nghiên cứu hành vi của thị trường và ảnh hưởng của những hành vi đó đến biến động giá cả, khối lượng giao dịch, nhằm xác định các giai đoạn phát triển của thị trường.
Sử dụng dữ liệu lịch sử về giá cả và khối lượng giao dịch, nhà đầu tư có thể nhận biết xu hướng thị trường, đưa ra dự đoán về biến động giá và các tín hiệu Mua (BUY), Bán (SELL) để đưa ra các quyết định đầu tư hiệu quả và có khả năng đem lại lợi nhuận cao. Kết hợp phân tích cơ bản và các chỉ báo kỹ thuật trong thị trường chứng khoán giúp nhà đầu tư xây dựng chiến lược giao dịch tối ưu và tăng tỷ suất sinh lời.
Ưu điểm của phương pháp
- Dễ sử dụng và thực hiện nhanh chóng
- Áp dụng linh hoạt cho nhiều phiên giao dịch mà không cần phụ thuộc vào báo cáo tài chính
- Cung cấp nhiều công cụ phân tích khác nhau
Nhược điểm của phương pháp
- Dễ bị ảnh hưởng bởi tâm lý
- Tập trung vào khả năng xu hướng có thể xảy ra, không chắc chắn
- Một số công cụ phân tích sử dụng các phép toán phức tạp
Các chỉ báo cơ bản trong phân tích kỹ thuật
Hỗ trợ và kháng cự
Hỗ trợ và kháng cự là những mức giá mà dự kiến xu hướng sẽ thay đổi hoặc di chuyển chậm trước khi tiếp tục xu hướng, và có khả năng lặp lại trong tương lai.
Hỗ trợ là mức giá dự kiến xu hướng giảm sẽ đảo chiều lên. Ở mức này, lực mua thường chiếm ưu thế so với lực bán.
Kháng cự là mức giá dự kiến xu hướng tăng sẽ đảo chiều xuống. Tại mức này, lực bán thường chiếm ưu thế so với lực mua.
Ví dụ về hỗ trợ và kháng cự trong xu hướng tăng giá
- Khi giá đi lên và đi xuống, mức giá cao nhất trước khi xu hướng tăng tiếp tục được gọi là vùng kháng cự
- Khi giá điều chỉnh giảm và bật lên, mức giá thấp nhất trước khi xu hướng tăng tiếp tục gọi là vùng hỗ trợ.
Đường trung bình động đơn giản (SMA)
Đường trung bình di động đơn giản SMA (Simple Moving Average) được tính toán bằng cách lấy tổng mức giá (đóng cửa, mở cửa) của giai đoạn được chọn để tính SMA (thông thường là 5, 10 (9), hay 20…) chia cho tổng số phiên được chọn.
Ưu điểm: Đường trung bình động SMA đơn giản và dễ sử dụng, tính toán đơn giản. Cung cấp tín hiệu xu hướng dài hạn với độ tin cậy cao.
Nhược điểm: Đường trung bình động SMA dựa trên các dữ liệu quá khứ, có biến động chậm hơn và độ trễ càng lớn hơn khi thời gian càng dài.
Các dải đo Bollinger (BB)
Công cụ dải Bollinger bands là sự kết hợp giữa đường trung bình động MA (Moving Average) và độ lệch chuẩn. Bollinger bands được cấu tạo với một đường trung bình động ở giữa và hai đường biên trên, dưới.
Khoảng cách giữa đường MA và các dải bollinger được xác định bởi sự biến động của giá chứng khoán. Khi giá biến động mạnh, dải bollinger sẽ mở rộng và ngược lại, khi giá biến động ít hơn, dải bollinger sẽ thu hẹp lại.
Cách sử dụng Bollinger Bands
Khi giá cổ phiếu đạt hoặc vượt qua dải trên, có thể là tín hiệu cổ phiếu bị mua quá mức.
Khi giá cổ phiếu đạt hoặc thấp hơn dải dưới, có thể là tín hiệu cổ phiếu bị bán quá mức.
Bollinger bands không phải là một hệ thống giao dịch độc lập. Để tăng độ hiệu quả khi sử dụng trong phân tích kỹ thuật và dự đoán xu hướng giá, nhà đầu tư có thể kết hợp với các chỉ báo phân tích khác như RSI, MACD…
Chỉ số sức mạnh tương đối (RSI)
Chỉ báo kỹ thuật RSI đo lường sự biến động giữa số ngày tăng và giảm giá, được biểu thị trên thang điểm từ 0 đến 100 (trung bình là 50). Chỉ số RSI thường được tính với giai đoạn 14 ngày để phân tích xu hướng.
Chỉ số RSI dùng để đánh giá xu hướng giá từ 1 đến 100. Giá trị trên 70 cho thấy thị trường đang quá mua, dưới 30 cho thấy thị trường đang quá bán.
RSI<30: MUA khi RSI xuất hiện dưới mức 30, tạo đáy và sau đó vượt lên trên mốc 30
RSI>70: BÁN khi RSI vượt qua mức 70, tạo đỉnh và sau đó giảm xuống dưới 70
Ưu điểm: RSI là công cụ hữu ích để xác nhận tín hiệu giao dịch của các hệ thống phức tạp hay đơn giản. Mặc dù cơ hội giao dịch không thường xuyên, nhưng RSI cung cấp các tín hiệu mở giao dịch chính xác.
Nhược điểm: Cần theo dõi sát sao vì có thể xuất hiện tín hiệu sai lệch. Đề nghị kết hợp RSI với các công cụ khác để đảm bảo tính chính xác.
Đường chéo trung bình động hội tụ (MACD)
Chỉ báo MACD là một công cụ đo lường động lượng phổ biến trong phân tích kỹ thuật, thường được sử dụng để đánh giá sức mạnh của xu hướng.
Phương pháp xác định
- Đường MACD chuẩn được tạo ra từ trung bình động 12 ngày và trung bình động 26 ngày
- Thông thường, đường MACD 9 ngày được dùng làm đường so sánh
Cách đọc chỉ báo MACD
+ Khi đường MACD cắt đường tín hiệu từ dưới lên, điều này cho thấy xu hướng tăng đang bắt đầu.
+ Khi MACD cắt đường tín hiệu từ trên xuống, xu hướng tăng đã kết thúc và có thể chuyển sang xu hướng giảm.
Tóm lại
Đó là các chỉ số kỹ thuật phổ biến mà hầu hết các nhà đầu tư đang áp dụng trong phân tích kỹ thuật. Mỗi chỉ số này đều có những ưu điểm và hạn chế riêng, bạn nên lựa chọn các chỉ số phù hợp với chiến lược giao dịch của mình.