Trong lý thuyết phân tâm học, các cơ chế phòng vệ là những phản ứng vô thức, được thể hiện qua nhiều hình thức khác nhau để đối phó với thực tại và duy trì hình ảnh bản thân. Những cơ chế này thường xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày. Chúng chỉ trở thành bệnh lý khi bị lạm dụng, dẫn đến hành vi không thích nghi và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thể chất và tâm lý. Mục đích của các cơ chế phòng vệ là bảo vệ tâm trí/cái Tôi khỏi lo âu và/hoặc các hình phạt xã hội, đồng thời cung cấp nơi trú ẩn cho cá nhân khi phải đối mặt với tình huống khó khăn.
Các cơ chế phòng vệ của cái Tôi thường xuất hiện khi có xung đột với các phần khác của nhân cách, chẳng hạn như khi xung năng cái Nó mâu thuẫn với các giá trị hoặc niềm tin của cái Siêu Tôi, hoặc khi các mối nguy từ môi trường tác động lên cái Tôi.
Thuật ngữ 'cơ chế phòng vệ' thường được hiểu như các phản ứng đặc trưng của cá nhân trước mất mát hoặc đau buồn, nhưng trên thực tế, nó bao gồm nhiều mô thức phản ứng khác nhau. Khái niệm này do Freud đưa ra và sau đó được con gái ông, Anna Freud, cùng nhiều người khác phát triển thêm.
Các cơ chế phòng vệ khác với các chiến lược đối phó – coping strategies.
Các cơ chế phòng vệ đã được đánh giá và phân loại trong bảng phân loại DSQ-40.
Mô hình cấu trúc nhân cách: cái Nó, cái Tôi và cái Siêu Tôi
Khái niệm về xung năng của cái Nó được giải thích trong mô hình cấu trúc nhân cách của Sigmund Freud. Theo lý thuyết này, xung năng của cái Nó hoạt động theo nguyên tắc khoái lạc, đòi hỏi sự thỏa mãn ngay lập tức các nhu cầu và khao khát cá nhân. Freud sử dụng khái niệm cái Nó để mô tả các xung năng phát sinh từ các bản năng sinh học của chúng ta, như xung năng 'chết' (Thanatos) và xung năng 'sống' (Eros) [khái niệm 'tính dục' ở đây cần được hiểu rộng hơn]. Ví dụ, khi xung năng cái Nó (như sự khao khát quan hệ tình dục với một người lạ) xung đột với cái Siêu Tôi (như các quy tắc xã hội về việc không 'sàm sỡ' người khác), cảm giác bất mãn hoặc lo âu sẽ nổi lên. Để giảm bớt cảm giác tiêu cực này, cái Tôi sẽ sử dụng các cơ chế phòng vệ để kiềm chế xung năng từ cái Nó, dù là vô thức hay có ý thức.
Freud cũng cho rằng xung đột giữa hai phần này liên quan đến những giai đoạn nhạy cảm trong sự phát triển tâm-tính dục.
Những khái niệm về các thành phần của hệ tâm trí:
Freud đã đưa ra ba thành phần cấu thành hệ tâm trí (nhân cách):
- ID: mang tính chất ích kỷ và ngây thơ; phần này chịu ảnh hưởng của nguyên tắc khoái lạc, không thể trì hoãn những nhu cầu ngay lập tức.
- Super Ego: Tiếp thu các quy tắc xã hội và học hỏi từ cha mẹ về những gì được coi là 'tốt' và 'xấu', cũng như cách hành xử 'đúng' và 'sai'.
- Cái Tôi: Đóng vai trò như 'người hòa giải' giữa cái Nó và cái Siêu Tôi, cái Tôi tìm kiếm các giải pháp hòa hợp để giải quyết xung đột giữa Nó và Siêu Tôi. Có thể xem nó như năng lực 'biết Thế và biết Thời' (nhận thức rõ mình là ai và hoàn cảnh hiện tại để hành động phù hợp).