Argumentative Paragraph – Đoạn văn tranh luận, xuất hiện khá phổ biến trong các tài liệu học thuật, báo chí, và đưa vào các bài kiểm tra như một tiêu chí để đánh kỹ năng đọc hiểu của thí sinh. Nắm được các đặc điểm cơ bản và bố cục của một đoạn văn tranh luận sẽ giúp người học dễ dàng hơn trong việc đọc hiểu và xử lý các bài đọc khó, mang tính chuyên ngành. Bài viết này cung cấp cho người đọc cái nhìn bao quát thế nào là một đoạn văn tranh luận và phương pháp phân tích tối ưu cho dạng văn bản này giúp ứng dụng vào đọc hiểu IELTS Reading.
Tổng quan về đoạn văn tranh luận
Đoạn văn tranh luận là gì?
Theo trang masterclass.com, đoạn văn tranh luận được định nghĩa là một loại đoạn văn xác định được lập trường và luận điểm rõ ràng của người viết về một vấn đề nào đó trong cuộc sống. Để có một đoạn văn tranh luận tốt, người viết cần sử dụng một hệ thống luận điểm, luận chứng, ví dụ minh họa rõ ràng để thuyết phục người đọc đồng ý với quan điểm được họ khẳng định trong bài viết.
Đoạn văn tranh luận có tính ứng dụng rất cao trong đời sống. Các biến thể phổ biến của chúng có thể kể đến văn bản nghị luận (dạng bài tập chủ chốt trong bài thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia môn Ngữ Văn), bài thi IELTS Writing Task 2, SAT Essay, các bài đọc trong IELTS Academic Reading, …
Các đặc điểm cơ bản của một đoạn văn tranh luận
Đại học Purdue đã thống kê 4 đặc điểm sau đây thường được tìm thấy ở một đoạn văn tranh luận:
Một câu chủ đề (topic sentence) trong IELTS Writing task 2 nêu rõ luận điểm được đưa ra trong bài viết một cách rõ ràng, ngắn gọn và thường được xuất hiện ở phần đầu của đoạn văn.
Bất kể là trong một đoạn văn tranh luận hay là một bài văn tranh luận, đều có đủ 3 phần và được tách bạch rõ ràng bởi từ nối (cohesive device) hoặc các câu chuyển dịch (transition sentence).
Các luận điểm trong đoạn văn tranh luận thường được minh hoạ bởi một ví dụ từ thực tế, có tính thuyết phục người đọc cao và được trích từ một nguồn đáng tin cậy.
Phần kết luận trong đoạn văn tranh luận không chỉ đơn giản là diễn đạt lại luận điểm ban đầu mà còn phản ánh tính thuyết phục của nó dựa trên những luận cứ, ví dụ đã được đưa ra.
Cấu trúc của một đoạn văn tranh luận:
Từ các đặc điểm trên, ta có thể rút ra được một đoạn văn tranh luận chặt chẽ sẽ có bố cục 4 phần như sau:
Mở đoạn (Hook sentence – Opening Statement): Giới thiệu nội dung chính của đoạn văn tới người đọc, khơi gợi nguồn động lực cho người đọc tìm hiểu nội dung chính của đoạn văn. Thường xuất hiện dưới hình thức một câu trích dẫn, một câu khái quát thông tin, hoặc một câu hỏi tu từ, …. Đây là phần không bắt buộc, có thể có hoặc không.
Câu chủ đề (Topic sentence): Câu chủ đề trình bày luận điểm và nội dung chính mà tác giả muốn gửi gắm tới người đọc. Trong văn bản tranh luận, câu chủ đề còn thể hiện thái độ của tác giả đối với vấn đề đang được bàn luận.
Hệ thống luận điểm, luận cứ, ví dụ minh hoạ: Không chỉ riêng văn bản tranh luận, đa số các loại văn bản khác đều tồn tại hệ thống luận điểm, luận cứ. Hệ thống này là một công cụ để tác giả thuyết phục người đọc ủng hộ hoặc hiểu cho quan điểm của mình.
Kết luận (Conclusion): Ở phần này, tác giả sẽ tóm gọn những lập luận đã được trình bày ở trên và rút ra kết luận cuối cùng. Ngoài chức năng kết luận, đây cũng là phần trung chuyển ý của đoạn văn này tới đoạn văn tiếp theo.
Ứng dụng của Argumentative Paragraph trong IELTS Reading
Phương pháp phân tích một đoạn văn tranh luận
Để phân tích một đoạn văn tranh luận, người đọc cần nắm rõ những bước sẽ được nên dưới đây. Tuy nhiên, người học cần lưu ý rằng, đây chỉ là những bước tổng quát, có thể được lược bỏ một số bước không cần thiết tuỳ thuộc vào mục đích của việc đọc là gì và dạng câu hỏi mà đề bài yêu cầu.
Bước 1: Xác định quan điểm của tác giả
Phần lớn các văn bản tranh luận đều xoay quanh việc bàn luận về một vấn đề trong cuộc sống. Vì thế, bước đầu tiên của phân tích một văn bản tranh luận là xác định là xác định quan điểm của người viết. Quan điểm của họ có thể là đồng ý (agree), không đồng ý (disagree), hoặc chỉ đồng ý một phần nào đó (partly agree).
Bước 2: Sử dụng kỹ năng scanning để xác định chủ đề trong văn bản
Câu chủ đề là câu văn quan trọng nhất trong bất kỳ loại văn bản nào. Dựa vào câu chủ đề, người đọc có thể biết được đâu là vấn đề đang được bàn luận. Bên cạnh đó, nhận diện đúng câu chủ đề còn giúp người học ở các dạng bài matching main idea (nối ý chính), labelling (dán nhãn), main idea (tìm ý chính) trong các bài kiểm tra khả năng anh ngữ quốc tế.
Bước 3: Tìm kiếm luận điểm
Trong một văn bản tranh luận, tác giả thường sử dụng một hệ thống luận điểm, luận cứ chặt chẽ. Các luận cứ này có thể được lấy từ nhiều nguồn khác nhau như tài liệu khoa học, sách báo, tạp chí hoặc từ chính kinh nghiệm của bản thân tác giả. Những luận cứ này thường sẽ bao hàm các thông tin quan trọng như thông tin cá nhân, sự kiện có thật, các danh lam thắng cảnh nổi tiếng,… Những thông tin này được biến tấu thành nhiều dạng câu hỏi khác nhau có thể kể đến gap filling (điền vào chỗ trống), multiple choice (trắc nghiệm), true – false – not given (đúng – sai – không có thông tin).
Bên cạnh đó, xác định được luận cứ trong đoạn văn sẽ giúp người học tránh được bẫy khi làm dạng bài matching headings (nối tiêu đề) vì các luận cứ sẽ chứa thông tin chi tiết hơn là nội dung tổng quát của đoạn.
Bước 4: Phân tích những từ đồng nghĩa, cách diễn đạt khác trong câu hỏi và trong đoạn văn
Các bài kiểm tra tiếng Anh quốc tế, đặc biệt là thi IELTS thường diễn đạt lại những thông tin trong văn bản bằng những cụm từ mang ý nghĩa tương đương ở câu đề. Bước này yêu cầu thí sinh có vốn từ vựng và hiểu biết đủ rộng về tiếng Anh để nhận định được các thông tin đó.
Lưu ý: Sử dụng những công cụ hỗ trợ việc ghi chép, ghi chú thông tin
Trong bài thi IELTS Reading, thí sinh sẽ được cung cấp một cây bút chì và một cục tẩy để hỗ trợ trong khâu ghi chép và xử lý thông tin. Thí sinh nên tập thói quen dùng bút chì để gạch dưới những thông tin quan trọng trong văn bản (câu chủ đề, từ khoá, các thông tin trái ngược dễ gây nhầm lẫn,…). Đối với các bài thi được thực hiện trên máy tính như TOEFL iBt, thí sinh luôn được cung cấp giấy nháp và bút chì để ghi chú lại quá trình phân tích văn bản của mình. Do đó, kỹ năng sử dụng những công cụ ghi chép một cách thuần thục là một phần không thể thiếu trong Reading Comprehension.
Ví dụ về đoạn văn tranh luận trong IELTS Reading
Ví dụ dưới đây được trích từ Test 4 của sách IELTS Trainer Academic Six Practice Test LISTENING AND READING PRACTICE TEST do nhà xuất bản Cambridge phát hành
Nhìn vào ví dụ, có thể thấy rằng đoạn văn trên là một đoạn văn tranh luận điển hình, có đầy đủ bố cục và đặc điểm của một đoạn văn tranh luận. Đoạn văn trên có thể được phân tích theo bố cục 4 bước như sau:
Bước 1: Xác định quan điểm của tác giả
Đoạn văn xoay quanh ý kiến của tác giả về quan điểm sau “liars won’t look people in the eye during their explanations or while being questioned. Another is that they are likely to gesture as they tell their story, but so frequently that it seems unnatural – as if they are trying to convince others of their sincerity.” (Dịch: người nói dối sẽ không nhìn vào ánh mắt của người khác khi đang giải thích hoặc khi bị chất vấn. Thay vào đó họ thường thêm vào những cử chỉ trong câu chuyện của họ rất thường xuyên và kém tự nhiên – giống như họ đang muốn thuyết phục người khác tin rằng họ đang thành thật).
Tác giả thể hiện sự không đồng ý với quan điểm này qua câu “However, many researchers have come to reject these ideas, guessing a more effective approach is to listen to their narration style.” (Dịch: Tuy nhiên, rất nhiều nhà nghiên cứu bắt bỏ những ý kiến trên, họ gợi ý một hướng tiếp cận hiệu quả hơn đó là lắng nghe phong cách kể chuyện của họ.)
Bước 2: Sử dụng kỹ năng scanning để xác định chủ đề của văn bản.
Câu chủ đề trong đoạn này cũng chính là câu thể hiện thái độ của tác giả:
“However, many researchers have come to reject these ideas, guessing a more effective approach is to listen to their narration style.”
Bước 3: Tìm kiếm luận cứ
Các luận cứ trong đoạn văn này đều được lấy từ các công trình nghiên cứu khoa học, vậy nên ta có thể tìm được luận cứ thông qua các thông tin được đưa ra của chủ ngữ “researchers”. Cụ thể, có các luận cứ được đưa ra như sau :
1) “…they don’t provide as many details as a person giving an honest account would” ( Dịch: họ không đưa ra nhiều chi tiết như là một người nói thật sẽ đưa)
2) “…one stage follows another in apparently chronological fashion” (Dịch: các phần trong lời nói dối được kể theo thứ tự thời gian)
3) “ they keep still, […] possibly hoping to give impression of self-assurance” (Dịch: họ giữ bình tĩnh, có thể vì hi vọng sẽ tạo được cảm giác đảm bảo)
4) “ avoid the use of ‘I’ when narrating their stories ” (Dịch: tránh sử dụng đại từ “tôi” khi thuật lại câu chuyện)
Bước 4: Phân tích các cụm từ tương đương, cách diễn đạt khác nhau trong câu hỏi và đoạn văn.
Từ câu 14 đến câu 18, đây là loại bài matching information, yêu cầu thí sinh phải ghép thông tin từ đề với các đoạn văn đã được đánh thứ tự A, B, C trước đó. Theo hình trích trên, thông tin được đề cập trong đoạn F là câu số 16 vì:
Câu 16: Một giải thích về lý do tại sao mọi người thường xuyên đề cập đến bản thân khi nói dối
Dẫn chứng trong bài | Từ khóa tương đương trong câu hỏi |
“when people write fake reviews of, say, a hotel or restaurant. In these instances,‘I’…”Dịch: khi họ viết những bình luận giả về một nhà hàng hay khách sạn nào đó, họ thường dùng đại từ ‘tôi’ để chỉ bản thân mình. | “refer to themselves” Dịch: chỉ về họ |
“features again and again” Dịch: sử dụng đi dùng lại | “frequently” Dịch: thường xuyên |
“as they attempt to convince us that their experience was real” Dịch: như cách họ cố gắng để thuyết phục chúng ta rằng trải nghiệm của họ là thật | “an explanation of why” Dịch: lời giải thích tại sao |
Do đó, tất cả thông tin trong câu đề đều được trình bày lại từ nội dung có sẵn trong đoạn văn. Để làm loại bài này một cách dễ dàng, thí sinh cần phân chia các phần của câu đề và suy nghĩ về các cụm từ tương đương của chúng trong đoạn văn.