Các bệnh về phổi và những dấu hiệu cần lưu ý
Bệnh phổi chiếm tỷ lệ lớn trong số các bệnh lý phổ biến trên toàn cầu. Nếu không có biện pháp điều trị kịp thời và chính xác, bệnh có thể tiến triển thành mạn tính và gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Dưới đây là những dấu hiệu bệnh phổi đặc trưng mà bạn cần lưu ý:
1. Bệnh viêm phế quản
Công việc của các ống phế quản là dẫn khí vào và ra khỏi phổi. Khi những ống khí này bị viêm nhiễm, có thể dẫn đến viêm phế quản. Bệnh nhân có thể bị viêm phế quản cấp tính hoặc mạn tính.
Dưới đây là một số triệu chứng thường gặp khi một người mắc bệnh viêm phế quản:
-
Liên tục ho;
-
Khó thở, thở có tiếng;
-
Ho có thể có đờm màu xanh, vàng, trắng hoặc có máu;
-
Cảm thấy đau ngực;
-
Sốt nhẹ và cảm thấy lạnh;
-
Cơ thể mệt mỏi và uể oải.

Mô phỏng căn bệnh viêm phế quản
2. Bệnh viêm phổi
Viêm phổi cũng là một trong những căn bệnh phổ biến liên quan đến phổi, là tình trạng nhiễm khuẩn cấp tính. Trẻ em và người cao tuổi là hai nhóm dễ mắc viêm phổi nhất, đặc biệt khi thời tiết chuyển mùa.
Khi mắc viêm phổi, bệnh nhân thường có những triệu chứng sau đây:
-
Thở nhanh và nặng hơn thường;
-
Ít hoặc không có đờm;
-
Cảm thấy sốt nhẹ, đau ngực, đau tăng lên khi hoặc thở sâu;
-
Đổ nhiều mồ hôi, da tái nhợt;
-
Đau đầu;
-
Mất cảm giác thèm ăn, mệt mỏi.
3. Bệnh hen suyễn, hen phế quản
Đây là một căn bệnh mạn tính, thường làm cho hệ hô hấp bị phù nề, có xuất tiết đờm dãi và dễ bị kích thích bởi các dị nguyên gây dị ứng. Người bệnh hen suyễn thường có những triệu chứng đặc trưng sau:
-
Thở khò khè, thở gấp và khó thở;
-
Ho nhiều;
-
Đau tức ngực.
Vì là một căn bệnh mạn tính và thường xuất hiện các cơn hen cấp tính, người bệnh luôn phải mang theo thuốc để sử dụng kịp thời. Nếu không được xử trí kịp thời có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh.
4. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)
COPD là một bệnh lý về phổi tiến triển mạn tính, do nhiều nguyên nhân như hít thở khói bụi, hút thuốc lá, sử dụng thuốc lá thường xuyên. Bệnh có xu hướng gia tăng nặng theo thời gian và không thể điều trị hoàn toàn. Do đó, người bệnh luôn cần phải dùng thuốc để kiểm soát các triệu chứng của bệnh.
Người mắc COPD thường có các dấu hiệu sau:
-
Thở khò khè, khó thở, đặc biệt khi vận động thể dục, thể thao;
-
Đau tức ngực;
-
Ho liên tục và có đờm.
Để giảm nguy cơ mắc bệnh này, người bệnh cần hạn chế tiếp xúc với khói thuốc lá, bảo vệ đường hô hấp khỏi khói bụi ô nhiễm và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ khi cần.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) có thể kích ứng đường thở
5. Lao phổi
Bệnh lao phổi có thể phát sinh ở mọi đối tượng, bao gồm cả trẻ em và người lớn. Nguy cơ mắc bệnh tăng cao theo tuổi tác do sức đề kháng của cơ thể giảm dần khi người già.
Để nhận biết bệnh lao phổi, cần chú ý đến những dấu hiệu bất thường sau:
-
Đau ngực, khó thở;
-
Cơ thể sốt, ra nhiều mồ hôi;
-
Sụt cân, suy yếu;
-
Ho khạc đờm hoặc ho ra máu.
6. Viêm màng phổi
Viêm màng phổi xảy ra khi các mô bên ngoài phổi bị viêm nhiễm. Tình trạng này gây ra các cơn đau ngực dữ dội, đặc biệt khi thở.
Người bệnh sẽ gặp khó khăn trong việc thở kèm theo các cơn ho. Nguyên nhân chủ yếu gây viêm màng phổi là do nấm, vi khuẩn, virus hoặc do chấn thương và tác dụng phụ của một số loại thuốc. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, các phương pháp điều trị sẽ khác nhau. Nếu viêm màng phổi do vi khuẩn, thuốc kháng sinh sẽ là biện pháp điều trị hàng đầu.
7. Thuyên tắc phổi
Khi cơ thể hình thành các cục máu đông, chúng có thể di chuyển đến phổi theo hệ tuần hoàn, gây cản trở dòng chảy của máu và làm tổn thương mô phổi. Hiện tượng này dẫn đến các phản ứng hô hấp như ho, đau ngực và đôi khi ho ra máu. Để điều trị, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc, chất làm loãng máu hoặc phẫu thuật.

Đông máu có thể gây tắc nghẽn động mạch phổi
8. Tăng áp lực động mạch phổi
Đây là một dạng tăng huyết áp ảnh hưởng đến buồng tim phải và các mạch máu trong phổi, gây ra các triệu chứng như chóng mặt, đau tức ngực, môi tái xanh, nhịp tim nhanh và sưng chân.
Bệnh tiến triển chậm, đôi khi bệnh nhân không nhận ra mình đã mắc bệnh trong một thời gian dài.
9. Bệnh xơ nang
Bệnh xơ nang thường do đột biến gen gây ra. Khi bệnh nhân có gen khiến phổi và nhiều cơ quan khác tích tụ chất nhầy, vi khuẩn sẽ phát triển mạnh. Điều này dẫn đến nhiễm trùng liên tục và các vấn đề hô hấp gây tổn thương phổi.
Trẻ em mắc bệnh xơ nang thường kém phát triển về thể chất và trí não vì chất nhầy ngăn cản việc hấp thu dưỡng chất từ thức ăn.
10. Hội chứng suy hô hấp
Trẻ sinh non dễ mắc hội chứng này do cơ thể chưa có khả năng tạo ra chất lỏng bề mặt phổi, giúp phổi thông thoáng và hoạt động trơn tru.
Trẻ bị suy hô hấp có triệu chứng khó thở, thở nhanh, thở nông, tím môi, cánh mũi và ngọn chi. Nặng hơn là suy tạng do thiếu oxy cung cấp cho các cơ quan.
11. Bệnh ung thư phổi
Ung thư phổi chia thành hai loại: ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không tế bào nhỏ. Những người hút thuốc lá, thuốc lào lâu năm hoặc thường xuyên hít phải khói bụi có nguy cơ cao mắc ung thư phổi.
Đây là căn bệnh ác tính, nằm trong số các bệnh nguy hiểm nhất thế giới vì tiến triển nhanh và tỷ lệ tử vong cao. Nếu bạn gặp các triệu chứng sau, cần đi khám ngay:
-
Ho liên tục, mức độ và tần suất tăng dần;
-
Ho ra máu;
-
Thở ngắn, thở gấp, khó thở, thở khò khè;
-
Khàn tiếng;
-
Đau tức ngực;
-
Chán ăn, sút cân không rõ lý do;
-
Viêm phổi tái phát liên tục hoặc không giảm.
Nếu phát hiện những triệu chứng này, bạn nên đi khám sớm. Ngoài ra, còn nhiều bệnh phổi nguy hiểm khác như bụi phổi silic, phù phổi, xơ hóa phổi, u hạt Sarcoidosis,...