Bộ Tài chính vừa có văn bản chuyển đến Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải về việc lập đề án thu phí bảo vệ môi trường cho các loại xe hạng sang có dung tích động cơ trên 3 lít.
Trong văn bản này, Bộ Tài chính cho biết, theo quyết định của Thủ tướng, Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ chủ trì, nghiên cứu và ban hành phí môi trường với mục tiêu tăng cao đối với các loại xe có dung tích xi lanh trên 3 lít vì chúng tiêu thụ nhiên liệu nhiều, kích thước lớn không phù hợp với hạ tầng giao thông và thu nhập của người dân, gây ra lượng khí thải ra môi trường lớn.
Theo quy định, phí bảo vệ môi trường đối với khí thải được quy định bởi Chính phủ. Vì vậy, Bộ Tài chính đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu đề xuất để đưa ra quy định về phí bảo vệ môi trường đối với khí thải phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội.
Nếu dự thảo được hoàn thiện và được thông qua, các quy định mới dự kiến sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2017.
Trong năm trước, thuế bảo vệ môi trường áp dụng cho xăng dầu đã được nâng lên 300% so với trước đó. Cụ thể, thuế với xăng tăng từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng/lít, dầu diesel tăng từ 500 đồng lên 1.500 đồng/lít từ ngày 1/5/2015.
Trước đó, biểu thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô đã được điều chỉnh tăng mạnh đối với xe có dung tích xi-lanh lớn. Cụ thể, từ ngày 1/7/2016, các xe dung tích dưới 1,5 lít sẽ được giảm thuế từ 40% xuống còn 35%, và từ 1,5 - 2 lít giảm từ 45% xuống còn 40%.
Ngược lại, thuế đối với các loại xe dung tích lớn sẽ tăng đáng kể so với mức hiện hành. Cụ thể, xe có dung tích từ 2,5-3 lít sẽ tăng từ 50% lên 55%. Xe từ 3 lít trở lên tăng đột ngột so với mức hiện hành 60%, trong đó chi tiết: xe 3-4 lít là 90%, xe từ 5-6 lít là 130%, xe trên 6 lít được áp dụng thuế 150%.
Ngoài ra, từ ngày 1/1/2016, ôtô nhập khẩu sẽ chịu thêm điều chỉnh trực tiếp liên quan đến biểu thuế tiêu thụ đặc biệt. Cụ thể, cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt cho ôtô nhập khẩu sẽ thay đổi từ cách tính trên giá CIF cộng với thuế nhập khẩu sang cách tính trên giá bán buôn.
Điều này có nghĩa là, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô nhập khẩu từ năm sau sẽ được tính trên cả giá CIF, thuế nhập khẩu và một số chi phí khác của doanh nghiệp như vận chuyển, kho bãi, chi phí marketing và quảng cáo, thậm chí cả một phần lợi nhuận của nhà nhập khẩu.
Bên cạnh đó, trong văn bản này, Bộ Tài chính cũng thông báo rằng, việc giảm mức thuế nhập khẩu đặc biệt đối với ôtô theo quy định hiện hành đã giúp giảm nhập khẩu ôtô, thúc đẩy sản xuất, lắp ráp trong nước cho các loại xe ưu tiên.
Do đó, Bộ Tài chính dự định tiếp tục thực hiện chính sách thuế nhập khẩu MFN cho ôtô nguyên chiếc như thường lệ, trừ trường hợp thực hiện giảm thuế theo cam kết của WTO hàng năm.
Theo tin từ vneconomy