Nhằm giúp các sĩ tử luyện thi IELTS hiểu rõ hơn về những lỗi lập luận ngụy biện – gây ảnh hưởng đến điểm Task response trong bài thi IELTS Writing Task 2, bài viết dưới đây sẽ xác định và sửa những lỗi lập luận nguỵ biện phổ biến, từ đó giúp người viết sắp xếp lại lập luận và đưa ra kết luận một cách có logic hơn, cải thiện band điểm IELTS Writing Task 2.
Tác động của lập luận ngụy biện đối với bài viết IELTS Writing Task 2 là như thế nào?
Điều này cũng đóng vai trò quan trọng trong bài viết IELTS Writing Task 2, do mục Task response trong Band descriptor chính thức của bài thi IELTS Writing Task 2 đặt trọng tâm vào việc đánh giá kết luận và cách người viết phát triển ý trong bài.
Các sai lầm về lập luận nguỵ biện thường gặp trong IELTS Writing Task 2
Tổng quát hóa vội vàng – Hasty generalization
Đây là lỗi nguỵ biện thường thấy nhất trong giao tiếp của người đang học tiếng Anh (El Khoiri & Widiati, 2017, 2017; Lismay, 2020). Hình thức nguỵ biện này phổ biến tới mức được nhắc trực tiếp trong IELTS Writing Task 2 Band Descriptor cho band điểm 7 của Task 2, dưới dạng “there may be a tendency to overgeneralise”.
Về mặt cơ bản thì hình thức khái quát hoá vội vã xảy ra khi người viết đưa ra một kết luận mang tính bao quát chung cho một tập thể hoặc một tập hợp mà không dựa trên đủ bằng chứng, hoặc dựa trên bằng chứng mang tính thành kiến (Prescott College, n.d.).
Ví dụ:
Đề bài: Some people believe that the salaries paid to professional sportspeople are too high, while others argue that sports salaries are fair.
Câu viết trong bài:
Every single professional athlete has spent thousands of hours and thousands of dollars to train and hone their skills. Because of that, it is only fair that they’re paid well.
Trong câu trên, người viết đã cho rằng tất cả những vận động viên chuyên nghiệp đều đã dành hàng ngàn giờ, và phải chi hàng ngàn đô lâ để có thể luyện tập và rèn giũa kỹ năng của mình. Đây là lỗi lập luận nguỵ biện vội vã, vì tất cả những vận động viên có lương cao nhưng lại không dành nhiều giờ luyện tập và không đầu tư nhiều tiền vào việc luyện tập đã bị người viết bỏ quên.
Điều nên chú ý là những định kiến về con người thường rơi vào hình thức lập luận nguỵ biện trên.
Ví dụ:
For example, Asian athletes are paid less because they are physically weaker than their European or American counterpart.
Trong câu trên thì người viết đã cho rằng vận động viên châu Á nhận được lương thấp hơn do họ có thể lực kém hơn các vận động viên châu Âu. Đây là hành vi định kiến, do người viết đã đưa ra các quan điểm trên chỉ thông qua việc quan sát cá nhân mà không dựa vào bất cứ bằng chứng có liên quan nào khác.
Để tránh mắc phải lỗi nguỵ biện trên thì người viết có thể áp dụng những giải pháp sau:
Tránh sử dụng những ngôn ngữ mang tính tuyệt đối như “all”, “every”,… và nên thay bằng những ngôn ngữ mang tính khuyết thiếu như “almost all”, “a majority of”,…Tăng số lượng các bằng chứng và ví dụ, và đảm bảo rằng những ví dụ trên phải mang tính đại diện cho tập thể và tập hợp được nói tới.
Sử dụng hai giải pháp trên, ví dụ thứ nhất có thể được sửa như sau:
Many well-paid professional athletes, especially those who are considered the best in their sport, has spent thousands of hours and thousands of dollars to train and hone their skills. Because of that, it is only fair that they’re paid well.
Trong câu trên, người viết đã sử dụng “many” thay vì “all” để tránh khái quát hoá quá chung. Hơn nữa, người viết cũng đã đưa ra một ví dụ cụ thể để giúp người đọc hình dung được những người đại diện rõ nhất cho luận điểm là ai.
Kích động cảm xúc của người đọc – Appeals to emotion
Hasibuan et al., (2020) cho rằng đây là hình thức lập luận ngụy biện được người học tiếng Anh dùng nhiều thứ hai. Trong hình thức trên, người viết cố gắng thuyết phục người đọc chỉ bằng ngôn từ mang nặng tính cảm xúc (Utah Valley University, n.d.), và bỏ qua những bằng chứng khách quan.
Lưu ý: Việc thao túng cảm xúc người đọc không hoàn toàn xấu, vì nhiều nhà lãnh đạo và diễn giá xuất chúng đã sử dụng kỹ năng trên để thuyết phục đám đông. Tuy nhiên, việc thao túng cảm xúc nên đi kèm với những dẫn chứng khách quan và lập luận logic. Nếu thiếu hai yếu tố trên, phần viết sẽ bị mắc lỗi nguỵ biện thao túng cảm xúc.
Theo Hasibuan, có hai dạng thao túng cảm xúc phổ biến được dùng bởi người học tiếng Anh. Thứ nhất là thao túng lòng thương cảm của người đọc thông qua việc sử dụng ngôn ngữ không trung lập và mang tính cảm xúc.
Ví dụ:
Đề bài: Public figures should be punished more severely for their crimes, as they have influence over more people than ordinary criminals. Do you agree or disagree with this view?
Câu viết trong bài:
Public figures have dedicated their blood and sweat to contribute to society. It would be extremely unfair if they have to receive a tougher penalty purely because they are famous.
Trong ví dụ trên thì người viết cho rằng sẽ bất công nếu những nhân vật công chúng phải chịu hình phạt nặng hơn chỉ vì họ nổi tiếng. Câu trên mắc phải lỗi nguỵ biện thao túng cảm xúc, vì người viết đã dùng những ngôn ngữ phóng đại, như là “đổ cả mồ hôi và máu để đóng góp cho xã hội” (dedicated their blood and sweat to…), và sử dụng tính từ mang tính cực đoan như “extremely” và “purely because”. Hơn nữa, người viết không đưa ra dẫn chứng hoặc bằng chứng để chứng minh cho câu nói trên.
Hình thức thao túng cảm xúc thứ hai là cố tình tạo ra nỗi sợ cho người đọc bằng cách tạo ra những tình huống cực đoan thông qua việc phóng đại hoặc tự sáng tạo. Việc thao túng trên cũng liên quan tới một hình thức ngụy biện có tên gọi là Dốc trơn (slippery slope) – dùng để miêu tả việc phóng đại quá mức hậu quả tiêu cực của một hành động mà không dựa vào bằng chứng khách quan.
Ví dụ:
If public figures are more severely punished, then the government can feel more comfortable in increasing the penalties for anyone they consider too dangerous, including innocent political dissidents.
Trong câu trên, người viết cho rằng nếu những nhân vật công chúng bị phạt nặng hơn, điều này có nghĩa là chính phủ sẽ có thể thoải mái tăng mức phạt cho những người được coi là “nguy hiểm” khác, bao gồm những người bất đồng ý kiến vô tội. Người viết đã cố tình thổi phồng nên sự nguy hiểm của những tội phạm hưởng khoan hồng mà không dựa vào bằng chứng khách quan hoặc lý lẽ logic nào. Do vậy nên ví dụ trên có thể được coi là đang tạo nỗi sợ cho người đọc.
Để tránh mắc phải hai lỗi nguỵ biện trên thì người viết nên tránh những ngôn từ phóng đại hoặc cực đoan quá mức. Thay vào đó, để có thể thuyết phục người nghe, người nói nên kết hợp các ngôn từ cảm xúc không thái quá, với những lập luận logic và dẫn chứng khách quan.
Dựa vào gợi ý trên, câu ví dụ thứ nhất có thể được sửa như sau:
It would be unfair if public figures are penalized more harshly based on their popularity, as this would violate the core principle of “equality before the law”.
Trong phần sửa trên, người viết đã loại bỏ hoàn toàn những từ mang nặng tính cảm xúc, và thay vào đó đã đưa ra thêm một ý mới trong phần gạch chân (phạt người nổi tiếng nặng hơn đã vi phạm quy tắc bình đẳng trước pháp luật), từ đó đã giúp bài viết mang tính thuyết phục hơn.
Dựa vào ý kiến đám đông – Appeal to the People
Nghiên cứu của Hasibuan cho thấy rằng đây cũng là một trong những hình thức lập luận ngụy biện phổ biến đối với người học tiếng Anh. Về cơ bản, hình thức lập luận ngụy biện trên cho rằng nếu một kết luận được nhiều người ủng hộ và tin vào thì nó sẽ là kết luận đúng. Đây được coi là hình thức ngụy biện do không phải ý kiến của số đông lúc nào cũng là sự thật, và không phải những ai đi ngược lại đám đông cũng sai (University of Tennessee, n.d.).
Ví dụ:
Đề bài: Some people see video games as an excellent means of entertainment. However, others believe that video games are harming both gamers and the society. In your opinion, do the drawbacks of video games outweigh the benefits?
Câu trong bài:
In addition, public opinion overwhelmingly shows that video games can lead to negative societal consequences.
Trong câu trên, người viết cho rằng trò chơi điện tử có thể gây ra các tác hiện tượng xã hội tiêu cực. Ví dụ trên đang mắc phải lỗi lập luận nguỵ biện dựa dẫm vào ý kiến đám đông, do người viết không đưa ra bất kỳ lý do nào khác ủng hộ cho tác hại của trò chơi điện tử ngoài ý kiến của công chúng.
Để tránh mắc bẫy lập luận nguỵ biện trên, người viết nên tránh hoàn toàn việc đưa ra một kết luận bằng cách chỉ dựa vào ý kiến của số đông. Thay vào đó, người viết nên xem xét lại kết luận của mình một cách khách quan, và đưa ra những dẫn chứng cụ thể để tăng tính thuyết phục cho kết luận đó.
Áp dụng những gợi ý trên, ví dụ thứ nhất có thể được sửa như sau:
In addition, video games can have an addictive effect, especially among the youth. This could lead to young people spending too much time and money on games, instead of more productive activities such as studying or sports.
Thay vì chỉ dựa vào ý kiến của đám đông, người viết câu trên đã chỉ ra cụ thể một tác hại của trò chơi điện tử (tính gây nghiện của chúng), và đã cho người viết thấy được hậu quả của chúng.
Lập luận lặp lại ý – Circular reasoning
Hình thức lập luận ngụy biện trên được Hasibusan cho rằng là một trong những lỗi ngụy biện phổ biến. Hình thức lập luận trên xảy ra khi kết luận của người viết gần như trùng lặp hoàn toàn với lý lẽ đã đưa ra trước đó. Nói theo cách khác, trong hình thức ngụy biện này, người viết đang cố chứng minh một lý lẽ là đúng bằng cách viết lại chính lý lẽ đó theo một cách khác (University of Toronto, n.d.).
Ví dụ:
Đề bài: Face-to-face communication is better than other types of communications, such as letters, emails, or telephone calls.
Câu viết trong bài:
Communicating face-to-face can lead to a more productive conversation, as people can express themselves more effectively.
Trong ví dụ trên, người viết cho rằng việc tương tác trực tiếp có thể dẫn đến các cuộc trò chuyện năng suất hơn, vì những người trò chuyện trực tiếp sẽ có khả năng diễn đạt ý của mình một cách hiệu quả. Ví dụ trên mắc lỗi ngụy biện vòng vo vì “cuộc trò chuyện năng suất hơn” và “diễn đạt ý của mình một cách hiệu quả” là hai ý gần như tương đồng nhau hoàn toàn, và không đủ khác biệt để có thể tạo ra một kết luận chính đáng và khách quan.
Để giải quyết vấn đề trên thì đại học North Carolina đã đề xuất một giải pháp là viết ra lý lẽ và phần chứng minh lý lẽ đó theo dạng dàn ý. Sau đó, người viết nên kiểm tra liệu hai phần trên có tương đồng nhau quá không. Nếu có thì người viết nên sửa lại bằng cách thêm một vài bước khác biệt hẳn vào giữa hai phần trên để giúp người đọc hình dung được sự tiến triển về lập luận của người viết. Ví dụ:
Lý lẽ: Communicating face to face can be more productive.
Chứng minh lý lẽ:
People can read each other’s facial expressions (mọi người có thể biết được biểu cảm của người khác).
People can use gestures to better emphasize their points (người giao tiếp có thể dùng cử chỉ để hỗ trợ việc diễn đạt ý).
Phần minh chứng trong ví dụ trên không mắc phải sai sót lập luận ngụy biện vòng vo, vì hai ý trong phần gạch đầu dòng đã đóng vai trò giải thích lý lẽ đã được trình bày, không chỉ là sự lặp lại của ý đã được nêu trước đó.
Vậy còn những lỗi lập luận ngụy biện nào thường gặp trong IELTS Writing Task 2 không? Hãy theo dõi tiếp phần dưới “Các hình thức lập luận ngụy biện trong IELTS Writing Task 2 và cách khắc phục” để tìm câu trả lời!
Vũ Trọng Hiếu