Có những vụ cháy lớn đôi khi có thể xuất phát từ chính các thiết bị quen thuộc trong nhà, gây ra hậu quả không lường trước được cho con người và tài sản.
Mới đây, thông tin về vụ cháy chung cư mini 9 tầng ở Khương Hạ, Thanh Xuân, Hà Nội đã khiến nhiều người dùng mạng không khỏi sửng sốt. Thảm họa đau lòng này không chỉ gây thiệt hại nặng nề về tài sản mà còn khiến nhiều nạn nhân không may thiệt mạng.
Trước đó tại Hà Nội đã xảy ra hàng loạt vụ cháy chung cư gây sửng sốt, trong đó có nhiều trường hợp ngọn lửa bắt nguồn từ các thiết bị điện gia dụng bị chập cháy. Ví dụ như vụ cháy tại tầng 3 của một chung cư mini trong ngõ 20, đường Láng (quận Đống Đa) vào tháng 5/2023, nguyên nhân của vụ cháy là do chập điện bình nóng lạnh. Hoặc vụ việc điều hòa bốc cháy tại một gia đình ở thôn Hòa Hợp, xã Thạch Kênh, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, khiến một người thiệt mạng vào tháng 6/2020.
Thực tế, các vụ cháy lớn đôi khi có thể bắt nguồn từ các thiết bị nhỏ nhặt, quen thuộc trong nhà. Đặc biệt là các thiết bị điện gia dụng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ như bếp điện, lò vi sóng, bình nóng lạnh... Và nếu người dùng vô tình mắc phải các sai lầm quen thuộc dưới đây khi sử dụng thiết bị điện gia dụng thì nguy cơ này có thể 'rình rập' bất cứ lúc nào.
Liên tục sử dụng bếp điện từ ở nhiệt độ cao
Nhiều người thường sử dụng bếp điện từ liên tục ở nhiệt độ cao để thức ăn nhanh chín hơn, tuy nhiên cách làm này rất dễ khiến bếp hoạt động quá tải, làm giảm tuổi thọ hoặc thậm chí gây nứt bếp, dẫn đến rủi ro nổ.
Sử dụng khăn thấm quá nhiều nước để lau bên ngoài lò vi sóng
Thói quen dùng khăn thấm nước để lau bên ngoài lò vi sóng là rất nguy hiểm. Bởi nước có thể tràn vào khu vực chứa các mạch hoạt động của thiết bị này, thấm vào mạch điện và dẫn đến rò điện. Nguy cơ lớn hơn là có thể gây ra chập điện, gây nổ lò vi sóng khi cắm điện vào sử dụng.
Tốt nhất, bạn nên dùng khăn lau khô để lau sạch bụi ở bề mặt ngoài lò vi sóng, hoặc sử dụng khăn thấm một ít dung dịch cồn để lau các vết bẩn cứng đầu.
Đặt tủ lạnh gần các thiết bị phát ra nhiều nhiệt lượng
Đặt tủ lạnh quá gần với các thiết bị điện tạo nhiều nhiệt như bếp gas, lò vi sóng... có thể gây ra nguy cơ cháy nổ cho tủ lạnh. Bởi công suất hoạt động của các thiết bị này quá cao và tạo ra nhiều nhiệt. Do đó, có nguy cơ xảy ra sự cố chập cháy và lan truyền đám cháy làm tủ lạnh cũng có thể cháy nổ theo.
Bật bình nóng lạnh suốt ngày
Không chỉ giảm tuổi thọ của bình nóng lạnh, việc bật bình nóng lạnh suốt ngày còn có thể làm cho thiết bị dễ rò rỉ điện. Khi hoạt động liên tục trong 24 giờ, lớp cách điện của dây mayso sẽ bị mòn và làm hệ thống ngắt điện hoạt động kém. Điều này dễ dẫn đến rò điện, giật điện và thậm chí là cháy nổ.