Theo giới nghiên cứu, trong hoàn cảnh mà 2/3 loài sống ở các đại dương sâu vẫn chưa được con người hiểu biết hoàn toàn, phát hiện mới nhất này có thể đánh dấu một khám phá mới đầy hấp dẫn.
Các nhà nghiên cứu đang cảm thấy bối rối trước một vật thể màu vàng bí ẩn, vừa được phát hiện dưới đáy biển ngoài khơi bờ biển Alaska.
Theo đó, vật thể này được phát hiện ở độ sâu 3,2km trong một cuộc thám hiểm kéo dài từ ngày 23/8 đến ngày 16/9 do Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) chủ trì. Toàn bộ sứ mệnh thám hiểm này được truyền trực tuyến trên Internet.
Theo NOAA, vật thể sáng bóng vừa được phát hiện rất mỏng manh khi chạm vào, giống như các mô trên da người. Mặc dù các chuyên gia không chắc chắn về việc vật thể này là gì, họ cho rằng nó có thể là vỏ trứng hoặc phần còn lại của bọt biển.
Vật thể bí ẩn này có màu vàng, với lớp vỏ ngoài mềm mại, mỏng như các mô trên da.
Thay vì để nó ở vị trí ban đầu, tàu lặn thăm dò của NOAA đã triển khai một cánh tay robot điều khiển từ xa để chạm nhẹ vào vật thể và tách nó ra khỏi tảng đá.
Tiếp theo, vật thể được đưa lên mặt biển, nơi việc xét nghiệm ADN trong phòng thí nghiệm dự kiến sẽ tiết lộ thêm thông tin về bản chất của nó. Các chuyên gia vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây ra lỗ hổng ở phía trước của 'quả trứng vàng', mặc dù có thể là do va chạm với một sinh vật biển khác.
'Có điều gì đó đã cố gắng xâm nhập... hoặc cố gắng thoát ra', một nhà nghiên cứu nói trong buổi trực tiếp về khám phá của vật thể với một lỗ nhỏ ở đỉnh.
'Khi kiến thức của chúng ta không thể xác định được điều đó là gì, đó là điều kỳ lạ. Loài nào lại có thể tạo ra một loại vỏ trứng như vậy?', một thành viên khác trong nhóm bổ sung.
Được cho là trứng của một sinh vật bí ẩn, vật thể đang được xem xét trong phòng thí nghiệm.
Trong bối cảnh 2/3 dạng sống ở các đại dương sâu vẫn còn nhiều bí ẩn đối với giới khoa học, phát hiện mới này có thể đánh dấu một khám phá mới đầy hứng thú. Giáo sư Kerry Howell, chuyên gia sinh thái biển sâu tại Đại học Plymouth (Anh), đã chia sẻ rằng vật thể này 'rất kỳ lạ'.
'Trong 20 năm khám phá biển sâu, tôi chưa từng gặp điều này. Vùng biển sâu còn rất nhiều loài chưa được khám phá nên vật thể này có thể liên quan đến một loài mới', bà nói.
Giáo sư Howell cũng cho biết miệng lỗ trên vật thể có thể là nơi sinh vật hít vào và thở ra nếu nó là một loại bọt biển, hoặc là nơi sinh vật nở ra nếu đó là vỏ của một quả trứng.
Murray Roberts, giáo sư sinh học biển tại Đại học Edinburgh, cũng đồng ý với quan điểm của các nhà khoa học NOAA rằng đây có thể là một quả trứng. Theo ông, một số loài, bao gồm cả cá biển sâu dễ bị tổn thương như cá mập và cá đuối, thường đẻ trứng trên các đỉnh núi dưới nước hoặc trong môi trường sống san hô nước lạnh. Sinh vật này có thể đã phá vỡ vỏ trứng và bơi đi.
Thông tin về hình ảnh của quả trứng sau khi được đăng lên Twitter đã gây nhiều tranh cãi từ cộng đồng mạng.
Tham khảo từ Daily Mail