Thí nghiệm của giáo sư Otto Octavius - một nhân vật nổi tiếng trong truyện tranh Marvel - đã trở thành hiện thực.
Xã hội hiện đại đã quen với việc sống chung với robot và những người sử dụng chi giả, nhưng có lẽ chúng ta sẽ mất một thời gian nữa để quen với sự hiện diện của những người có nhiều hơn hai tay.
Một nhóm nghiên cứu đang làm việc tại Đại học Tokyo, dưới sự chỉ đạo của giáo sư Masahiko Inami, đang muốn phát triển một bộ tay robot để hỗ trợ cuộc sống của con người. Nhóm kỹ sư đang phát triển thiết bị dựa trên ý tưởng văn hóa Nhật Bản gọi là “jizai” - một thuật ngữ mô tả khả năng tự do và tự điều khiển.
Theo ông Inami, ý tưởng cho hệ thống tay robot này được lấy cảm hứng từ múa rối truyền thống của Nhật Bản và từ một truyện ngắn của tác giả Yasunari Kawabata - một nhà văn đã nhận giải Nobel Văn học năm 1968.
Mục tiêu của nghiên cứu là tạo ra một liên kết đặc biệt giữa não và thiết bị, tương tự như cách một nhạc công chơi đàn. Ông Inami cho biết ý tưởng này thể hiện mối liên hệ 'giữa con người và công cụ, giống như cách một nhạc cụ có thể trở thành một phần của cơ thể'.
Ông cũng cho biết thêm: “Đây hoàn toàn không phải là thứ đối thủ của con người, mà nó giúp chúng ta làm theo ý muốn, giống như một chiếc xe đạp hoặc một chiếc xe điện. Nó hỗ trợ chúng ta và có thể khơi gợi sự sáng tạo”.
Một số người mới dùng thử bộ tay nhưng đã cảm thấy rất thân thuộc với chúng. “Khi tháo ra sau một thời gian sử dụng, bạn có thể cảm thấy buồn một chút. Đó là lý do tại sao chúng khác biệt so với các công cụ khác”, ông Inami nói.
Theo giáo sư người Nhật Bản, tiềm năng của bộ tay sẽ rất lớn, ví dụ như hỗ trợ các nhân viên cứu hộ trong các tình huống khó khăn. “Trong tương lai, có thể chúng ta sẽ thấy cánh tay bổ sung lên từ lưng con người, hoặc drone sẽ được gắn vào người sử dụng... Có thể sẽ có người phát minh ra một môn thể thao cần sử dụng đến sáu tay, hoặc một phong cách bơi mới chẳng hạn”, ông Inami nói.
Theo Reuters