Ở các phần trước, series “Các lỗi ngụy biện trong IELTS Writing Task 2” đã giới thiệu và chỉ ra cách nhận biết cũng như khắc phục cho hai lỗi ngụy biện thường gặp trong bài viết Task 2 là Ngụy biện Người Rơm (Straw Man Fallacy) và Ngụy biện Dốc Trượt (Slippery Slope Fallacy). Bài viết thứ ba sẽ thảo luận về một lối ngụy biện cũng rất phổ biến khi tranh luận và viết lách, đó là ngụy biện So Sánh Ẩu (Weak Analogy Fallacy). Các lỗi ngụy biện trong văn bản nghị luận (argumentative essay) khiến cho lập luận trở nên bất hợp lý về mặt logic và làm giảm hiệu quả thuyết phục đối với người đọc. Nhận biết và khắc phục các lỗi ngụy biện trên sẽ hỗ trợ người học phát triển tư duy logic cũng như tư duy phản biện, trở nên nhạy bén hơn khi tranh luận và đưa ra các lập luận chặt chẽ hơn khi viết bài nghị luận.
Key Takeaways:
Ngụy biện So Sánh Ẩu: đưa ra một phép so sánh không hợp lý
Khắc phục: Luôn đưa ra các lý giải phù hợp cho một phép so sánh, xem xét về mức độ, ý nghĩa cũng như mối quan hệ logic của các đặc điểm được đem ra so sánh
Ngụy biện So Sánh Ẩu là gì?
Xét ví dụ sau:
Đề bài: Many people think that fast food should be banned because it causes health problems. To what extent do you agree or disagree?
Lập luận trong bài: Banning people from consuming fast food is obviously sensible. Eating fast food is similar to using drugs by some means. Drugs is detrimental to our health and people are well aware of that. Therefore, drugs is commly forbidden worldwide. Fast food also negatively affects our health and most people know it clearly before eating. So why should drugs be banned yet fast food is still widely and legally consumed?
Trong ví dụ trên, ta có thể thấy người viết so sánh việc sử dụng ma túy với việc sử dụng thức ăn nhanh. Thoạt nhìn, đây có vẻ là một lý lẽ rất đầy đủ và khéo léo, người viết có nêu ra những điểm giống nhau giữa hai hoạt động này để giải thích phép so sánh.
Hãy cùng xem xét kỹ hơn hai đối tượng trong phép so sánh này. Người viết đưa ra hai luận cứ để chứng minh sự tương đồng giữa thức ăn nhanh và ma túy. Thứ nhất, cả hai sản phẩm trên đều gây hại cho sức khỏe (điều này hợp lý, là common knowledge). Thứ hai, nhiều người ý thức rõ được tác hại của hai sản phẩm này. Nhưng ma túy thì bị cấm sử dụng ở khá nhiều nước trên thế giới còn thức ăn nhanh thì được tiêu thụ phổ biến. Do đó, người viết lập luận rằng thức ăn nhanh giống với ma túy ở điểm 1 và điểm 2 nên thức ăn nhanh cũng nên giống với ma túy ở điểm X (bị cấm).
Tuy nhiên, đây thực chất là một lối ngụy biện rất hay gặp trong tranh luận – ngụy biện so sánh ẩu. Sử dụng ma túy gây ra tác hại kinh hoàng lên thể chất, tinh thần và tâm lý người nghiện. Chỉ cần sử dụng một liều nhỏ ma túy cũng có thể gây ra cơn nghiện dai dẳng và dẫn tới những hậu quả về sức khỏe trong dài hạn. Trong khi đó, dù thức ăn nhanh cũng gây hại nhưng tác hại từ thức ăn nhanh nhỏ hơn rất nhiều lần so với ma túy. Phải sử dụng thức ăn nhanh rất nhiều trong một khoảng thời gian rất dài mới đủ gây ra hậu quả lên sức khỏe. Đồng thời, thức ăn nhanh không gây nghiện, người dùng có thể thay đổi chế độ ăn uống bất cứ khi nào họ muốn cải thiện sức khỏe trong khi cơn nghiện ma túy rất khó cưỡng lại. Vì thế, phép so sánh trên là hoàn toàn khập khiễng.
Ở ví dụ trên, ta thấy thức ăn nhanh và ma túy giống nhau ở chỗ đều có hại cho sức khỏe và tác hại được biết đến rộng rãi. Tuy nhiên, 2 yếu tố trên chưa đủ để quyết định việc cấm hay cho phép sử dụng các sản phẩm này. Một sản phẩm, dù được biết tới rộng rãi là gây hại, vẫn có thể được sử dụng rộng rãi do mức độ gây hại ít (như thức ăn nhanh) hoặc có thể bị cấm sử dụng vì mức độ gây hại quá nghiêm trọng (như ma túy). Nói cách khác, yếu tố thứ 3 không bị quyết định bởi yếu tố 1 và 2 vì thế dù hai đối tượng so sánh giống nhau ở yếu tố 1 và 2, chúng hoàn toàn có thể khác nhau ở yếu tố 3. Do đó, phép so sánh trên hoàn toàn vô nghĩa về mặt lý luận.
Cách khắc phục:
So sánh là một phép lập luận phổ biến khi viết văn nghị luận. Nếu được sử dụng khéo léo, phép so sánh sẽ trở thành những lý lẽ và dẫn chứng rất tốt, cụ thể hóa những vấn đề phức tạp hay trừu tượng và tăng tính thuyết phục cho bài viết. Tuy nhiên, nếu không cẩn thận, phép so sánh có thể trở thành lỗi Ngụy biện So Sánh Ẩu, khiến các lập luận trở nên kém thuyết phục và dễ bị bác bỏ hơn.
Để tránh lỗi Ngụy biện So Sánh Ẩu, người viết có thể áp dụng ba quy tắc đơn giản sau.
Quy tắc 1: Luôn đưa ra các giải thích phù hợp khi so sánh vấn đề A và vấn đề B
Ta không thể mặc nhiên đánh đồng A và B là giống nhau mà không đưa ra những lý giải phù hợp.
Quy tắc 2: Xem xét mức độ tương đồng giữa các đặc điểm được đưa ra so sánh
Đôi khi, chúng ta chỉ ra rằng 2 đối tượng A và B giống nhau ở một đặc điểm nào đấy nhưng chúng ta không xem xét kỹ về mức độ tương đồng của đặc điểm được đem ra so sánh. Như trong ví dụ trên, người viết chỉ ra rằng thức ăn nhanh và ma túy giống nhau ở chỗ đều có hại cho sức khỏe người tiêu thụ. Điều này đúng! Tuy nhiên, khác biệt cần chú ý ở đây đó là mức độ có hại cho sức khỏe. Ma túy có hại nghiêm trọng hơn thức ăn nhanh rất nhiều. Nghiện ma túy tàn phá nặng nề sức khỏe thể chất và tinh thần của con nghiện trong khi thức ăn nhanh cũng có hại nhưng mức độ gây hại hiển nhiên là nhẹ hơn ma túy. Đồng thời, ma túy gây nghiện dễ dàng và dai dẳng thức ăn nhanh nhìn chung chỉ khiến người dùng thích ăn chứ không không gây nghiện nặng nề như ma túy. Điều này khiến cho phép so sánh không hợp lý và trở thành lỗi ngụy biện.
Quy tắc 3: Xem xét kỹ tính liên kết giữa các đặc điểm được mang ra so sánh
Lỗi Ngụy biện So Sánh Ẩu cũng có thể bắt nguồn từ sự thiếu liên kết giữa các đặc điểm được đặt ra trong phép so sánh. Trong ví dụ ở trên, ta thấy hai đặc điểm được chỉ ra là: có hại cho sức khỏe và được nhiều người công nhận là có hại. Tuy nhiên, hai đặc điểm này không đủ để quyết định được việc có hay không đặc điểm X (bị cấm). Do đó, ta không thể chứng minh cả hai thứ nên bị cấm (có đặc điểm X) vì chúng có những đặc điểm 1 và 2.
Khi viết bài, ta cần chú ý cân nhắc mối quan hệ chặt chẽ giữa các đặc điểm được đem ra so sánh. Giả sử, nếu một sự vật có đặc điểm 1 và đặc điểm 2 thì nhất định sẽ có đặc điểm 3, khi đó nếu ta nói vấn đề A và vấn đề B giống nhau ở đặc điểm 1 và đặc điểm 2, vậy cả hai vấn đề đều sẽ có đặc điểm 3. Còn nếu ta không chứng minh được tính liên kết giữa các đặc điểm trên thì phép so sánh sẽ trở nên vô nghĩa. Rõ ràng, ở trong ví dụ ban đầu, cả thức ăn nhanh và ma túy đều giống nhau ở đặc điểm 1 và 2 nhưng đặc điểm 3 hoàn toàn có thể khác nhau, đó là vì 3 đặc điểm này chưa có tính liên kết chặt chẽ. Vì thế, phép so sánh trong ví dụ đầu hoàn toàn vô nghĩa về mặt lý luận.
Để khắc phục lỗi ngụy biện trong ví dụ ban đầu, người viết có thể xem xét thay đổi đối tượng được đem ra so sánh và cẩn thận hơn trong việc lập luận về các đặc điểm tương đồng. Ngoài ra, bên cạnh việc so sánh, nếu muốn đồng tình với việc cấm thức ăn nhanh, người viết đơn giản cần chỉ ra một số tác hại của thức ăn nhanh lên sức khỏe cộng đồng.
Lời giải đề xuất: It has been indicated with scientific proof that fast food is able to bring about deleterious effects on people’s health. Frequent consumption of these harmful products may result in a higher risk of having serious, or even dangerous, health problems such as obesity, insomnia, diabetes and hypertension. Furthermore, in some developing nations, fast food is commonly sold and bought on streets, food hygiene and safety is not well guaranteed. This may cause annoying symptoms like vomitting, nausea or diarrhea for consumers.
Bài tập:
Bài 1:
Đề: Families who send their children to private schools should not be required to pay taxes that support the state education system.To what extent do you agree or disagree with this statement?
Lập luận trong bài: It is really unfair and unreasonable to make parents of private schools students obliged to pay taxes in order to support the national school system. This policy is more or less akin to forcing people who do not drink alcohols to pay the alcohol taxes for drinkers. Families of private school students neither have a relationship nor receive any support from the national schools. Similarly, non-alcoholic drinkers have no interest in wine or beer and they are not likely to buy or drink any of these products in most cases. It is absolutely pointless to require people to pay the taxes levied on the products that they never consume.
Lời giải 1:
Phân tích: Thoạt nhìn, đoạn văn trên đưa ra một lý lẽ có vẻ khá “hợp lý” khi so sánh việc bắt buộc phụ huynh có con học trường tư phải đóng thuế trường công với việc bắt người không uống rượu phải đóng thuế rượu bia. Qua việc so sánh, ta thấy hiệu quả thuyết phục tăng lên khá cao. Rõ ràng, nếu chúng ta không uống rượu bia nhưng lại bị đóng thuế rượu bia thì ta sẽ cảm thấy rất vô lý. Ta không nhận được gì từ rượu bia nhưng phải đóng tiền thuế chung với những người có uống. Tương tự thế, sẽ thật vô lý khi bắt gia đình của trẻ em học trường tư phải đóng tiền thuế vào hệ thống trường công, dù con cái của những gia đình này không hề thụ hưởng lợi ích gì từ hệ thống giáo dục công cả.
Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ, ta sẽ thấy phép so sánh trong đoạn văn vô cùng bất hợp lý. Khi phép so sánh mà bất hợp lý thì hiệu quả thuyết phục từ phép so sánh sẽ trở nên hoàn toàn không có giá trị.
Đoạn văn trên đã mắc phải lỗi Ngụy biện So Sánh Ẩu. Trước hết, ta có thể thấy tác giả so sánh vấn đề A trong đề (phụ huynh trường tư đóng thuế trường công) với vấn đề B (người không uống rượu đóng thuế rượu bia) và cho người đọc thấy rằng, vấn đề B rất vô lý. Mà vấn đề A giống với vấn đề B cho nên vấn đề A cũng vô lý. Người viết cho rằng A và B giống nhau ở chỗ đều bắt người dân đóng thuế cho những sản phẩm mình không tiêu thụ. Tuy nhiên, luận điểm này có chỗ bất hợp lý.
Trên thực tế, giữa vấn đề A và vấn đề B có sự khác biệt rất lớn. Thuế giáo dục đóng góp vào trường công thường được sử dụng với hai mục đích. Thứ nhất, loại thuế này thúc đẩy bình đẳng xã hội. Trong khi phụ huynh của các gia đình khá giả có thể cho con đi học trường tư thì một số phụ huynh khác gặp khó khăn trong việc cho con đi học trường công, vốn rẻ hơn rất nhiều so với học trường tư. Do đó, loại thuế này được sử dụng để hỗ trợ tiền học cho các học sinh từ gia đình có thu nhập thấp. Bên cạnh đó, loại thuế này có thể được dùng để đầu tư cải thiện chất lượng giáo dục công, giúp các học sinh trường công không chịu thiệt thòi về chất lượng giáo dục do thiếu tài chính. Xem xét tới thuế rượu bia, loại thuế này được dùng để hạn chế việc sử dụng rượu bia, không có ý nghĩa quá nhiều về mặt thúc đẩy bình đẳng xã hội.
Thứ hai, thuế giáo dục cải thiện chất lượng giảng dạy ở trường công (dựa trên các đầu tư về cơ sở vật chất, phương tiện dạy học,…). Khi chất lượng giáo dục của một quốc gia được cải thiện, sự phát triển chung về nhiều mặt của quốc gia đó cũng sẽ được hưởng lợi. Mọi người dân trong quốc gia này đều được hưởng lợi từ sự phát triển này. Do đó, lập luận rằng “phụ huynh trường tư không cần phải đóng thuế trường công vì họ không thụ hưởng lợi ích gì từ hệ thống giáo dục công” là hoàn toàn sai, vì khi giáo dục phát triển, đất nước sẽ phát triển theo và tất cả mọi người đều được hưởng lợi. Ngược lại, người không uống rượu bia thì không hưởng lợi gì từ rượu bia nên rõ ràng không cần đóng thuế.
Từ đó, ta thấy phép so sánh ở trên vô cùng khập khiễng và bất hợp lý. Vì phép so sánh không hợp lý nên mọi hiệu quả thuyết phục từ phép so sánh này đều không có giá trị.
Lời giải đề xuất: I believe that requiring parents of private school students to pay taxes for public schools can cause several negative consequences. It is recognisable that tuition fee at private schools are mostly very expensive. If public schools taxes are levied on families of private school students, it may cause unnecessary financial burden for them. As a result, this policy can discourage families from letting their children study at private schools, bringing difficulties for the development of private education.
Bài 2:
Đề: Some people think that all teenagers should be required to do unpaid work in their free time to help the local community. They believe this would benefit both the individual teenager and society as a whole.Do you agree or disagree?
Lập luận trong bài: It is absolutely wrong to force youngsters to do unpaid work against their will. Making adolescents reluctantly help the society is comparable to obliging adults to take an unpaid job. As salary is often regarded as one of the most important consideration for a job, individuals may not be motivated to make the most efficient contribution to the tasks without salary. Similarly, regarding unpaid activities, teenagers may not well complete the involuntary work assigned and they seemingly will waste their time without learning anything.
Lời giải 2:
Ở đoạn văn trên, tác giả đưa ra lập luận không đồng tình với chuyện “yêu cầu thiếu niên làm công ích cho cộng đồng” bằng cách so sánh chuyện đó với chuyện “bắt người lớn làm một công việc bạn không lương”. Từ đó, tác giả khẳng định rằng, làm việc không lương sẽ khiến cho mọi người không hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tương tự như vậy, nếu không có lương, thanh thiếu niên cũng không làm tốt nhiệm vụ và kết quả của việc này chỉ là sự lãng phí thời gian.
Đoạn văn trên đã ghi nhận sự xuất hiện của lỗi Ngụy biện So Sánh Ẩu khi so sánh giữa vấn đề A và vấn đề B. Điểm khác biệt đáng chú ý ở đây là vai trò của tiền lương đối với người lớn và thanh thiếu niên. Với người lớn, tiền lương là nguồn thu nhập chính để duy trì cuộc sống. Do đó, tiền lương đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy năng suất lao động. Trái lại, thanh thiếu niên thường vẫn phụ thuộc vào gia đình và nhận được hỗ trợ tài chính từ phụ huynh. Đối với họ, tiền lương có thể không đóng vai trò quan trọng như với người lớn. Do đó, phép so sánh trên không hoàn toàn chính xác. Khi phép so sánh không được đặt đúng, hiệu quả thuyết phục của nó trở nên không còn hiệu lực nữa.
Khắc phục: Để tránh lỗi ngụy biện So Sánh Ẩu, trong đoạn văn trên, thay vì so sánh với tiền lương của người lớn, người viết có thể xem xét một số hậu quả tiêu cực của việc ép buộc thanh thiếu niên tham gia công việc công cộng và đề xuất giải pháp thích hợp cho vấn đề này.
Lời giải đề xuất: Đầu tiên, cần nhận biết rằng việc học tập tại trường đã làm cho cuộc sống của thanh thiếu niên trở nên căng thẳng đủ rồi. Hiện nay, học sinh phải dành nhiều giờ liên tục để học tập ở trường và hoàn thành nhiều bài tập từ giáo viên ở nhà. Do đó, nên khuyến khích các em dành thời gian rảnh rỗi của mình tham gia các hoạt động giải trí như thể thao hoặc đi chơi với bạn bè để tránh căng thẳng. Hơn nữa, sẽ tốt hơn nếu cho thanh thiếu niên tự chọn các hoạt động ngoại khóa của mình. Thay vì bị ép buộc phải làm việc một cách bắt buộc, các em nên được khuyến khích tham gia vào các câu lạc bộ hoặc tổ chức xã hội phù hợp với sở thích cá nhân của mình. Kết quả là, họ sẽ có cơ hội phát triển kỹ năng xã hội một cách thoải mái và hiệu quả hơn.