Các vấn đề trong phát âm được coi là một trong những vấn đề tương đối khó để khắc phục, nhất là đối với những người mới bắt đầu học Tiếng Anh hoặc có trình độ tương đương IELTS 3.0 – 5.0. Tuy nhiên, bằng cách nhận thức được những lỗi sai của bản thân trong phát âm, tìm ra nguyên nhân và hướng giải quyết, người học có thể cải thiện được những vấn đề này. Bài viết sẽ khái quát các vấn đề trong phát âm thường gặp và đề xuất cách khắc phục cho người học.
Sự quan trọng của việc phát âm trong kỳ thi IELTS
Không chỉ vậy, phát âm cũng có ảnh hưởng tới khả năng nghe của người học. Bằng việc nắm được cách phát âm chuẩn các từ vựng trong Tiếng Anh, người học có thể làm quen với các âm trong Tiếng Anh, cải thiện được kĩ năng nghe cũng như phân biệt được các từ ngữ có cách đọc dễ nhầm lẫn trong bài thi Listening (Ví dụ: khi phân biệt được cách phát âm chuẩn của ba chữ cái và số có cách đọc tương đối giống nhau là “A”, “H”, “8”, người học có thể điền được đúng được chúng trong bài thi).
Những vấn đề thường gặp khi phát âm ở những người ở mức điểm IELTS dưới 6.0
Phát âm các âm tiếng Anh như phát âm tiếng Việt
Nguyên nhân
Vấn đề mà những người ở trình độ tiếng Anh B2 trở xuống thường hay gặp phải nhất là việc phát âm Tiếng Anh như Tiếng Việt – đây là một yếu tố tương đối khó để cải thiện. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận vấn đề này từ gốc rễ, người học có thể tìm ra được cách khắc phục.
Nguyên nhân chính là vì nhiều âm của Tiếng Anh không có trong Tiếng Việt, và cách phát âm của hai ngôn ngữ cũng khác nhau. Vì vậy, người Việt thường có thói quen chuyển những âm khó của Tiếng Anh về những âm quen thuộc trong Tiếng Việt, dẫn đến việc phát âm sai. Đây là yếu tố đầu tiên mà người học cần nhìn nhận và khắc phục ngay để có thể phát âm chuẩn. Thật vậy, rất nhiều người học tuy nhận diện được mặt chữ, biết được nghĩa của các từ vựng nhưng lại không biết cách phát âm, hoặc phát âm sai các từ này. Bởi trong quá trình lớn lên và phát triển, não bộ của người học đã được rèn luyện để nhận diện tốt những âm trong tiếng mẹ đẻ.
Trong quá trình học Tiếng Anh, khi nghe được một âm lạ vốn không xuất hiện trong ngôn ngữ của mình, “hệ thống lọc âm” của não bộ sẽ mặc định cho rằng âm này không có trong bộ nhớ, loại bỏ nó, và tự “gán giá trị” cho âm lạ đó thành âm nghe gần giống nhất trong tiếng mẹ đẻ. Hiện tượng này trong Tiếng Anh được gọi là Interlingual Interference (sự can thiệp của hai ngôn ngữ), đã được chứng minh trong những nghiên cứu về người học ngôn ngữ thứ hai ở các nước trên thế giới: Dhillon – Indonesia (2016), Sudesh Sharma – India (2015)… Ví dụ âm /ð/ không có trong bộ nhớ thường được người học đánh đồng với âm /d/ của Tiếng Việt, dẫn đến việc đọc các từ có âm này không chuẩn: như từ “that” thường được đọc là /dát/. Hoặc như âm /θ/ (think) thường được người học phát âm thành âm th /thờ/ (thinh) trong ngôn ngữ mẹ đẻ.
Nguyên nhân thứ hai đến từ môi trường học Tiếng Anh – có thể người học đã không được tiếp xúc với việc phát âm Tiếng Anh chuẩn ngay từ khi bắt đầu học (từ việc học Tiếng Anh từ cấp 2, cấp 3), dẫn đến việc không chú trọng đến yếu tố phát âm, hoặc không biết cụ thể mình phát âm sai ở đâu để tìm ra giải pháp khắc phục.
Biểu hiện
Một trong những cách học hiệu quả là tìm ra được những vấn đề, lỗi sai của bản thân trong việc học để đưa ra những cách khắc phục. Bài viết sẽ chỉ ra những âm Tiếng Anh mà người học thường có thói quen phát âm như Tiếng Việt để người học có nhận thức sửa lại cách phát âm những âm vị này:
Những phụ âm không phát ra thanh âm
Phụ âm vô thanh là những âm mà khi phát âm không làm rung thanh quản, chỉ đơn giản là những tiếng động nhẹ như tiếng bật, tiếng gió. Đó là các âm /k/, /t/, /θ/, /tʃ/, /p/, /f/, /s/, /ʃ/, /h/. Ví dụ:
/k/ Key
/t/ Table
/θ/ Think
/tʃ/ Chips
/p/ Pen
/f/ Fire
/s/ See
/ʃ/ Shop
/h/ house
Trong thực tế, do các âm này có cách đọc gần giống với các âm trong Tiếng Việt, nên người học thường có xu hướng mượn những âm Tiếng Việt dễ đọc hơn để phát âm hoặc làm điều này trong vô thức mà không nhận ra mình đang phát âm sai. Ví dụ:
Các âm /p/, /k/, /tʃ/ là các âm có cách đọc gần giống các âm /pờ/, /ka/ và /chờ/ nên người mới học Tiếng Anh thường đọc các từ có chứa âm này trong ví dụ ở trên là key /ki/, chips /chíp/, pen /pen/. Tuy nhiên cách phát âm chuẩn của những âm này là phải bật hơi ra chứ không hề làm rung cổ họng như các âm Tiếng Việt, người học hãy thử đặt tay lên cổ họng để kiểm chứng cách phát âm của mình. Phần sau của bài viết sẽ cung cấp một số nguồn để người học có thể tham khảo cách phát âm chuẩn của những âm vị này.
Tương tự, âm /θ/ (VD: think, thought..) cũng có cách phát âm gần giống âm /thờ/ của Tiếng Việt. Đây là một trong số những âm tương đối khó đọc, người học cần đặt lưỡi giữa hai hàm răng và bật hơi ra, chứ không làm rung cổ họng như âm /thờ/.
Hai âm /s/ và /ʃ/ cũng có cách phát âm gần giống nhau, thường được gọi là “sờ nặng và sờ nhẹ”. Trong Tiếng Việt không có âm /ʃ/ mà chỉ có âm /s/ nên người học cũng thường đọc hai âm này như nhau. Ví dụ như cụm từ “She sees” (Cô ấy nhìn) – người học sẽ đọc hai từ này giống nhau /si sis/, trong khi âm /ʃ/ trong từ “She” phải được nhấn mạnh hơn.
Những phụ âm phát ra thanh âm
Phụ âm hữu thanh là những âm mà khi phát âm sẽ làm rung thanh quản. Một số phụ âm hữu thanh có cách phát âm tương đối giống các âm trong Tiếng Việt như /b/, /g/, /v/… người học cần bật hơi thêm một chút so với các âm Tiếng Việt.
/b/ Ball
/m/ Man
/g/ Green
/η/ Sing
/v/ Video
/l/ Light
/z/ Zoo
/j/ Yes
/d/ Dog
/n/ Funny
/dʒ/ Jam
/r/ Right
/ð/ This
/w/ Win
/ʒ/ Visual
Không chỉ vậy, ba phụ âm /dʒ/, /ʒ/, /z/ cũng hay bị người học phát âm như âm /d/ Tiếng Việt, dẫn đến việc phát âm sai. Phần sau của bài viết sẽ cung cấp một số nguồn để người học có thể tham khảo cách phát âm chuẩn của những âm vị này.
Tương tự, âm /ð/ là một trong số những âm mà người học hay phát âm sai nhất. Ví dụ như các từ “this, that, these, those” có âm đầu là /ð/ thường bị người học phát âm là “dít, dát, di, dâu” (thiếu cả âm cuối).
Người học cũng có thể nhầm hai âm /l/ và /n/ nhất là khi âm /l/ đứng ở cuối từ, bởi trong Tiếng Việt âm /l/ không nằm ở cuối bao giờ, dẫn đến viếc phát âm các từ pull, call, will là /pun/, /côn/, /win/.
Bỏ sót âm cuối hoặc phát âm sai âm cuối (ending sounds)
Trong Tiếng Việt, người nói không phát âm những âm cuối của từ, còn đối với Tiếng Anh thì âm cuối là rất quan trọng để phân biệt các từ với nhau. Vậy nên khi bắt đầu học nói Tiếng Anh, người học theo thói quen thường phát âm thiếu âm cuối, dẫn đến việc gây khó hiểu cho người nghe.
Ví dụ: Các từ life /laɪf/ (cuộc sống), light /laɪt/ (ánh sáng), line /laɪn/ (đường thẳng), like /laɪk/ (thích) đều có âm đầu là /l/ và âm đôi / aɪ / nhưng âm cuối khác nhau dẫn đến khác nghĩa. Nếu người học đọc những từ này mà không bật phụ âm cuối thì người nghe có thể hiểu nhầm thành từ “lie” /laɪ/ (dối trá).
Một lỗi phát âm cơ bản khác đó là thêm âm /s/ tùy tiện ở cuối các từ. Người học Tiếng Anh khi bắt đầu có nhận thức về âm cuối rất dễ mắc phải lỗi này, dẫn đến việc ngay cả các âm cuối như /t/, /d/,.. cũng được người học thay bằng /s/.
Sự nhầm lẫn giữa nguyên âm ngắn và nguyên âm dài
Nếu như tiếng Việt chỉ có một loại nguyên âm đơn thì trong tiếng Anh nguyên âm đơn lại được chia thành 2 dạng, nguyên âm đơn ngắn và nguyên âm đơn dài. Các nguyên âm ngắn, dài này góp phần tạo sự khác biệt về mặt phát âm và ý nghĩa của từ. Việc phân biệt âm nào là âm dài, âm nào là âm ngắn khá khó cho người những người mới bắt đầu. Do đó mà nhiều người học thường nhầm lẫn các âm ngắn dài với nhau khi nói tiếng Anh. Ví dụ như:
Sự nhầm lẫn âm /i:/ và âm /ɪ/
Việc phát âm nhầm lẫn hai âm dài, ngắn này sẽ khiến người đối diện hiểu nhầm ý người nói. Ví du như: nếu người nói phát âm từ “leave” với nguyên âm /ɪ/ ngắn thì người nghe có thể hiểu thành từ “live”. Tương tự:
need /ni:d/ – knit /nɪt/
read /ri:d/ – rid /rɪd/
seat /si:t/ – sit /sɪt/
Sự nhầm lẫn âm /ʊ/ và âm /uː/
Người học cũng rất dễ dàng đánh đồng hai âm này thành một. Ví dụ như: hai từ “foot” và “food” thường được người học phát âm như nhau, trong khi cách phát âm chuẩn từ “food” là với nguyên âm /u:/ dài và âm cuối là /d/ khác với từ foot – được phát âm với âm /u/ ngắn và âm cuối là /t/. Tương tự với wood /wu:d/ và would /wʊd/.
Xác định sai số lượng âm tiết trong một từ
Tiếng Việt là ngôn ngữ đơn âm, tức là một từ sẽ được cấu thành từ một âm tiết.
Ví dụ: từ “xinh” là một âm, “đẹp” là một âm. Khi đọc từ “xinh đẹp”: người đọc tách thành hai âm tiết là “xinh” và “đẹp”.
Trong khi đó, tiếng Anh lại là ngôn ngữ đa âm. Một từ tiếng Anh có thể bao gồm nhiều âm tiết khác nhau. Ví dụ: khi đọc từ “English” /ˈɪŋɡlɪʃ/: người đọc ghép hai âm Eng /ɪŋɡ/ và lish /lɪʃ/ lại.
Do bị ảnh hưởng của tiếng mẹ đẻ nên một số người học thường có khuynh hướng xác đinh sai số lượng âm tiết trong một từ như:
Những từ có một âm tiết đôi khi bị người học phát âm thành hai âm tiết. Ví dụ: từ “green” vốn có một âm tiết bị người học đọc tách thành “gờ rin”, trong khi hai âm này phải đọc liền thành một.
Trong một ví dụ khác, khi gặp một từ không quen, người học thường phân tích các âm của từ theo cách đánh vần, như từ “restaurant” thường bị đọc thành “rét – tau – rần”, trong khi phiên âm của từ này là /ˈrestrɒnt/ – hai âm tiết.
Không nhấn trọng âm của từ
Tiếng Việt là ngôn ngữ có ngữ điệu, nghĩa là mỗi từ sẽ có các dấu để phân biệt với các từ khác. Như các từ “hoa – hóa – họa – hòa” tuy vần giống nhau nhưng có dấu khác nhau dẫn đến ý nghĩa khác nhau. Trong khi đó, Tiếng Anh không có ngữ điệu nhưng lại là ngôn ngữ đa âm tiết và tập trung vào cách nhấn trọng âm. Những từ có hai âm tiết trở lên luôn có một âm tiết phát âm khác biệt rõ ràng so với những âm tiết còn lại về độ dài, độ lớn và độ cao. Âm tiết nào được phát âm nhấn mạnh và kéo dài hơn các âm khác trong cùng một từ thì ta nói âm tiết đó được nhấn trọng âm. Hay nói cách khác, trọng âm rơi vào âm tiết đó.
Người mới học Tiếng Anh thường có khuynh hướng không nhấn trọng âm của từ, hoặc nhấn sai trọng âm, gây ra tính tự nhiên giảm đi hoặc trong một số trường hợp gây khó hiểu trong giao tiếp. Ví dụ: việc người học nhấn trọng âm sai hoặc thiếu trọng âm sẽ làm thay đổi ý nghĩa của từ mà người muốn nói như từ “present” có 2 cách đánh trọng âm. Nếu trọng âm rơi vào âm tiết đầu /’prezәnt/, thì “present” sẽ được hiểu là danh từ món quà hoặc hiện tại. Ngược lại, trọng âm rơi vào âm tiết thứ hai /pri’zent/ thì từ này sẽ được hiểu là động từ – đưa ra, giới thiệu, trình bày.