Các thao tác lập luận mà chúng ta đã học bao gồm: thao tác lập luận giải thích, thao tác lập luận phân tích, thao tác lập luận chứng minh, thao tác lập luận so sánh,thao tác lập luận bình luận, thao tác lập luận bác bỏ. Vậy làm thế nào để nhận dạng phân biệt được các thao tác lập luận này? Mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây nhé.
Các thao tác lập luận trong văn nghị luận có vai trò quan trọng, quyết định đến tính chính xác, khả năng thuyết phục người đọc bài văn. Chính vì vậy người hành văn cần nắm vững 6 thao tác dưới đây để gây dẫn chứng thuyết phục người đọc, người nghe. Bên cạnh đó các bạn xem thêm Cách thay thế từ/cụm từ trong bài nghị luận văn học.
I. Lập luận là gì
Xuất phát từ tiền đề (những sự kiện, chân lý được mọi người thừa nhận), dựa trên những lý lẽ chúng ta đi tới những kết luận – đó là lập luận. Có hai loại lập luận: lập luận để chứng minh một chân lý và lập luận để thuyết phục.
Loại lập luận thứ nhất thuộc lôgích hình thức. Đó là toán chứng minh trong hình học, đại số, vật lý, hoá học… dạy trong trường học. Lý lẽ trong loại này là những định lý, định luật, quy tắc… đã biết.
Trong đời thường còn có loại lập luận để thuyết phục, tạo niềm tin, nói sao cốt để người nghe thấy “lọt lỗ tai” rồi tin theo điều mình nói hoặc từ bỏ những xác tín cũ. Lý lẽ chủ yếu ở loại lập luận này là những lôgích đời thường: “ở hiền gặp lành” là lý lẽ về quan hệ nhân quả, “trời kêu ai người ấy dạ” là lý lẽ về số mạng, “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh” là lý lẽ về dòng dõi. Đó là những lẽ thường hay lý lẽ “hiển nhiên là thế”. Loại lập luận này thuộc lôgích phi hình thức. Ở đây lý lẽ có tầm quan trọng hàng đầu. Chất vấn, trả lời, tranh luận trước Quốc hội là những lập luận để thuyết phục.
II. Các thao tác lập luận trong văn nghị luận
1. Thao tác lập luận giải thích
- Định nghĩa: là cắt nghĩa một sự vật, hiện tượng, Định nghĩa để người khác hiểu rõ, hiểu đúng vấn đề.
- Giải thích trong văn nghị luận là làm cho người đọc hiểu rõ được tư tưởng, đạo lí, phẩm chất, quan hệ cần được giải thích nhằm nâng cao nhận thức, trí tuệ, bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm.
- Cách giải thích: Tìm đủ lí lẽ để giảng giải, cắt nghĩa vấn đề đó. Đặt ra hệ thống câu hỏi để trả lời.
2/ Thao tác lập luận phân tích
- Phân tích là chia tách đối tượng, sự vật hiện tượng thành nhiều bộ phận, yếu tố nhỏ để đi sâu xem xét kĩ lưỡng nội dung và mối liên hệ bên trong của đối tượng. Đối tượng phân tích trong môn Văn: Một nhận định, văn bản, tác phẩm, một phần tác phẩm, nhân vật, các yếu tố cụ thể...
- Tác dụng của phân tích là thấy được giá trị ý nghĩa của sự vật hiện tượng, mối quan hệ giữa hình thức với bản chất, nội dung. Phân tích giúp nhận thức đầy đủ, sâu sắc cái giá trị hoặc cái phi giá trị của đối tượng. Riêng đối với tác phẩm văn học, phân tích là để khám phá ba giá trị của văn học: Nhận thức, tư tưởng và thẩm mĩ.
Yêu cầu phân tích: Phải nắm vừngd dặc điểm cấu trúc của đối tượng để chia tác một cách hợp lí. Sau khi phân tích, tìm hiểu từng bộ phận, chi tiết, phải tổng hợp khái quát lại để nhận thức đối tượng đầy đủ, sâu sắc và trình bày ngắn gọn.
3. Thao tác lập luận chứng minh
Thao tác lập luận chứng minh là dùng những bằng chứng chân thực, đã được thừa nhận để chứng tỏ đối tượng.
Cách chứng minh: Xác định vấn đề chứng minh để tìm nguồn dẫn chứng phù hợp. Dẫn chứng phải phong phú, tiêu biểu, toàn diện sát hợp với vấn đề cần chứng minh, sắp xếp dẫn chứng phải logic, chặt chẽ và hợp lý.
Ví dụ minh họa: Hãy chứng minh lời khuyên của nhân dân ta trong câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách” đã được thể hiện tự nhiên trong cuộc sống.
4. Thao tác lập luận so sánh
- Thao tác lập luận so sánh được hiểu là việc đối chiếu hai sự vật, hiện tượng. Việc làm này giúp ta thấy rõ sự giống và khác nhau giữa hai sự vật, hiện tượng ấy. Hơn hết, có hai kiểu so sánh là tương đồng và tương phản.
- Mục đích của việc lập luận so sánh là tìm ra điểm giống và khác nhau giữa các đối tượng. Từ đó, ta có thể đưa ra những nhận xét, đánh giá chung về chúng. Đặc biệt, nó còn giúp bài văn nghị luận cụ thể, sinh động, sức thuyết phục cao hơn.Làm sáng tỏ đối tượng đang nghiên cứu trong mối tương quan với đối tượng khác.
- Cách làm: Đặt đối tượng vào cùng một bình diện, đánh giá trên cùng một tiêu chí, nêu rõ quan điểm, ý kiến của người viết. Luyện tập thao tác lập luận so sánh cần đảm bảo các tiêu chí. Cụ thể như sau: Việc so sánh giữa hai đối tượng phải đảm bảo sự rõ ràng và thực sự có liên quan. Đối tượng đưa ra so sánh phải có mối liên hệ với nhau qua một mặt hoặc một phương diện nào đó. Kết luận rút ra từ quá trình so sánh phải chân thực. Nhờ vậy, việc nhận thức đối tượng đem ra so sánh mới chính xác và sâu sắc hơn. Khi tiến hành lập luận so sánh cần phải đặt các đối tượng vào cùng một bình diện, cùng tiêu chí. Đồng thời, chúng ta tiến hành so sánh mặt giống và khác nhau. Đặc biệt, người nói - người viết phải nêu rõ ý kiến, quan điểm của mình.
5. Thao tác lập luận bình luận
- Định nghĩa: là bàn bạc, nhận xét, đánh giá về một vấn đề .
- Cách bình luận: Trình bày rõ ràng, trung thực vấn đề được bình luận, đề xuất và chứng tỏ được ý kiến nhận định, đánh giá là xác đáng. Thể hiện rõ chủ kiến của mình.
6. Thao tác lập luận bác bỏ
- Định nghĩa: Là cách trao đổi, tranh luận để bác bỏ ý kiến được cho là sai .
- Cách bác bỏ: Nêu ý kiến sai trái, sau đó phân tích, bác bỏ, khẳng định ý kiến đúng; nêu từng phần ý kiến sai rồi bác bỏ theo cách cuốn chiếu từng phần.
- Ý nhỏ phải nằm hoàn toàn trong phạm vi của ý lớn.
- Nếu có thể biểu hiện nội dung của các ý bằng những vòng tròn thì ý lớn và mỗi ý nhỏ được chia ra từ đó là hai vòng tròn lồng vào nhau, không được ở ngoài nhau, cũng không được trùng nhau hoặc cắt nhau.
- Mặt khác, các ý nhỏ được chia ra từ một ý lớn, khi hợp lại, phải cho ta một ý niệm tương đối đầy đủ về ý lớn, gần như các số hạng, khi cộng lại phải cho ta tổng số, hay vòng tròn lớn phải được lấp đầy bởi những vòng tròn nhỏ.
- Mối quan hệ giữa những ý nhỏ được chia ra từ cùng một ý lớn hơn phải ngang hàng nhau, không trùng lặp nhau.
III. Phân biệt các thao tác lập luận trong văn nghị luận
Thao tác | Khái niệm/Yêu cầu/Tác dụng | Cách làm |
---|---|---|
Giải thích | Vận dụng tri thức để hiểu vấn đề nghị luận một cách rõ ràng và giúp người khác hiểu đúng ý của mình | - Giải thích cơ sở: Giải thích từ ngữ, khái niệm khó, nghĩa đen, nghĩa bóng của từ - Trên cơ sở đó giải thích toàn bộ vấn đề, chú ý nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn |
Phân tích | - Chia tách đối tượng, sự vật, hiện tượng thành nhiều bộ phận, yếu tố nhỏ; xem xét kĩ lưỡng nội dung và mối liên hệ. - Tác dụng: thấy được giá trị ý nghĩa của sự vật hiện tượng, mối quan hệ giữa hình thức với bản chất, nội dung. Phân tích giúp nhận thức đầy đủ, sâu sắc cái giá trị hoặc cái phi giá trị của đối tượng. - Yêu cầu: nắm vững đặc điểm cấu trúc của đối tượng, chia tách một cách hợp lí. Sau phân tích chi tiết phải tổng hợp khái quát lại để nhận thức đối tượng đầy đủ, sâu sắc | - Khám phá chức năng biểu hiện của các chi tiết - Dùng phép liên tưởng để mở rộng nội dung ý nghĩa- Các cách phân tích thông dụng + Chia nhỏ đối tượng thành các bộ phận để xem xét + Phân loại đối tượng + Liên hệ, đối chiếu + Cắt nghĩa bình giá + Nêu định nghĩa |
Chứng minh | Đưa ra những cứ liệu - dẫn chứng xác đáng để làm sáng tỏ một lí lẽ một ý kiến để thuyết phục người đọc người nghe tin tưởng vào vấn đề | - Đưa lí lẽ trước - Chọn dẫn chứng và đưa dẫn chứng. Cần thiết phải phân tích dẫn chứng để lập luận chứng minh thuyết phục hơn. Đôi khi em có thể thuyết minh trước rồi trích dẫn chứng sau. |
Bình luận | - Bàn bạc đánh giá vấn đề, sự việc, hiện tượng ... đúng hay sai, hay / dở; tốt / xấu, lợi / hại...; để nhận thức đối tượng, cách ứng xử phù hợp và có phương châm hành động đúng. - Yêu cầu của việc đánh giá là sát đối tượng, nhìn nhận vấn đề toàn diện, khách quan và phải có lập trường tư tưởng đúng đắn, rõ ràng" | Bình luận luôn có hai phần: - Đưa ra những nhận định về đối tượng nghị luận. - Đánh giá vấn đề (lập trường đúng đắn và nhất thiết phải có tiêu chí). |
So sánh | - Là thao tác lập luận nhằm đối chiếu hai hay nhiều sự vật, đối tượng hoặc là các mặt của một sự vật để chỉ ra những nét giống nhau hay khác nhau, từ đó thấy được giá trị của từng sự vật - Có so sánh tương đồng và so sánh tương phản. - Tác dụng: nhằm nhận thức nhanh chóng đặc điểm nổi bật của đối tượng và cùng lúc hiểu biết được hai hay nhiều đối tượng. | - Xác định đối tượng nghị luận, tìm một đối tượng tương đồng hay tương phản, hoặc hai đối tượng cùng lúc. - Chỉ ra những điểm giống nhau giữa các đối tượng. - Dựa vào nội dung cần tìm hiểu, chỉ ra điểm khác biệt giữa các đối tượng. - Xác định giá trị cụ thể của các đối tượng. |
Bác bỏ | - Chỉ ra ý kiến sai trái của vấn đề, trên cơ sở đó đưa ra nhận định đúng đắn và bảo vệ ý kiến lập trường đúng đắn của mình. - Bác bỏ ý kiến sai là dùng lý lẽ và dẫn chứng để phân tích, lí giải tại sao như thế là sai. * Lưu ý: Trong thực tế, một vấn đề nhiều khi có mặt đúng, mặt sai. Vì vậy, khi bác bỏ hoặc khẳng định cần cân nhắc, phân tích từng mặt để tránh tình trạng khẳng định chung chung hay bác bỏ, phủ nhận tất cả. | - Bác bỏ một ý kiến sai có thể thực hiện bằng nhiều cách: bác bỏ luận điểm, bác bỏ luận cứ, bác bỏ cách lập luận hoặc kết hợp cả ba cách. a. Bác bỏ luận điểm: thông thường có hai cách bác bỏ - Dùng thực tế - Dùng phép suy luận b. Bác bỏ luận cứ: vạch ra tính chất sai lầm, giả tạo trong lý lẽ và dẫn chứng được sử dụng. c. Bác bỏ lập luận: vạch ra mâu thuẫn, phi lôgíc trong lập luận của đối phương. |
IV. Ví dụ về quá trình suy luận trong văn bản thuyết phục
1. Ví dụ về quá trình suy luận giải thích:
“So sánh với người trưởng thành, trẻ em sống trong một không gian và một ánh sáng khác nhau. Ở đó, trẻ em tiếp cận thế giới theo cách riêng của họ, nghĩa là họ không nhìn nhận mọi thứ xung quanh dưới góc độ chức năng. Điều này là điểm khác biệt cơ bản giữa trẻ em và người trưởng thành. Với người lớn, ý nghĩa và giá trị của mọi thứ trên thế giới được thu gọn vào hai chữ 'chức năng'. Bạn chỉ cần mở bất kỳ từ điển nào của người lớn mà xem. Họ định nghĩa thế giới này bằng chức năng, và chỉ bằng chức năng. Áo để mặc, ghế để ngồi, răng để nhai và lưỡi để nếm. Cho nên không có gì ngạc nhiên nếu ba tôi quyết định rằng ly mới là thứ để uống nước, còn chai chỉ để đựng nước, khi mọi bậc cha mẹ khác đồng thuận rằng nón che nắng, bút viết và sổ tập được sử dụng như vậy. Trẻ em không quan tâm đến chức năng. Đơn giản vì trẻ em có kho tài nguyên vô hạn: trí tưởng tượng.”
(Xin một vé trở về tuổi thơ – Nguyễn Nhật Ánh)
2. Ví dụ về quá trình suy luận phân tích
“Thành công hay thất bại trong cuộc đời của chúng ta, hạnh phúc hay khổ đau, đó là kết quả của sự lựa chọn. Kinh nghiệm đã chỉ ra cho tôi rằng có ba yếu tố quyết định sự lựa chọn của chúng ta: trí tuệ, giá trị và tầm nhìn. Rõ ràng, trí tuệ đóng vai trò quan trọng trong quá trình lựa chọn. Trí tuệ ở đây là khả năng thu thập thông tin, phân tích nó và hiểu được bản chất của những gì đang diễn ra xung quanh. Tuy nhiên, tôi chú ý nhiều hơn đến hai yếu tố sau: giá trị và tầm nhìn. Giá trị là những điều quan trọng, cần thiết, là những gì chúng ta coi trọng, đáng giá để bảo vệ. Mỗi người có thể có giá trị khác nhau, đó là một sự đa dạng thể hiện thứ tự ưu tiên của họ.”
(Cuộc sống là sự lựa chọn – TS Phạm Thị Ly, Báo Tuổi trẻ Online, 29/4/2013)
3. Ví dụ về thao tác lập luận minh chứng
“Gần đây, một người Nhật sống ở Việt Nam hơn 20 năm đã nhận xét rằng người Việt bây giờ lười biếng hơn 20 năm trước. (…) Người học ít đọc sách, ít tìm hiểu, thường chỉ sao chép từ bài giảng, tài liệu trên mạng mà không suy nghĩ. Không ít học sinh muốn vào đại học để trở thành “thầy”, không muốn học nghề để trở thành “thợ”; một số người chọn ngành nghề dễ kiếm tiền mà không quan tâm đến khả năng thực sự của bản thân. Nhiều người thường thay đổi công việc không phải vì muốn thách thức mới hoặc để tìm môi trường làm việc tốt hơn mà chỉ vì sự lười biếng.”
(Người Việt lười biếng hơn… – Trúc Giang)
4. Ví dụ về thao tác so sánh
“Một cậu bé làm việc trong một cửa hàng sửa xe đạp. Một ngày nọ, một khách hàng mang chiếc xe đạp hỏng đến, cậu bé không chỉ sửa xe mà còn lau chùi nó sạch sẽ. Những người học việc khác chế giễu cậu bé vì họ cho rằng cậu đã làm mất công mà không được thêm tiền công. Nhưng hai ngày sau, người khách quay lại và thấy chiếc xe đã được sửa lại và làm sạch như mới. Người khách đó đã đưa cậu bé vào làm việc tại cửa hàng của mình với mức lương cao hơn. Có lẽ để thành công trong cuộc sống không khó, chỉ cần hy sinh một chút…”
(Trích từ bài “Mọi thứ đơn giản hơn chúng ta nghĩ” – Cửa sổ tâm hồn Việt)
5. Ví dụ về thao tác bình luận
“…Nguy hiểm hơn, thực phẩm bẩn là kẻ giết người âm thầm, gây ra hậu quả và hại cho nhiều thế hệ, làm suy giảm giống loài, liệu người tiêu dùng còn đủ tỉnh táo để phân biệt giữa thực phẩm sạch và bẩn trong mê cung thực phẩm mà họ đang đối mặt, hoặc họ sẽ tiếp tục “nhắm mắt bước chân” vô ý thức…”
Nếu không có biện pháp hiệu quả để ngăn chặn kịp thời, sau 10, 20 năm nữa tỷ lệ mắc ung thư và rối loạn tâm thần ở người Việt sẽ tăng lên đáng kể. Mọi nỗ lực để cải thiện chất lượng cuộc sống, cải tạo dòng dõi sẽ trở nên vô ích trước những người đang đầu độc cộng đồng!
Phát triển sẽ không có ý nghĩa gì nếu không hướng tới việc nâng cao đời sống của người dân, tạo ra một môi trường lành mạnh, an toàn để mỗi cá nhân có thể sống và đóng góp cho xã hội. Tuy nhiên, vấn đề thực phẩm bẩn đang lan rộng như một lời nguyền, đe dọa sức khỏe của cả dân tộc. Nếu không xử lý kịp thời, nó sẽ lan rộng và gây ra những căn bệnh nguy hiểm như ung thư. Hãy hành động ngay hôm nay, đừng để lại cho tương lai phải giải quyết vấn đề này.
(Vấn nạn thực phẩm bẩn, liệu chúng ta sẽ chịu đựng? – Trương Khắc Trà, Báo Dân trí 3/1/2016).
6. Ví dụ về thao tác lập luận phản đối
“Tôi không đồng ý với quan điểm của nhà Sử học Dương Trung Quốc rằng, nếu doanh nghiệp trả lương 3.000 USD thì học sinh sẽ chăm chỉ học môn Sử. Một quan chức đã từng không trách được bày tỏ rằng: “…nếu không biết (về lịch sử) thì… tra google”?
Học môn Sử không chỉ để kiếm sống.
Học môn Sử không chỉ để tích luỹ kiến thức để kiếm tiền.
Học môn Sử là để hiểu về công lao của cha ông, hiểu về quốc gia, về con người và hiểu về những giá trị mà con người đang được hưởng. Học môn Sử còn để tạo nên tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc. Những điều đó mang lại một giá trị không thể đo bằng tiền…”
(Tầm quan trọng của việc học môn Sử – Như Thổ, Báo Tin nhanh Năng lượng mới, ngày 16/08/2011).