Viết là một hình thức để giao tiếp thông qua ngôn từ. Nếu thiếu đi tính mạch lạc, thông điệp của người viết sẽ không thể được truyền tải được đến người đọc. Bài viết vì vậy không thể được xem là một bài viết hoàn chỉnh, mà chỉ là một tập hợp các câu văn độc lập. Như vậy, có thể thấy tính mạch lạc là một yếu tố không thể bỏ qua khi viết. Bài viết sau sẽ giới thiệu đến người đọc tính mạch lạc là gì và các tiêu chí làm nên một bài viết mạch lạc trong IELTS Writing.
Tính mạch lạc là gì?
Trong tổng thể một bài viết (discourse)
Trong một đoạn văn, hoặc giữa các câu văn (inter-sentence)
Trong một câu văn (intra-sentence)
Làm thế nào để thể hiện tính mạch lạc?
Trong một bài viết
Ở cấp độ tổng thể một bài viết, tính mạch lạc được quyết định bởi cách người viết thiết kế bố cục cho các đoạn văn. Để làm rõ ý này, ta cùng phân tích dàn bài một bài luận band 9.0 của thầy Simon – cựu giám khảo IELTS, viết để trình bày luận điểm “Ex-prisioners are the best people to talk to teenagers about the dangers of committing a crime”. (Cựu tù nhân là những người phù hợp nhất để chia sẻ với trẻ vị thành niên về sự nguy hiểm của việc phạm pháp)
Qua cấu trúc trên, ta có thể thấy thông điệp chính của tác giả được truyền đạt rất rõ ràng qua bài viết. Cụ thể hơn, thông điệp đã được giới thiệu ở mở bài, được củng cố bằng hai luận cứ (supporting ideas) ở thân bài và được khẳng định lại một lần nữa với người đọc ở kết bài. Ngoài ra, hai luận cứ tuy liên quan đến thông điệp của bài, nhưng không hề trùng lặp về ý tưởng. Thay vào đó chúng trình bày các lập luận để củng cố cho luận điểm của tác giả, cụ thể là: các thanh thiếu niên sẽ dễ bị thuyết phục bởi những người chia sẻ từ kinh nghiệm và những cách thức khác sẽ không hiệu quả bằng việc cựu tù nhân tự chia sẻ. Bài viết từ đó được mở rộng theo hướng chi tiết hơn, giúp làm rõ hơn thông điệp chính. Kết luận ở cuối bài nhờ vậy mà cũng mang tính thuyết phục hơn với độc giả.
Bên cạnh đó, thứ tự của hai đoạn thân bài cũng không thể được hoán đổi cho nhau. Trong luận cứ 2, tác giả đã so sánh và kết luận rằng những cách thức khác sẽ không hiệu quả bằng việc cựu tù nhân tự chia sẻ. Như vậy, trước tiên bài viết phải cung cấp thông tin về việc cựu tù nhân tự chia sẻ để người đọc có cơ sở so sánh. Nếu chuyển phần thông tin này ra sau, kết luận “không hiệu quả bằng” của tác giả sẽ không còn hợp lý. Cấu trúc của bài viết cũng vì vậy mà mất đi sự liền mạch, khiến cho bài viết không còn mạch lạc.
Trong một đoạn văn
Để một đoạn văn được xem là mạch lạc, các câu văn trong đoạn phải được sắp xếp một cách hợp lý và có sự thống nhất về nội dung để làm rõ thông điệp chính của đoạn.
Để người đọc hiểu hơn về yêu cầu này, chúng ta sẽ cùng phân tích một đoạn văn được trích trong bài luận của thầy Simons, cùng chung chủ đề với phần trên: “Ex-prisioners are the best people to talk to teenagers about the dangers of committing a crime”.
In my opinion, teenagers are more likely to accept advice from someone who can speak from experience (TS). Reformed offenders can tell young people about how they became involved in crime, the dangers of a criminal lifestyle, and what life in prison is really like (S1). They can also dispel any ideas that teenagers may have about criminals leading glamorous lives (S2). While adolescents are often indifferent to the guidance given by older people, I imagine that most of them would be extremely keen to hear the stories of an ex-offender (S3). The vivid and perhaps shocking nature of these stories is likely to have a powerful impact (S4).
(Nguồn: IELTS Writing Task 2: Simon’s Essay Analysis – Toàn Mytour)
Trong đoạn văn trên, ta có thể thấy câu đầu tiên là câu chủ đề (topic sentence – TS) của bài viết IELTS Writing, cũng là thông điệp chính của đoạn. Các câu đi sau (S1, S2, S3, S4) là các luận cứ (supporting ideas) tác giả đưa ra để củng cố cho lý do này. Sự tương quan giữa chúng có thể được phân tích như sau:
Dựa vào sơ đồ trên, ta có thể thấy câu (S2) và (S4) là hai luận cứ chính ủng hộ cho câu chủ đề (TS). Hai luận cứ này đều suy luận dựa trên một tiền đề là những câu chuyện về cuộc sống tội phạm. Nếu như không có câu (S1) để giới thiệu về nội dung trên, các luận cứ sẽ trở nên khó hiểu và không thuyết phục với người đọc. Như vậy, câu (S1) bắt buộc phải xuất hiện trước các câu khác trong đoạn. Để đảm bảo sự mạch lạc cho đoạn văn trên, vị trí của các câu này không thể tùy tiện hoán đổi cho nhau.
Ngoài ra, người học không nên đề cập đến thông tin mới khi chưa liên kết chúng với các nội dung khác trong đoạn. Giả sử tác giả đưa thêm vào đoạn văn trên một ý như sau: “Các bộ phim mang tính giáo dục dù cung cấp nhiều thông tin về việc phạm pháp hơn, nhưng giới trẻ sẽ không có cơ hội tương tác và đặt câu hỏi”. Khách quan mà nói, câu này cùng các câu khác trong đoạn có liên quan về chủ đề là giáo dục trẻ về việc phạm pháp. Thế nhưng vì đa số các câu khác đều xoay quanh những câu chuyện về cuộc sống tội phạm, việc câu trên không đề cập đến nội dung này đã khiến nó tách biệt khỏi tổng thể đoạn văn. Nếu ta thêm câu trên vào bất kì đâu trong đoạn, tính mạch lạc sẽ bị mất đi do giữa các câu văn không có sự thống nhất về nội dung.
Qua phần phân tích trên, có thể rút ra nhận xét rằng tính mạch lạc trong một đoạn văn phụ thuộc vào mối liên kết chặt chẽ về mặt ý nghĩa giữa các câu với nhau. Mối liên kết này có thể được thể hiện bằng các từ nối (linking words) hoặc không (Kuo, 1995). Điển hình là trong đoạn văn được dùng để phân tích xuất hiện khá ít các từ này. Thay vào đó, yếu tố quyết định nằm ở sự sắp xếp các câu văn theo một trình tự hợp lý để đi đến kết luận cuối cùng, tức thông điệp chính của đoạn.
Tính mạch lạc trong một câu
Tiếp tục phân tích bài luận của thầy Simons về chủ đề: “Ex-prisioners are the best people to talk to teenagers about the dangers of committing a crime”, sau đây là một câu được trích trong đoạn 1 của bài:
While adolescents are often indifferent to the guidance given by older people (P1), I imagine that most of them would be extremely keen to hear the stories of an ex-offender (P2).
(Nguồn: IELTS Writing Task 2: Simon’s Essay Analysis – Toàn Mytour)
Dựa trên nghiên cứu của Kuo (1995) về tính mạch lạc và tính liên kết, bài viết đưa ra một cách diễn đạt khác của câu văn trên như sau:
It is assumed that most of them would be extremely keen to hear the stories of an ex-offender (P2), although adolescents are often indifferent to the guidance given by older people (P1).
Với cấu trúc trong câu gốc (P1 – P2), tác giả thể hiện thái độ tích cực và ủng hộ đối với việc “hear the stories of an ex-offender”, từ đó củng cố cho luận điểm của bài là “Ex-prisioners are the best people to talk to teenagers about the dangers of committing a crime”. Trong khi đó, đối với cách diễn đạt sau (P2 – P1), thái độ được thể hiện lại có phần không chắc chắn. Xét về nội dung, dạng chủ động (active voice) được sử dụng trong câu đầu để cho thấy ý kiến đưa ra là của tác giả, mang hàm ý tự tin và khẳng định. Dạng bị động (passive voice) trong IELTS trái lại làm mất đi sự chắc chắn này vì chủ ngữ không còn là đại từ “I” mà là chủ ngữ giả “It”. Hai điều này khiến luận điểm được nêu ban đầu thiếu đi tính thuyết phục, từ đó làm cho thông điệp của câu và của bài viết trở nên không rõ ràng với người đọc. Cách diễn đạt mà bài viết đề xuất vì vậy cũng được xem là không mạch lạc.
Về mặt trực quan hai câu trên dù khá tương đồng về cấu trúc ngữ pháp và từ vựng; thế nhưng chúng lại rất khác nhau về mặt ngữ nghĩa. Thông qua ví dụ này, có thể thấy tính mạch lạc trong một câu thể hiện ở sự tương quan về ý nghĩa giữa câu đó với tổng thể bài viết. Ngoài ra, khi sử dụng các cấu trúc ngữ pháp và từ vựng, yếu tố hình thức chỉ nên là thứ yếu. Thay vào đó, chúng nên được xem là phương tiện để truyền đạt ý đồ của người viết và nên được sử dụng phù hợp với ngữ cảnh.
Tóm tắt
Ở mức tổng thể của bài viết: phải có một sắp xếp hợp lý giữa các đoạn văn để truyền đạt thông điệp chính của bài một cách hiệu quả.
Ở mức độ đoạn văn: cần có một thông điệp chính trong mỗi đoạn để làm rõ hơn cho chủ đề chính của bài. Các câu trong đoạn được tổ chức một cách hợp lý để phát triển thông điệp chính của đoạn.
Ở mức độ câu: Mỗi câu cần phải đóng vai trò cụ thể trong việc diễn đạt ý của đoạn (câu ví dụ, câu mở đầu, câu kết luận, …). Vị trí của các thành phần trong câu, cấu trúc ngữ pháp và từ vựng phải được chọn lựa một cách hợp lý để phù hợp với vai trò đó.
Mặc dù tính mạch lạc có thể được thể hiện theo nhiều cách khác nhau ở các mức độ khác nhau, nhưng nó vẫn liên quan chặt chẽ đến hai yếu tố chính là nội dung (content) và cách tổ chức (organization). Đây cũng là hai tiêu chí quan trọng để đảm bảo tính mạch lạc mà bài viết sẽ giới thiệu trong phần tiếp theo của “Những tiêu chí đảm bảo tính mạch lạc (Coherence) trong IELTS Writing (P.2)“.
Nguyễn Thị Vân Trang