Giấc ngủ là một phần quan trọng cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ nhỏ. Khi trẻ không ngủ đủ giấc, sẽ rất khó chịu vào ban ngày và về đêm sẽ khó khăn để vào giấc ngủ.
Việc nhận biết và thích ứng với nhu cầu ngủ của trẻ để điều chỉnh lại thói quen ngủ là một điều quan trọng mà cha mẹ nên học hỏi. Để việc ngủ không còn là “một cuộc đấu tranh” giữa cha mẹ và con, Mytour sẽ cung cấp cho cha mẹ những thông tin cơ bản về giấc ngủ của trẻ trong 6 tháng đầu đời.
Trẻ nhỏ cần có đủ giấc ngủ để tăng trưởng và phát triển cơ thể. Ảnh: unsplash
Bé cần bao nhiêu thời gian để ngủ?
Ngủ là một hoạt động không thể thiếu của con người. Việc ngủ tốt đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ và điều hành hoạt động của hệ miễn dịch, tốc độ chuyển hóa các chất, trí nhớ, sự học tập và các hoạt động cần thiết khác của một cá nhân.
Đối với trẻ nhỏ, giấc ngủ là một hoạt động giúp tối ưu hóa tăng trưởng và phát triển não bộ. Việc lập thói quen ngủ khỏe mạnh là một phần quan trọng cần được bắt đầu từ khi trẻ mới ra đời.
Mỗi đứa trẻ là khác nhau và do đó có nhu cầu ngủ khác nhau. Có trẻ ngủ rất nhiều và có trẻ lại ngủ ít hơn. Dưới đây là thời gian trung bình mà trẻ ngủ trong 1 ngày (24 tiếng), bao gồm cả giấc ngủ ban ngày và ban đêm:
- Trẻ sơ sinh (dưới 2 tháng tuổi): 16 – 18 giờ, mỗi giấc ngủ khoảng 3 – 4 tiếng.
- 2 đến 6 tháng: 14 – 16 giờ/ngày
- 6 tháng đến 1 tuổi: 14 giờ/ngày
- 1 đến 3 tuổi: 10 – 13 giờ/ngày
- 3 đến 5 tuổi: 10 – 12 giờ/ngày
- 5 đến 10 tuổi: 10 – 12 giờ/ngày
- 10 đến 18 tuổi: 8 – 9 giờ/ngày.
Bé sơ sinh cần ngủ từ 16 - 18 tiếng mỗi ngày. Ảnh: unsplash
Chu kỳ giấc ngủ
Giấc ngủ của con người bao gồm nhiều chu kỳ ngủ. Mỗi chu kỳ có 2 giai đoạn, bắt đầu bằng giai đoạn ngủ sâu (non – REM, mắt không di chuyển nhanh liên tục) và kết thúc với giai đoạn ngủ động (REM, mắt di chuyển nhanh).
Giai đoạn ngủ sâu của con người bao gồm 4 thứ, cụ thể là:
- Trong giai đoạn đầu tiên, trẻ sẽ buồn ngủ, díp mắt lại.
- Giai đoạn thứ 2: ngủ nông, có thể cựa quậy người, dễ giật mình vì tiếng động, kích thích, di chuyển nhỏ.
- Giai đoạn thứ 3 và thứ 4: ngủ sâu và rất sâu, không cựa quậy người và chìm sâu vào giấc ngủ.
Trong giai đoạn ngủ sâu, não sẽ thực sự nghỉ ngơi và vì vậy rất khó bị đánh thức, có người ngủ sâu đến mức động chạm, lay mạnh… cũng không dậy được.
Trong giai đoạn ngủ động con người rất dễ tỉnh giấc, một tiếng động nhỏ cũng khiến giật mình. Đây là giai đoạn não hoạt động nhiều và là giai đoạn xuất hiện những giấc mơ.
Bài viết liên quan: Những sai lầm khiến bé biếng ăn, cha mẹ có đang mắc phải?
Giấc ngủ của trẻ khác biệt so với người lớn như thế nào?
Trong 6 tháng đầu đời, giấc ngủ của trẻ nhỏ khác biệt rất nhiều so với người lớn. Các nhà nghiên cứu cho rằng giai đoạn ngủ động là vô cùng quan trọng trong việc kích thích và hoàn thiện quá trình phát triển não bộ của trẻ.
Chu kỳ ngủ của trẻ nhỏ
Chu kỳ ngủ của trẻ nhỏ ngắn hơn so với người lớn. Ảnh: unsplash
Với người lớn, một chu kỳ ngủ kéo dài khoảng 90 phút, trong đó có ¾ thời gian là ngủ sâu và khoảng ¼ thời gian là ngủ động. Vì vậy, nếu tính một giấc ngủ 8 tiếng, chúng ta có khoảng 6 tiếng ngủ sâu và chỉ có 2 tiếng ngủ nông.
Trong 6 tháng đầu đời, trẻ nhỏ có chu kỳ ngủ hoàn toàn khác. Mỗi chu kỳ ngủ của trẻ ngắn hơn, chỉ khoảng từ 20 phút đến 50 phút. Ngoài ra, thời gian ngủ động của trẻ chiếm đến 50% trong chu kỳ ngủ.
Với trẻ nhỏ, đặc biệt là trong 3 tháng đầu đời, sẽ có 10 – 15 phút ngủ sâu rồi 10 – 15 phút ngủ động và lặp đi lặp lại như vậy trong suốt hơn mười mấy tiếng ngủ tổng cộng trong một ngày của trẻ.
Đây là một trong những lý do chính khiến nhiều bậc phụ huynh cảm thấy rất mệt mỏi, bởi con mình ngủ ít nhưng dễ thức dậy. Vì thời gian ngủ động nhiều, con thường vặn vẹo, trở người… đây là một biểu hiện hoàn toàn bình thường ở trẻ.
Thời gian ngủ động nhiều giúp trẻ dễ dàng báo động cho ba mẹ nếu thiếu năng lượng. Ảnh: unsplash
Thời gian ngủ động chiếm phần lớn trong những tháng đầu của trẻ nhằm hỗ trợ sự phát triển tối ưu của não bộ. Trẻ trong những tháng đầu đời rất yếu và dễ bị tổn thương, không có nhiều năng lượng dự trữ. Khi ngủ động nhiều, trẻ có thể dễ dàng tỉnh dậy để nhận biết các nguy cơ tiềm tàng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và “báo động” cho ba mẹ kịp thời.
Khi đói, trẻ dễ dàng tỉnh dậy để đòi bú thay vì ngủ vùi xuống để hạ đường huyết và thân nhiệt do thiếu năng lượng. Ngoài ra, khi trẻ quá nóng hoặc quá lạnh, bị đau, khó chịu… cũng sẽ dễ dàng tỉnh dậy và phản ứng.
Trong 6 tháng đầu đời, ba mẹ nên linh hoạt điều chỉnh lịch ngủ của trẻ để hỗ trợ tốt nhất, theo nhu cầu và bản năng của con.
Giai đoạn “tỉnh trong yên lặng”
Một điều cần lưu ý, trẻ dưới 6 tháng tuổi khi vừa thức dậy, sẽ có 1 giai đoạn gọi là “tỉnh trong yên lặng”: trẻ mở mắt, im lặng nhìn quanh rồi sau đó chuyển sang giai đoạn tỉnh động, bắt đầu tương tác nhiều và sau đó là giai đoạn khóc.
Khi trẻ vừa thức dậy, mẹ nên cho trẻ bú ngay, nếu để trẻ quá đói có thể từ chối bú sữa. Nếu trẻ không muốn bú, ba mẹ nên bình tĩnh bằng cách ôm ấp, đung đưa, nhẹ nhàng để xoa dịu trẻ.
Có thể bắt đầu tập thói quen ngủ cho trẻ khi trẻ đạt 6 tháng tuổi. Ảnh: unsplash
Sau 3 tháng tuổi, giấc ngủ của trẻ sẽ thay đổi, thời gian ngủ sâu sẽ dài ra và thời gian ngủ động dần ngắn lại. Sau 6 tháng, hầu hết trẻ sẽ có giấc ngủ giống như người lớn, một số vẫn có thể thức dậy một vài lần vào ban đêm cho đến 1 tuổi. Vì vậy, nếu ba mẹ muốn điều chỉnh và tạo thói quen ngủ cho trẻ theo ý muốn, nên bắt đầu khi trẻ đủ 6 tháng tuổi trở lên.
Ngọc Hà tổng hợp từ sách 'Chào con! Ba mẹ đã sẵn sàng' của bác sĩ Trần Thị Huyên Thảo