Có nhiều cách khác nhau để tiếp thu một ngoại ngữ, cụ thể là tiếng Anh. Cách thức truyền thống là thông qua việc học tập và trau dồi từ các loại sách giáo khoa kết hợp hình thức luyện tập thường xuyên với các bài tập vận dụng. Song, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, nhiều hình thức học ngôn ngữ mới được ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu học tiếng Anh của nhiều đối tượng khác nhau. Điển hình trong số đó chính là hình thức học tiếng Anh qua phim ảnh.
Trong khi nhiều người cho rằng việc học tiếng Anh qua những bộ phim là một phương thức mang lại hiệu quả cao, một số khác lại cho rằng hình thức này là không phù hợp hoặc không thể áp dụng được vào quá trình học tập của mình. Trong bài viết sau, tác giả sẽ đưa ra một số phân tích về các mặt tích cực và tiêu cực của hình thức học tiếng Anh qua phim ảnh cũng như đưa ra một số gợi ý để người học có thể áp dụng hiệu quả hình thức vào việc học tiếng Anh của mình.
Phân tích việc học tiếng Anh qua phim ảnh
Các lợi ích của việc học tiếng Anh qua phim ảnh
Học tiếng Anh qua phim ảnh là một hình thức tương đối tiết kiệm và tiện lợi
Không cần quá nhiều cơ sở vật chất để tiến hành hình thức học này. Mỗi người học chỉ cần một chiếc màn hình cùng với một bộ phim chọn sẵn để tiến hành quá trình tiếp thu của mình. Với cuộc sống bận rộn ngày nay, việc tới một trung tâm học tiếng Anh hoặc chỉ đơn giản là ngồi xuống bàn học để đọc sách cũng là một trở ngại lớn với nhiều người. Với hình thức học này người học có thể tiết kiệm một khoản tiền nhất định cũng như hạn chế việc mất đi khoảng thời gian nghỉ ngơi quý giá cho việc di chuyển.
Học tiếng Anh qua phim ảnh cũng được coi là một hình thức giải trí
Dù ở độ tuổi nào, việc học luôn là một việc tương đối khó khăn. Nhiều người học gặp khó khăn trong việc dành ra một khoảng thời gian nhất định để tập trung vào việc học một ngoại ngữ, đặc biệt là sau khi họ đã giành phần lớn ngày để học tập và làm việc. Do đó, con người tìm đến những phương pháp học khác nhẹ nhàng hơn, vượt qua giới hạn của những trang sách vở và bàn học. Từ đó những bộ phim đơn thuần mang tính chất giải trí được nâng cấp lên thành một phương thức học tập ngoại ngữ. Học tiếng Anh qua phim ảnh giúp ta phần nào giảm tải đi áp lực vô hình của quá trình học hay nói dễ hiểu nó giúp chúng ta quên mất rằng bản thân mình đang học. Qua đó việc tiếp thu ngôn ngữ trở nên tự nhiên hơn mà không bị gò bó bởi nội dung của một chương hay một bài học nào.
Học tiếng Anh qua phim ảnh giúp cải thiện kỹ năng nghe nói
Thông qua hình thức học tiếng Anh qua sách vở, người học được làm quen với nhiều mẫu câu khác nhau qua nhiều ví dụ minh họa. Kèm theo sự hướng dẫn của giáo viên, người học cũng có thể học được cách phát âm chính xác của từ vựng hay câu diễn đạt ấy.
Tuy nhiên, những việc đó phần nào là vẫn chưa đủ để giúp người học hình dung ra được chính xác nhất cách phát âm hoặc cụ thể là ngữ cảnh sử dụng của câu văn đó. Khác với hình thức học truyền thống, việc xem phim giúp cụ thể hóa những đoạn hội thoại mà ta thường thấy trên những trang sách, cho ta một bối cảnh, tình huống nhất định khi những từ vựng hay lối diễn đạt ấy được sử dụng.
Hơn hết còn là cách những diễn viên thể hiện đoạn hội thoại ấy. Với một câu diễn đạt thông thường, chỉ cần người nói thay đổi ngữ điệu của mình (intonation) câu nói ấy có thể mang một ý nghĩa hoàn toàn khác với ý nghĩa thông thường. Người diễn viên giúp người xem hiểu được trạng thái và tông giọng của một người khi sử dụng lối diễn đạt đó cũng như giúp họ dễ dàng bắt chước được cách phát âm cũng như cách lên xuống trong của họ.
Những điều này giúp tiếng Anh tiếp thu được một cách thực tế hơn và có thể áp dụng được vào việc giao tiếp thường ngày. Đồng thời, thông qua cách học này người học cũng phần nào phát triển được khả năng phát âm qua việc bắt chước trong vô thức đoạn hội thoại được thể hiện trong phim.
Đồng thời hình thức này cũng giúp người học nâng cao được vốn từ vựng của mình. Khi đoạn phim được bật song song với phụ đề, người học hoàn toàn có thể vừa tiếp thu vốn từ vừa hiểu được nghĩa của từ vựng đó.
Học tiếng Anh qua phim ảnh giúp ta tiếp thu nhiều hơn kiến thức tiếng Anh.
Ngôn ngữ và văn hóa có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Ngôn ngữ là một phần của văn hóa và văn hóa phong phú và đa dạng hơn nhờ có sự phát triển của ngôn ngữ. Trong những bộ phim, dù được thể hiện bằng ngôn ngữ nào, cũng đều ẩn chứa một phần thông điệp về văn hóa và truyền thống của đất nước làm phim đó.
Khi xem phim ngoài mục đích chính là tiếp thu kiến thức tiếng Anh, người học cũng có thể có cơ hội trải nghiệm lối sống sinh hoạt của đất nước trên phim thông qua cách họ sử dụng ngôn ngữ. Qua đó góp phần làm phong phú lối suy nghĩ và hiểu biết của ta về thế giới.
Mặt hạn chế
Đi kèm với những mặt tích cực thì hình thức học tiếng Anh cũng đem lại những bất cập nhất định cho người học, khiến hiệu quả tiếp thu không cao.
Học tiếng Anh qua phim ảnh có thể gây mất tập trung
Trong quá trình xem phim, sẽ không tránh khỏi việc người học bị cuốn vào nội dung, bối cảnh của bộ phim để rồi giành hầu hết thời gian để tập trung vào diễn biến mà quên mất đi một phần mục đích học của mình.
Học tiếng Anh qua phim ảnh không có sự hướng dẫn hoặc chọn lọc có thể dẫn đến việc áp dụng sai kiến thức
Tuy phim được xem như một quyển sách sống với những lý thuyết được cụ thể hóa, không điều gì dám chắc rằng ai đọc quyển sách ấy cũng có thể hiểu hết được nội dung của nó. Để minh họa, trong tiếng Anh hay thậm chí là tiếng Việt đều tồn tại một lỗi diễn đạt châm biếm, mỉa mai hay “sarcarsm” – tức với một câu nói hay một từ vựng tưởng chừng như thông thường nhưng lại mang một tầng nghĩa khác khi được áp dụng vào hoàn cảnh cụ thể.
Người học nếu chỉ nghe thoáng qua lời thoại của diễn viên nhưng không hiểu hết được ngữ cảnh sử dụng cũng như những yếu tố tác động khác như ngữ điệu, ngôn ngữ hình thể thì dễ áp dụng sai; qua đó, không đạt được mục đích giao tiếp.
Đồng thời việc vô tình tiếp thu những từ vựng hay tiếng lóng gây xúc phạm là điều hoàn toàn có thể xảy ra nếu người học không biết cách chọn lọc hoặc không được hướng dẫn cụ thể khi áp dụng phương pháp này.
Học tiếng anh qua phim ảnh không phù hợp với ngữ pháp.
Như đã đề cập, việc sử dụng phương pháp trên giúp người học phần nào tiếp thu được các kiến thức về từ vựng và phát âm một cách tự nhiên và dễ dàng hơn so với hình thức học truyền thống. Tuy nhiên, điều này sẽ khó mà áp dụng được trong trường hợp những mảng kiến thức liên quan đến ngữ pháp.
Người xem có thể trong vô thức lặp lại được một điểm ngữ pháp phức tạp khi xem một bộ phim nhưng tương tự như những từ vựng và tiếng lóng phía trên, sẽ rất khó để biết được cấu trúc ngữ pháp cũng như “dấu hiệu” sử dụng của nó.
Nguyên nhân khiến việc học tiếng Anh qua phim ảnh không hiệu quả và cách khắc phục
Lựa chọn bộ phim không phù hợp
Vì là hình thức học qua phim ảnh, thế nên bộ phim như trở thành một người hướng dẫn, người thầy giúp ta tiếp thu ngôn ngữ. Vậy nên việc lựa chọn được một “người thầy” tốt là một trong những yếu tố quan trọng giúp quá trình học tiếng Anh của ta dễ dàng hơn. Dù vậy nhiều người khi tiếp cận với hình thức học này lại có phần sơ sài, không có tính chọn lọc khi lựa chọn những bộ phim cho mình.
Một số lựa chọn những bộ phim với thời lượng dài hơn mức trung bình, khiến cho quá trình tập trung và cân bằng ý thức học giảm đi đáng kể xuyên suốt. Dẫn đến việc người học dễ chán nản hoặc sẽ không thể tập trung các kiến thức mà chỉ quan tâm đến việc coi phim. Một số khác lại chọn những bộ phim vượt ngoài khả năng mình, những bộ phim với nội dung cũng mang tính chất học thuật cao cũng như chứa đựng nhiều từ vựng thuộc một lĩnh vực chuyên ngành cụ thể.
Đặc biệt là với những người có học ở trình độ trung bình khi tiếp xúc với thể loại phim này sẽ rất khó để tiếp nhận hay thậm chí để hiểu được bộ phim.
Do đó người học cần phải chọn lọc kĩ càng hơn những bộ phim mà bản thân mình muốn xem. Hãy thử bắt đầu với những bộ phim xoay quanh đề tài than thuộc và có tính áp dụng cao như đề tài về cuộc sống, gia đình, trường học; cũng như bắt đầu với những thể loại phim có thời lương tương đối như phim truyền hình, với những tập phim thường kéo dài khoảng 30 phút hoặc những bộ phim ngắn.
Qua đó, người học có cảm giác thoải mái hơn khi xem phim, dễ dàng thấu hiểu đoạn hội thoại được thể hiện trên phim và áp dụng nó vào ngữ cảnh phù hợp nhất. Đồng thời sự tập trung của người học cũng được giữ vững ở mức tốt nhất xuyên suốt thời lượng phim; giúp người học tránh được cảm giác chán nản khi sử dụng phương pháp học này.
Sử dụng phụ đề tiếng Việt chưa đúng cách
Việc sử dụng phụ đề khi học tiếng Anh qua phim ảnh luôn là một điều được khuyến khích. Ở những trình độ vỡ lòng việc có phụ đề giúp người học có thể biết thêm các từ vựng và hiểu được ngữ cảnh câu thoại một cách rõ rang hơn. Tuy nhiên, việc sử dụng phụ đề một cách hợp lý cũng là một việc đáng để lưu tâm.
Một số người học gặp nhiều khó khăn trong việc phải cân bằng giữa hai giác quan là thị giác và thính giác. Họ không theo kịp được với dòng phụ đề tiếng Việt bên dưới sau khi đã nghe đoạn âm thanh dẫn đến tình trạng người học phải “đuổi theo” phụ đề.
Khi việc đa nhiệm gặp nhiều khó khắn hãy thử chia nhỏ công việc làm hai. Người học có thể thưởng thức bộ phim “chay” không phụ đề sau đó quay lại ghi chú lại nội dung sau khi đã kết hợp với phụ đề. Việc chia nhỏ trên giúp não bộ có thể tập trung tối đã vào một việc nhất định giúp quá trình tiếp thu nhẹ nhàng và tự nhiên hơn.
Việc tua lại đoạn phim còn giúp người học nghe lại được nội dung câu thoại cũng như nắm bắt được rõ các yếu tố khác về bối cảnh và tình huống có thể chi phối việc ứng dụng của đoạn hội thoại. Ngoài ra, có những phần mềm với chức năng giúp đưa phụ đề lên trước câu thoại khoảng từ 2-3 giây. Việc này giúp người học có thêm thời gian để đọc và hiểu được trước nội dung trò chuyện trước khi được nhân vật trên phim thể hiện.
Người học cần luôn ý thức được mục đích của việc học qua phim ảnh
Tuy hình thức học trên là một cách để giúp người học giảm tải khối lượng lý thuyết cũng như thoát ly khỏi phương pháp học truyền thống, giúp người học đạt được mục đích của việc “vừa học vừa chơi”. Tuy nhiên, việc đó cũng không làm thay đổi cốt lõi của hình thức trên là phần nào dành cho việc học.
Trong lúc giải trí, người học cần luôn ý thức rằng bản thân mình nên tiếp thu những kiến thức từ bộ phim chứ không chỉ đơn thuần để các lời thoại và cảnh phim vụt qua trong thoáng chốc. Đồng thời với bản chất của phương pháp trên là sao chép, người học cũng cần phải thực hành tại chỗ những đoạn thông mà mình vừa nghe được như là một cách để ghi nhớ cách phát âm và từ vựng.
Không kết hợp với các phương pháp học khác.
Dù hình thức học này giúp ta tiếp thu tiếng Anh một cách nhẹ nhàng nhất, người học không nên coi đây là phương pháp học duy nhất của mình. Như đã phân tích phía trên, người học dù tiếp thu được một vốn từ hoặc lối diễn đạt nhất định khi xem phim nhưng để có thể sử dụng hiệu quả cho các kỹ năng khác như viết người học cần phải được bổ trợ tốt về những mặt ngữ pháp. Nếu chỉ tiếp thu tiếng Anh qua phim, người học sẽ không khai thác được hết những kiến thức từ nó cũng như dẫn đến việc học lệch.
Phương pháp học qua phim có thể được coi như một hình thức bổ trợ cho quá trình học tiếng Anh. Nếu muốn tiến bộ một cách toàn diện, người học cần phải đồng thời tiếp thu kiến thức từ những hình thức truyền thống khác – thông qua sách vở và giáo trình luyện tập. Dù có những giới hạn về quỹ thời gian, hãy cố giành cho mình khoảng thời gian để tiếp thu các mảng kỹ năng khác để ôn luyện và phân tích những đoạn hội thoại học được trên phim xem liệu cấu trúc ngữ pháp diễn viên sử dụng là gì và áp dụng nó chính xác nhất.
Học tiếng Anh qua phim là một quá trình
Yếu tố sẽ tập trung vào quan điểm của một số bạn học qua trải nghiệm của họ. Họ thích coi nhiều phim để hấp thụ kiến thức, với quan niệm rằng coi nhiều sẽ tiến bộ nhanh hơn. Nhưng hành động này khiến việc học trở nên quá tải, khiến cho cả giải trí và học tập đều không hiệu quả.
Rất khó để nhận thấy sự tiến bộ rõ ràng khi học tiếng Anh qua phim ảnh. Đòi hỏi quá trình học phải bao gồm việc tiếp thu, luyện tập và suy ngẫm để áp dụng nội dung phim vào đời sống một cách chính xác.
Thay vì cố gắng xem nhiều phim, hãy chọn một bộ phim mà bạn thấy thú vị và hứng thú nhất để có thể ghi chú lại các cụm từ và từ vựng thích hợp. Xem phim cũng là cách trải nghiệm văn hóa nghệ thuật. Thông qua việc xem lại, bạn có thể nhận biết được những chi tiết được lồng ghép vào phim, qua đó tôn trọng nỗ lực của những người làm phim.