Khi người học lo lắng về việc nghe hiểu tiếng Anh thì khả năng nghe của họ cũng trở nên kém hiệu quả hơn. Vì vậy, nỗi lo về việc nghe tiếng Anh có thể làm người học gặp khó khăn khi làm bài tập luyện nghe, hoặc khiến họ không thể hiện được toàn bộ năng lực của mình khi làm bài thi IELTS Listening. Bài viết này sẽ giúp người học nhận diện nỗi lo nghe hiểu tiếng Anh của bản thân, giải thích cho người học tính chất và nguyên nhân và giới thiệu một số phương pháp người học có thể dùng để vượt qua nỗi lo âu trong IELTS Listening.
Key takeaways
Nỗi lo khi nghe tiếng Anh có thể xuất phát từ quá trình tiếp nhận thông tin bằng tiếng Anh, quá trình xử lý thông tin bằng tiếng Anh, hoặc quá trình luyện nghe tiếng Anh nói chung.
Để giảm lo âu khi tiếp nhận thông tin tiếng Anh, người học có thể chọn bài nghe phù hợp hơn với trình độ của bản thân và định hướng nội dung trước khi nghe.
Để giảm lo âu khi xử lý thông tin tiếng Anh, người học có thể ưu tiên hiểu ý nghĩa tổng quát của bài thay vì nhận diện mọi từ vựng của bài nghe và ứng dụng phương pháp note-taking khi làm bài.
Để giảm lo âu do thiếu tự tin về khả năng nghe của bản thân, người học có thể thay đổi cách suy nghĩ để chấp nhận rằng lỗi sai là một phần tất yếu trong quá trình học và ăn mừng mọi sự tiến bộ của bản thân.
Tổng quan về nỗi lo âu khi nghe tiếng Anh
Nhận diện nỗi lo âu khi nghe tiếng Anh
Nỗi lo âu khi nghe tiếng Anh là một nhánh cụ thể trong Foreign Language Anxiety, và được định nghĩa là nỗi lo sợ hoặc e ngại của người học khi phải lắng nghe và hiểu tiếng Anh (MacIntyre & Gardner, 1994).
Khi lo âu về việc nghe hiểu tiếng Anh, người học có thể có một số biểu hiện như:
Cảm thấy rằng mình sẽ bỏ lỡ chi tiết quan trọng trong bài nghe nếu để bản thân bị phân tâm chỉ trong giây lát
Cảm thấy hoang mang khi không hiểu tất cả từ vựng trong bài thi nghe tiếng Anh
Cảm thấy rất lo lắng nếu bài nghe chỉ được đọc một lần
Cảm thấy rất khó khăn để nghe hiểu tiếng Anh khi có bất cứ tiếng ồn nào xung quanh
Cảm thấy hoảng sợ khi không nghe được từ khoá trong bài nghe
Cảm thấy khó chịu khi người học không chắc rằng mình hiểu được những gì đang được nghe trong tiếng Anh.
Tác động của lo âu đối với quá trình hiểu tiếng Anh
Nỗi lo âu khi nghe tiếng Anh không phải là hệ quả của khả năng nghe hiểu kém mà là một nguyên nhân của nó. Nghiên cứu của Zhang (2013) đã chỉ ra rằng khi người học càng lo lắng về việc nghe hiểu tiếng Anh thì điểm IELTS Listening của họ sẽ giảm, và khi độ lo lắng của họ giảm thì điểm IELTS Listening của họ sẽ tăng.
Đây là vì quá trình nghe hiểu kết hợp rất nhiều quá trình xử lý của não bộ như phân tích ngữ nghĩa và độ hữu dụng của thông tin, và đồng thời yêu cầu sự tập trung cao cùng khả năng ghi nhớ thông tin tốt. Nỗi lo âu có thể làm cản trở những quá trình này của não bộ, và vì vậy, làm ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng nghe hiểu của người học (MacIntyre & Gardner, 1994). Vậy nên, khi cải thiện được nỗi lo âu này thì người học có thể nâng cao khả năng nghe hiểu và đạt thành tích cao hơn cho IELTS Listening.
Phương pháp giảm bớt lo âu khi tiếp nhận thông tin bằng tiếng Anh
Những yếu tố gây ra lo âu khi tiếp nhận thông tin bằng tiếng Anh
Tiếp nhận thông tin bằng tiếng Anh là quá trình người học nghe tiếng Anh và chuyển hoá âm thanh nghe được thành những từ vựng. Nói cách khác, đây là quá trình người học nhận diện những từ vựng được nói trong bài nghe.
Một số yếu tố có thể gây khó khăn cho người học trong quá trình này là:
Bài nghe về một chủ đề không quen thuộc
Bài nghe bao gồm quá nhiều từ vựng mới
Bài nghe được nói với một accent không quen thuộc, hoặc từ vựng được phát âm khác với cách người học thường gặp
Những yếu tố trên có thể khiến người học cảm thấy khó hiểu mỗi khi nghe tiếng Anh và dần gây nên cảm giác hoang mang hoặc lo sợ khi nghe tiếng Anh.
Chọn bài nghe phù hợp với trình độ tiếng Anh của người học
Một số người học có thể nảy sinh lo âu về việc nghe tiếng Anh vì thường xuyên phải nghe những bài nghe quá khó so với trình độ của bản thân. Điều này có thể do người học đặt một mục tiêu điểm quá cao so với năng lực và quỹ thời gian của bản thân; hoặc do người học chọn một lộ trình ôn tập không phù hợp.
Tuy rằng tiến bộ nhanh là điều hầu hết người học đều mong muốn, thúc đẩy bản thân để phát triển kỹ năng nghe quá nhanh có thể phản tác dụng, làm người học cảm thấy lo âu mỗi khi nghe tiếng Anh và giảm khả năng nghe hiểu của họ. Vì vậy, đối với người học thường xuyên cảm thấy lo lắng vì bản thân không thể hiểu được bất cứ gì trong bài nghe, họ có thể giảm lo âu về việc nghe tiếng Anh bằng cách chọn những bài nghe phù hợp hơn với trình độ của bản thân.
Bài nghe phù hợp với trình độ của người học là bài nghe về một chủ đề quen thuộc, không bao gồm quá nhiều từ vựng mới và được nói với một tốc độ phù hợp với người học. Mục đích của phương pháp là để người nghe có cơ hội để áp dụng kiến thức và vốn từ sẵn có của bản thân về những chủ đề quen thuộc và nâng cao kỹ năng nghe hiểu của mình với một tốc độ vừa phải, tránh gây căng thẳng và lo âu không cần thiết khi làm một bài nghe quá khó với trình độ của mình. Hơn nữa, sử dụng phương pháp này có thể dần giúp người học loại bỏ niềm tin sai lầm rằng mình không đủ năng lực để nghe hiểu tiếng Anh hoặc tiếng Anh quá khó, để giảm nỗi lo âu nói chung về khả năng nghe hiểu tiếng Anh của người học.
Một số nguồn người học có thể sử dụng để tìm bài nghe phù hợp với trình độ bản thân là:
British Council, bao gồm nhiều bài nghe từ cấp độ Beginner A1 đến Advanced C1 cùng nhiều loại bài tập đi kèm, như trắc nghiệm, điền vào chỗ trống hay sắp xếp thứ tự thông tin, để người học kiểm tra mức độ nghe hiểu của mình.
TalkEnglish, bao gồm hơn 100 bài nghe cho 3 cấp độ Beginner, Intermediate, và Advanced cùng bài tập trắc nghiệm đi kèm mỗi bài nghe.
Ello
Khi ôn luyện với những bài nghe phù hợp với năng lực của bản thân, người học có thể phát triển khả năng nghe hiểu ở một tốc độ hợp lý, giúp giảm lo âu trong quá trình học và luyện nghe tiếng Anh.
Định hướng nội dung trước khi nghe
Một số người học phản ánh rằng họ cảm thấy khi lo lắng và bối rối khi nghe tiếng Anh vì họ không hiểu được thể loại của bài nghe, mục đích của bài nghe, hoặc thông tin họ cần tìm khi nghe (Tahsildar & Shah, 2014; Vogely, 1998). Một cách để vượt qua nỗi lo này là định hướng nội dung trước khi nghe.
Với phương pháp này, trước khi bắt đầu một bài nghe, người học có thể xác định trước chủ đề mình sẽ nghe, mục đích của bài nghe, bối cảnh hoặc tình huống đang xảy ra trong bài nghe, và thông tin cần tìm trong bài. Nếu được, người học cũng có thể xem trước hoặc đoán trước một số từ vựng sẽ xuất hiện trong bài và viết chúng thành một danh sách để tiện tham khảo khi làm bài nghe. Người học có thể sử dụng phương pháp này trong quá trình ôn luyện kỹ năng nghe tiếng Anh.
Phương pháp này phù hợp cho những người học thường cảm thấy mất phương hướng khi nghe hoặc hay lo lắng vì sợ nghe thiếu thông tin. Nếu bài nghe cung cấp thông tin về ngữ cảnh trước khi bắt đầu đoạn hội thoại, người học có thể dừng đoạn nghe lại để điền thông tin định hướng trước khi tiếp tục nghe.
Ví dụ:
Transcript của bài IELTS Listening: tại đây
You will hear a woman introducing the Lunar Realm Amusement Park. First you have some time to look at questions 11 to 15.
Câu hỏi nghe hiểu:
Định hướng nội dung trước khi nghe:
Chủ đề | Amusement park |
Mục đích của bài nghe & Nội dung có thể gặp | Introducing an amusement park → Might include information on:
|
Bối cảnh | A woman introduces the Lunar Realm Amusement Park |
Thông tin cần tìm (dựa trên câu hỏi nghe hiểu) |
|
Từ vựng có thể gặp trong bài |
|
Trong những trường hợp bài nghe có cung cấp thêm thông tin thì phương pháp này có thể giúp giảm bớt độ lo âu để người học có thể thoải mái và tập trung hơn vào bài nghe (Gonen, 2009). Khi người học có nhiều luyện tập hơn với việc định hướng nội dung trước khi nghe thì quá trình này có thể diễn ra nhanh chóng hơn và tự động hơn, giúp người nghe giảm lo lắng khi tiếp xúc với một bài nghe mới.
Phương pháp giảm bớt lo âu khi xử lý thông tin tiếng Anh
Những yếu tố dẫn đến lo âu khi xử lý thông tin tiếng Anh
Quá trình xử lý thông tin tiếng Anh là khi người học xác định ngữ nghĩa của từ vựng đang nghe và từ đó, hiểu ý nghĩa của bài nghe.
Một số vấn đề người học có thể gặp phải trong quá trình này là:
Bài nghe được nói quá nhanh
Lo lắng quá mức về việc gặp từ vựng mới trong bài nghe
Không có đủ thời gian để suy nghĩ trước khi trả lời câu hỏi nghe hiểu
Quên những thông tin vừa nghe được
Những yếu tố này có thể khiến người học cảm thấy lo âu trong quá trình nghe hiểu tiếng Anh.
Ưu tiên ý nghĩa tổng quát thay vì ý nghĩa của từng từ vựng
Một số người học tiếp cận bài nghe bằng cách lắng nghe và cố gắng hiểu từng từ ngữ được nói trong bài thay vì xác định ý nghĩa bao quát của bài nghe. Tuy rằng việc nghe thông tin chi tiết là cần thiết để hoàn thành bài nghe một cách xuất sắc, việc tập trung quá mức vào mọi từ vựng trong bài có thể gây nên cảm giác lo âu và căng thẳng cho người học. Khi đó, người học có thể bị mắc kẹt ở một vài từ vựng không hiểu mà bỏ lỡ những đoạn nghe sau (Vogely, 1998).
Trong trường hợp này, người học có thể ưu tiên tiếp cận bài nghe một cách tổng quát để hiểu bao quát được nội dung nghe và bỏ qua hoặc đoán nghĩa của những từ vựng mình không hiểu dựa trên ngữ cảnh của bài.
Xét ví dụ sau:
Transcript của bài IELTS Listening:
Hello everyone. Do you use the internet? If I asked you, what is the single most common topic for advertisements on the net, I suspect ads for weight loss would win hands down. After all, dieting is one of our current obsessions. We’ve all heard of the Atkins diet, the macrobiotic plan, the South Beach diet, the raw food eating plan; all of these fad diets and many more promise that you will lose kilos and live a healthy life if you just follow their plan.
Câu hỏi nghe hiểu:
There are many popular fad diets nowadays. They all promise good health if you stick to the ………
Kể cả khi người học không hiểu nghĩa của những từ in đậm trong đoạn transcript trên, họ vẫn có thể có đủ thông tin về ngữ cảnh và ý nghĩa tổng quát của đoạn nghe để điền từ vào chỗ trống cho câu hỏi trong bài, vì câu trả lời chỉ nằm trong phần in nghiêng của transcript. Ngược lại, nếu người học tập trung quá mức vào những từ vựng mình không hiểu nghĩa, người học có thể mải suy nghĩ về những từ mình chưa biết mà bỏ qua thông tin quan trọng của đoạn nghe.
Vì vậy, nếu nỗi lo âu của người học xuất phát từ việc không hiểu tất cả từ vựng trong bài nghe, người học có thể thay đổi cách tiếp cận để ưu tiên hiểu ý nghĩa tổng quát của đoạn nghe thay vì từng từ vựng. Khi sử dụng cách tiếp cận này trong quá trình ôn luyện nghe, người học có thể giảm thiểu mức độ lo lắng của bản thân khi gặp những từ vựng mình không hiểu, đồng thời luyện tập khả năng giữ bình tĩnh khi làm bài.
Áp dụng phương pháp ghi chú khi tham gia bài nghe
Trong trường hợp này, người học có thể ứng dụng phương pháp note-taking để ghi chép lại những thông tin trọng điểm của đoạn nghe một cách ngắn gọn nhưng vẫn giữ được nội dung của đoạn nghe. Với những ghi chép này, người học có thể nhìn lại những thông tin mình đã nghe được sau khi đoạn nghe đã hoàn tất, để giảm việc quên thông tin và tăng thêm thời gian phân tích ngữ nghĩa của đoạn văn trước khi trả lời câu hỏi nghe hiểu.
Ví dụ:
Transcript của IELTS Listening
Woman: Can I ask if you’ve considered a P.I.E. as an alternative investment option?Man: A pie?Woman: Yes, it stands for Personal Investment Entity – it’s an investment trust – your earnings tend to be higher than they are for a term deposit, because 28 per cent is the maximum tax on those earnings.Man: OK, that sounds interesting. I’ve heard of those, but I’ve never really understood them. I thought they were called ‘pies’, and they always sounded like something you eat! But I’d sure like to get a bigger slice of my investment pie!Woman: Well, with a P.I.E., your investment return changes, depending on how much tax you normally pay.Man: Oh, I see, according to my income bracket.
Ví dụ trên cho thấy rằng tuy rằng đoạn nghe dài và chứa nhiều thông tin, những từ khoá và thông tin trọng điểm trong đoạn ghi chú vẫn đủ để người học có thể trả lời câu hỏi nghe hiểu của bài. Vì vậy, nếu nguồn lo âu của người học nằm ở việc nghe hiểu và xử lý thông tin thì họ có thể cân nhắc sử dụng phương pháp note-taking khi làm bài nghe để giảm tải áp lực xử lý thông tin nhanh để từ đó giảm lo âu về việc nghe hiểu tiếng Anh.
Ngoài ra, người học có thể tham khảo những phương pháp note-taking hiệu quả nhất cho từng loại câu hỏi trong IELTS Listening như Multiple-choice và Matching.
Phương pháp giảm bớt lo âu do thiếu tự tin vào khả năng nghe tiếng Anh
Chấp nhận rằng việc mắc lỗi là một phần của quá trình học
Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng những người học lo âu về việc học tiếng Anh thường có tính cầu toàn cao hoặc theo chủ nghĩa hoàn hảo. Điều này có nghĩa là, so với những người không lo âu về tiếng Anh thì những người có lo âu thường bận tâm đến việc mắc lỗi sai và thường nghi ngờ khả năng của bản thân nhiều hơn.
Như vậy, khi người học không đạt được tiêu chuẩn rất cao của bản thân, như khi không hiểu từ vựng hoặc trả lời câu hỏi sai, thì họ có thể phản ứng và chỉ trích bản thân thái quá, dẫn đến việc tự nghi ngờ khả năng của bản thân và dần gây nên lo âu khi tiếp xúc với tiếng Anh. Vì vậy, nếu nỗi lo âu về việc nghe tiếng Anh của người học xuất phát từ việc này, người học có thể giảm lo âu bằng cách thay đổi góc nhìn về việc mắc lỗi khi học tiếng Anh.
Gặp những thông tin mà người học không hiểu nghĩa hoặc trả lời sai những câu hỏi trong bài tập tiếng Anh là những việc bình thường khi học tiếng Anh và không phản ánh năng lực tiếng Anh của người học. Vì vậy, người học được khuyến khích “mạo hiểm” đoán ý nghĩa của từ mới và đoán câu trả lời dựa trên những thông tin mình biết.
Khi người học chấp nhận rằng mắc lỗi sai là một điều tất yếu khi học tiếng Anh, họ có thể giảm nỗi bận tâm về việc xấu hổ hoặc mất mặt khi trả lời sai (Yan & Horwitz, 2008). Đồng thời, thông qua những lỗi sai, người học có thể xác định được những lĩnh vực mà mình cần cải thiện (Aebersold & Field, 2003). Hơn nữa, khi người học thông cảm hơn với lỗi sai của bản thân, họ có thể trở nên tự tin hơn vào khả năng học tiếng Anh của bản thân và giảm độ lo âu khi tiếp xúc hoặc nghe tiếng Anh (Atasheneh & Izadi, 2012).
Ủng hộ mọi sự tiến bộ của bản thân
Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng khi những người học có lo âu về việc học tiếng Anh có xu hướng so sánh bản thân với người khác một cách quá mức và thường xuyên tự đánh giá thấp năng lực của mình. Điều này tạo áp lực cho người học vì họ cảm thấy bản thân không đủ giỏi so với người khác, và từ đó, gây nên cảm giác lo âu khi học tiếng Anh. Nếu người học nhận ra rằng đây là nguồn gốc của nỗi lo âu của bản thân thì họ có thể bắt đầu thay đổi cách suy nghĩ về việc học tiếng Anh bằng cách ăn mừng mọi sự tiến bộ của mình.
Điều này có nghĩa là, thay vì tập trung vào khả năng và điểm số của người khác, người học có thể chuyển sự tập trung vào sự tiến bộ của mình, kể cả những bước tiến bộ nhỏ. Người học có thể ghi chép lại mọi thành tích mà bản thân đạt được dù lớn hay nhỏ vào một quyển sổ.
Ví dụ:
Trả lời chính xác loại câu hỏi khó mà trước đó không làm được
Nghe và hiểu được một đoạn hội thoại về một chủ đề mới
Không tự trách bản thân khi đoán sai ý nghĩa của từ vựng mới
Có khả năng hiểu được khái quát nội dung khi nghe một bài hát tiếng Anh
Người học cũng có thể thưởng cho bản thân vì những tiến bộ này. Việc ăn mừng mọi sự tiến bộ của bản thân không chỉ giúp người học tập trung vào quá trình học của mình, mà còn có thể giúp người học tự tin hơn vào khả năng tiếng Anh của mình.
Song song với quá trình này, người học cũng có thể tăng cường những lời nói tích cực về bản thân thay vì tiêu cực, để giảm bớt nỗi lo âu khi nghe tiếng Anh một cách hiệu quả nhất.