Học tập nói chung hay việc học tiếng Anh nói riêng là một khái niệm không xa lạ đối với các độc giả. Khi tiếp cận một chủ đề mới, với cách học truyền thống, đa phần bạn đọc sẽ tiếp thu kiến thức bằng cách đọc sách, ghi nhớ, và thậm chí luyện tập nhiều lần để thành thạo kiến thức đó. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là, liệu với phương pháp quen thuộc này, bạn đọc có đang thực sự “học” kiến thức mới không, hay chỉ “ghi nhớ” chúng mà thôi? Để trả lời câu hỏi trên, bài viết sau đây sẽ giới thiệu và hướng dẫn bạn đọc áp dụng kỹ thuật Feynman (The Feynman Learning Technique) vào việc nâng cấp hiệu quả học tập của mình và đồng thời cũng thay đổi góc nhìn của bạn đọc về khái niệm "học tập".
Key takeaways: Kỹ thuật Feynman rèn luyện cho người học thói quen giải thích lại những kiến thức đã có một cách đơn giản và dễ hiểu nhất, từ đó "thông tin" ở các nguồn tài liệu sẽ trở thành "kiến thức" mà người học có thể vận dụng tốt trong thực tế. Để áp dụng hiệu quả kỹ thuật này vào việc học, bạn đọc cần thực hiện đầy đủ 4 bước theo trình tự như sau:
Bước 1: Chọn chủ đề/khái niệm cần học
Bước 2: Tự giải thích lại chủ đề/khái niệm vừa học
Bước 3: Xác định lỗ hổng kiến thức
Bước 4: Đơn giản hóa chủ đề/khái niệm đã học
Tổng quan về kỹ thuật Feynman
Khái niệm kỹ thuật Feynman
Cha đẻ của kỹ thuật Feynman là ông Richard Feynman, một nhà vật lý lý thuyết đã từng đoạt giải Nobel Vật lý vào năm 1965. Bên cạnh việc là một nhà khoa học, Feynman còn là một giáo viên giỏi, bởi vì ông có thể giải thích tất cả những khái niệm khó nhất theo cách đơn giản và dễ hiểu cho hầu hết tất cả mọi người.
Chính vì thế, kỹ thuật Feynman, một kỹ thuật học tập được đặt theo tên ông, là một phương pháp giúp người học có thể tiếp thu tất cả mọi kiến thức ở các lĩnh vực khác nhau một cách hiệu quả và nhanh chóng, bằng việc luyện tập giải thích kiến thức đã học sao cho thật sự dễ hiểu. Bằng cách áp dụng 4 bước đơn giản của kỹ thuật này, bạn đọc hoàn toàn có thể nâng cao hiệu quả học tập của mình ở bất kỳ lĩnh vực nào trong thực tế:
Bước 1: Chọn chủ đề/khái niệm cần học
Bước 2: Tự giải thích lại chủ đề/khái niệm vừa học
Bước 3: Xác định lỗ hổng kiến thức
Bước 4: Đơn giản hóa chủ đề/khái niệm đã học
Vì sao nên áp dụng kỹ thuật Feynman khi học tập?
Khi tiếp cận một khái niệm mới, Richard Feynman phân biệt rõ việc "biết tên" và việc "hiểu" khái niệm. Nói cách khác, khi tiếp nhận thông tin bằng việc đọc sách, xem video hay từ bất kì nguồn tài liệu nào khác, đa phần người học chỉ mới dừng lại ở việc biết hoặc ghi nhớ các khái niệm mà chưa thật sự học kiến thức mới. Điều này sẽ khiến người học dễ quên và khó áp dụng kiến thức về lâu dài, bởi lẽ việc học không dừng lại ở việc ghi nhớ thông tin để đối phó với các bài kiểm tra mà nằm ở sự vận dụng kiến thức trong thực tế.
Khác với phương pháp học truyền thống, kỹ thuật Feynman hướng người học đến việc đơn giản hóa thông tin thông qua quá trình học và giải thích lại khái niệm vừa học, điều này làm người học ghi nhớ và hiểu thông tin một cách hoàn thiện và đầy đủ hơn.
Đối tượng nào có thể sử dụng kỹ thuật Feynman?
Kỹ thuật Feynman sẽ là một sự lựa chọn hoàn hảo cho việc tiếp thu khái niệm mới, hay nói cách khác là việc chuyển hóa thông tin thành kiến thức, và kỹ thuật này dành cho:
Người học nói chung cần ghi nhớ lượng kiến thức mới (ví dụ một doanh nhân đang học các khái niệm kinh doanh, hay một lập trình viên cần hiểu các thuật toán,...)
Học sinh, sinh viên đang ôn luyện cho những bài kiểm tra hoặc kì thi
Giáo viên đang tìm kiếm một phương pháp học tập hiệu quả để vừa trau dồi kiến thức, vừa cải thiện khả năng truyền đạt tới học viên
Độc giả gặp khó khăn với phương pháp ghi nhớ truyền thống, muốn tiếp cận một phương pháp học tối ưu, hiệu quả và tiết kiệm thời gian hơn.
Nếu bạn đọc sở hữu một trong những yếu tố nói trên, hãy tiếp tục với bài viết này để biết được cách áp dụng kỹ thuật Feynman vào những khó khăn mình đang gặp phải.
Quy trình thực hiện
Bước 1: Lựa chọn chủ đề/khái niệm để học
Ở bước đầu tiên, người học cần xác định kiến thức mà mình muốn học và bắt tay vào việc thu thập thông tin cần thiết. Sau khi đã chọn được nội dung cần học, bạn đọc có thể bắt đầu tìm hiểu chủ đề này bằng cách đọc các bài báo, bài viết hoặc xem những video liên quan. Từ đó bạn đọc ghi chú lại những điều đã học được vào sổ tay riêng.
Ví dụ, bạn đọc là một thí sinh IELTS cần tìm hiểu về bất lợi và lợi ích của quy trình mua sắm trực tuyến. Khi sử dụng kỹ thuật Feynman cho việc học, trước tiên bạn đọc tìm tư liệu và tổng hợp lại kiến thức vào giấy ghi chú. Cụ thể, đối với việc mua sắm trực tuyến, bạn đọc liệt kê được quy trình như trong hình dưới đây:
Online shopping process:
Access to shopping platforms
Find the products to purchase
Compare the price of the same items from different sellers
Order the desired item
Paying process
Item being delivered
Receive
Bước 2: Tự diễn giải lại chủ đề/khái niệm đã học
Sau khi đã hoàn thành bước một, bạn đọc cố gắng giải thích lại những khái niệm/kiến thức mình vừa học cho một người khác. Đây có thể là một người thân trong gia đình hoặc một người bạn hoàn toàn không biết gì về chủ đề được chọn. Một mẹo nhỏ là bạn đọc nên xem họ như một đứa trẻ, để từ đó cố gắng sử dụng ngôn ngữ đơn giản nhất có thể, giúp họ hiểu được vấn đề hoặc khái niệm mình đang giải thích.
Ở bước này, bạn đọc bắt đầu sử dụng từ ngữ của mình để giải thích về cách hoạt động của việc mua hàng online, và cố gắng giải thích thật chi tiết từng bước một. Trong quá trình giải thích về chủ đề, bạn đọc nhận ra mình vẫn chưa biết vì sao quy trình này mang lại lợi ích cho khách hàng, lợi ích đó là gì, cụ thể ở bước nào,... Hơn nữa, quy trình trên có bất lợi nào hay không. Nếu có thì giữa bất lợi và tiện ích, cái nào sẽ chiếm phần hơn ? Đây là những câu hỏi mà bạn đọc cần tìm hiểu lại khi sang bước tiếp theo.
Bước 3: Phát hiện những điểm yếu trong kiến thức
Ở bước này, bạn đọc sẽ nhìn thấy được lỗ hổng trong kiến thức mình vừa học thông qua việc giải thích ở bước hai. Bạn đọc luôn nhớ rằng, điều cốt lõi của kỹ thuật Feynman chính là chỉ khi hiểu rõ được vấn đề, người học mới có thể giải thích nó một cách trôi chảy và đơn giản. Vì thế những điểm mà bạn đọc gặp phải khó khăn khi giải thích, hoặc những câu hỏi từ người nghe mà bạn đọc không trả lời được ở bước trên chính là lỗ hổng kiến thức cần trau dồi. Sau khi xác định được những thông tin mà bản thân chưa thật sự tiếp thu được, bạn đọc tập trung học lại đúng phần kiến thức đó và hoàn thiện phần bài học của mình.
Quay lại những câu hỏi chưa có lời giải ở bước hai, bạn đọc bắt đầu quay lại những tài liệu mà mình có, tập trung vào các lợi ích và bất lợi của chủ đề, xem những nội dung này phát sinh ở bước nào. Từ đó, bạn đọc ghi chú lại phần giải thích rõ ràng và đầy đủ thông tin hơn như sau:
Bước 4: Đơn giản hóa chủ đề/khái niệm
Ở bước cuối cùng, bạn đọc xem lại phần giải thích của mình. Ở những điểm còn những từ ngữ phức tạp, hãy cố gắng đơn giản hóa nó. Bạn đọc cũng có thể sắp xếp lại thông tin theo dạng biểu đồ hoặc mindmap để có cái nhìn tổng quan về chủ đề hơn.
Áp dụng vào chủ đề đang học, sau khi đã hoàn tất toàn bộ ba bước trên, bạn đọc đã có thể vẽ được biểu đồ như hình bên dưới, thể hiện quy trình mua sắm trực tuyến, đồng thời nêu ra các lợi ích và bất lợi của nó bằng từ ngữ đơn giản và dễ hiểu nhất. Với sơ đồ này, bạn đọc hoàn toàn có thể tự tin nói về Online Shopping mà không cần xem lại tài liệu học.
Khi hoàn thành 4 bước trên, bạn đọc sẽ hiểu rõ về chủ đề mua sắm trực tuyến. Để kiểm tra kiến thức của mình, bạn đọc có thể tìm câu hỏi IELTS liên quan để ôn tập và luyện thi. Nếu còn bỡ ngỡ, hãy quay lại bước đầu để củng cố kiến thức.
Ưu điểm của kỹ thuật Feynman
Khi tự giải thích lại kiến thức, người học có cơ hội xác định phần nào đã hiểu rõ và phần nào cần luyện tập thêm. Với chủ đề Mua sắm trực tuyến, việc giải thích quy trình giúp người học nhận ra mình chỉ hiểu bề ngoài, cần nâng cao kiến thức để hiểu sâu hơn.
Luyện tập giải thích lại cũng giúp người học phát triển kỹ năng diễn đạt và giải thích một cách đơn giản, súc tích và dễ hiểu.
Tư duy logic và tư duy phản biện của người học cũng được cải thiện qua việc xác định lỗ hổng kiến thức, đặt câu hỏi để giải quyết và nhìn nhận vấn đề chi tiết hơn.
Tổng hợp các lợi ích trên, kỹ thuật Feynman đã giúp người học tiếp cận hiệu quả với các chủ đề khó trong tiếng Anh và các lĩnh vực khác như toán học, vật lý, công nghệ...