Một con rắn đột ngột xuất hiện trước mặt ở nơi hoang dã thật sự là một trải nghiệm kinh hoàng, đặc biệt khi không biết đó là loài gì. Vết cắn của rắn độc có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Cách tốt nhất để xác định con rắn đó có độc hay không là tìm hiểu về các loài rắn sống trong khu vực. Bạn cũng nên tìm hiểu về các đặc điểm của các loài rắn độc phổ biến. Nếu bị cắn, bạn cần tìm sự chăm sóc y tế ngay lập tức.
Các bước
Xác định các loài rắn độc phổ biến

Quan sát đầu rắn hình tam giác để nhận diện rắn lục (viper). Ở Mỹ, rắn pit viper là loài rắn độc phổ biến nhất. Chúng có đầu lớn hình tam giác, phần rộng nhất ở phía sau và rộng hơn nhiều so với cổ. Pit viper cũng có một hốc lõm trên mặt ở giữa mắt và mũi để cảm nhận nhiệt độ và giúp định vị con mồi. Để nhận diện rắn viper, bạn cần chú ý đến đặc điểm như đầu rắn hình tam giác, hốc lõm trên mặt và con ngươi thẳng đứng như mắt mèo.
- Rắn pit viper phân bố ở châu Âu, châu Á, châu Phi và khắp châu Mỹ.
- Các loài pit viper ở Bắc Mỹ bao gồm nhiều loài rắn đuôi chuông và rắn nước moccasin, hay còn gọi là rắn hổ mang nước (cottonmouth).
Cảnh báo: Không phải mọi con rắn có đầu tam giác đều là rắn độc, và có nhiều loài rắn độc có đầu nhỏ và con ngươi tròn. Đừng hoàn toàn dựa vào các đặc điểm này để nhận diện rắn độc!

Nhận diện rắn đuôi chuông qua các vòng sừng hoặc nút sừng của chúng. Rắn đuôi chuông thuộc họ rắn pit viper và là loài rắn độc phổ biến nhất ở châu Mỹ. Ngoài đặc điểm đầu hình tam giác và thân mình dày, điểm đặc trưng nhất của rắn đuôi chuông là vòng sừng ở chóp đuôi. Một số con chỉ có một nút (một đoạn sừng) ở chóp đuôi hoặc đuôi cụt nếu đã bị mất vòng sừng.
- Bạn cũng nên biết về các màu sắc và hoa văn của các loài rắn đuôi chuông. Ví dụ, loài rắn đuôi chuông lưng kim cương, như cái tên đã gợi ý, có hình kim cương dọc theo sống lưng.

Nhận diện rắn san hô qua màu sắc của nó. Rắn san hô là một loại rắn độc có màu sắc sặc sỡ, sống ở châu Mỹ và một số vùng thuộc châu Á và Thái Bình Dương. Rắn san hô không thuộc họ rắn pit viper – chúng có kích thước nhỏ, đầu hơi tròn và con ngươi cũng tròn. Mặc dù màu sắc và hoa văn của rắn san hô có khác nhau, bạn thường có thể nhận diện bằng cách quan sát các dải màu đỏ, vàng và đen sặc sỡ của chúng.
- Miền đông nam Hoa Kỳ có câu “Đỏ cạnh vàng, giết chết nàng. Đỏ cạnh đen, không hại em”. Vần điệu của câu này có thể nhắc bạn nhớ sự khác biệt giữa rắn san hô độc và rắn vua vô hại – rắn vua không có các dải màu đỏ và vàng kề nhau.
- Tuy nhiên, một số loài rắn không độc khác cũng có các dải màu đỏ và vàng kề nhau, do đó câu ngạn ngữ này không phải lúc nào cũng đúng.

Quan sát miệng màu xanh đen của rắn mamba đen. Nếu bạn sinh sống hoặc đến châu Phi hạ Sahara, bạn có thể gặp phải rắn mamba đen có nọc độc chết người. Loài rắn này dài (đến 4,3 m), có màu ô liu hoặc xám. Bạn có thể nhận diện rắn mamba đen qua màu xanh đen đặc trưng bên trong miệng mà con rắn sẽ cho bạn thấy khi nó sợ hãi hoặc cảm thấy bị đe dọa.
- Rắn mamba có họ hàng với rắn hổ mang, và chúng có hành vi giống nhau khi bị đe dọa. Nếu bị dồn đuổi, rắn mamba đen có thể ngóc đầu lên và phùng mang quanh cổ.
- Tương tự như rắn san hô và rắn hổ mang, rắn mamba đen thuộc họ rắn hổ, không phải rắn lục. Chúng có đầu nhỏ và con ngươi tròn.

Chú ý đến mang rắn để nhận diện rắn hổ mang. Loài rắn độc khét tiếng này sống ở nhiều vùng thuộc châu Á, châu Phi và Thái Bình Dương. Đặc điểm điển hình nhất của rắn hổ mang là phần mang xung quanh đầu và cổ rắn mà chúng thường bạnh ra khi cảm thấy nguy hiểm, kèm theo đó là tiếng phì phì đe dọa. Một số con còn có thể phun nọc độc vào kẻ tấn công.
- Bạn cũng có thể nhận ra một số loại rắn hổ mang qua các hoa văn đặc trưng của chúng. Ví dụ, rắn hổ mang Ấn Độ có một cặp “mắt giả” nối liền nhau trông như kính đeo mắt ở sau mang.

Hiểu về các loài rắn độc trong vùng bạn sống. Có nhiều loài rắn độc sống trên thế giới và bạn cần xem xét ngoại hình, hành vi và vị trí địa lý để nhận diện chúng. Tìm sách hoặc thông tin trực tuyến để tìm hiểu về loài rắn độc trong khu vực của bạn.
- Ví dụ, ở Oregon, Mỹ, loài rắn độc phổ biến nhất là rắn đuôi chuông miền Tây.
- Không có đặc điểm cụ thể nào cho thấy một con rắn không có độc. Để nhận biết chúng, bạn cần tìm hiểu từng loài rắn trong vùng của bạn và các đặc điểm riêng biệt của chúng.

Phân biệt các loài rắn giống nhau. Một số loài rắn không độc có thể giống với loài rắn độc. Nếu vùng bạn sống có nhiều loài rắn giống nhau, bạn cần nghiên cứu kỹ lưỡng từng loài để nhận biết chúng.
- Ví dụ, rắn hổ mang nước moccasin thường bị nhầm lẫn với rắn nước vô hại. Bạn cần quan sát kỹ hình dạng của chúng để phân biệt. Rắn hổ mang nước có thân dày và đầu tam giác, còn rắn nước có thân thon và đầu nhỏ.
- Rắn săn chuột thường bị nhầm lẫn với rắn đuôi chuông vì màu sắc và hành vi tương tự nhau. Tuy nhiên, rắn săn chuột có đuôi nhọn và không có vòng sừng như rắn đuôi chuông.

Chụp ảnh các loài rắn bạn gặp để tham khảo. Nếu bạn gặp một con rắn mà không biết loại nó, hãy cố gắng chụp ảnh bằng điện thoại hoặc máy ảnh. Bạn có thể dùng ảnh này để tra cứu hoặc so sánh với các hình ảnh trực tuyến.
- Đừng nguy hiểm bằng cách cố chụp ảnh quá gần! Hãy giữ khoảng cách an toàn.
- Nếu không có ảnh, bạn có thể sử dụng Google Image Search để tìm hình ảnh tương tự. Ví dụ, tìm kiếm “rắn đen cổ vàng ở Pennsylvania” sẽ hiển thị hình ảnh của rắn vòng cổ Bắc.
Nhận biết triệu chứng khi bị rắn cắn

Đi cấp cứu ngay khi bị rắn cắn. Nếu bị rắn cắn – ngay cả nếu bạn nghĩ rằng nó không độc – hãy đến phòng cấp cứu hoặc gọi dịch vụ cấp cứu. Vết cắn của rắn không độc cũng có thể nguy hiểm nếu không được chữa trị kịp thời.
- Rửa vết thương bằng xà phòng và nước nếu có thể, và nhớ giữ vùng bị cắn thấp hơn tim. Hãy cởi ra nếu có quần áo, đồng hồ hoặc trang sức siết chặt vào vết thương và gây sưng.

Quan sát các dấu hiệu nghiêm trọng sau vết cắn của rắn độc. Sau khi bị rắn cắn, hãy chú ý các biểu hiện. Thông báo cho nhân viên cấp cứu hoặc bác sĩ biết về các triệu chứng để họ có thể xác định loại nọc độc và cách điều trị. Các biểu hiện khi bị rắn độc cắn bao gồm:
- Vùng cắn đau, đỏ, sưng hoặc bầm tím
- Tê liệt xung quanh miệng hoặc mặt
- Khó thở
- Tim đập nhanh
- Yếu đuối
- Chóng mặt, ngất xỉu
- Đau đầu
- Buồn nôn hoặc nôn mửa
- Mờ mắt
- Sốt
- Co giật
Cảnh báo: Mặc dù dấu hiệu của 2 răng nanh thường là dấu hiệu của vết cắn của nhiều loài rắn độc, nhưng không phải tất cả rắn đều cắn theo cách này. Đừng chỉ nhìn vào hình dạng của vết cắn để đoán loại rắn đã cắn bạn có nọc độc hay không.

Chú ý đến vết cắn nhẹ, ngứa và sưng của rắn không độc. Nếu bị rắn không độc cắn, các triệu chứng thường nhẹ nhàng. Tuy nhiên, bạn vẫn cần đi gặp bác sĩ để kiểm tra. Nếu không điều trị, vết cắn của bất kỳ loài rắn nào cũng có thể dẫn đến nhiễm trùng nghiêm trọng, và một số người có thể dị ứng với nước bọt của rắn. Các triệu chứng khi bị rắn không độc cắn bao gồm:
- Vùng cắn đau
- Đỏ và sưng nhẹ
- Vết thương chảy máu
- Ngứa ở vùng cắn
Lời khuyên
- Có thể bạn đã nghe nói rằng hầu hết các loài rắn đều có nọc độc, nhưng điều này không đúng. Trên thực tế, chỉ có khoảng 15% số loài rắn trên thế giới gây nguy hiểm cho con người. Mặc dù bạn cần cẩn thận và xử lý mọi con rắn như rắn độc, nhưng đừng giả định rằng tất cả rắn bạn gặp đều là rắn độc.
- Đừng giết chết rắn nếu chúng không tấn công bạn. Rắn giúp kiểm soát số lượng động vật gặm nhấm và các loài gây hại khác có thể lây truyền bệnh cho con người.
- Nếu bạn muốn bắt một con rắn, hãy sử dụng bẫy rắn là một lựa chọn an toàn.
- Khi không chắc chắn về loài rắn bạn gặp có độc hay không, hãy coi như nó có nọc độc và tránh xa!
- Đừng tiếp cận đám cỏ nếu bạn không chắc có rắn ẩn trong đó hay không.
- Khi đối phó với rắn hổ mang phun nọc, hãy chắc chắn rửa sạch tất cả quần áo, ống kính máy ảnh và thiết bị khác sau khi xử lý con rắn. Đeo kính râm hoặc kính bảo hộ để tránh nọc độc dính vào mắt.
- Nếu bị rắn độc cắn, hãy cố gắng nhận dạng nó! Một cách hiệu quả để làm điều này là sử dụng điện thoại chụp ảnh từ khoảng cách an toàn. Việc nhận dạng có thể giúp cứu mạng bạn vì nó giúp chuyên gia y tế chọn loại huyết thanh kháng nọc phù hợp.
Cảnh báo
- Mọi vết cắn, dù của rắn không độc, cũng có thể gây nhiễm trùng. Luôn luôn tìm kiếm sự chăm sóc y tế và cố gắng xác định con vật đã cắn bạn.
- Người bị rắn độc cắn có thể tử vong nếu không được cấp cứu ngay lập tức sau vụ cắn.
- Không bao giờ cố gắng bắt rắn trong tự nhiên. Nếu bạn chắc chắn rằng con rắn không độc và quyết định bắt nó, hãy làm điều đó một cách nhẹ nhàng mà không làm con vật cảm thấy đe dọa. Sử dụng cây bắt rắn là một phương tiện hữu ích nếu được sử dụng đúng cách.
- Tránh cố gắng bắt con rắn khi nó phì phì, rung đuôi chuông, ngóc đầu lên và uốn cổ thành hình chữ S hoặc đang phun nọc, bởi những biểu hiện này chỉ ra rằng con rắn đang cảnh báo bạn và sẽ tấn công nếu bạn không rời đi.