1. Cảm lạnh là gì?
Cảm lạnh là tình trạng cơ thể xuất hiện những triệu chứng liên quan đến hệ hô hấp như hắt hơi, sổ mũi,... Cảm lạnh do nhiều loại virus gây ra, và khả năng lây lan của bệnh rất cao. Với hơn 200 loại virus, sức đề kháng của cơ thể không đủ để chống lại tất cả, đặc biệt là ở trẻ nhỏ và những người có sức đề kháng yếu.
Mặc dù không quá nguy hiểm, nhưng nếu để bệnh kéo dài mà không điều trị hoặc điều trị không đúng cách thì cảm lạnh có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng. Từ viêm mũi họng cấp tính có thể phát triển thành viêm phế quản hoặc thậm chí viêm phổi. Vì vậy, việc phòng tránh cảm lạnh từ ban đầu là rất quan trọng.
Cảm lạnh có thể lặp lại nhiều lần ở một người, đặc biệt là ở trẻ em do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện
2. Nguyên nhân, triệu chứng và biến chứng của cảm lạnh
Nguyên nhân gây ra cảm lạnh
Như đã đề cập ở trên, cảm lạnh là do virus gây ra. Trong số hơn 200 loại virus gây cảm lạnh, khoảng 50% là do virus rhinovirus, phần còn lại bao gồm các loại virus như: virus hợp bào hô hấp, virus parainfluenza, adenovirus, coronavirus và metapneumovirus. Trong số đó, virus rhinovirus đặc biệt nguy hiểm vì không chỉ gây cảm lạnh mà còn kích thích hen suyễn và có liên quan đến nhiễm trùng xoang và tai.
Do virus gây ra, cảm lạnh có thể tái phát liên tục ở một người. Trung bình một năm, người lớn có thể mắc 3 - 6 lần, còn ở trẻ nhỏ, con số này có thể lên đến 10 - 12 lần. Tuy nhiên, đây chỉ là con số trung bình, vẫn có người trong năm không mắc lần nào, nhưng cũng có người mắc nhiều hơn. Và điều này không có gì là bất thường. Số lần mắc cảm lạnh phụ thuộc vào độ tuổi, sức đề kháng cũng như biện pháp phòng bệnh của từng người.
Cảm lạnh có thể lây truyền từ người này sang người khác qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với nước bọt hay dịch tiết của người bệnh. Thậm chí, chỉ cần người bệnh ho hoặc hắt hơi mà người đứng cạnh không đeo khẩu trang thì vẫn có thể bị nhiễm bệnh. Vì thế, cả người bệnh và người tiếp xúc nên thực hiện biện pháp phòng tránh để ngăn chặn lây lan.
Ho, hắt hơi, sổ mũi là các triệu chứng dễ nhận biết nhất khi bị cảm lạnh
Triệu chứng của cảm lạnh
Dấu hiệu của cảm lạnh dễ nhận biết. Thông thường, khi bị virus tấn công, người bệnh thường xuất hiện các triệu chứng sau:
-
Hắt hơi.
-
Nghẹt mũi.
-
Sổ mũi.
-
Đau rát họng.
-
Ho.
-
Chất nhầy (đờm) chảy xuống cổ.
-
Chảy nước mắt.
-
Mệt mỏi, đau cơ, nhức đầu, chán ăn.
-
Nhiệt độ cơ thể tăng cao. Trẻ em có thể gặp tình trạng sốt, phát ban.
Những triệu chứng này thường xuất hiện sau 2 - 5 ngày tiếp xúc với virus và thường giảm sau 1 - 2 tuần.
Biến chứng của cảm lạnh
Nếu không được điều trị hiệu quả, cảm lạnh có thể gây ra nhiều biến chứng như viêm phế quản cấp, viêm phổi cấp, viêm xoang, viêm tai giữa,… Đối với những người mắc hen suyễn, khí phế thũng, viêm phế quản mạn, khi mắc cảm lạnh, bệnh sẽ trở nên nghiêm trọng hơn với những cơn kích phát cấp tính. Vì vậy, cần phải có phương pháp điều trị cảm lạnh kịp thời để tránh gây ra những biến chứng nguy hiểm.
Nếu không chữa trị một cách hiệu quả, cảm lạnh có thể gây ra nhiều vấn đề phức tạp cho sức khỏe
3. Phương pháp phòng tránh cảm lạnh hiệu quả
“Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, từ đầu bạn cần tích cực phòng tránh cảm lạnh để bảo vệ cơ thể khỏi những yếu tố gây bệnh. Vậy làm thế nào để ngăn ngừa cảm lạnh? Dưới đây là một số biện pháp bạn có thể thực hiện để duy trì lối sống lành mạnh.
Thường xuyên rửa tay
Việc rửa tay thường xuyên là biện pháp cần thiết để loại bỏ bụi bẩn và tiêu diệt vi khuẩn trên tay.
Tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng.
Không đưa tay bẩn lên mắt, mũi, miệng để ngăn ngừa virus xâm nhập vào cơ thể.
Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch là cách hiệu quả để phòng tránh bệnh cảm lạnh.
Tránh tiếp xúc với người bị bệnh cảm lạnh.
Bệnh cảm lạnh có thể lây từ người này sang người kia, vì vậy hạn chế tiếp xúc với người bệnh là biện pháp hiệu quả để phòng tránh.
Cả người bệnh và người khỏe đều nên đeo khẩu trang khi giao tiếp.
Khi hoặc hắt hơi, người bệnh cần quay mặt đi phía khác và sử dụng khăn giấy để che miệng, mũi. Sau đó, vứt khăn giấy vào thùng rác.
Người bệnh cần rửa tay và mặt sau khi hoặc hắt hơi.
Sau khi tiếp xúc với người bệnh, người khỏe cần rửa tay và mặt kỹ càng bằng xà phòng và nước sạch. Rửa tay thường xuyên là biện pháp quan trọng để đảm bảo an toàn.
Thực hiện vệ sinh nhà cửa hàng ngày.
Thường xuyên lau dọn nhà cửa, đặc biệt là các khu vực và vật dụng mà nhiều người tiếp xúc như tay nắm cửa, điều khiển tivi, điều hòa... Một môi trường sống sạch sẽ và thông thoáng giúp mọi người trong gia đình luôn khỏe mạnh và an toàn.
Hi vọng những chia sẻ trên sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh cảm lạnh và áp dụng những biện pháp phòng tránh đơn giản nhưng hiệu quả.