Cách sử dụng thuốc giảm đau do sỏi thận
Điều trị cơn đau sỏi thận chủ yếu là giảm đau và xử lý điểm tắc nghẽn trong đường tiết niệu. Bác sĩ sẽ kê đơn các loại thuốc giảm đau sỏi thận như chống viêm không steroid, chống co thắt và giãn cơ. Nếu các loại thuốc này không hiệu quả, có thể bác sĩ sẽ cân nhắc sử dụng morphin tiêm tĩnh mạch để giảm cơn đau.
1. Cơn đau do sỏi thận là gì?
Sỏi thận hình thành là do khoáng chất hoặc muối acid kết tinh trong nước tiểu, có thể nằm yên trong thận hoặc di chuyển đến niệu quản, nếu sỏi thận quá lớn thì không thể di chuyển ra khỏi thận, dễ bị kẹt trong niệu quản gây đau. Các bệnh lý hẹp khúc nối bể thận niệu quản, thận đa nang, thận vôi hóa, hẹp niệu quản, trào ngược bàng quang niệu quản, giãn ống thận, nhiễm toan ống thận, cường cận giáp, các bệnh lý đường tiêu hóa như hội chứng Crohn, bệnh u hạt, tiêu chảy mãn tính, nhiễm trùng đường tiết niệu, chứng kém hấp thu và phẫu thuật cắt dạ dày để giảm béo có thể dẫn đến hình thành sỏi.
Khi sỏi xuất hiện trong thận, đường tiết niệu sẽ bị co thắt, bóp chặt gây tắc, nước tiểu bị ứ đọng làm tăng áp lực lên bể thận dẫn đến những cơn đau sỏi thận.
Đau dữ dội, đau quặn thận khởi phát từ một bên thắt lưng hoặc cả 2 bên hạ sườn, lan dần từ thắt lưng cùng ra phía trước đến hố chậu hoặc xuống phía dưới đùi và có thể lan sang bộ phận sinh dục là biểu hiện của cơn đau sỏi thận đặc trưng nhất. Nếu sỏi nhỏ hoặc vừa ở bể thận hoặc niệu quản chỉ gây đau nhẹ âm ỉ vùng thắt lưng, hông. Nếu sỏi ở cổ bàng quang hoặc lọt ra niệu đạo gây đau kèm theo bí tiểu. Trường hợp sỏi phát triển thành những viên sỏi to hơn thì bạn sẽ cảm thấy đau khi ngồi lâu, khi thay đổi tư thế đột ngột là do áp lực chèn ép của sỏi lên các khu vực mô xung quanh thận. Cơn đau có thể kéo dài từ 20 đến 60 phút, thậm chí là trong vài giờ, có lúc kèm theo tiểu máu, ớn lạnh, sốt.
2. Cách dùng thuốc giảm đau do sỏi thận
Cần phải giảm đau và xử lý điểm tắc nghẽn, cục máu đông hay mủ vì nhiễm trùng để điều trị giảm cơn đau sỏi thận. Dưới đây là các thuốc dùng để giảm đau do sỏi thận được bác sĩ chỉ định.
2.1. Thuốc giảm đau chống viêm không steroid
Đau quặn thận giảm sau khi uống thuốc kháng viêm không steroid thường dùng là Piroxicam dạng tiêm bắp, Efferalgan dạng truyền tĩnh mạch, Indomethacin dạng đặt hậu môn.
Nếu điều trị bằng thuốc kháng viêm không steroid không hiệu quả thì chuyển sang thuốc giảm đau sỏi thận Opioid mạnh hơn. Bác sĩ tiêm thuốc Lidocain trực tiếp vào tĩnh mạch hiệu quả ngay từ 3-5 phút đầu tiên đối với những cơn đau quặn thận mà không đáp ứng với các biện pháp giảm đau thông thường. Theo phác đồ thì pha Lidocain 120 mg trong 100 ml nước muối sinh lý cho chảy liên tục trong vòng 10 phút để điều trị đau cho người bệnh.
2.2. Thuốc giãn cơ, chống co thắt
Thuốc chống co thắt hoặc giảm đau dạng Morphin tiêm tĩnh mạch sẽ được sử dụng để cắt cơn đau do quặn thận khi các thuốc giảm đau nhẹ không có tác dụng.
2.3. Điều trị nhiễm khuẩn bằng kháng sinh
Điều trị nhiễm khuẩn bằng thuốc kháng sinh thường dùng như Ciprofloxacin 200mg tĩnh mạch 2 lọ mỗi ngày hoặc Norfloxacin 2 viên mỗi ngày, chia 2 lần hoặc Ceftriaxon 1g tĩnh mạch 2 lần mỗi ngày nếu có chống chỉ định với Quinolon, áp dụng đối với trường hợp người bị sỏi thận có nhiễm khuẩn đường tiết niệu, sốt hoặc bạch cầu niệu.
2.4. Thuốc lợi tiểu
Nếu cơn đau quặn thận xảy ra do sỏi thận mà kích thước của sỏi còn nhỏ thì có thể sử dụng thêm thuốc lợi tiểu nhóm Thiazid như Hydrochloro thiazid, Bendroflumethiazide, Chlorthalidone để sỏi theo đường tiết niệu trôi ra ngoài.
Tóm lại, khi có cơn đau sỏi thận dữ dội, người bệnh không được tự ý điều trị tại nhà mà cần phải cấp cứu tại bệnh viện để bác sĩ chuyên khoa phân biệt, kết luận chính xác nguyên nhân, thực hiện xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh để điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm.
Để đặt lịch hẹn tại viện, Quý khách vui lòng gọi đến HOTLINE hoặc thực hiện đặt lịch trực tuyến TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động qua ứng dụng MyMytour để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.