Đời sống độc thân không hề dễ dàng. Dù ta có sống một mình, nhưng xung quanh vẫn có gia đình, bạn bè và đồng nghiệp. Thực tế thường là không phải lúc nào sự quan tâm cũng được thể hiện đúng lúc.
“Bố mẹ lo lắng cho con như vậy, vì thế con cũng nên tuân thủ theo ý kiến của bố mẹ”
“Anh đã quan tâm em như vậy, vì vậy em nên nghe theo lời khuyên của anh”
“Trước đây tôi đã giúp đỡ bạn, vậy tại sao bây giờ bạn không giúp tôi”
Kết quả của những cuộc trò chuyện này không mang lại niềm vui. Và vấn đề đến từ các mối quan hệ khiến cho cảm xúc, tinh thần, và năng lượng của chúng ta giảm sút không kiểm soát. Một số lần có thể bỏ qua được, nhưng về lâu dài, chúng sẽ trở thành những rào cản vô hình đối với hành vi và quyết định của chúng ta.
Chúng ta có thể thực hiện bất kỳ điều gì mà người khác đã từng làm được (cả về thể chất lẫn tinh thần). Tuy nhiên, chúng ta thường bị hạn chế bởi nỗi sợ hãi và rào cản tâm lý từ những kinh nghiệm trong quá khứ hoặc trong các mối quan hệ hiện tại.
Vậy thì liệu chúng ta có nên quan tâm đến người thân không?
Trước khi trả lời câu hỏi trên, hãy tự hỏi: Tại sao chúng ta lại quan tâm đến người khác?
Có hai lý do khiến chúng ta làm điều này:
1. Chúng ta mong muốn là một phần của một cộng đồng, vì khi ở trong một cộng đồng sẽ cảm thấy an toàn.
2. Sự quan tâm của chúng ta đối với người khác càng lớn thì bản thân chúng ta càng tự tin, cảm thấy có giá trị hơn.
Hai lý do này làm tăng khả năng sinh tồn của mỗi người chúng ta.
Tuy nhiên, có một ranh giới mờ nhạt giữa sự quan tâm và sự kiểm soát. Khi chúng ta quan tâm quá nhiều và kỳ vọng về sự quan tâm đó mang lại lợi ích hoặc đạt được kết quả gì, thì đó chính là sự kiểm soát.
Bản năng của con người không phân biệt được ranh giới giữa điều tốt và xấu. Giống như việc cơ thể chúng ta khi ăn đồ có đường thì càng ăn càng muốn nhiều hơn, nhưng khi ăn quá nhiều đường sẽ gây bệnh. Tức là cơ thể cảnh báo bằng cách bị bệnh. Tất nhiên chúng ta không muốn phải bị bệnh mới bắt đầu giảm ăn đồ ngọt.
Cũng giống như việc chúng ta không muốn mối quan hệ tan vỡ rồi mới phải học cách làm lại.
Chúng ta có thể luôn tự nhủ rằng việc quan tâm và muốn người khác làm theo ý mình là vì muốn điều tốt cho họ. Nhưng thực tế, chúng ta ít khi hỏi xem họ có cần chúng ta giúp đỡ không. Thực ra, đôi khi họ chỉ cần một người lắng nghe.
Nghe có vẻ dễ, nhưng thực hiện mới khó.
Khi chúng ta ở bên ngoài, dễ dàng đánh giá gia đình của người khác, nói rằng không nên bắt con cái phải học điều này, điều kia, hoặc phải đi vào trường này, trường khác.
Tuy nhiên, khi chúng ta ở trong các mối quan hệ như người yêu, vợ chồng, đồng nghiệp, bạn bè, thì thường muốn 'quan tâm' họ theo cách của chúng ta, chứ không phải theo cách mà họ thực sự cần.
Nhiều lúc sự 'quan tâm' đó dần dần trở thành sự kiểm soát mà không hề hay biết.
Quyết định của chúng ta có thể đã dẫn đến một kết quả đúng. Nhưng điều đó không có nghĩa là quyết định đó cũng đúng với người khác.
Vì quyết định đúng hay sai còn phụ thuộc vào bối cảnh và thời điểm mà chúng ta đưa ra quyết định. Và kết quả đúng hay sai đều phản ánh thế giới quan của chúng ta, không phải của một thánh nhân nào.
Cái sự 'đúng' của chúng ta thường chỉ là do ý chí của bản thân, không phải dựa trên lý trí.
Hơn nữa, sự 'quan tâm' thường đi kèm với mong muốn. Khi chúng ta luôn nhớ đến sự 'quan tâm' đó bằng cách mong đợi sự đáp lại trong tương lai, liệu đó có phải là quan tâm thực sự đến người khác hay chỉ là tập trung vào bản thân?
Hoặc khi chúng ta dành toàn bộ sức khỏe và thời gian để kiếm tiền, không suy nghĩ đến bố mẹ, thì khi chúng ta ốm đau, bệnh tật, không chỉ chính chúng ta mà cả bố mẹ cũng phải chịu khổ, mất thời gian, và tiền bạc. Vậy liệu chúng ta có đang quan tâm đúng cách không?
Tuy nhiên, đôi khi chúng ta cần phải trải qua những mối quan hệ tan vỡ để nhận ra bài học. Nhưng quan trọng là khi nhận ra, chúng ta cần nhớ nhắc bản thân, bởi mỗi mối quan hệ đều có giá trị và cần được trân trọng.
Sự quan tâm đúng cần phải có một trong ba yếu tố sau:
+ Người khác mong muốn nhận được sự quan tâm từ bạn
+ Quan tâm là sự chân thành mà không cần mong đợi đáp lại
+ Biết quan tâm đến bản thân cũng là cách để quan tâm đến người khác
Mối quan hệ, như tôi đã nói, là một yếu tố không thể thiếu đối với con người. Nhờ vào cộng đồng mà con người phát triển đến ngày hôm nay, và tình yêu thường khiến con người sẵn lòng làm mọi thứ, thậm chí hy sinh bản thân. Nhưng mối quan hệ cũng là nơi giới hạn sự tự do của con người, là nơi xuất phát của nhiều vấn đề về cảm xúc và tâm lý.