Tại sao nên áp dụng các hoạt động giao tiếp khi luyện nói IELTS Speaking Part 3?
Trong phần thi IELTS Speaking Part 3, thí sinh sẽ được hỏi những câu hỏi có liên quan đến chủ đề của Part 2 trước đó. Tuy nhiên, khác với 2 Part trước, người dự thi IELTS được yêu cầu thảo luận ý kiến về vấn đề một cách chuyên sâu và mở rộng hơn. Độ khó của phần thi cuối cùng này cũng chính vì thế cao hơn vì thí sinh cần có một vốn kiến thức cơ bản tốt, lập luận chặt chẽ, sắp xếp ý tưởng hợp lí để đưa ra câu trả lời thuyết phục với người nghe, trong trường hợp này là giám khảo.
Từ đó có thể thấy rằng việc trau dồi vốn kiến thức về các vấn đề xã hội là cần thiết khi chuẩn bị cho phần thi nói IELTS Speaking Part 3. Đồng ý rằng mục tiêu của kì thi IELTS nói chung và phần thi IELTS Speaking nói riêng là để kiểm tra khả năng ngôn ngữ chứ không phải kiểm tra kiến thức của thí sinh. Tuy nhiên, nếu người dự thi không có một nền tảng kiến thức cơ bản nhất định về đời sống xã hội, hoặc không thường xuyên theo dõi các bản tin thời sự, thì việc đưa ra câu trả lời đủ sức thuyết phục với giám khảo trong thời gian ngắn là vô cùng khó khăn. Bà Pauline Cullen, cố vấn chuyên môn tại Đại học Cambridge, tác giả của những đầu sách IELTS nổi tiếng khắp thế giới, đồng thời cũng chính là một trong những chuyên gia viết đề thi IELTS, đã chia sẻ rằng: “Your ideas will come from your knowledge and experience of the world, so reading widely is a good idea. Keeping up with the current affairs can help counteract any lack of first-hand experience.” (Cullen, 2020) Tạm dịch: “Ý tưởng của chúng ta đến từ kiến thức và trải nghiệm về thế giới, vì thế việc đọc đa dạng là môt ý kiến hữu ích. Cập nhật về các tin tức thời sự sẽ giúp chúng ta đương đầu với những trải nghiệm lần đầu tiên.”
Chính vì thế, các hoạt động hội thoại được tác giả khai thác ở phần sau nghiên cứu như discussion in groups, pairs (bàn luận theo nhóm đôi trở lên), debate (tranh luận), ranking ideas (xếp hạng ý kiến) trong khi luyện tập IELTS Speaking Part 3 sẽ góp phần thúc đẩy quá trình trao đổi kiến thức, kinh nghiệm giữa các thành viên trong nhóm, từ đó giúp người dự thi trả lời các câu hỏi trong phần thi Speaking Part 3 này dễ dàng hơn.
Cách thực hiện các hoạt động đối thoại luyện tập trong IELTS Speaking Part 3
Bài thảo luận (Discussion cards)
Thay vì thực hành các dạng câu hỏi dưới hình thức đơn thuần là giáo viên hỏi và học viên trả lời, hoạt động thảo luận nhóm trước khi đưa ra câu trả lời sẽ giúp học viên học hỏi các ý tưởng lẫn nhau giữa các thành viên trong nhóm, từ đó đánh giá, sắp xếp để đưa ra câu trả lời hợp lí, thuyết phục hơn cho câu hỏi ở Part 3.
Hoạt động thảo luận sau đây được tác giả mô phỏng và điều chỉnh thích hợp từ hoạt động Discussion cards trong sách How to teach Speaking (Scott, 2005). Đối với hoạt động này, giáo viên sẽ chuẩn bị sẵn các bộ câu hỏi giống nhau trên giấy và phát cho từng nhóm học viên trong lớp (một nhóm có thể từ 3 tới 5 học viên).
Một bộ câu hỏi cho một nhóm có thể bao gồm 3 câu hỏi Part 3 về chủ đề Hotels (Cambridge, 2020) như sau:
- Tại sao một số người không thích ở lại khách sạn?
- Bạn có nghĩ việc ở lại một khách sạn sang trọng là lãng phí tiền không?
- Bạn có nghĩ công việc khách sạn là một sự nghiệp tốt trong đời?
Trong mỗi nhóm, học viên sẽ lần lượt chọn một câu hỏi và thảo luận trong nhóm. Nếu học viên cảm thấy khó khăn khi đưa ra lập luận cho câu hỏi đầu tiên, họ hoàn toàn có thể chuyển sang câu hỏi thứ 2 và thứ 3 để thảo luận trước và quay lại câu hỏi số 1 sau đó. Trong quá trình thảo luận, giáo viên có thể chỉ định một thư kí trong nhóm để ghi chú câu trả lời, cũng như theo dõi các nhóm, cung cấp từ vựng, ý tưởng hay chỉnh sửa ý về mặt logic. Giáo viên nên đặt ra thời gian phù hợp cho hoạt động này và không nhất thiết phải chờ tất cả các nhóm hoàn thành tất cả 3 câu hỏi.
- Đối với các lớp trình độ thấp (học viên với mục tiêu điểm IELTS là 6.0 trở xuống), trước khi sử dụng thẻ thảo luận, giáo viên có thể cung cấp một cấu trúc câu trả lời cụ thể để học viên tham khảo và phát triển ý tưởng.
Ví dụ: Bày tỏ quan điểm → Đưa ra lý do → Cung cấp ví dụ → Bàn luận mặt trái của vấn đề → Kết luận. - Đối với các lớp có trình độ cao hơn, giáo viên có thể khuyến khích học viên tự đặt thêm 1 câu hỏi khác trong chủ đề khách sạn và tham gia trao đổi với các nhóm khác.
Thảo luận tranh luận (Debate)
Các câu hỏi mang tính tranh luận đòi hỏi người dự thi đề cập về cả hai mặt của một vấn đề cũng vô cùng phổ biến trong phần thi nói IELTS Speaking Part 3. Ứng dụng hoạt động tranh luận trong việc luyện tập sẽ giúp học viên mở rộng kiến thức từ việc lắng nghe, đánh giá ý kiến của các thành viên khác, từ đó tự đánh giá, chỉnh sửa và cải thiện các luận điểm của bản thân.
Dưới đây là một số câu hỏi mang tính tranh luận được tổng hợp từ sách Cambridge IELTS 15
- Bạn có tin rằng những lợi ích của một xã hội tiêu thụ lớn hơn nhược điểm?
- Bạn đồng ý hay không đồng ý rằng nhiều người trẻ hôm nay muốn trở nên nổi tiếng?
- Bạn đồng ý hay không đồng ý rằng không còn phát hiện khoa học lớn nào còn lại để làm?
Lấy câu hỏi số 1 làm ví dụ, hoạt động tranh luận dưới đây được mô phỏng và chỉnh sửa từ hoạt động “Debate a blood sports” trong cuốn Intercultural Language Activities (Corbett, 2010) để phù hợp với việc dạy Speaking IELTS Part 3. Giáo viên chia lớp thành 2 nhóm lớn: nhóm A và nhóm B. Lớp có thể chia thành các nhóm nhỏ từ 3 đến 4 học sinh sau đó. Trong đó, các thành viên trong nhóm A được yêu cầu ủng hộ quan điểm “a consumer society” – một xã hội tiêu dùng, nhóm B sẽ thảo luận về tác hại của xã hội này. Trong quá trình học sinh thảo luận, giáo viên có thể hướng dẫn, cung cấp các đường link giúp cho việc truy thông tin trên mạng dễ dàng hơn.
Sau khi học viên hoàn tất việc thảo luận, quá trình tranh luận có thể được diễn ra như sau:
- a) Mời 1 thành viên của nhóm A trình bày về 1 lợi ích của xã hội tiêu thụ.
- b) Các thành viên của nhóm B đặt câu hỏi về những điểm yếu của luận điểm.
- c) Mời 1 thành viên của nhóm B trình bày về hại của xã hội tiêu thụ.
- d) Các thành viên của nhóm A đặt câu hỏi về những điểm yếu của luận điểm.
- e) Người thứ 2 trong nhóm A đề xuất ý kiến.
- f) Người thứ 2 trong nhóm B đề xuất ý kiến.
- g) Cả lớp đặt câu hỏi cho hai người này về quan điểm của họ.
- h) Học viên trong lớp điền vào phiếu bầu để trả lời câu hỏi “Bạn có tin rằng lợi ích của một xã hội tiêu thụ lớn hơn nhược điểm của nó hay không?” dựa trên phần thể hiện của 4 học viên đã trình bày.
Phiếu vote được tác giả thiết kế dựa trên bảng đánh giá hoạt động thảo luận “Debate on blood sports” (Corbett, 2010) có hình thức như sau:
Debate on a consumer society
Debate score card: 1= weak; 5 = excellent
|
Người ủng hộ 1 |
Người ủng hộ 2 |
Người không ủng hộ 1 |
Người không ủng hộ 2 |
Strength of argument (Độ thuyết phục) |
|
|
|
|
Ability to deal with questions (Khả năng trả lời câu hỏi phản biện) |
|
|
|
|
Style Phong cách (ngữ điệu, phát âm) |
|
|
|
|
Điểm tổng |
|
|
|
|
- Ưu điểm của hoạt động: Giúp học viên phát triển khả năng đánh giá vấn đề từ nhiều góc độ. Quá trình giảng dạy và thực hành các câu hỏi Phần 3 trở nên phong phú và sôi nổi hơn thông qua tranh luận.
- Nhược điểm: Việc chuẩn bị trước khi lên lớp tốn nhiều thời gian của giáo viên. Đồng thời, giáo viên cũng phải cân nhắc việc phân chia thời gian một cách hợp lý khi lên kế hoạch giảng dạy vì hoạt động này chiếm phần lớn thời gian của buổi học.
Hoạt động xếp hạng (Ranking activity)
Trong phần thi IELTS Speaking Part 3, các dạng câu hỏi mang tính chất liệt kê bắt đầu bằng “What” xuất hiện rất nhiều ở hầu hết các chủ đề, ví dụ với chủ đề Skills ta có câu hỏi: What skills are needed to be a successful hotel manager? Thay vì chỉ đơn thuần liệt kê, nêu ra các yếu tố đáp ứng câu hỏi, điều mà rất nhiều học viên trình độ thấp thường lựa chọn, hoạt động xếp hạng các yếu tố này sẽ giúp học viên nêu ra được lí do tại sao họ lại chọn các yếu tố đó.
Một số câu hỏi dạng liệt kê được tác giả trích dẫn từ Cambridge IELTS 15 và IELTS Speaking Actual Test and Suggested Answers có nội dung như sau:
- Bạn nghĩ những phát hiện khoa học quan trọng nhất trong 100 năm qua là gì?
- Những kỹ năng nào cần thiết để trở thành một quản lý khách sạn thành công?
- Những phẩm chất nào một giáo viên/ nhà báo cần có?
- Những yếu tố nào quan trọng khi mọi người chọn khách sạn?
- Những người nào có thể trở nên thành công?
Với câu hỏi IELTS Speaking Part 3 “What qualities should a teacher have?”, giáo viên có thể thiết kế thành một hoạt động ranking activity như dưới đây
A good school teacher of English should have the following qualities. Can your group agree together in what order of priority you would put them? |
|
Sense of humour Honesty Love of children Fairness Flexibility Intelligence |
Enthusiasm for teaching Pleasant appearance Knowledge of English Ability to create interest Ability to keep order Clear speaking voice |
Lấy ý tưởng từ hoạt động “Ranking” từ sách A course in English Language Teaching (Ur, 2012)
Cách 1: Làm việc theo nhóm
Giáo viên yêu cầu học viên làm việc theo nhóm, sắp xếp các yếu tố trong bảng theo thứ tự giảm dần về độ quan trọng. Giáo viên nên đưa ra thời gian hợp lí cho hoạt động trên và sau khi các nhóm đã thống nhất ý kiến, giáo viên có thể yêu cầu một thành viên trong nhóm báo cáo trước lớp về các thứ hạng mà nhóm đã quyết định. Bên cạnh đó, các thành viên trong lớp hỏi thêm các follow up questions (câu hỏi kéo theo) nếu như họ muốn dựa trên thứ hạng mà nhóm trình bày.
Cách 2: Làm việc cá nhân
Học viên có thể tiến hành xếp hạng cá nhân, từ luận điểm họ đồng ý nhất tới ý tưởng họ cho là không đúng nhất. Giáo viên nên yêu cầu học viên ghi số kế bên lựa chọn được đưa ra trong danh sách. Sau khi học viên đã xếp hạng các đáp án, học viên được yêu cầu so sánh bảng xếp hạng của mình với thành viên khác trong lớp và giải thích vì sao họ lại lựa chọn như vậy (ví dụ: vì sao yếu tố honesty (sự chân thành) thì quan trọng hơn yếu tố (sense of humour) trong những phẩm chất cần có của người giáo viên. Học viên cũng có thể thay đổi thứ hạng sau khi trao đổi với các thành viên khác trong lớp.
Lời tổng kết
References
Cambridge. (2020). Cambridge IELTS 15. Cambridge University Press.
Corbett, J. (2010). Intercultural Language Activities. Cambridge University Press.
Cullen, P. (2020). The Key to IELTS Writing task 2. Cullen Education LTD.
Thornbury, S. (2005). How to teach Speaking. Pearson Education.
Ur, P. (2012). A course in English Language Teaching. Cambridge University Press.
Yu, S. (2013). IELTS Speaking Actual Tests and Suggested answers. NXB Tổng Hợp TPHCM.
Tuyết Trâm – Giảng viên tại Mytour