Phần 3 của đề thi nghe TOEIC là phần thi chiếm số câu nhiều nhất trong cả đề thi nghe (chiếm 39 câu trên tổng số 100 câu). Cũng vì lí do này, để có thể đạt điểm số cao trong kì thi, người học cần tìm hiểu kĩ về nội dung phần thi và có kế hoạch luyện tập phù hợp. Có nhiều dạng câu hỏi chính trong phần 3, mỗi dạng câu hỏi sẽ có cách tiếp cận không giống nhau. Ở bài viết này, tác giả sẽ giới thiệu đến người đọc 2 dạng câu hỏi chính: câu hỏi về thông tin chung và thông tin chi tiết. Đây cũng là 2 dạng câu hỏi căn bản nhất mà người học cần quan tâm khi bắt đầu tìm hiểu về phần 3 của đề thi TOEIC.
Key takeaways:
Phần 3 của đề thi TOEIC LISTENING kiểm tra khả năng nghe hiểu của thí sinh về nguyên nhân, mục đích, nội dung căn bản của các tình huống hội thoại.
Có 4 dạng câu hỏi chính ở phần 3: câu hỏi về thông tin chung, câu hỏi về thông tin chi tiết, câu hỏi ngụ ý, câu hỏi liên quan đến bảng biểu, biểu đồ. Bài viết giới thiệu về 2 dạng câu hỏi đầu tiên trong 4 dạng câu hỏi kể trên.
Câu hỏi về thông tin chung yêu cầu thí sinh phải hiểu được nội dung tổng quát của tình huống hội thoại và thông tin trả lời cho câu hỏi này thường có ở phần mở đầu cuộc trò chuyện.
Câu hỏi về thông tin chi tiết đòi hỏi thí sinh phải nghe hiểu được một thông tin cụ thể trong đoạn hội thoại. Những câu hỏi này thường bắt đầu với từ hỏi Wh- và thông tin thường xuất hiện ở phần giữa, đôi khi là phần cuối đoạn hội thoại.
Bài viết sẽ phân tích từng dạng câu hỏi, bao gồm: đặc điểm dạng bài, dạng thức câu hỏi, phương pháp làm bài và những ví dụ ứng dụng.
Tổng quan về Phần 3 của đề thi TOEIC Listening
Mỗi tình huống hội thoại bao gồm 3 câu hỏi, mỗi câu hỏi gồm 4 phương án lựa chọn (A), (B), (C), (D). Nhiệm vụ của thí sinh là chọn câu trả lời đúng nhất cho từng câu hỏi dựa vào nội dung đoạn hội thoại được nghe.
Phần 3 có tổng cộng 39/100 câu hỏi (tương ứng với 13 đoạn hội thoại), chiếm số câu nhiều nhất trong đề thi nghe. Phần 3 bao gồm các dạng câu hỏi chính:
• Câu hỏi về thông tin chung
• Câu hỏi về thông tin chi tiết
• Câu hỏi ngụ ý
• Câu hỏi có liên quan đến bảng biểu, biểu đồ.
(Đề thi mẫu được trích từ sách ETS TOEIC 2021)
Dạng câu hỏi về thông tin chung (Main idea questions)
Đặc điểm của loại bài
Câu hỏi về thông tin chung yêu cầu thí sinh phải hiểu được nội dung tổng quát của tình huống hội thoại. Dạng câu hỏi này chiếm từ 8-11 câu trên tổng số 39 câu của cả phần 3. Mỗi đoạn hội thoại thường có một câu hỏi dạng này, được xuất hiện đầu tiên trong bộ 3 câu hỏi của mỗi đoạn.
Câu hỏi về thông tin chung thường hỏi về: nội dung chính, chủ đề (topic); nguyên nhân, mục đích (purpose); nghề nghiệp/chức vụ của người nói (job/occupation); địa điểm (location).
Các dạng thường gặp của câu hỏi
Hỏi về ý chính/chủ đề của cuộc trò chuyện
What are the speakers (the man and the woman) talking about?
What are the speakers (the man and the woman) discussing?
What topic/subject is being discussed?
What is being celebrated?
Hỏi về nguyên nhân/ mục đích diễn ra cuộc trò chuyện
Why is the conversation taking place?
Why is the man/ woman calling?
Why does the woman want to talk to the man?
What is the purpose of the telephone call?
Hỏi về chức vụ, nghề nghiệp của người tham gia trò chuyện
Who is the man/the woman?
Who are the speakers?
What is the man’s/woman’s occupation/job
Hỏi về địa điểm diễn ra cuộc trò chuyện
Where are the speakers?
Where do the speakers probably work?
Where do the conversations probably take place?
Where does the man/the woman probably work?
Where most likely are the speakers?
Lưu ý: phần gạch dưới giúp người học đọc lướt nhanh để xác định dạng câu hỏi.
Phương pháp tiếp cận
Người học có thể tiếp cận dạng câu hỏi này theo các bước sau:
Đọc lướt nhanh câu hỏi để nắm yêu cầu đề bài và xác định dạng câu hỏi.
Đọc các phương án và lưu ý những từ khóa quan trọng.
Liên tưởng đến ngữ cảnh có thể xảy ra của bài hội thoại dựa vào các từ khóa.
Lắng nghe đoạn hội thoại và chọn đáp án phù hợp.
Thông tin để trả lời cho dạng câu hỏi này thường sẽ được tìm thấy ở phần chào hỏi, giới thiệu mở đầu cuộc trò chuyện, là lời thoại thứ nhất hoặc thứ 2 của các đối tượng tham gia cuộc hội thoại.
Đối với câu hỏi về nghề nghiệp/chức vụ, người nói trong nhiều trường hợp không trực tiếp giới thiệu, đề cập đến công việc của mình mà thông tin được suy ra từ các mô tả có liên quan như nơi làm việc hoặc các công việc, nhiệm vụ phải làm. Ví dụ, nếu đối tượng trong bài hội thoại nhắc đến những công việc như tuyển dụng, đào tạo nhân viên thì thí sinh đoán biết rằng người này có thể là nhân viên ở phòng nhân sự.
Áp dụng vào phân tích các mẫu bài tập
Dưới đây là ví dụ mẫu trích từ sách ETS 2021.
Câu hỏi: Who most likely is the man?
(A) A supermarket manager
(B) An appliance store employee
(C) An ice-cream shop owner
(D) A real estate agent
Áp dụng phương pháp làm bài
1. Đọc lướt nhanh câu hỏi để nắm yêu cầu đề bài và xác định dạng câu hỏi: Đây là dạng câu hỏi về thông tin chung, hỏi về nghề nghiệp của một đối tượng trong bài hội thoại.
2. Đọc các phương án và lưu ý những từ khóa quan trọng: cả 4 phương án đều là những cụm từ miêu tả nghề nghiệp nhưng ở 4 ngành nghề khác nhau, người học có thể bỏ qua các mạo từ (a/an), tập trung vào những ngành nghề chính.
3. Liên tưởng đến ngữ cảnh có thể xảy ra của bài hội thoại dựa vào các từ khóa: Như đã đề cập ở trên, người nói thường sẽ không đề giới thiệu trực tiếp vị trí nghề nghiệp của mình, vì vậy người học cần suy đoán thông tin này dựa vào nơi họ làm việc hoặc công việc họ sẽ làm.
(A) Dựa vào từ khóa “supermarket manager” (quản lý siêu thị), thí sinh có thể liên tưởng đến việc người này làm việc tại một siêu thị (có thể nhắc đến tên siêu thị), đảm nhận các nhiệm vụ chính như managing inventories (quản lý kho hàng hóa), recruiting staff (tuyển dụng nhân viên), budgeting (quản lý ngân sách), enforcing safety policies (đảm bảo những quy định an toàn), ordering products (đặt hàng), and analyzing sales performance (phân tích hiệu quả bán hàng)... Ngoài ra, người học có thể nghe được những từ vựng khác liên quan đến siêu thị như customers, shoppers, merchandize, goods, items…
(B) Dựa vào từ khóa “appliance store employee” (nhân viên cửa hàng đồ gia dụng), người học có thể dự đoán sẽ nghe tên cửa hàng hoặc những từ vựng liên quan đến sản phẩm gia dụng phổ biến như oven, electric cooker, refrigerator, washing machine… đồng thời sẽ có những chi tiết liên quan đến công việc mà nhân viên tại cửa hàng này sẽ thực hiện như tư vấn sản phẩm, tiếp nhận phản hồi, bán hàng, hỗ trợ khách hàng…
(C) Với từ khóa “ice-cream shop owner” (chủ cửa hàng bán kem), người học có thể dự đoán các từ vựng liên quan đến “ice-cream” sẽ có thể xuất hiện trong bài hội thoại, bao gồm các hương vị của kem (flavor), các chương trình khuyến mãi, quảng cáo liên quan đến sản phẩm.
(D) Với từ khóa “real estate agent” (nhân viên môi giới bất động sản), người học có thể gợi nhớ đến những công việc mà người nhân viên môi giới đảm nhận như quản lý bất động sản (manage properties), bán (sell), cho thuê (rent), tư vấn bất động sản, …hoặc những từ vựng khác liên quan đến chủ đề này như: building, property, showing, move-in date,…
4. Lắng nghe đoạn hội thoại và chọn đáp án phù hợp: chú ý đến lời giới thiệu mở đầu hoặc lời thoại thứ nhất hoặc thứ 2 của các đối tượng tham gia hội thoại.
Phân tích đoạn hội thoại
M: Welcome to Pavilion Appliance Store. How can I help you? W: Well, the handle on the door of my refrigerator broke off M: Oh, that's not good. If you bought it more than a year ago, it's not going to be covered by the warranty. W: I know—I bought it three years ago. But I can fix it myself... I just need to buy the handle. M: I'm sorry, but we don't sell replacement parts. W: So, do you know of a store that does sell them? M: Well, there is a Web site that sells appliance parts at good prices. You could see if they have what you're looking for. It's called AppliancePartsForYou.com. |
Khi đọc qua lời thoại, người học biết được rằng đây là tình huống hội thoại của một nhân viên bán hàng với một người khách hàng. Người khách hàng trình bày về sản phẩm bị hỏng (broke off) và hỏi về bộ phận thay thế (replacement parts).
Người học nhận thấy rằng câu hỏi hỏi về nghề nghiệp của người đàn ông. Ngay từ lời thoại đầu tiên của người đàn ông, lời chào “Welcome to…” thể hiện địa điểm cuộc hội thoại và tên cửa hàng cũng đã được nhắc đến, chứng tỏ người đàn ông làm việc tại cửa hàng này. Người học có thể dựa vào tên của cửa hàng Pavilion Appliance Store để biết được người này làm việc tại cửa hàng đồ gia dụng, hoặc dựa vào những từ vựng khác liên quan để suy đoán (refrigerator, warranty, buy, sell, replacement parts…)
Từ đó, phương án (B) là đáp án chính xác.
Các câu hỏi chi tiết về thông tin (Detailed questions)
Đặc điểm của loại bài
Câu hỏi về thông tin chi tiết đòi hỏi thí sinh phải nghe hiểu được một thông tin cụ thể trong đoạn hội thoại. Dạng câu hỏi này chiếm từ 19-22 câu trên tổng số 39 câu của phần 3. Mỗi đoạn hội thoại có khoảng 1-2 câu hỏi dạng này và thường được xuất hiện sau câu hỏi về thông tin chung.
Các loại câu hỏi thường xuất hiện
Những câu hỏi về thông tin chi tiết thường bắt đầu với từ để hỏi Wh-, bao gồm: who, what, which, where, when, why và how, dùng để hỏi về con người, vấn đề và ý kiến đề xuất, nơi chốn, ngày giờ, nguyên nhân, ý định và cảm xúc,…
What did the man do on Sunday?
Why does the woman have to stay late at the office tonight?
How long will it take the man to finish the project?
What has been changed recently?
What does the woman/the man ask the man/the woman to do?
What is the woman concerned about?
Lưu ý: những thành phần được gạch dưới giúp cho người học xác định nhanh dạng câu hỏi và nội dung quan trọng mà câu hỏi yêu cầu.
Hướng tiếp cận cụ thể
Người học có thể áp dụng tương tự các bước tiếp cận ở dạng câu hỏi về thông tin chung cho dạng câu hỏi này.
Ngoài ra, để trả lời câu hỏi về thông tin chi tiết, người học cần phải phân biệt được giọng nói của các đối tượng, xác định đối tượng được hỏi là ai (nam hay nữ) và cần ghi nhớ ai nói cái gì. Bên cạnh đó, người học có thể dựa vào câu hỏi để dẫn dắt phần nghe hiểu của mình. Ví dụ: nếu câu hỏi có When, chú ý lắng nghe thông tin về thời gian (ngày trong tuần, ngày tháng, giờ). Đối với câu hỏi có How hỏi về cảm xúc của ai đó, tập trung nghe những từ thể hiện cảm xúc, thái độ (annoying, wonderful, concerned, worry,…).
Hầu hết các thông tin để trả lời cho dạng câu hỏi này thường xuất hiện ở phần giữa đoạn hội thoại. Tuy nhiên, với câu hỏi về hành động hoặc sự việc xảy ra tiếp theo (ví dụ: What will the woman most likely do next?), thông tin xuất hiện ở phần cuối đoạn hội thoại.
Sử dụng trong việc phân tích các bài tập mẫu
Dưới đây là câu hỏi tiếp theo trong nhóm câu hỏi của đoạn hội thoại đã được ví dụ ở trên.
Câu hỏi: What problem does the woman mention?
(A) An invoice is incorrect.
(B) An item is broken.
(C) A document is missing.
(D) A product is too expensive.
Áp dụng phương pháp làm bài một cách hiệu quả:
1. Đọc lướt nhanh câu hỏi để nắm yêu cầu đề bài và xác định dạng câu hỏi: đây là câu hỏi về thông tin chi tiết, hỏi về vấn đề mà người phụ nữ đề cập với các từ khóa “what problem”, “woman”, “mention”.
2. Đọc các phương án và lưu ý những từ khóa quan trọng: người học bỏ qua những từ chức năng không quan trọng như mạo từ, trợ động từ, tập trung vào những từ thể hiện ý nghĩa như danh từ, động từ, tính từ.
3. Liên tưởng đến ngữ cảnh có thể xảy ra của bài hội thoại dựa vào các từ khóa.
(A) Với từ khóa “invoice”, “incorrect”, người học liên tưởng đến tình huống một hóa đơn bị sai thông tin, có thể sai về số lượng món hàng, giá cả, hoặc một khuyến mãi chưa được áp dụng cho tổng giá.
(B) Với từ khóa “item”, “broken”, người học biết rằng một món hàng đã bị hư hại và có thể người nói sẽ tìm người người sửa chữa, bảo hành, hoặc mua mới.
(C) Từ khóa “document”, “missing” nói đến một tài liệu bị mất, hoặc thiếu và có thể người nói đang trong quá tìm kiếm, bổ sung tài liệu đó.
(D) Từ khóa “product”, “expensive” thể hiện ý kiến của người nói về giá cả của một sản phẩm, nó quá cao so với dự tính của người nói, từ đó có thể dẫn đến quyết định mua hay không, hoặc lựa chọn một sản phẩm khác…
4. Nghe đoạn hội thoại và chọn câu trả lời thích hợp.
Phân tích các đoạn hội thoại:
M: Welcome to Pavilion Appliance Store. How can I help you? W: Well, the handle on the door of my refrigerator broke off. M: Oh, that's not good. If you bought it more than a year ago, it's not going to be covered by the warranty. W: I know—I bought it three years ago. But I can fix it myself... I just need to buy the handle. M: I'm sorry, but we don't sell replacement parts. W: So, do you know of a store that does sell them? M: Well, there is a Web site that sells appliance parts at good prices. You could see if they have what you're looking for. It's called AppliancePartsForYou.com. |
Vì câu hỏi đề cập đến vấn đề mà phụ nữ nói về, người học cần tập trung vào câu trả lời thường xuất hiện trong lời thoại của phụ nữ. Trong lời thoại thứ hai, phụ nữ đề cập đến một phần của tủ lạnh (tay nắm cửa: the handle of the door) đã bị 'broke off' (hỏng), tương đương với câu trả lời (B) An item is broken, do đó đây là câu trả lời đúng. Ngoài ra, người học có thể dựa vào những thông tin liên quan mà nam giới nói về chính sách bảo hành hoặc mong muốn mua một phần thay thế từ phụ nữ để suy đoán câu trả lời.
Người học cần chú ý đến cụm từ “the handle of the door” trong lời thoại đã được thay thế bằng “an item” trong câu trả lời, và cụm động từ “broke off” được thay bằng “be broken”, đây là cách diễn đạt tương đồng và đã được sử dụng ngày càng phổ biến trong các bài thi.